Những góc nhìn Văn hoá

Nhật Chiêu và những thao thức mới

[Về cuốn sách Người ăn gió và quả chuông bay đi]

Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu được xuất bản vào những ngày đầu xuân Đinh Hợi. Sách có 26 truyện ngắn, một số đã được đăng rải rác trên báo chí trước đó. Cuốn sách “được ưu ái không ngờ” này (lời tác giả) bắt đầu chuyến đi của nó vào lòng công chúng gần xa. Lời giới thiệu thiết tha của Mai Sơn, cuộc trả lời phỏng vấn về tập truyện của chính tác giả trên các báo Tuổi Trẻ, Người đương thời, cuộc hội thảo về tác phẩm Nhật Chiêu do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức…, tất cả đều là những khởi đầu tốt đẹp cho sáng tác đầu tay của Nhật Chiêu – nhà giáo, học giả, chuyên gia hàng đầu văn học Nhật ở Việt Nam hiện nay. Hẳn nhiên, những khởi đầu ấy không phải là sự ồn ào của thị hiếu. Tập truyện được trình bày đẹp như mơ này giờ đây hầu như đã hết veo, không còn một cuốn nào trên các giá sách ở các nhà sách lớn của thành phố.

(Có vẻ ) cuốn sách được chia thành 4 phần:

- Bắt mộng

- Hành trình

- Trò chơi

- Huyền ảo

Nhưng đó dường như chỉ là bốn cách gọi tên khác nhau cho một thứ duy nhất mà tác giả đang tâm đắc: sáng tạo. Mỗi phần đều có một lời đề từ, và đều đáng đọc:

“Giấc mộng luôn luôn bay phía trước. Hãy bắt mộng, sống trong khoảnh khắc hòa hợp với nó, đó chính là phép lạ” (Anais Nin)

“Chỉ có một cuộc hành trình mà thôi. Hãy đi vào trong chính mình” (Rilke)

“Chơi là chơi, chơi không có tại sao” (Heidegger)

Và cuối cùng:

“Bởi vì ta không thể thay đổi thực tại, vậy hãy thay đổi con mắt nhìn vào thực tại” (Nikos Kazantzakis)

Bốn lời đề từ này trước hết là những cảnh cửa nhỏ mời gọi người đọc bước vào thế giới thầm lặng của những câu chuyện lạ lùng và ám ảnh. Bốn cánh cửa mà như không có cửa, bởi vì: mộng mị hay trò chơi thì cũng là những chuyến đi, huyền ảo hay mộng tưởng thì cũng khác gì cuộc hành trình, viễn du thì cũng là trò chơi, … Ngay từ cách “phân loại” chủ đề truyện ngắn, tác giả đã hé mở một tâm thế đọc mới, đó là hồn nhiên đọc chơi. Nhất định rồi, sẽ không tìm kiếm một “đại sự” nào, sẽ không yên vị ở một tình huống cố định nào; tập truyện không có tuyến thời gian, không có lịch sử nhân vật, vì thế cốt truyện là cái không thể hiển hiện. Đọc chơi, và sống với những thao thức mới. Hãy bắt đầu như thế được chăng?

1. Hai mươi sáu truyện ngắn này rất có thể là những hồi âm lạ lùng nhất đối với những kiệt tác văn chương thế giới. Quả thực, chưa hề có một tập truyện ngắn Việt nào mà dư vang của những tác phẩm kinh điển lại rõ ràng và khiêu khích như Người ăn gió và quả chuông bay đi. Từ câu chuyện thần kỳ xứ Việt kể về Từ Thức, đến những ý thơ của thi hào Nguyễn Du: người ăn gió, đường bạch dương, bụi hồng chiêm bao, từ hiện tượng Samsa biến thành con bọ của Kafka đến truyện Cánh tay kỳ dị của Kawabata, từ sự tương đắc kỳ lạ giữa những nhân vật tìm kiếm cái gì đó vô tận (Đường nào đến O, Nàng đi đâu?…) với những nhân vật ảo ảnh và phức hợp của Borges đến hành trình lên núi Linh Sơn của Cao Hành Kiện, từ những cô tiên, chàng trai ngây thơ chẳng khác gì những hoàng tử bé của St. Exupery đến cảm thức soi chiếu đầy ắp trong văn chương Nhật Bản, từ cánh hạc vàng vương vất mãi mãi trong Đường thi đến bể cá đầy triết luận của Trang Tử, từ những ám ảnh sử thi cổ Ấn Độ đến những công án Thiền, v.v…, toàn bộ thế giới văn chương tuyệt mỹ và uyên áo này của nhân loại được phản chiếu, khúc xạ trong lời đồng vọng của tác giả với 26 biến tấu đầy ấn tượng, dựa trên một đức tin duy nhất: thế giới là huyền ảo; dựa trên một nguyên tắc duy nhất: sáng tạo là chơi đùa.

