Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc, luôn luôn được sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Ngay sau Cách mạng tháng Mười, những người cộng sản xô viết dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, trung thành với những nguyên tắc lêninít về quyền tự quyết dân tộc, đã tích cực giúp đỡ phong trào cách mạng ở thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ II, lập trường của Liên Xô là thừa nhận quyền độc lập của các nước thuộc địa. Khi giải quyết vấn đề hoà bình, Liên Xô tác động tích cực đến Đông Dương – một thuộc địa rộng lớn của đế quốc Pháp, có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc. Tại Hội nghị Têhêran năm 1943, I.V. Stalin đã tuyên bố với những người đối thoại rằng: “Tôi không tưởng tượng rằng các nước Đồng Minh đổ máu vì sự giải phóng Đông Dương, để sau đó, Pháp sẽ tiếp nhận Đông Dương và khôi phục lại ở đó chế độ thuộc địa”[2]. I.V. Stalin còn nhấn mạnh rằng: “Cần nghĩ cách thay chế độ thuộc địa cũ bằng một chế độ tự do hơn”[3].
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II,thời gian chưa thiết lập quan hệ ngoại giao (1945-1950), Liên Xô đã gián tiếp tác động đến tình hình Việt Nam qua hoạt động chính sách đối ngoại tích cực, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, chống chiến tranh xâm lược. Liên Xô kiên quyết chống các hành động đi ngược lại các quyết định của Hội nghị Pốtxđam, khẳng định nhân dân Đông Dương đấu tranh vì độc lập tự do là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc đã được công nhận ở các Hội nghị Têhêran, Ianta và Xan Phranxico. Liên Xô lên án mạnh mẽ quân Anh và Tưởng Giới Thạch tiếp tay cho các thế lực thù địch nhân dân Việt Nam và yêu cầu các quân đội đang tạm thời chiếm đóng Đông Dương với những mục đích đã được xác định là: giải pháp quân đội Nhật, giải quyết hoà bình ở Việt Nam, không được can thiệp vào công việc nội bộ của vùng này, phải thực hiện sứ mệnh của mình ở Việt Nam phù hợp với Hiến chương Đại Tây Dương. Liên Xô kiên quyết chống lại cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” do thực dân Pháp gây ra nhằm chiếm Việt Nam, Đông Dương một lần nữa. Tại Hội nghị các Đảng Cộng sản châu Âu họp ở Ba Lan năm 1947, Liên Xô nêu rõ quan điểm kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương. Với thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế, việc thành lập Cục Thông tin Quốc tế (1947), Hội đồng tương trợ kinh tế (1949), sự ra đời của phe XHCN, Liên Xô không chỉ tạo ra thế và lực cho cách mạng Việt Nam, mà còn tạo nên nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Các tổ chức quần chúng của Liên Xô đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam ở các diễn đàn Hội nghị quốc tế để bảo vệ hoà bình tổ chức ở Pari, Praha, Matxcơva, Phectivan quốc tế thanh niên ở Puđapét…
Bằng sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô tạo ra những tiền đề pháp lý quốc tế cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, kéo theo sự công nhận và đặt quan hệ ngoại giao của các nước dân chủ nhân dân với Chính phủ Hồ Chí Minh. Việt Nam thoát khỏi thế cô lập quốc tế và được nâng lên vị thế mới trên trường quốc tế. Đây là sự ủng hộ về chính trị và tinh thần, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sau khi đặt quan hệ ngoại giao, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam những mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế, văn hoá … giúp Việt Nam đào tạo cán bộ và xây dựng đất nước.
Sự giúp đỡ toàn diện với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản của Liên Xô, trong đó có những đóng góp ở Hội nghị Giơnevơ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi.
1. Sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế Giơnevơ
Trong bối cảnh chiến tranh lạnh sau thế chiến lần thứ hai, đã diễn ra ba cuộc chiến tranh nóng: cuộc chiến tranh giữa Quân giải phóng Trung Quốc và quân đội của Tưởng Giới Thạch được Mỹ ủng hộ, cuộc chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên được Trung Quốc chi viện và Nam Triều Tiên được Mỹ ủng hộ và cuộc chiến tranh của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) với đế quốc Pháp được Mỹ ủng hộ. Cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc với sự thất bại của chế độ Tưởng Giới Thạch và việc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 10-1949. Cuộc chiến tranh ở Triều Tiên không phân thắng bại và cuối cùng dừng lại ở vĩ tuyến 38 với Hiệp định đình chiến tháng 7-1953 giữ nguyên hiện trạng của hai bên.
