Anh bị bệnh đau tim nên được miễn giảm lao động và tập quân sự. Cuối năm thứ nhất, anh đã định bỏ học vì căn bệnh quái ác này, nhưng bạn bè khuyên nên anh ở lại. Nom dáng vẻ bề ngoài anh nghiêm nghị, khắc khổ nhưng nói chuyện mới biết anh am hiểu bao chuyện đời, chuyện văn với một tâm hồn lãng mạn. Thời sinh viên chúng tôi, nghèo nhưng thích ăn diện, cha mẹ cho đồng nào là để dành may quần áo mới. Còn anh, suốt 4 năm đại học chỉ thấy mặc những chiếc áo cũ sờn. Mùa đông rét giá ở Đại Từ, Thái Nguyên nơi sơ tán hay đầu xuân se lạnh ở ngoại ô Mễ Trì Hà Nội, tôi đều thấy anh mặc chiếc áo bộ đội 4 túi đã phai màu. Cánh sinh viên trẻ vô tư như chúng tôi, cứ có thời gian rỗi là quây lại với nhau nói chuyện văn chương, chuyện bạn gái, nhiều khi đùa tếu với nhau vui nổ trời. Còn anh, cuối mỗi buổi chiều lại lặng lẽ đi dạo một mình, hai nắm tay chắp sau lưng như một kẻ lữ hành cô đơn. Thỉnh thoảng trên báo tường của lớp, tôi đọc những bài thơ của anh, già dặn hơn thơ sinh viên chúng tôi thời ấy. Sinh viên chúng tôi, nói chuyện với các thầy lúc nào cũng dè dặt. Còn anh, nói chuyện với các thầy cứ thấy rất thoải mái, tự tin.
Ra trường, chúng tôi vào đời mỗi người một ngả. Tôi vào chiến trường Khu 5 làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, còn anh về quê công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An. Kết thúc chiến tranh, tôi về công tác tại Đài truyền hình tỉnh, chưa đầy hai năm lại được điều động vào quân đội trong chiến dịch "chống Tàu". Ngày ra quân gặp lại anh, câu đầu tiên anh nói với tôi là: "Chú phải về ngành văn hóa". Phải sau 18 năm cùng sống và làm việc với anh, tôi mới hiểu tại sao ngày ấy anh lại nói với tôi như vậy. Nghe theo lời khuyên của anh, tôi từ giã Đài Truyền hình để về làm việc với anh trong ngành văn hóa. Gần 20 năm cống hiến cho ngành, anh chỉ làm cán bộ chuyên môn, không giữ một cương vị lãnh đạo, quản lý nào dù chỉ là trưởng hay phó phòng. Khi thành lập Nhà xuất bản Nghệ An, nhiều người nghĩ rằng Lê Thái Sơn sẽ có đất "dụng võ" vì anh có chuyên môn biên tập và am hiểu công tác xuất bản. Nhưng ai cũng tiếc cho anh vì lúc đó anh chưa phải là đảng viên. Không làm lãnh đạo nhưng anh được giao những công việc chuyên môn quan trọng: chỉ đạo phong trào văn nghệ quần chúng, nghiên cứu văn hóa dân gian, quản lý xuất bản, biên tập tạp chí của ngành. Việc nào anh cũng làm tốt nhưng không bao giờ kể công. Anh làm việc vì sở thích chứ không phải để phấn đấu lên chức lên quyền như những người khác. Mà anh có cách làm việc rất lạ. Anh rất ít đến cơ quan, mà có đến cũng ngồi phòng này phòng khác nói chuyện pha trò một lúc rồi về. Họp cơ quan anh ít dự, nhưng đã dự họp là phát biểu những điều mà từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên đều chú ý lắng nghe. Họp phòng chuyên môn, anh