Thực sự, tôi hình dung tác giả đã viết 26 lá thư hồi âm với những kiệt tác mà ông vô cùng say mê và yêu quí. Có điều, 26 lá thư ấy lại tự mình trở thành những sáng tạo riêng của ông. Với Từ Thức, ông chỉ mượn lai lịch đầy mơ mộng của hình nhân ấy để đặt vào đó một nỗi thao thức “rợn người” về đời sống hiện sinh: “mi từ đâu đến?”, câu trả lời là một ý thơ tuyệt vọng tàn nhẫn: “ta là dòng sông lãng quên”. Với người ăn gió – một nhân vật được sinh ra bởi thao tác tách thành ngữ tài tình của Nguyễn Du (ăn gió nằm mưa), một nhân vật quá sức ảo ảnh – một lần nữa được đi tiếp con đường ảo ảnh của mình trên trang viết Nhật Chiêu. Người ăn gió ấy, cùng với cuộc tình đẫm lệ và não nùng với cô gái làm bằng ánh trăng, đã nhào nặn vẻ đẹp dị thường của con người trong hành trình “bắt mộng” đầy phép lạ, hành trình sinh ra và trở về với thiên nhiên hoang dã, vĩ đại. Lời người ăn gió cuối truyện có thể xem như tột cùng của ảo ảnh, hay là bản lĩnh một đức tin về sự huyền diệu của đời sống: “Nếu bạn có nhận ra nàng đâu đó thì hãy làm ơn, xin làm ơn báo cho tôi, người đã nhả ra nàng và để nàng lưu lạc trong cõi người ta”. Câu chuyện Mất tích làm chúng ta liên tưởng rất nhiều đến số phận các nhân vật kim cổ. Tổng cộng có đến 5 cuộc mất tích. Cuộc mất tích thứ nhất xảy ra ở một vùng đô thị. Nhân vật mất tích mang cảm giác của Lưu Nguyễn lạc vào thiên thai, đồng thời cũng lấp lánh bóng dáng nhân vật nhà khoa học nghiên cứu côn trùng trong truyện Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo. Nhà khoa học từng ước mơ mình được giải Nobel về nghiên cứu côn trùng đột nhiên mất tích trong cồn cát. Và ở đó, anh tìm thấy một thế giới kỳ lạ trong mọi biểu hiện sinh tồn, thế giới phù phiếm phai tàn của tình yêu và cái chết, thế giới của cát bụi. Ẩn dụ phũ phàng ấy không được Nhật Chiêu khai thác; ngược lại, tác giả chỉ chủ trọng khoảnh khắc trở về sau chuyến mất tích trong chính mình, mất tích trong mọi ký ức mà mình đã trải qua… Và đột nhiên, “y đứng bơ vơ trên đồi, cảm thấy cô đơn không cùng”. Chuyến mất tích thứ hai có vẻ như liên quan đến một câu chuyện tình. Cô gái hỏi người yêu về dấu chân của anh ta. Còn anh ta thì hốt hoảng vì sự mất tích của mình, thảng thốt hỏi vì sao mình không bằng được cái bóng ma của Nguyễn Du từng “in rêu rành rành”. Đó là những cái chết của tình yêu. Chuyến mất tích thứ ba hàm ý triết học rất rõ. Ai mất ai hiện? là ảo ảnh hay là thực tại? Câu chuyện có dáng dấp một công án giàu chất thơ. Đến cuộc mất tích thứ tư lại hàm ý một chuyện ngụ ngôn với lời căn dặn hài hước: “Đừng cắt cánh của ai”. Chuyện là một cô nàng đã cắt cánh của một con mèo, vì sợ nó bay mất. Nhưng rồi nó cũng bay, dù mất đôi cánh trắng. Cuộc mất tích thứ năm lại là một biến thể của tích truyện Trương Chi. Trương Chi của Nhật Chiêu không biết hát, hát kém và hay bị Mị Nương bắt nạt. Thế rồi chàng mất tích, Mị Nương đau buồn tìm lại tiếng hát chàng, mà khi đó tiếng hát ngày xưa chỉ còn là một oan hồn đang kêu xé trong thân xác mèo. Lại một ngụ ngôn mới: “Cái gì mất tích thì hãy để cho nó mất tích. Hà cớ?”. Hay một công án hiện đại? Giọng kể kỳ lạ trong câu chuyện đầy những mất tích này có thể nói là một hồi âm đa thanh của Nhật Chiêu đối với những kiệt tác văn học cũng như triết học mà ông đã dành rất nhiều đam mê và tình yêu cho chúng.

