Người xứ Nghệ

Kỷ niệm nhỏ với Thầy Hà Văn Tấn

Tôi bỏ học sớm để đi bộ đội. Tháng 10 năm 1954 ra quân về làm công nhân Khu Thủy lợi Khu III rồi được học sơ cấp Trắc đạc tại đó. Rời lớp lên Ty Thủy Lợi Sơn Tây một thời gian phụ trách khảo sát lưu vực suối Hai xong thì đến năm 1959 chuyển về Ty Thủy Lợi Hà Tĩnh khảo sát và xây dựng cột thủy chí Kẻ Gỗ, đập Cơn Trường, đập Choi, đê Bãi Màng.

Nhờ thành tích đó, năm 1960 được ông Trưởng ty Trần Quang Đạt cho thi vào học tại trường Bố túc Văn hóa Công nông Nghệ An. Cuộc đời người lính xuất ngũ như vậy cũng là gặp vận may. Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Nghệ An bị lửa liếm sạch. Lớp 6 chỉ vỏn vẹn có 25 học sinh. Trường khó bố trí giáo viên lại gặp rắc rối về nơi ăn chốn ở, học hành nên chúng tôi được gửi ra trường Bố túc Văn hóa Công nông Đông Triều, lúc đó còn thuộc tỉnh Hải Dương. Trường Đông Triều không có hệ cấp II nên chúng tôi bị xé lẻ để gửi nhờ các lớp đang học chương trình lớp 8 phổ thông cưu mang.

