Khách mời văn hóa

Ngành Văn hoá Nghệ An đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Văn hoá Nghệ An, phóng viên Tạp chí Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nghệ An về chặng đường phát triển của ngành Văn hoá trong 65 năm qua. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính của cuộc trao đổi này.

 
Thưa ông! Vậy là ngành Văn hoá đã trải qua chặng đường 65 năm. Xin ông cho biết về sự hình thành và phát triển của ngành trong 65 năm qua?
 Ông Cao Đăng Vĩnh: Trong không khí vui mừng phấn khởi của cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên cáo thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền; ở tỉnh Nghệ An thành lập ủy ban Tuyên truyền (thuộc ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh), đó là tiền thân ngành Văn hóa ngày nay.
Vốn là quê hương cách mạng, Nghệ An có nhiều yếu tố văn hóa mới được bộc lộ từ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, và ngược dòng lịch sử, có thể nói văn hóa Nghệ An thường xuyên gắn với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Suốt hàng ngàn năm ở bất cứ thời đại nào, Nghệ An vẫn là rường cột, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của cả nước.
Tiếp nối truyền thống đó, 65 năm qua, sự nghiệp văn hóa Nghệ An đã bám rễ vào lòng dân và trở thành người bạn đồng hành của các biến cố lịch sử. Sự nhập cuộc rõ nhất cho nền văn hóa mới Nghệ An từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), là hệ thống Ban tuyên truyền được hình thành xuống các địa phương cơ sở. Cán bộ văn hóa, văn nghệ sỹ lúc này không chỉ có mặt ở hậu phương mà còn trực tiếp cầm súng và tham gia hoạt động tiêu thổ kháng chiến, địch vận và dân công hỏa tuyến. ở tỉnh ta trong một năm có 4 người thay nhau làm Trưởng ban Tuyên truyền, và sau đó lần lượt chuyển sang các vị trí quan trọng của Chính quyền tỉnh và Liên khu IV cũ, trong đó có ông Trần Văn Quang sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Các hoạt động tuyên truyền cổ động, ca nhạc, triển lãm, dạ hội văn hóa thời kỳ này diễn ra rầm rộ ở thị xã Vinh và nhiều nơi khác để ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ như: “Tuần lễ vàng”, “Hội chợ Nam bộ”, “Vườn xuân cộng hòa”, “Đoàn quân Nam tiến”… đã thu hút các nghiệp đoàn, các hội quần chúng tham gia quyên góp một cách nhiệt tình và hiệu quả.
Tháng 1- 1946, ở Trung ương thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động. ở Nghệ An thành lập Ty Thông tin Tuyên truyền do nhà văn Bùi Hiển làm Trưởng Ty. Đây là cái mốc quan trọng mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Năm 1955, Bộ Tuyên truyền và Cổ động được đổi tên thành Bộ Văn hóa. ở Nghệ An, Ty Thông tin Tuyên truyền được đổi thành Ty Văn hóa. Đây cũng là sự kiện quan trọng để khẳng định vai trò văn hóa trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Mở đầu cho giai đoạn này, ngành Văn hóa được vinh dự phục vụ Bác Hồ về thăm quê sau 50 năm đi tìm đường cứu nước (9/6/1957).
Những năm 1960, tổ chức bộ máy của ngành được củng cố và phát triển. Nhiều đơn vị trực thuộc Ty lần lượt ra đời như: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khu Di tích Kim Liên, Đoàn Văn công miền núi, Đoàn Kịch nói, Đoàn Chèo, Đoàn Cải lương, Trường Văn hóa nghệ thuật, Xưởng Mỹ thuật nhiếp ảnh…Đội ngũ cán bộ văn hóa văn nghệ được tăng cường về số lượng và chất lượng chuyên môn. Nhiều tác phẩm nổi tiếng trong thời gian này như: vở kịch hát “Cô gái sông Lam “ bài hát “ Tiếng hò trên đất Nghệ Anđã đi vào lòng quần chúng nhân dân. Nhiều nghệ sĩ như Nguyễn Trung Phong, Song Thao, Thanh Xuân vinh dự được hát cho Bác nghe.   
Năm 1976-1991, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, Ty Văn hóa Nghệ An và Ty Văn hóa Hà Tĩnh sáp nhập thành Ty Văn hoá, Thông tin Nghệ Tĩnh. Đến năm 1980, Ty Văn hoá, Thông tin đổi thành Sở Văn hoá Thông tin Nghệ Tĩnh. Tháng 8-1991, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh, ngành VHTT cũng chia tách và Sở VHTT Nghệ An nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy. Tiếp đó Sở VHTT và Sở Thể dục thể thao nhập lại thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Nghệ An. Cuối năm 1993, Sở VHTT-TT lại chia tách thành 2 Sở: Sở VHTT và Sở TDTT như trước đây. Năm 2008, sát nhập các Sở Du lịch, Sở TDTT và Sở VHTT thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chuyển bộ phận Thông tin về Sở Thông tin & Truyền thông.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong chặng đường 65 năm qua?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Có thể nói, chặng đường 65 năm qua, ngành Văn hoá với đội ngũ của mình đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quê hương, đất nước. Trong những năm đầu đất nước mới giành được độc lập, ngành Văn hoá thực hiện nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề là tập trung tuyên truyền “diệt giặc dốt”, “diệt giặc đói” và “diệt giặc ngoại xâm”.