Không có chân trời là một truyện ngắn rất phong cách và thành công của tác giả. Bắt đầu bằng sự trở mình rùng rợn giống y cảm giác của Samsa (Hóa thân của F. Kafka) và nhân vật cánh tay (Cánh tay của Kawabata), người mọc cánh trong truyện Nhật Chiêu kể về cảm giác “mọc cánh” của chàng: “Mọc cánh không phải là bệnh. Anh muốn điều đó, hoàn toàn khao khát nó, và thế là nó mọc”. Sự biến dạng tự nhiên và hãi hùng như vậy đã được lồng vào một tâm sự sâu kín và dữ dội về khả năng giải thoát con người. Không trộn lẫn cảm thức xã hội và tâm linh như Kafka, không trình bày con mắt duy mỹ và huyền ảo về thế giới, tình yêu như Kawabata, Nhật Chiêu rẽ ngoặt những biến dạng của nhân vật sang con đường khác, đó là sự thật của khát vọng. Và đi cùng với khát vọng ấy là sự khốn cùng của tồn tại, là nỗi đớn nhục sâu xa của một “khát vọng quá khổ”: “Ta cho rằng ta sẽ bay được khi đôi cánh to hơn, chỉ cần bằng cánh đại bàng. Nhưng rồi ta mau chóng nhận ra, đôi cánh dừng lại ở hạn độ của cánh bồ câu, không chịu lớn thêm một chút nào nữa”…

Đường nào đến O cho đến giờ phút này, theo tôi, vẫn là một trong những truyện ngắn sâu sắc nhất của Nhật Chiêu. Không dừng lại ở những hồi âm tinh tế, văn chương tác giả viết ra dường như đã nhanh chóng mặc riêng cho mình màu sắc kinh điển của một sáng tác đương đại. Rất nhiều nhân vật đi tìm kiếm O – một địa danh giản dị, mơ hồ. Những đữa trẻ thì ca hát, còn người già thì uống trả. Chỉ một trà quán và một đích đến – đó là toàn bộ không gian của truyện. Trà quán có vẻ chỉ là nơi tồn tại những câu hỏi bất tận để tìm kiếm O, nơi của những bài đồng dao xa xưa thơ dại. Bài đồng dao viết theo lối thơ 4 chữ đều đặn mà độ rung ngân của nó ngày càng trở nên sâu thẳm, buồn và đơn độc.

Đường nào đến O?

Không mưa không gió

Không cây không cỏ

Không hẹn không hò

Đường nào đến O?

Không đây không đó

Không không có có

Hoang vu khôn dò…

 Rời khỏi trà quán đầy ám ảnh, nhân vật tôi gặp một người con gái có “vẻ đẹp ngoại hạng”. Và mọi câu hỏi tìm O đều bị chìm vào sự im lặng của người con gái bí ẩn đó. Y (chính là nhân vật tôi) quay trở lại trà quán. Vẫn tiếp tục những bài đồng dao tìm O vĩnh cửu thách thức mọi trí tuệ trưởng thành. Nếu có ai giải thích O là gì, nếu có ai tường tận bài đồng dao dai dẳng kia, nếu người con gái đẹp như mơ bỗng dưng biết nói, nếu… nếu…nếu…Những dục vọng tràn ngập sắc màu vẫn lôi kéo, nhấn chìm nhân vật tôi và y (như thể bỗng dưng tác giả chen vào nhân vật của mình, đòi tách hắn ra làm đôi, làm ba, theo kiểu mà Borges ứng xử với nhân vật của ông) vào giấc mơ tìm kiếm một cái gì đó ngoại cuộc, ngoại hạng, ngoại cỡ… Một cái gì đó chỉ được gọi tên bằng O.

