Góc nhìn văn hóa

Năm rồng, kể chuyện hoạt động của Bác Hồ ở Xiêm (1928)

         Cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua 6 năm con Rồng (Giáp Thìn 1904; Bính Thìn 1916; Mậu Thìn 1928; Canh Thìn 1940, Nhâm Thìn 1952 và qua 60 năm, quay trở lại là năm Giáp Thìn 1964). Giáp Thìn năm nay (2024), xin giới thiệu đôi nét những hoạt động của Bác Hồ thời kỳ ở hải ngoại, đang đi tìm con đường cứu nước. Cuối năm 1920, Người đang hoạt động ở nước Pháp, mang tên Nguyễn Ái Quốc, tham dự Đại hội Tua, đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 3 do Lê Nin lãnh đạo. Từ nước Pháp, vượt qua hàng rào dày đặc của bọn mật thám, Người đã sang nước Nga Xô viết và hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Từ tháng 11-1924 đến giữa năm 1927, với nhiều bí danh khác nhau (đồng chí Vương, Lý Thụy ...), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong BCH Quốc tế Cộng sản phụ trách Bộ Phương Đông, đã rời nước Nga đến Quảng Châu Trung Quốc hoạt động. Để tránh sự truy lùng vây bắt của kẻ thù, tháng 7 năm 1927, Bác Hồ đã rời Quảng Châu Trung Quốc, đi sang Nga, đến Pháp và Beklinh (Đức) cùng nhiều nước khác. Vì nặng lòng với Tổ quốc, luôn hướng về Việt Nam và phong trào cách mạng ở các nước Đông Nam Á, năm Mậu Thìn (1928), Nguyễn Ái Quốc quyết định đến đất Xiêm để được gần Việt Nam. Tuy thời gian hoạt động trên đất Xiêm không lâu, nhưng Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ) đã để lại những tình cảm, ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của bà con Việt kiều ở Xiêm cũng như Chính phủ Thái Lan trong quá khứ và hiện tại.

Bảo tàng Ban Dong - Hồ Chí Minh trở thành một địa chỉ quan trọng tại khu vực Đông Bắc Thái Lan. Nguồn ảnh: VOV5