Thuở đó phong trào thi đua lập thành tích học tập đã thành cao trào nên có học viên kém trở thành gánh nặng cho các lớp. Chúng tôi tuy ngồi nhờ nhưng điểm kém cũng làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua chung. Nhiều người khó chịu với chúng tôi ra mặt. Tôi được gửi vào lớp 2R. Ông Cảnh lớp trưởng quay quắt, đay nghiến về con 2 trừ môn Văn đầu tiên của tôi. Tôi xấu hổ lắm. Buổi lên lớp cứ lên lớp với học viên lớp 8 sở tại. Buổi tự học của học viên sở tại thì 25 học viên Nghệ An tập trung ở một phòng riêng để nghe kể về chương trình lớp 7. Chủ yếu là Toán, Lý, Hóa, Văn. Tôi muốn nói “nghe kể” mà không phải nghe giảng. Bởi vì không giải và không làm bài tập. Chỉ nghe một lượt cho có khái niệm thôi. Không đầy 2 tháng chúng tôi nghe xong chương trình lớp 7 và trở thành học viên chính thức của mỗi lớp như anh em sở tại. Một điều đáng nói là 25 học sinh tạm gọi là “ký sinh” ở 25 lớp bổng chốc vượt lên dẫn đầu về thành tích học tập. Thậm chí gần cuối năm học trước và toàn năm học sau nhiều bạn trở thành “cán sự” bộ môn. Làm cán sự bộ môn thì buổi lên lớp cùng học chung với lớp. Buổi tự học thì giảng lại bài thầy cô vừa giảng cho anh chị em lớp mình. Cán sự người Nghệ giảng dễ hiểu hơn Thầy. Học viên nói với học viên dễ lọt lỗ tai hơn. Nhiều bạn nhận xét vậy. Ngoài bổn phận với lớp mình một vài anh em còn chi viện cho một số lớp khác theo yêu cầu. Đương nhiên “đánh ngoài” có được bồi dưỡng kẹo lạc và thuốc lào.
Tốt nghiệp loại ưu chúng tôi được tuyển thẳng vào Đại học. Tôi đinh ninh vào Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhận giấy báo chậm nên ngày tựu trường tôi đến muộn. Ông giáo vụ tên là Bạn thấy lý lịch bộ đội nên chuyển tôi sang Khoa Sử. Tôi đang loay hoay giữa Ký túc xá Láng thì gặp một người nghe tiếng nói có vẽ đồng hương liền hỏi thăm nơi ông Bạn làm việc ở mô. Người đồng hương này quá trẻ, tôi coi như là một bạn mới nhập học nên cứ ung mình ngang xương.
Vài ngày sau tôi mới biết đó là thầy Hà Văn Tấn, người Nghi Xuân giáo viên Ban Sử, Khoa Xã hội. Dạo đó Văn, Sử chung một Khoa. Tôi nghĩ cái duyên mình đi Sử rồi. Chuyện thương lượng đổi chổ với bạn Vương Lan chấm dứt. Vương Lan thích Sử cứ yên tâm mà học Văn. Tôi thích Văn cứ bình chân mà giồi mài kinh sử.
Ba năm học qua nhanh. Tôi với các anh Lưu Trần Tiêu, Hán Văn Khẩn được giữ lại trường và tháp tùng Thầy Tấn đưa sinh viên Sử khóa 9 lên Tam Nông Phú Thọ thực tập khảo cổ.
Ba anh em chúng tôi chưa phải là thầy. Nhưng cũng không còn là sinh viên. Vậy là được sắp xếp ở chung nhà với Thầy Hà Văn Tấn. Xếp tôn ti thầy trò thì Thầy Tấn đứng hàng trên hơn ba chúng tôi một cái đầu. Xếp về tuổi tác thì tôi Giáp Tuất trên Ất Hợi của Thầy Tấn một năm.
Trẻ trung và vui vẻ của Thầy Tấn lây sang ba anh em chúng tôi. Có những lúc bốn thầy trò nằm như rôồng rôồng nối đuôi để ăn chung một đĩa lạc luộc đặt giữa phản. Đầu người nọ gối lên chân người kia tạo thành một cái tứ giác người vừa bốc lạc vừa tiếu lâm vô tư và hồn nhiên lắm. Phải nói là do Thầy khởi sự, học trò mới dám thế. Thầy có khoa giảng bài rất dễ tiếp thu mà kể tiếu lâm cũng thuộc dạng “ngoại hạng”. Những ngày Tam Nông như thế đã muối chín kỷ niệm thầy trò trong lòng tôi.
Từ Tam Nông muốn mua gì đều phải ra Trung Hà, Sơn Tây. Tôi vốn là dân Trắc đạc Ty Thủy lợi Sơn Tây trước khi về Hà Tĩnh nên được Thầy Tấn và hai bạn Khẩn, Tiêu cùng lớp tín nhiệm giao cho bổn phận hậu cần.
Bốn thầy trò hay nói cho đúng hơn là cả đoàn khảo cổ chỉ có một cái xe đạp Thống Nhất của Thầy Tấn. Xe đạp không còn nguyên bàn đạp mà chỉ có hai cái ống sắt tròn. Chắn bùn cũng không có nên tiện cho việc hãm xe bằng chân khi gấp gáp. “Xe không phanh có chắn bùn thì nguy lắm. Thầy Tấn bảo thế”. Hơn một tháng trời tôi được làm chủ cái xe duy nhất này. Bây giờ thì có vẻ buồn cười. Nhưng năm 1964 thì coi như oai nhất lớp. Tam Nông Trung Hà mỗi ngày lượn xuống vòng lên một lần sao mà thênh thang vậy.
Năm 1965, may hay không may chẳng biết, tôi được Bộ Văn hóa Thông tin cử ông Bùi Quý Bảy vào tận Mễ Trì xin đích danh. Vậy là tôi về Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Viện Bảo tàng Cách mạng ở 25 Tôn Đản gần 20 Phan Huy Chú nên tôi hay đến chơi với Thầy Tấn độc thân ở đó. Tầng trên là nơi ở của vợ chồng thầy Trần Văn Giàu.
Năm 1975 tôi vào Sài gòn rồi ra Phan Rang mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo sự phân công của Bộ Văn hóa Thông tin Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Đúng dịp đó ông Giám đốc Thư viện tỉnh vốn là sinh viên Khoa Văn đi B, ra lệnh đốt dăm chục tấn sách thu hồi trên một năm chất đống tại sân Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Phan Rang). Tôi can và van xin đừng đốt để phân loại đã, bị ông ta lên án can thiệp vào công việc nội bộ của tỉnh Thuận Hải, nên phải thầm lặng “đội nón ra đi”. Vì nuối tiếc tôi cũng khèo được 3 cuốn sách dày. Cuốn Cây rừng Việt Nam 2 tập và cuốn Bản đồ Địa chất Việt Nam về tặng anh chị Mai – Sơn Tùng. Cuốn Tự điển Việt - A Rập và A Rập - Việt về tặng Thầy Tấn.
Những năm đó quà từ Sài Gòn mang về Hà Nội thường là đồ điện, máy móc chí ít cũng vải vóc quần aó. Tôi chỉ tặng Thầy một cuốn sách thôi. Nhưng từ ánh mắt và nụ cười của Thầy tôi biết Thầy hài lòng hơn tất cả.
48 năm đã qua kể từ lần gặp anh thanh niên đồng hương mà chưa biết là Thầy, đến nay tôi vẫn cứ hơn Thày một tuổi và vẫn mãi mãi là học trò của Thầy.
Hà Văn Tấn giàu trí tuệ nhưng bình dị, vui vẻ, trẻ mãi trong tôi, mẫu mực trong tôi.
 
                                                        Huế, những ngày nắng nóng 2010
                                                                   
        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521226

Hôm nay

21

Hôm qua

2303

Tháng này

219165

Tháng qua

121009

Tất cả

114521226