“O” hay là Không, hay là nguyên âm kỳ diệu của tâm linh Ấn Độ cổ xưa (OM), hay là một thứ ngớ ngẩn nhất trên đời, hay là tiếng kêu kinh ngạc ghê gớm về tồn tại và khao khát, hay là … một trò đùa của Nhật Chiêu? Tất cả đều có thể.

Giấc mơ mới của nhân vật tôi và y là gì? O sẽ đi tìm chúng tôi. Và tác giả đột nhiên hỏi: “Nhưng chẳng lẽ con đường lại đi tìm người đi?”.

Lại thêm một dục vọng thầm kín và ngông cuồng được phát giác. Con đường đi tìm người đi có khác gì ý nghĩa sự sống đi tìm sự sống - điều chẳng bao giờ có. Con người buộc phải thấy mình có ý nghĩa - một nỗi niềm hiện sinh luôn có mặt, luôn làm con người trở nên kiệt sức…

Những lá thư hiện đại và dữ dội mà Nhật Chiêu đã gửi đến những tri kỷ văn chương của mình có thể xem là một hiện tượng văn học đặc biệt. Đó là thư từ sinh ra bởi niềm yêu mến và sáng tạo thiết tha. Đó là những bến bờ riêng của tác giả - nơi không phải ai cũng dễ dàng dừng chân.

2. Phá tan dòng chảy đều đặn và cổ điển của kiểu văn phong tự sự truyền thống, tác giả Người ăn gió và quả chuông bay đi  thiết kế kiểu tự sự dựa trên những mẩu đối thoại. Hầu như truyện nào của ông cũng có chí ít vài ba câu đối thoại với nhiều hàm ngụ.

Đối thoại theo cách Nhật Chiêu không bao giờ lấy ấn tượng từ cuộc sống thường nhật, từ những chi tiết thế sự. Mạo hiểm hơn, tác giả xây dựng mẩu đối thoại giữa các nhân vật như một kiểu đối thoại triết học, đối thoại mang kịch tính về mặt tinh thần.

Đây là những câu hỏi và những cuộc chuyện trò có trong Người ăn gió và quả chuông bay đi:

“Em ơi (Tôi nói) mẹ em là ai vậy?

Làm sao biết được? Làm sao biết được? (Em bé gào lên, gào với gió lạnh)”

(Động Từ thức)

“Nhưng xin ông đừng hỏi tên cô ấy

Tại sao?

Cô ấy luôn luôn vô danh”

“Làn da anh mềm mại như gái trinh. Em biết anh đã không nếm những thức ăn thông thường từ lâu.

Làm sao em biết?

Em tiếp xúc với nhiều người như anh

Họ cũng ăn gió ư?

À, thì ra anh là người ăn gió.

Em là người đầu tiên biết được bí mật này.

Ăn gió uống sương mà sống không phải là một bí mật

Tên em có phải là một bí mật không?

Không. Em là vô danh, cô gái vô danh”

(Người ăn gió)

Đặc biệt nhất là những cuộc đối thoại triết học - thi ca mà tác giả đã sử dụng hết sức tinh tế trong những bài thơ tự sự của mình. Đó là hàng loạt câu hỏi trong Biển mới với những câu trả lời tương ứng bằng các bài thơ đẹp.

(hỏi)”vẫn như nguyên ư trong khi mọi sự là biến đổi vô thường?

(Trả lời):     “Xây những lâu đài cát

Đắp cát thành hình nhân

Vẽ vời bao nhiêu thứ

Tập chơi với bụi trần”

(hỏi)            Có biển nào không bờ?

 

(Trả lời)      Em nằm yên nhé

Ta đưa tình về

Vô biên là biển

Bến bờ là mê…”

Toàn bộ cuốn sách tràn ngập phong vị thơ ca hàn lâm như thế. Đối thoại của nhân vật Nhật Chiêu hướng mang nặng tinh thần triết học, suy tư đến khắc khổ. Chỉ có điều, với vốn Đông phương học mà ông đã một đời tích lũy và nghiền ngẫm, từng trang viết của ông vẫn tung bay một chân trời giải thoát và dịu nhẹ của châu Á huyền bí. Những câu hỏi vẫn khuấy đảo giới triết học như: Con người từ đâu đến ? Giới hạn của con người là gì? Vô danh có nghĩa gì?... đều được thiết kế trong một “không gian ảo” của một thứ văn chương mới- không gian đủ để làm sống dậy tinh thần sâu xa ấy mà vẫn ấm nóng mùi vị ám ảnh của  đời.