Để nắm được tình hình Việt Nam và các nước Đông Dương, năm Mậu Thìn (1928), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định tìm đường đến vương quốc Xiêm. Từ Bangkok, Người đã đến Bản Đông, tỉnh Phichit - một tỉnh miền Bắc của Xiêm. Sở dĩ Người đã chọn bản Đông Phichit đến vì ở đây có nhiều đồng bào Việt Kiều sinh sống lâu năm. Là nơi cụ Tú Đi (tức Đặng Thúc Hứa), chị Nho (tức bà Đặng Quỳnh Anh, vợ của ông Võ Tòng (tức Sáu Tùng) cùng lớp thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh xuất dương theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu như Hồ Học Lãm, Võ Trọng Đài, Nguyễn Đình Lộc, Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Lưu Quốc Long, Lê Hồng Phong, Võ Quốc Thụ, Trần Tố Chấn, Lê Duy Điếm và nhiều người khác đã sang ở. Đây là mảnh đất được cụ Đặng Thúc Hứa chọn để lập Trại Cày, rèn đức luyện tài cho các thanh niên xuất dương Nghệ Tĩnh thời kỳ đầu mới sang lập nghiệp. Sau một thời gian luyện tập tại Trại Cày, cụ Đặng Thúc Hứa đã lựa chọn những thanh niên ưu tú, có đủ đức tài để giới thiệu sang Quảng Châu Trung Quốc hoạt động trong tổ chức Hội Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Trong suốt thời gian hoạt động trên đất Quảng Châu Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo mọi hoạt động cách mạng của đồng bào Việt kiều ở các tỉnh trên đất Xiêm. Bởi vậy, khi Nguyễn Ái Quốc vừa sang Xiêm hoạt động với cái tên “Thầu Chín” đối với một số người Nghệ thấy rất gần gũi và thân quen. Trong hồi ký của chị Nho (tức bà Đặng Quỳnh Anh) đã viết: “Lần đầu tiên gặp “Anh Chín”(tức Thầu Chín), một bí danh của Bác Hồ thời kỳ hoạt động trên đất Xiêm 1928-1929 đã viết: “ … Tôi khép nép nhìn ông khách, chỉ mỉm cười mà không nói lên một điều gì, bởi vì ngay từ giây phút đầu tiên gặp ông, tôi đã cảm thấy có điều gì đó rất khác thường, không thể giải thích. Hai con mắt sáng một cách lạ lùng, nhưng rất ấm, rất trìu mến. Tôi cảm tưởng như đã gặp một lần nào rồi, cho nên tôi thấy ông vừa lạ mà vừa quen…”(2). Ngay từ những ngày đầu mới đến Xiêm, để gần gũi và hiểu được phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào Xiêm và Việt kiều đang sinh sống trên đất Xiêm, Bác Hồ đã phải khổ công trong việc học tiếng Xiêm để giao tiếp chuyện trò. Chỉ sau 4 tháng đến bản Đông, Người đã đọc thông, viết thạo, nói tiếng Xiêm khi giao tiếp với mọi người như người bản địa. Năm 1961, những bà con người Việt kiều đã tiếp xúc, làm việc, nghe và nói chuyện với Bác Hồ khi Người sang Xiêm (1928) ngày hồi hương trở về Tổ quốc, họ đã kể lại: “Nghe ông Thầu Chín nói chuyện, tuyên truyền trước đông đảo bà con Việt kiều và người Xiêm thì không khác gì người dân bản xứ …”. Từ tháng 7 năm 1928 đến tháng 11-1929 hoạt động trên đất Xiêm, Bác Hồ đã giúp bà con Việt kiều làm giấy tờ xin phép Chính phủ Xiêm được mở các lớp học (tiếng Việt và tiếng Xiêm). Người đã viết báo để tuyên truyền, đổi tên tờ báo “Đồng Thanh” thành “Thân Ái” cho phù hợp với thời kỳ lịch sử. Thành lập “Hội Ái hữu”, vận động bà con Việt kiều cùng đồng bào Xiêm xây dựng nhà thờ, đền chùa theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng địa phương. Ngoài việc vận động phong trào học tập văn hóa, ông Thầu Chín còn tuyên truyền vận động bà con Việt kiều xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, những thói hư tật xấu trong sinh hoạt hàng ngày không phù hợp. Để làm tốt công tác tuyên truyền, giúp mọi người dễ nhớ, dễ thuộc, ông Thầu Chín đã viết nhiều bài thơ với các đề tài: “Cô Vượng khuyên chồng”, đăng trên tờ báo Thân Ái nhằm khuyên mọi người bỏ những thói hư tật xấu không tốt trong sinh hoạt. Nhằm giáo dục và phát huy tinh thần yêu nước của các vị anh hùng dân tộc, kêu gọi mọi người cần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, ông Thầu Chín đã viết thơ và các vở kịch ngắn, đăng trên báo Thân Ái. Đó là bài ca Trần Hưng Đạo; vở kịch: Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Đề Thám khởi nghĩa. Các vở kịch ngắn về nội dung ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mỗi lần tổ chức biểu diễn, bà con Việt kiều và đồng bào Xiêm đi xem rất đông và hết lời ca ngợi, nó có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước rất cao. Trong hồi ký của đồng chí Đặng Văn Cáp, người đã sống nhiều năm bên Bác Hồ khi đang hoạt động ở nước ngoài đã kể lại: “… Các vở kịch xây dựng lối sống mới, Người cũng tham gia đóng một vai. Bác đóng vai ông Thần Hoàng… còn tôi đóng vai thầy thuốc. Nội dung vở kịch là hai con bệnh cùng đồng bệnh, nhưng người dùng thuốc chữa bệnh thì khỏi bệnh, còn người dùng “đồng cốt” nghe thầy bói phán, uống những thứ nhảm nhí thì bị chết… Vở kịch Bác sáng tác xem vừa vui, vừa có tác dụng giáo dục rất cao. …”. (3)

      Hoạt động trong điều kiện bí mật, thiếu thốn, luôn bị kẻ thù lùng bắt, thực dân Pháp đã kết hợp với bọn phản động nước ngoài đưa ra giải thưởng rất hậu hĩnh cho kẻ nào bắt hoặc chỉ điểm nơi Thầu Chín đang lẩn trốn. Đó cũng là lý do chúng đã tuyên bản án tử hình Nguyễn Ái Quốc vắng mặt vào năm 1929. Thời gian hoạt động tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trên đất Xiêm rất nguy hiểm, nhưng ông Thầu Chín đi đến đâu cũng được bà con Việt kiều và nhân dân địa phương, các bậc tăng ni, sư sãi, phật tử trong các chùa luôn cảnh giác, che chở và bảo vệ. Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ Xiêm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xin phép xây dựng các trường học chung cho cả con em người Xiêm và Việt kiều. Trên tờ Báo Thân Ái (số 4 trang 2 năm 1928) Người đã cho đăng bài viết có nội dung: “Báo Thân Ái ngỏ lời thân ái/Đem máu đào tô điểm lại non sông/… /Đùm bọc lấy nhau cũng là lẽ phải/Hồn mơ mộng đã có chuông gọi dậy/Chắc từ đây xa mấy cũng nên gần…”(4)

