Đất và người xứ Nghệ

NSƯT An Ninh và những đóng góp cho Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh

 

Là đồng nghiệp thuộc thế hệ đi sau, tôi luôn khâm phục và cảm kích sự hiểu biết sâu rộng, sức làm việc phi thường và sự tận tụy trong công việc của NSƯT Nguyễn An Ninh. Ông là một trong những cây bút hiếm hoi còn lại mặn mà với công việc sáng tác và chuyển thể kịch bản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh nhưng cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT An Ninh lại gắn bó nhiều hơn với vùng đất Nghệ An. Bởi vậy mà chất Nghệ trong ông là sự kết tinh hài hòa những gì tinh túy nhất của nền văn hóa đất Hồng Lam. Suốt cuộc đời ông tâm huyết, tận hiến sức lực và trí tuệ góp phần rất lớn vào công cuộc bảo tồn và phát huy kho tàng di sản dân ca của quê hương, đồng thời nhiều lần đóng góp công sức đưa sân khấu Ví, Giặm vang xa, tỏa sáng trong nền sân khấu Việt Nam. Cho đến khi nghỉ hưu, sức khỏe không còn được như trước nhưng ông vẫn một lòng đam mê, vẫn say sưa cống hiến, bền bỉ và lặng lẽ gắn bó với con thuyền Ví, Giặm. Có người nói, NSƯT An Ninh sinh ra là để làm Ví, Giặm.

 

Đến với con đường nghệ thuật từ thuở thanh niên, chàng trai Nguyễn An Ninh lúc bấy giờ là một diễn viên trẻ đầy triển vọng. Tuy nhiên vì lòng đam mê, sự yêu thích và như có mối tơ duyên với nghiệp cầm bút nên ông đã âm thầm, lặng lẽ tự rèn luyện viết và chuyển thể kịch bản từ khi mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi.

 

Xuất phát từ sự khan hiếm và thiếu hụt kịch bản dân ca, NSƯT An Ninh luôn đau đáu trong vấn đề tìm kiếm nguồn kịch bản chất lượng để sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh thể nghiệm thành công và đứng vững trong nền khấu khấu Việt Nam. Trong 50 năm hình thành và phát triển sân khấu kịch hát, những người có khả năng chuyển thể và gắn bó với công việc chuyển thể kịch bản có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Những tên tuổi lớn thuộc thế hệ đàn anh đi trước khá thành công được NSƯT An Ninh học hỏi kinh nghiệm và xem như những người thầy của mình là: nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, nhạc sĩ Đình Bảo, nhạc sĩ Vi Phong, nhạc sĩ Thanh Lưu...  và cho đến nay, NSƯT An Ninh là một trong những cây bút hiếm hoi còn mặn mà với công việc chuyển thể kịch bản.

 