đưa ra những ý kiến độc đáo, những ý tưởng mới lạ làm ai cũng thích. Anh rất ít khi vào phòng làm việc của mấy vị lãnh đạo, mà có vào cũng chỉ để châm chọc mấy câu rồi ra. Chả thế mà thời đó, nhiều cán bộ trong ngành văn hóa hiểu lầm là Lê Thái Sơn bất mãn. Nào anh có bất mãn gì đâu. Anh muốn tránh mọi sự ồn ào ở cơ quan, âm thầm suy tư, âm thầm làm việc để rồi với thời gian, anh để lại cho đời những thành quả sáng tạo. Anh thường đi đây đi đó vui với bạn bè như một nghệ sĩ lang thang. Anh hay uống rượu để vui với bạn bè; uống rượu để đọc một bài thơ anh vừa sáng tác, đọc một bài vè, kể một câu chuyện dân gian anh vừa sưu tầm; uống rượu để nói với bạn bè những điều anh tâm đắc, trao đổi với nhau những điều cần suy nghĩ. Cũng từ những cuộc rượu vui bạn vui bè ấy, anh đã khéo léo tập hợp những cán bộ chuyên môn có tâm huyết để trao đổi chuyện nghề nghiệp. Chính tôi cũng nhờ những cuộc rượu "nửa tỉnh nửa say" ấy mà hiểu được nhiều điều về ngành văn hóa để sau này khi làm một cán bộ quản lý của ngành đã có những đóng góp nhất định. Cách nghĩ, cách làm, cách sống với bạn bè của Lê Thái Sơn là vậy. Anh không làm cán bộ công đoàn nhưng rất hiểu hoàn cảnh sống của mỗi người trong cơ quan và đặc biệt quan tâm những người khó khăn, nghèo khổ. Tôi còn nhớ hồi làm tạp chí của ngành, cả cơ quan chỉ có một máy chữ dùng để đánh văn bản hành chính nên bản thảo tạp chí phải thuê đánh ngoài. Anh bảo tôi đi thuê một ông cán bộ nghiệp vụ trong cơ quan, dù ông này không phải là thợ đánh máy chữ chuyên nghiệp. Hóa ra ông này lương thấp, gia đình đông con nên đời sống khó khăn, anh muốn tạo điều kiện để ông có thêm thu nhập dù ít ỏi. Tôi hiểu ra rằng, vì sao anh có một bài thơ nổi tiếng "Thơ vui tặng bạn đạp xích lô". Và anh bạn đạp xích lô này bỗng thành một "nhà thơ xích lô" với nhiều bài thơ rất hay, đã in đến mấy tập thơ. Khi gặp nhà thơ xích lô này, anh thành thật nói với tôi: "Nhờ Lê Thái Sơn mà tôi biết làm thơ". Cả một thời gian dài sống trong ngành văn hóa, Lê Thái Sơn đã âm thầm làm thơ, âm thầm viết truyện, âm thầm nghiên cứu văn hóa dân gian để có một sự nghiệp sáng tạo đầy ấn tượng. Anh có một quan niệm chắc nịch là làm nghề gì phải để lại dấu ấn sáng tạo của nghề đó. Là cử nhân văn khoa nên tôi ít nhiều có khả năng viết. Nhưng tôi mắc căn bệnh ham đọc nhưng lười viết. Bởi vậy, anh thường nhắc nhở tôi: "Chú phải làm gì để lại cho đời chứ". Tôi rất hiểu ý anh. Nhưng muốn làm gì để lại cho đời thì phải có tài, có chí như anh mới làm được. Cái tài và cái chí của anh đã làm nên một Lê Thái Sơn có vị trí trong văn học nghệ thuật. Cái tài và cái chí của anh còn làm nên một Lê Thái Sơn làm văn hóa đầy ấn tượng. Có hai lĩnh vực văn hóa mà anh tâm huyết, để lại nhiều thành quả, đó là nghiên cứu văn hóa dân gian và sáng tác văn nghệ quần chúng.