       Cuối năm 1929, nhờ hoạt động tuyên truyền tích cực của ông Thầu Chín và Hội Thanh niên cách mạng, phong trào cách mạng Việt kiều ở Xiêm đã phát triển mạnh, nhiều tỉnh đã có tổ chức của Hội Thanh niên hoạt động tích cực. Lúc này do yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, cần có sự hợp nhất ba tổ chức Đảng để thành lập một chính Đảng. Các đồng chí Lê Hồng Sơn và Ban Chấp hành Đảng ở ngoài nước đã cử đồng chí Lưu Quốc Long bí mật sang Xiêm, liên lạc với đồng chí Trần Tố Chấn và Đặng Thái Thuyến gặp để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ để có kế hoạch mới. Nghe các đồng chí Lưu Quốc Long và Trần Tố Chấn báo cáo xong, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao nhiệm vụ cho Lưu Quốc Long trở về Thượng Hải, tìm gặp ngay đồng chí Nguyễn Lương Bằng để bàn cách tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong hàng ngũ binh lính. Phải thiết lập cho được một đường dây liên lạc bí mật từ Thượng Hải về Hải Phòng (5). Nhận nhiệm vụ phân công của Nguyễn Ái Quốc, Lưu Quốc Long vội rời khỏi đất Xiêm, qua Thượng Hải tìm gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng để trao đổi và triển khai nhiệm vụ của Bác đã giao. Tháng 11-1929, trên đất Xiêm, Trần Tố Chấn, Nguyễn Văn Luyện (6), Nguyễn Ái Quốc và Đặng Thái Thuyến (con trai ông Đặng Thái Thân) đã bí mật cải trang là người làm nghề chài lưới đánh cá trên sông. Hàng ngày họ đi thuyền trên sông Mê Công để khảo sát đường biên giới giữa hai nước Xiêm - Lào. Sau nhiều lần cùng ông Thầu Chín đi nghiên cứu địa hình trên sông Mê Kong để nắm tình hình và kiểm tra thực địa, đồng chí Đặng Thái Thuyến và lãnh đạo ở ngoài nước đã vạch kế hoạch và thiết lập đường dây bí mật, an toàn rồi bố trí đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời khỏi đất Xiêm.

       Thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trên đất Xiêm năm Mậu Thìn không lâu, nhưng với sự nỗ lực đã đưa đến kết quả to lớn. Phong trào yêu nước và cách mạng của đồng bào Việt kiều ở Xiêm đã phát triển trên mọi lĩnh vực. Hoạt động của Bác Hồ đã có ảnh hưởng rất lớn, đặt nền móng cho mối tình hữu nghị đoàn kết của hai nước Việt Nam và Thái Lan nở hoa kết trái như ngày nay./.

                                                        

Chú thích:

 1) - Trương Vân Lĩnh “Nghệ An những tấm gương Cộng sản” Tập I. NXBNA 1998. - Sách: “Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh” NXBQĐND năm 2013. Các sách báo, tạp chí, Hội thảo khoa học về đồng chí Trương Vân Lĩnh đều ghi chép các tư liệu lịch sử này.

2)- Tham khảo thêm bài viết về bà Đặng Quỳnh Anh trong tập sách: “Nghệ An những tấm gương Cộng sản”. Tập 4. NXBNA 2012.

3)- Hồi ký của đồng chí Đặng Văn Káp trong tập bản thảo hoạt động ở Xiêm và cuốn sách Đầu nguồn. Tham khảo thêm các bài viết về đồng chí Lưu Quốc Long và Trần Tố Chấn trong tập sách: “Nghệ An những tấm gương Cộng sản”. Tập 2. Nhà XB Nghệ An 2005).  

4, 5) Tư liệu được khai thác từ các cụ lão thành cách mạng cùng hoạt động với Bác Hồ thời kỳ ở Xiêm kể lại qua tập bản thảo viết tay mà các cụ tặng tác giả.  

6)- Đ/c Nguyễn Văn Luyện, người tổng Đặng Sơn, huyện Đô Lương, xuất dương năm 1924, trong đoàn đi có 8 người do đ/c Trần Tố Chấn làm Trưởng đoàn. Đ/c Nguyễn Văn Luyện là cán bộ Xiêm ủy ở Đông Bắc Xiêm, có chiếc cặp da đựng tài liệu sách báo của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ hoạt động ở Xiêm. Kỷ vật đó đã được đồng chí tặng lại cho Bảo tàng XVNT và được trưng bày tại phòng số 3.

         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526143

Hôm nay

292

Hôm qua

2318

Tuần này

2693

Tháng này

212839

Tháng qua

0

Tất cả

114526143