Văn hóa và đời sống

Đồng hành cùng sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc

Năm 2023, Việt Nam đã bàn nhiều đến câu chuyện văn hóa, đã nói đến sự cấp thiết phải chấn hưng văn hóa. Đặc biệt, con số 350 nghìn tỷ đồng đề xuất cho mục tiêu “chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn 2025-2035” thu hút sự quan tâm của dư luận. Một bộ phận đặt câu hỏi về cơ sở của đề xuất, về sự thiết thực của chương trình trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, về hiệu quả mang lại; song đại đa số, đặc biệt là những người làm văn hóa, nghiên cứu, gắn bó với sự nghiệp văn hóa đều vui mừng và hy vọng. Vui mừng khi văn hóa đã thực sự được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, như vốn dĩ cần phải có; hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn - nơi những giá trị văn hóa được gìn giữ, tôn vinh, tỏa sáng. Và năm 2024 sẽ là năm chúng ta bắt tay vào hành động để hiện thực hóa những mục tiêu, những kỳ vọng. Năm 2024 sẽ là năm chúng ta quyết tâm tìm lại đúng vị trí cho văn hóa, không chỉ trên các văn bản, câu chữ, lời nói mà trong chính tư duy, hành động, việc làm cụ thể.

Câu hỏi mấu chốt được đặt ra là việc chấn hưng văn hóa nên bắt đầu từ đâu? Thiết nghĩ, không thể khác, chúng ta phải bắt đầu từ con người, phải vực dậy những giá trị đạo đức, tinh thần đang xuống cấp trong xã hội; phải khai mở nhận thức, tư duy để mọi công dân hiểu được vai trò, sức mạnh của văn hóa. Và, đặc biệt, phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, một mục tiêu xuyên suốt cũng là trọng trách lớn lao được giao phó cho ngành Văn hóa. Hôm nay, khi đất nước đứng trước nhiều thách thức; khi chính trị thế giới có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong nước; khi lòng tự hào dân tộc đang có biểu hiện mai một, giảm sút trong một bộ phận người trẻ thì mục tiêu ấy, trách nhiệm ấy càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã đưa đất nước Việt Nam nhỏ bé bước ra khỏi những tăm tối, cần lao, khổ đau để có được độc lập, tự do. Lòng tự hào dân tộc đã giúp chúng ta bước qua mọi khó khăn, thử thách và chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất để có được ngày hôm nay. Đó là sức mạnh, một thứ sức mạnh kỳ lạ mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển bền vững, muốn vươn lên phải biết gìn giữ, khai khác, phát huy. Để tự hào dân tộc ngấm sâu vào mỗi người thì không gì khác, chúng ta phải coi trọng việc giáo dục lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Chúng ta phải xem đây là mục tiêu quan trọng và có chương trình, kế hoạch chi tiết, bài bản và cần được tiến hành nghiêm túc, thực chất, tránh hình thức hay chỉ mang tính hô hào, kêu gọi.

Song song với bảo tồn, vực dậy những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc, chúng ta cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn cho ngành công nghiệp văn hóa. Đó là cách phát huy giá trị di sản, đưa văn hóa thực sự trở thành nội lực, thành sức mạnh mềm của dân tộc.

Bước vào năm 2024, ngành văn hóa Nghệ An sẽ có nhiều mục tiêu cần hoàn thành, nhiều việc phải làm. Đó là thực hiện tốt các nhiệm vụ hàng năm, góp phần cùng tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm nay như: Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9-10%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.903 tỷ đồng; tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đạt 69,8%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn đạt 79,3%; …Và quan trọng, chúng ta phải tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch để đồng hành cùng sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc. Chúng ta phải làm sao để góp phần tăng “sức đề kháng” cho nền văn hóa dân tộc, để các giá trị văn hóa tốt đẹp không trở nên biến dạng, méo mo hay bị lấn lướt bởi những giá trị du nhập từ bên ngoài. Chúng ta phải đầu tư tương xứng cho văn hóa, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác văn hóa, nghiên cứu văn hóa. Hơn hết thảy, điều quan trọng hàng đầu và cần làm ngay lúc này là phải thay đổi nhận thức, tư duy và cách thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; để công tác văn hóa không chỉ đồng nghĩa với những việc “cờ, đèn, kèn, trống”, không chỉ là đôi ba chương trình nghệ thuật, một vài không gian trang trí,... Chúng ta cần làm sao để khơi dậy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người Nghệ trong lòng mỗi người dân Nghệ An hôm nay và mai sau.

Năm mới đến, chúng ta tin và mong, mỗi công dân, mỗi gia đình sẽ biết yêu và gìn giữ những giá trị văn hóa trong đời sống hàng ngày. Chúng ta tin và mong những giá trị tốt đẹp, đích thực sẽ được khơi dậy mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Chúng ta tin những hành động dù nhỏ hôm nay sẽ góp phần đưa sự nghiệp chấn hưng văn hóa thành công!

VHTT NGHỆ AN

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445460

Hôm nay

2197

Hôm qua

2296

Tuần này

21069

Tháng này

211719

Tháng qua

120141

Tất cả

114445460