Trong giai đoạn cả nước chống Mĩ, ở Nghệ An nhiều phong trào xuất hiện như: “Tiếng hát át tiếng bom”, “trai 3 sẵn sàng, gái 3 đảm đang”, “vững tay cày, chắc tay súng”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “tất cả cho tiền tuyến”… cán bộ văn hóa lúc này vừa là nghệ sỹ vừa là người chiến sỹ, vừa phục vụ địa phương vừa thay nhau ra hỏa tuyến. Nhiều dấu ấn vàng son của sự nghiệp văn hóa đã được lưu lại trên khắp mọi miền quê.
Đất nước thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Văn hóa Nghệ An cũng nỗ lực tên phong đi đầu cả nước về nhiều lĩnh vực. Đó là xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở theo nguyên tắc quản lý Nhà nước riêng và hoạt động tác nghiệp riêng. Nhà Văn hóa huyện (nay là Trung tâm VHTT-TT) được tách ra khỏi phòng Văn hóa Thông tin huyện hoạt động rất có hiệu quả. Phong trào văn nghệ quần chúng được phát triển mạnh ở cơ sở, các cấp, các ngành. ở đâu cũng có đội văn nghệ hoạt động tự biên tự diễn, được quần chúng nhân dân nuôi dưỡng. Và hiện nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng thấm sâu vào lòng dân. Trong đó, đáng chú ý là phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 77,4% hộ gia đình đạt GĐVH; 45,1% làng, bản , khối, xóm đạt danh hiệu văn hoá; 42% xã, phường, thị trấn có thiết chế VH,TT,TT đạt chuẩn văn hóa quốc gia và có 5 huyện, thị xã đang xây dưng huyện điểm văn hóa...
Ngoài ra, có nhiều hoạt động khác được các Bộ, ngành Trung ương ghi nhận như phong trào “Đưa dân ca vào trường học”; tổ chức các hoạt động Lễ hội gắn với di tích, trong đó có trên 20 lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền 9 gian, Lễ hội Đền Quang Trung… Đặc biệt, Lễ hội Uống nước nhớ nguồn tôn vinh tình nghĩa Việt - Lào, Lễ hội Làng Sen tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Nhìn lại chặng đường lịch sử 65 năm qua, diện mạo văn hóa Nghệ An có lúc thăng lúc trầm, đậm nhạt khác nhau, nhưng đáng chú ý là đời sống văn hóa Nghệ An liên tục phát triển, mọi di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy, xu hướng xã hội hóa và giao lưu hội nhập văn hóa ngày càng được thể hiện. Có thể nói, ngành Văn hoá tỉnh nhà đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, và xây dựng quê hương, đất nước; góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội Nghệ An ngày càng phát triển đi lên.
Ghi nhận những thành tựu, cống hiến xuất sắc của ngành qua từng giai đoạn, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân trong ngành Văn hóa được tặng thưởng cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VH,TT&DL và của UBND tỉnh. Năm 1988, ngành vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 1996, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1999, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2004, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 7 năm liên tục (1997-2003) ngành VHT Nghệ An được nhận cờ thi đua luân lưu của Chính phủ. Năm 2010 này, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Vậy, hướng phát triển của ngành trong thời gian tới là gì?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Ngành Văn hóa sẽ rút kinh nghiệm trong những năm qua, phát huy những thành quả đạt được, xây dựng quy hoạch và kế hoạch dài hạn, vạch ra những mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt. Trong đó, vấn đề nhân lực, con người cần được ưu tiên trước hết. Hiện nay, số cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lí giỏi của ngành còn ít, bởi vậy, cần tập trung xây dựng đồng thời cả đội ngũ cán bộ quản lí và cán bộ chuyên môn làm sao huy động được mọi trí tuệ, tài năng của cán bộ, văn nghệ sĩ. Công tác cải cách hành chính cũng cần được tích cực thực hiện. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vừa thúc đẩy xã hội hóa hoạt động văn hoá, vừa tạo điều kiện cho quần chúng tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa được tốt nhất.
Có thể nói, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVII, góp phần xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh giàu mạnh và văn minh, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Xin trân trọng cảm ơn về cuộc trao đổi này. Mong rằng ngành Văn hóa tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quê hương, đất nước!
                        Thuý Hoa (thực hiện)
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528545

Hôm nay

2201

Hôm qua

2291

Tuần này

2818

Tháng này

215241

Tháng qua

0

Tất cả

114528545