40 vở diễn được chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản dân ca trong 40 năm làm nghề là minh chứng rõ nhất cho quá trình lao động miệt mài, một sự cống hiến không ngừng nghỉ và hết sức nghiêm túc trong công việc của NSƯT Nguyễn An Ninh. Hàng chục tác phẩm do NSƯT Nguyễn An Ninh chuyển thể đã được dàn dựng tham gia các đợt Liên hoan, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và được Hội đồng nghệ thuât đánh giá cao. Các vở đạt Huy chương Vàng như: “Soi vào quá khứ” (2005), “Một cây làm chẳng nên non”, “Người thi hành án tử” (2010), “Đường đua trong bóng tối” (2013), “Thầy và trò” (2016), “Vụ án Am Bụt Mọc” (2020), “Vầng sáng”, “Cánh cò trong bão” (2022)... là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể, toàn bộ ekip xây dựng chương trình vở diễn, trong đó, người chuyển thể là ông đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi trong quá trình chuyển thể, ông phải tìm hiểu thế mạnh của từng diễn viên, từ đó mà lựa chọn làn điệu phù hợp với từng vai diễn, từng lớp diễn, từng cá nhân phụ trách vai diễn. Ông cũng dành tất cả tình cảm, trí tuệ và vốn hiểu biết của mình để chắt lọc từ ngữ, chắt chiu từng câu hát sao cho cô đọng, súc tích, tạo ra những câu hát hay, truyền cảm, tạo cảm hứng và giúp nghệ sĩ thăng hoa trong các vai diễn của mình, đó cũng là một trong những nhân tố tạo nên thành công cho người diễn. Biết bao nhiêu vai diễn ấn tượng, bao nhiêu HCV, HCB tạo nên tên tuổi và thành công của các NSND: Hồng Lựu, An Phúc, Minh Tuệ, hay các NSƯT: Tạ Dương, Minh Thành, Đức Lam... một phần lớn là nhờ thành công ở khâu đầu tiên -  khâu lựa chọn và chuyển thể kịch bản. Bởi diễn viên là người trực tiếp thể hiện làn điệu nhưng để có được những lời thoại hay, những câu hát dân ca chạm vào trái tim người nghe là nhờ tác giả chuyển thể. Riêng với hai tác phẩm “Lời Người lời của nước non”“Một cây làm chẳng nên non”, NSƯT An Ninh được Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn và trao giải Tác giả Chuyển thể Xuất sắc tại Hội diễn năm 2010 và Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2008.

 

Bên cạnh là người chuyển thể thành công kịch bản văn học thì NSƯT An Ninh cũng là tác giả tiêu biểu sáng tác kịch bản dân ca cho sân khấu. Mặc dầu không học qua một lớp sáng tác kịch nào nhưng ông lại có thể viết những tác phẩm dài hơi được đánh giá cao cả về nội dung và nghệ thuật. Tiêu biểu là các vở: “Một ông hai bà”, “Của gia bảo”, “Món hàng tội lỗi”, “Cổ tích giữa đời thường”, “Mẹ Đợi”, “Giàu khóc nghèo cười”, “Vé số, số vé” và nhiều tác phẩm có giá trị khác. Mỗi tác phẩm đều đạt các giải thưởng lớn nhỏ khác nhau như Giải Nhì Hồ Xuân Hương (Món hàng tội lỗi), Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An (Cổ tích giữa đời thường)...  Tuy nhiên, các giải thưởng và sự vinh danh không thể nào so sánh được với những giá trị đã đi sâu vào tâm hồn, tình cảm của người dân xứ Nghệ. Những tác phẩm đó hầu như năm nào cũng được dàn dựng và biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, được Nhân dân đón nhận và trông đợi. “Một ông hai bà” có lẽ đã trở thành câu cửa miệng của khán giả xứ Nghệ mỗi khi Đoàn dân ca Nghệ An về các địa phương biểu diễn, vở diễn đó cũng gắn bó với tên tuổi và phong cách dí dỏm, hài hước của một số nghệ sĩ của Nhà hát.

 

NSƯT An Ninh có sự am hiểu sâu rộng về dân ca Nghệ Tĩnh, có tình yêu sâu nặng với văn hóa truyền thống của quê hương, cộng với một nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào, ông đã cho ra đời hàng trăm bài hát sử dụng làn điệu dân ca Ví Giặm mang đậm chất Nghệ như “Lời mẹ hát”, “Con thuyền Ví Giặm”, “Xuôi dòng Lam Giang”, “Duyên tình câu Ví quê hương”, “Lung linh hồn quê xứ Nghệ”, “Khúc giã bạn”...  Những  sáng tác của ông phong phú, đa dạng về chủ đề, phù hợp với cả người già cho đến trẻ nhỏ, độ tuổi thanh niên hay học sinh cũng đều hát được. Các tác phẩm đó không chỉ đóng góp cho sự thành công, sự phong phú đa sắc màu cho sân khấu kịch hát mà ngay cả trong mỗi cuộc thi, liên hoan, hội diễn dân ca ở cộng đồng địa phương hay trong các trường học, sáng tác của NSUT An Ninh đều trở nên quá thân thuộc với khán giả Nghệ Tĩnh ở nhiều lứa tuổi suốt hàng chục năm qua. Đó cũng là cơ duyên mang ông đến gần hơn với những người yêu dân ca xứ Nghệ. Họ thường xuyên liên hệ, tìm gặp và nhờ ông xem, góp ý các bài viết về dân ca Ví Giặm.