Trong bối cảnh đó, Liên Xô-một trong trật tự thế giới lưỡng cực, nhận thức rõ sự lạc hậu về kinh tế của mình so với các nước tư bản, tìm cách giảm sự căng thẳng của chiến tranh lạnh, ngày 4-8-1953, đưa ra sáng kiến triệu tập hội nghị năm nước lớn: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp để tìm các giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Trước sáng kiến đó của Liên Xô, ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn của báo Thụy ĐiểnExpressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó…Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[4].
Theo sáng kiến trên của Liên Xô, tại Hội nghị Ngoại trưởng bốn cường quốc: Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô họp ở Béc lin từ ngày 24-1 đến 28-2-1954 đã quyết định triệu tập Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ vào ngày 26-4-1954 để xem xét hàng loạt vấn đề liên quan đến việc ổn định tình hình ở Triều Tiên và Đông Dương. Các nước Anh, Pháp, Mỹ không chấp nhận sự tham gia của Trung Quốc. Tạo điều kiện cho Trung Quốc có địa vị quan trọng trên trường quốc tế, Liên Xô đã đấu tranh để Trung Quốc được tham dự. Vì vậy, Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và các nước có liên quan sẽ tham dự Hội nghị.
Trước thông báo trên của Hội nghị Béc lin, Việt Nam cho rằng việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi của phe hoà bình dân chủ để làm dịu bớt căng thẳng trong tình hình quốc tế. Song nhân dân Việt Nam không ảo tưởng hoà bình sẽ đến một cách dễ dàng và chỉ có chiến thắng kẻ thù thì mới giành được hoà bình. Vì vậy, trên chiến trường cuộc chiến đấu anh dũng vẫn tiếp diễn.
Trước khi diễn ra Hội nghị Giơnevơ, để đạt được kết quả, Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô đã tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Môlôtốp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào đầu tháng 4-1954 tại Matxcơva bàn các vấn đề liên quan đến Hội nghị ngoại giao. Tại cuộc họp này, quan điểm của Việt Nam là nhanh chóng kết thúc chiến tranh đã được Liên Xô ủng hộ. Phía Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không thể công khai nêu rõ mục đích ủng hộ Việt Nam, bởi vì điều đó có thể làm cho Trung Quốc đối lập lại với các nước còn lại ở Đông Nam Á và tạo điều kiện cho Mỹ có cớ để lập một liên minh trải dài từ Ấn Độ đến Inđônêxia.
2. Kiên quyết đưa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thành phần của Hội nghị
Ngày 27-4-1954, được sự uỷ nhiệm của Anh và Mỹ; Pháp gặp Liên Xô để thảo thuận về thành phần của Hội nghị khi bàn về Đông Dương. Các nước đế quốc đã tính đến cơ cấu Hội nghị trừ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì vậy, khi gặp đại diện Liên Xô, Pháp đã ra công thức: 5 nước như trong thông báo Béc lin (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc) cùng 3 quốc gia liên kết ở Đông Dương: Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và Chính quyền Bảo Đại. Trưởng phái đoàn Liên Xô bổ sung thêm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. V.M. Môlôtốp còn nhấn mạnh rằng, sẽ không chấp nhận sự có mặt của các phái đoàn các quốc gia liên kết, nếu như Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không được tham dự Hội nghị; đồng thời, đưa ra sáng kiến để hai Ngoại trưởng Anh – Indon và Ngoại trưởng Liên Xô - V.M. Môlôtốp làm đồng Chủ tịch khi bàn về Đông Dương. Ngày 2-5-1954, Anh, Pháp, Mỹ buộc phải chấp nhận đề án của Liên Xô với sự tham gia của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Như vậy, nhờ lập trường kiên định của Liên Xô, lần đầu tiên Việt Nam được tham gia Hội nghị quốc tế, mặc dù chưa được các nước Anh, Pháp, Mỹ công nhận về mặt ngoại giao. Điều đó đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam nói lên tiếng nói chính nghĩa của mình và qua đó uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
3. Ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hội nghị Giơnevơ họp từ ngày 8-5 đến 21-7-1954. Đến Hội nghị, mỗi nước đều lấy lợi ích quốc gia của họ làm chỉ đạo phương hướng hoạt động ngoại giao.
