Cuộc sống quanh ta

'Đừng lạ khi nhiều cán bộ xài bằng giả'

Trò chuyện về vấn nạn đang làm nhức nhối xã hôi, loạn cán bộ xài bằng giả, nữ Giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Hoàng Xuân Sính cho rằng việc rộ lên "phong trào" cán bộ làm bằng giả cho "đẹp hồ sơ", mong thăng quan tiến chức cũng không có gì là lạ. Vì sao?.

 

“Từng có sinh viên tâm sự với tôi, tại trường em ấy học, mỗi kỳ thi, thầy giáo phụ trách môn đã có thể mua được chiếc xe 40 triệu đồng cho vợ. Điểm là điểm giả nhưng nếu bảo em tố thì không thể, vì người chịu hệ lụy sẽ là em. Chính tôi cũng phải mất rất nhiều khoản bôi trơn, nhưng nếu Mặt trận Tổ Quốc bảo tôi tố thì tôi sẽ không làm”.

Câu chuyện trên được bà Hoàng Xuân Sính kể lại khi trò chuyện với Đất Việt về vấn nạn đang làm nhức nhối xã hội: loạn cán bộ xài bằng giả. Tuy nhiên, theo GS TS Hoàng Xuân Sính, việc rộ lên “phong trào” cán bộ làm bằng giả để cho “đẹp hồ sơ”, mong thăng quan tiến chức cũng không có gì là lạ.  

- Qua kiểm tra, rà soát, nhiều địa phương đã phát hiện hàng trăm cán bộ xài bằng giả, trong đó rất nhiều người là bí thư, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, cán bộ ngành giáo dục. Bà suy nghĩ gì khi đón nhận những thông tin như thế?
- Tôi thật sự không lấy gì làm bất ngờ cả. Bởi trong một xã sính bằng cấp, coi trọng bằng cấp thì chuyện này quá bình thường. Tại các cơ quan nhà nước, khi đã phải mua việc bằng tiền, thì thậm chí người nhận hồ sơ sẽ chỉ cho mình cách ăn gian. Chỉ có điều là lãnh đạo cơ quan đó, địa phương đó không biết hoặc biết những vẫn làm ngơ mà thôi. Việc giám sát, thanh tra vẫn có, khi đến thì nói tội nặng lắm, nhưng khi đi thì không có gì cả, vì chỉ là hình thức.

- Hệ lụy của thực trạng đó là gì, thưa bà?

- Hệ lụy là rất lớn, làm người dân rất khổ sở, đi đâu cũng phải có phong bì. Hai nghiên cứu sinh mà tôi đã hướng dẫn từng kêu than rất nhiều về việc khó xin việc làm, đi bất kỳ phòng ban nào cũng phải rải phong bì. Có sinh viên tâm sự với tôi, tại trường em ấy học, mỗi một kỳ thi, thầy giáo phụ trách môn đã có thể mua được chiếc xe máy 40 triệu đồng cho vợ. Điểm là điểm giả đấy, nhưng nếu bảo em ấy tố thì không thể, vì người chịu hệ lụy sẽ là em… Chính bản thân tôi cũng phải mất rất nhiều khoản bôi trơn, nhưng bây giờ nếu Mặt trận Tổ quốc bảo tôi tố thì tôi sẽ không làm. 

Thời gian qua, câu chuyện một số quan chức đi học tiến sĩ chỉ mất có 6 tháng, có bằng tiến sĩ song không biết ngoại ngữ, học thạc sĩ chỉ mất có 40 ngày… đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Điều này có gì bất thường so với việc học tiến sĩ, thạc sĩ ở thế hệ của bà?

- Thế hệ bọn tôi, chưa kể học tiến sĩ mà ngay cả học thạc sĩ cũng cực kỳ vất vả và đặc biệt là rất nghiêm túc. Nhưng càng về sau này, tôi thấy nhiều người học càng ngày càng lười. Thậm chí có những bài luận văn thạc sĩ của không ít người chính là bài của tôi. Nhưng nếu không cho họ đỗ thì họ lại kêu khóc rằng sẽ bị cơ quan sa thải, nên vẫn đành phải cho qua.

Một cậu học trò của tôi, tốt nghiệp khoa Triết của trường Tổng hợp, đã từng tới từ biệt tôi vì không tìm được việc làm. Sau một thời gian gặp lại thấy khá khẩm hơn và cậu ấy nói đã sống bằng nghề làm luận văn tiến sĩ, mà toàn tiến sĩ ngành kinh tế. Cậu  ấy bảo: “Không có gì khó, tất cả đều lơ lớ giống nhau, em cũng đi sao chép từ các luận văn khác, chỉ có điều đổi tên luận án”. Cậu ấy nói rằng, trong những đối tượng thuê làm luận văn có cả tổ chức cơ quan nhà nước. Một thời gian sau, cậu ấy đã tổ chức cả đường dây làm mỗi tuần xong một luận án. Thời gian gần đây, tôi có nghe tin cậu ấy đã được mời làm viện trưởng một viện kinh tế…

- Chứng kiến những câu chuyện như thế, vì sao bà không lên tiếng?

- Thực tế đó, tôi tin ai cũng biết, nhưng chẳng dám nói. Trong đám bầy nhầy, anh nào thế nào tôi đều biết hết, nhưng đều phải im đi để mà sống… Vấn đề này tôi không muốn nói, và không chỉ tôi mà những người trên tôi cũng không nói được. Nhưng từ câu chuyện trên, thì có thể thấy rằng không thể đếm xuể các tiến sĩ ra lò theo kiểu được sự tiếp tay của cậu học trò kia. Không đếm xuể thì cũng chẳng thể nào mà kiểm tra cho xuể.

- Theo bà, thực trạng đó có phải xuất phát từ việc chúng ta đang sống trong một xã hội quá coi trọng bằng cấp, học vị?

- Phải nói thực trạng trên xuất phát từ bệnh hiếu danh. Hiếu danh đều có trong mỗi con người, song đáng buồn là cơ chế của ta lại đang “khuyến khích” căn bệnh này. Một khi ông lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị, thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ, bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn. Còn nếu người lãnh đạo cũng coi một anh tiến sĩ và một anh lao động bình thường đều có những năng lực và đóng góp ngang nhau trên mỗi cương vị, thì tôi nghĩ sẽ chẳng ai khoe cái danh tiến sĩ, thạc sĩ làm gì.

- Trân trọng cảm ơn bà.
Tuyết Trịnh (thực hiện)
 Nguồn Đất Việt(23.8.2010)
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522491

Hôm nay

223

Hôm qua

2325

Tuần này

21265

Tháng này

220430

Tháng qua

121009

Tất cả

114522491