Cũng trong tinh thần “mê cung”, nhân vật của Người ăn gió… không bao giờ có được một lai lịch rõ ràng, không bao giờ có một cuộc đời thế sự bình thường, không bao giờ có được một kết cục nhân quả nào. Thậm chí, đó còn là những nhân vật từng có quá khứ …sống trong tác phẩm người khác như Alice, K, …Với hệ thống nhân vật đặc biệt này, mọi phát ngôn của tác giả đều được tiết chế tối đa, cho phép người viết tung hứng ngẫu nhiên mọi ý tưởng sâu sắc nhất thành những  vỉa ngầm dữ dội nhất, gây ấn tượng mạnh nhất. Phải chăng vì thế mà bạn đọc không ngại tìm đến với tác phẩm truyện ngắn đầu tay của Nhật Chiêu, một cuốn sách không dễ đọc, không dễ cảm thông, nhưng dễ dẫn dụ và gợi mở biết chừng nào. 

Tinh thần hậu hiện đại ở Nhật Chiêu có thể xem là mẫu mực trong thời điểm hiện nay. Trong tác phẩm của ông, những ý tưởng thay vì trở thành tư tưởng kinh điển thì ngay lập tức trở thành cái gì đó rất hoang mang, rất phũ phàng. Đó là sự “thư giãn” về những đại sự, là sự trộn lẫn mọi biến cố tinh thần, trộn lẫn mọi ký ức văn hóa… Với truyện H, bạn đọc được tham dự một cuộc chơi liên tưởng mãnh liệt nhằm “phá hỏng” mọi ký ức khô cứng. H có thể là hoa, là hôn, là hòm, là hĩm, là Hồ Xuân Hương, là mồ thật của H, là mồ giả của H?... Đi cùng với những tinh thần thư giãn ấy là sự xáo trộn tối đa cấu trúc truyện: cấu trúc bình thường, cấu trúc chen lẫn thơ người viết và thơ dịch, cấu trúc chen thơ, công án, lời bình… Hiếm có truyện ngắn nào mà hàm lượng văn chương lại dồi dào đến như thế. Mảng thơ dịch trong trong tập truyện ngắn này dường như là những vệt màu sang trọng nhất trong bức tranh thực ảo không nguôi của tác giả.

“Ta là dấu lặng giữa chừng hai dấu nhạc

Mà hiếm khi hòa một điệu trầm

 Vì dấu nhạc mang tên là cái chết

Vẫn thường lấn át cả thang âm

Đến khi mà cả hai hòa hợp

Trong quãng giữa  của bóng đêm ngây ngất

Thì bài ca vô nhiễm lại vang ngân”

(Rilke)

Những đoạn thơ sâu sắc như thế xuất hiện không ít trong trong tác phẩm Người ăn gió và quả chuông bay đi. Và qua truyện ngắn Nhật Chiêu, người đọc thật sự đã được thưởng thức một thế giới văn chương rộng lớn, mới mẻ của một tác giả đồng thời là dịch giả, một học giả đồng thời là nghệ sĩ. Như lời trò chuyện của ông với các môn sinh của mình: “Tôi có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là mong muốn làm chàng Genji của mọi nền văn học”.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu uyên bác và “dan díu” sâu đậm với nhiều nền văn học lớn khác nhau, Nhật Chiêu với tập truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi  đã trở thành một học giả sáng tác thành công. Ở một phương diện nào đó, tác giả đã chuyển hóa những suy tư triết học và tư tưởng nhân văn mà ông tiếp thu được ở những người khổng lồ Đông - Tây thành các sáng tạo hiện đại có giá trị tại Việt Nam.

Người ta có thể thử nghiệm nhiều lần để chọn lấy một kết quả may mắn nhất, hoàn hảo nhất. Riêng Nhật Chiêu, có vẻ như ông không cần quá nhiều lần như vậy.

Chỉ một lần ra mắt, và thuyết phục không ngờ. Chính ông cũng không ngờ.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525960

Hôm nay

2227

Hôm qua

2283

Tuần này

2510

Tháng này

212656

Tháng qua

0

Tất cả

114525960