Phái đoàn Pháp của Chính phủ Lanien đến Hội nghị với ý định đàm phán chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh, nghĩa là vẫn tiếp tục chiến tranh. Vì vậy, Hội nghị không tiến triển được. Sau khi Chính phủ Lanien bị lật đổ, P.M.Phrăngxơ thay thế với quan điểm đưa cuộc đàm phán đến thắng lợi.
Mỹ thực hiện chính sách chống cộng quyết liệt nhất. Ở châu Âu, Mỹ chống Liên Xô; ở châu Á, Mỹ tìm mọi cách kiềm chế Trung Quốc. Vấn đề Đông Dương, Mỹ gần như không chấp nhận bất cứ giải pháp chính trị nào và gấp rút thế chân Pháp và cố gắng tăng cường chiến tranh xâm lược.
Anh lo duy trì quyền lợi ở Hồng Công và Trung Hoa lục địa nên đã công nhân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 6-1-1950. Anh tán thành Trung Quốc gia nhập Liên hợp quốc và chỉ đồng tình một cách dè dặt chính sách chống đối quyết liệt của Mỹ đối với Trung Quốc. Giải pháp bằng thương lượng vấn đề Đông Dương trùng hợp với mục tiêu của Anh.
Trung Quốc muốn giảm sự căng thẳng với Mỹ, củng cố chính trị - kinh tế- xã hội của mình, bảo đảm an toàn biên giới, đặc biệt là phía Nam, sớm tạo dựng cho mình vị thế một cường quốc thế giới. Vì vậy, giải quyết vấn đề Đông Dương bằng một giải pháp hòa bình có lợi cho Trung Quốc, nhất là sau những tổn thất trên chiến trường Triều Tiên không phải là mục tiêu duy nhất mà Chu Ân Lai theo đuổi ở Giơnevơ, Trung Quốc còn hai mục tiêu khác không kém quan trọng. Một là, đi tới bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu, trước mắt là về ngoại giao và thương mại. Hai là, gây ảnh hưởng chính trị đối với các nước châu Á. Trong thời gian hoạt động ở Hội nghị Giơnevơ, Trung Quốc đã biểu hiện khuynh hướng muốn tạo ra nhiều nước riêng biệt ở bán đảo Đông Dương.
Phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu kiên quyết đấu tranh bảo vệ những lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam: độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và dân chủ. Ngày 10-5, Việt Nam đưa ra kế hoạch, biện pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, phù hợp với lợi ích của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Mục tiêu của Liên Xô là không để cho Hội nghị thất bại, để thông qua đó Mỹ lợi dụng và mở rộng chiến tranh. Cuộc chiến tranh Đông Dương phải được giải quyết bằng thương lượng và đi đến đình chiến. Thiết chế đồng Chủ tịch đã tạo cơ sở thuận lợi để Liên Xô thúc đẩy Hội nghị tiến triển có hiệu quả. Với tư cách là đồng Chủ tịch, Ngoại trưởng Liên Xô V.M. Môlôtốp đã tham gia điều hành Hội nghị. Nhờ có sức mạnh của Liên Xô, các mưu toan của các nước đế quốc định tiến hành các cuộc đàm phán dựa trên sức mạnh đã không thực hiện được. Sử dụng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, Liên Xô đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước khác trong phe dân chủ làm thất bại âm mưu của đối phương phá Hội nghị Giơnevơ. Ngày 14-5, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Môlôtốp đã nêu rõ quan điểm của Liên Xô về vấn đề Việt Nam rằng: ở Đông Dương và trước hết ở Việt Nam cuộc chiến tranh đang diễn ra, về phía Pháp đó là cuộc chiến tranh xâm lược, đối với nhân dân Đông Dương đấu tranh vì tự do, độc lập khỏi ách áp bức thực dân, đó là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân Việt Nam đang nêu tấm gương đấu tranh giành độc lập dân tộc cho các dân tộc bị thực dân, đế quốc áp bức nô dịch. Liên Xô cho rằng nhiệm vụ của Hội nghị là phải đấu tranh để nhanh chóng chấm dứt các hành động quân sự của Đông Dương và phải ký kết được một bản Hiệp định, thoả mãn những yêu cầu hợp pháp của nhân dân Đông Dương về độc lập dân tộc và các quyền dân chủ. Đoàn đại biểu Xô viết đánh giá cao những đề nghị của Việt Nam dân chủ Cộng hoà và bày tỏ sự đoàn kết nhất trí đối với quan điểm của phái đoàn Việt Nam. Mặt khác, Liên Xô lên án gay gắt lực lượng hiếu chiến âm mưu phá hoại Hội nghị, làm cho Hội nghị bế tắc hoặc thất bại, đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp sao cho thoả mãn được quyền lợi của các bên, nhằm nhanh chóng kết thúc Hội nghị, chống âm mưu phá hoại của Mỹ.