Cho đến khi về hưu vẫn không thấy anh công bố một công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian nào, mặc dù đây là lĩnh vực anh có nhiều tích lũy. Anh cũng không phải là đồng tác giả trong những công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian do người khác chủ biên. Nhưng anh có một cách làm văn hóa dân gian thật độc đáo mà chỉ có những người sống gần anh mới biết. Anh thường nói với tôi: "Làm văn hóa dân gian mà chỉ sưu tầm, gom nhặt thì không hiểu được cái hồn của văn hóa dân gian". Với quan niệm như vậy, anh đã sống với văn hóa dân gian, tắm hồn mình trong bầu không khí văn hóa dân gian. Suốt cuộc đời làm nghệ sỹ "lang thang" đến miền quê nào anh cũng tìm cho được những nghệ nhân dân gian để nghe đọc vè, kể chuyện, hát ví dặm. Anh không ghi chép nhiều nhưng nhiều bài vè hàng trăm câu anh đều nhớ, nhiều chuyện kể dân gian anh kể lại cho chúng tôi nghe sinh động đến lạ lùng. Hồi đó, tôi với anh cùng một anh bạn khác được giao làm tạp chí của ngành (nay là tạp chí Văn hóa Nghệ An). Hai chúng tôi số nào cũng có một vài bài, còn anh không thấy viết gì cả mà số nào cũng đăng những bài vè, những chuyện kể dân gian, những chuyện cười hiện đại mà anh sưu tầm được. Tôi nhớ mãi "Chuyện ông Mân Nhụy" mà anh sưu tầm ở làng Đông Phái quê anh, đăng nhiều kỳ trên tạp chí của ngành, từ người lớn đến trẻ em đều thích. Anh có những bài viết về văn hóa làng, văn hóa gia đình được nhiều người yêu thích như: "Nham Kẻ Thượng", "Thú chơi non bộ", "Nấu cơm thi trong các hội làng". Anh đặc biệt thú vị với những tác phẩm văn hóa dân gian hiện đại như truyện cười, câu đối, thơ châm. Để đăng tải các tác phẩm này, anh đã cho mở trên tạp chí của ngành hai chuyên mục "Văn hóa cười" và "Văn hóa đó đây". Những chuyện vui, chuyện cười đăng trên hai chuyên mục này được bạn đọc rất yêu thích, ai gặp anh cũng gọi đùa là "ông văn hóa cười". Có những chuyện cười khi đăng, chúng tôi cũng chẳng biết do anh sưu tầm hay tự anh sáng tác. Anh có sở trường làm câu đối và thường ra những vế đối thâm thúy ít người đối được. Không phải là người có vốn Hán học để làm câu đối chuyên nghiệp, nhưng anh có một đôi câu đối để đời: "Thái bình trăm họ dày phúc lộc/ Lạc nghiệp muôn nhà sáng nghĩa nhân". Đôi câu đối này được Công ty Văn hóa phẩm của ngành chọn in hàng vạn bản làm sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán năm đó. Cho đến khi anh đã về hưu, đôi câu đối này vẫn được Nhà Xuất bản Nghệ An tái bản hàng vạn bản phục vụ tết. Anh kể lại rằng, về các làng quê thấy nhiều nhà treo đôi câu đối này trang trọng hai bên bàn thờ mà thấy lòng mãn nguyện. Cách làm văn hóa dân gian và cách sống với văn hóa dân gian của Lê Thái Sơn là vậy. Những tác phẩm văn hóa dân gian, những tư liệu văn hóa dân gian cũng như những chuyên luận thú vị của anh về văn hóa dân gian đều đăng rải rác ở nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tất cả những tác phẩm, tư liệu, bài viết đó nếu tập hợp lại cũng in được một tập sách dày dặn, nhưng không hiểu sao anh đã không làm điều đó. Tôi chỉ thấy tên anh xuất hiện trong các tập "kho tàng ca dao xứ Nghệ" và "kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ", với tư cách là cộng tác viên cung cấp tư liệu. Điều đọng lại ở Lê Thái Sơn không phải là các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian mà là những suy ngẫm và những quan niệm độc đáo của anh về văn hóa dân gian, thể hiện sự thẩm thấu văn hóa dân gian trong tâm hồn anh.