 

Cho đến nay, hơn 40 năm trong sự nghiệp sáng tác, dàn dựng và chuyển thể kịch bản, NSƯT Nguyễn An Ninh đã tích lũy cho mình một gia tài đồ sộ với hàng trăm bài dân ca đủ các thể loại như: Đơn ca, song ca, hoạt ca, đối ca, hoạt cảnh, kịch ngắn, kịch dài và kịch bản chuyển thể. Trong mỗi tác phẩm, ông đều để lại dấu ấn riêng trong lòng công chúng và trở nên quen thuộc với khán giả xứ Nghệ ở các độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, từ những năm 2009-2010, khi dân ca Ví Giặm chưa được UNESCO cộng nhận là di sản, NSUT An Ninh cùng với vợ là NSND Hồng Lựu đã chủ động đề xuất và tích cực thực hiện chủ trương đưa dân ca vào trường học. Ông là người viết và phục chế tất cả các màn diễn xướng và là một trong những người trực tiếp đi về các địa phương sưu tầm tư liệu từ các nghệ nhân xây dựng bộ phim tư liệu “Ví Giặm Nghệ Tĩnh, tiếng nói từ cộng đồng” để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Ví Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

NSƯT An Ninh vai Đức trong vở “Vầng sáng” - HCV tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Ảnh: Lương Vân

 

NSƯT An Ninh vai thầy Trung trong vở "Thầy và trò". Ảnh: Lương Vân

 

NSƯT An Ninh từng tâm sự rằng, công việc yêu thích nhất của ông chính là sáng tác. Tuy nhiên, sau mấy chục năm vắng bóng trên sân khấu và trong những lần hiếm hoi xuất hiện với vai trò diễn viên thì ông cũng đều thể hiện tốt và dành Huy chương Vàng cá nhân ở các vai diễn như thầy Trung trong vở “Thầy và trò” (2016), ông Trung trong “Người thứ 13” (2020) và ông Đức trong “Vầng sáng” (2022).

 

NSƯT An Ninh cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc dàn dựng chương trình nghệ thuật cho các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn như “Khúc hát Sào Nam”, “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, “Tình yêu người cộng sản”... đặc biệt trong năm 2022, hai chương trình nghệ thuật do ông viết kich bản đều đoạt HCV của Hội diễn đó là chương trình “Sắc” tại Hội diễn Ca Múa nhạc toàn quốc 2022 diễn ra tại Đăk Lăk và chương trình nghệ thuật “Thanh âm miền Ví Giặm” cũng đạt HCV tại Liên hoan âm nhạc ASEAN được tổ chức tại thành phố Hội An.

 

Sau 40 năm công tác, ông nghỉ hưu ở tuổi 60 với danh hiệu NSƯT, được nhận nhiều Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nghệ An. Ông cũng đang được đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông đã chiếm trọn tình cảm của những người yêu Ví, Giặm xứ Nghệ. Niềm vui rất nhiều, nhưng trăn trở lo lắng trong ông cũng không phải là ít. Bởi ông là một người nghệ sĩ với tính cách mộc mạc, bình dị chất phác, một con người trầm tư ít nói, luôn sống và làm việc bằng cái tâm và tình yêu dành cho nghệ thuật. Ông vẫn luôn đồng hành trên con thuyền Ví, Giặm cùng với những người đồng nghiệp, các nghệ nhân và Nhân dân xứ Nghệ trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm. Tiếp tục cống hiến làm cho Ví, Giặm ngày một lung linh hơn, lan tỏa hơn./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444315

Hôm nay

2257

Hôm qua

2309

Tuần này

22128

Tháng này

219489

Tháng qua

112676

Tất cả

114444315