Cuộc đấu tranh ngoại giao diễn ra gay gắt xoay quanh hai điểm mấu chốt: phân định giới tuyến tạm thời ở Việt Nam và thời hạn tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Phái đoàn Việt Nam đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến tạm thời và thời hạn 6 tháng sau ngày ký Hiệp định để thống nhất đất nước.
Xuất phát từ nguyên tắc thống nhất lãnh thổ và dân tộc, đoàn đại biểu Liên Xô kiên trì bảo vệ ấn định thời gian cụ thể, chính xác tiến hành bầu cử với mục đích thống nhất đất nước Việt Nam. Đoàn đại biểu Liên Xô kiên quyết yêu cầu không cho phép điều động đến Đông Dương các quân đội mới và vũ khí đạn được sau khi chấm dứt các hoạt động quân sự. Mục tiêu là làm cho cả Mỹ và Trung Quốc không sử dụng được Đông Dương làm căn cứ quân sự.
Tuy vậy, trong quá trình đàm phán, cả Liên Xô và Trung Quốc không tránh khỏi gắn với lợi ích dân tộc. Tuy cùng muốn có giải pháp hòa bình ở Đông Dương nhưng cả Liên Xô và Trung Quốc đều tranh thủ Pháp. Liên Xô có nhu cầu tranh thủ Pháp hòng ngăn Pháp không tham gia Khối phòng thủ châu Âu (EDC) do Anh, Mỹ, Pháp chủ trương nhằm bao vây Liên Xô. Trung Quốc lo giữ chân Pháp ở miền Nam Việt Nam để ngăn Mỹ nhảy vào, tránh đụng đầu trực tiếp với Mỹ như ở Triều Tiên. Vì vậy, khi Trung Quốc đề xuất phương án lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và thời hạn thống nhất hai miền là hai năm, Liên Xô đã tán thành phương án chia cắt Việt Nam của Trung Quốc. Trước đó, Pháp đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời. Trước sự đấu tranh kiên quyết của Liên Xô, Trung Quốc; Pháp, Anh, Mỹ đã rút xuống, chấp nhận vĩ tuyến 17.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Giải pháp Giơnevơ 1954 về Đông Dương phản ánh xu thế chung của những nước lớn trong tình hình quốc tế lúc đó. Cụ thể giải pháp đó là Liên Xô, Trung Quốc phối hợp với Anh, Pháp đề xuất, Việt Nam phải chấp nhận, vì không thể một mình tiến hành chiến tranh, nhất là phải trực tiếp đương đầu với Mỹ. Tuy nhiên, kết quả là thể hiện tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn Việt Nam và phản ánh tình hình so sánh ở Đông Dương lúc bấy giờ.
Điều quan trọng nhất đạt được ở Hội nghị Giơnevơ là lần đầu tiên trong lịch sử năm nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã phải thừa nhận về mặt pháp lý những quyền dân tộc căn bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là: độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, xóa bỏ chế độ nô lệ thuộc địa.
Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của Liên Xô như người sáng kiến tổ chức Hội nghị này, khẳng định sức mạnh của ngoại giao Liên Xô để đi đến ký Hiệp định: “Do sự cố gắng của đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Béc lin, mà có cuộc đàm phán giữa ta và Pháp ở Hội nghị Giơnevơ”[5]. Sau đó, ngày 12-7-1955 khi đến Matxcơva, Người đã phát biểu: “Chính sách của Liên Xô nhằm bảo vệ hoà bình thế giới và những cố gắng của Liên Xô ở Hội nghị Giơnevơ đã giúp nhân dân Việt Nam lập lại hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”[6].
[1]Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 41.
[2]Hội nghị Têhêran (từ 28 tháng 11 đến tháng chạp năm 1943), Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 8.
[3] Hội nghị Têhêran (từ 28 tháng 11 đến tháng chạp năm 1943), Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 8.
[4]Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 340.
[5]Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 1.
6Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb CTGQ, Hà Nội, 2011, tr. 41.