Ngoài Lê Thái Sơn nhà thơ, Lê Thái Sơn làm văn hóa dân gian còn có một Lê Thái Sơn làm văn nghệ quần chúng xuất sắc. Văn nghệ quần chúng được xem là văn nghệ nghiệp dư, bởi vậy sáng tác văn nghệ quần chúng thường là những tác giả không chuyên. Nhưng ở Nghệ An, có một hiện tượng hơi lạ là nhiều văn nghệ sỹ chuyên nghiệp sáng tác cho văn nghệ quần chúng với một niềm đam mê thực sự, trong đó Lê Thái Sơn là người nổi bật. Với một tâm hồn nồng đượm chất dân gian, anh đã gửi gắm lòng mình vào những tác phẩm dân ca đặc sắc. Với nhiều tác giả không chuyên, sáng tác dân ca chỉ đơn giản là soạn lời theo các làn điệu, miễn sao cho xuôi vần dễ hát, nội dung tác phẩm thường được thể hiện một cách khô khan thiếu hấp dẫn. Với Lê Thái Sơn, sáng tác dân ca là thổi hồn vào các làn điệu bằng những câu thơ, đoạn thơ trữ tình giàu chất văn học, hát lên xúc động lòng người. Tác phẩm dân ca của anh được các đội văn nghệ quần chúng dàn dựng dưới nhiều hình thức biểu diễn: hoạt ca, hoạt cảnh, đơn ca, song ca, hát đối đáp. Anh rất thích viết những tác phẩm hát đối đáp dân ca mà nhiều người gọi là "đối ca", gồm một nam một nữ hát đối đáp dân ca với nhau theo những câu chuyện tình tứ, dí dỏm và trữ tình. "Đối ca" của Lê Thái Sơn từng một thời nổi tiếng, được nhiều đội văn nghệ quần chúng đưa đi hội diễn đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Anh còn có một sở trường là làm thơ cho các nhạc sỹ phổ nhạc và làm thơ cho các diễn viên ngâm biểu diễn. Anh gọi đó là thơ ngâm, thơ hát, loại thơ này anh không in thành sách nhưng được nhiều người thuộc. Văn nghệ quần chúng và văn nghệ chuyên nghiệp vốn có một đường biên nghề nghiệp. Có tác giả suốt đời chỉ viết được cho văn nghệ quần chúng, không thể vươn lên thành tác giả chuyên nghiệp. Ngược lại, có tác giả chuyên nghiệp viết cho văn nghệ quần chúng lại khó đi vào lòng quần chúng. Với Lê Thái Sơn, cái đường biên nghề nghiệp ấy không hề có. Anh sáng tác văn học nghệ thuật đạt tính chuyên nghiệp rất cao nhưng vẫn gần gũi quần chúng. Anh sáng tác văn nghệ quần chúng thoải mái, tự nhiên nhưng không hề mang tính nghiệp dư. Với Lê Thái Sơn, đi làm văn hóa dân gian hay đi sáng tác văn nghệ quần chúng đều là thâm nhập cuộc sống để sáng tác văn học. Anh nói rằng, văn hóa dân gian và văn nghệ quần chúng là cái nôi để anh tìm cảm hứng sáng tạo cho những bài thơ. Anh đi đây đi đó vui với bạn bè cũng chỉ để làm thơ và đọc thơ. Nàng thơ đã theo anh đến trọn cuộc đời.
Từ năm 1994, anh sang Hội văn học nghệ thuật tỉnh, vào Ban chấp hành rồi Ban Thường vụ Hội, được giao nhiều trọng trách: Trưởng tiểu ban thơ, Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, hai khóa liền làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội văn học nghệ thuật Nghệ An. Bận rộn với công việc quản lý, nhưng anh vẫn làm thơ, viết truyện, tác phẩm của anh vẫn thấy xuất hiện đều trên các báo. Về hưu anh vẫn bền bỉ cầm bút và tôi chợt nhận ra một điều, thời sinh viên thơ anh già dặn, đến lúc về hưu thơ anh lại rất trẻ và rất mới. Sự nghiệp sáng tác của anh để lại hơn 10 đầu sách được xuất bản và trên 10 giải thưởng có giá trị. Anh đã 3 lần đạt giải Hồ Xuân Hương, là giải thưởng văn học nghệ thuật lớn của tỉnh và 2 lần được Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Thái Sơn có thể có những ý kiến khen, chê khác nhau. Nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ Lê Thái Sơn nhưng cũng có đôi người không hài lòng với tính cách và phương pháp quản lý của anh. Nhưng đọng lại trong tâm trí nhiều người là ấn tượng về một Lê Thái Sơn đầy cá tính, đam mê sáng tạo, rất mực thủy chung với bạn, với nghề, hết lòng vì sự nghiệp chung. Tôi nghĩ, với một văn nghệ sỹ làm công tác quản lý, làm được như anh là quá đủ và quá tốt./.