Đất và người xứ Nghệ

Bản sắc văn hóa Cửa Lò qua các di tích lịch sử

Biển khơi bao đời mênh mông như lòng mẹ, nuôi sống con người, hình thành nên các làng chài bên bờ biển. Từ trong quá trình lao động sản xuất, những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển dần được hình thành, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn bản sắc văn hóa đậm đà của vùng đất Cửa Lò địa linh nhân kiệt. Phong tục tập quán của người dân Cửa Lò gắn với truyền thống làng biển, ngư nghiệp. Qua nhiều thế hệ, những phong tục tập quán của con người Cửa Lò được tiếp nối, lưu truyền, phát triển mang nhiều màu sắc mới những vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi của nó.

 

Lễ hội đền Vạn Lộc

 

Linh thiêng Vạn Lộc

 

Cảm giác lắng đọng, xưa cũ nhưng rất riêng khi trở về vùng đất Cù lao Vạn Lộc, nơi từng biết đến là đại danh thắng địa linh nhân kiệt, nơi có ngôi đền linh thiêng, là điểm tựa tâm linh cho người dân Cửa Lò. Đền thờ Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi, người có công khai cơ lập ấp nên đền Vạn Lộc xưa. Đền hướng mặt ra phía Bắc, soi bóng xuống dòng sông Cấm, 3 bề 4 bên là núi non sơn thủy hữu tình. Vạn Lộc là tên chữ của làng do Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi đặt với ý nghĩa lớn lao là mong muốn cho “Muôn lộc đổ về vùng đất này”. Đúng với cái tên ấy, ngày nay nhờ ngài phù hộ chở che mà con dân đã biết vươn mình làm giàu, biến vùng đất hoang sơ thành trù phú, giàu giá trị truyền thống văn hóa đặc thù của người xứ Nghệ.

 

Trong Chúc Ước Văn đã khẳng định “Địa linh sánh đâu bằng Vạn Lộc” hay “Nơi văn miếu trống chiêng lừng lẫy” để nói về một vùng đất linh thiêng, trù phú, sầm uất khó nơi nào sánh kịp. Được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, có giá trị kiến trúc với nghệ thuật đặc sắc thể hiện được bản sắc văn hóa vùng biển các thời Lê, Nguyễn. Những hiện vật có giá trị như câu đối, đại tự, sắc phong, bài vị, long ngài, lư hương,… được các nghệ nhân xưa chạm khắc tỉ mỉ, kỹ thuật tinh xảo đạt đến đỉnh cao tạo ra những giá trị vật thể vô cùng to lớn, là minh chứng cho sự trường tồn của những di tích này.

 

Một người con làng Vạn Lộc - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhu đã ứng tác câu ca như thay lời nhắc nhở để nhớ về tên đất hồn người nơi đây: “Dạo gót thử trông xem, kìa Lô Thủy, nọ Ngư Sơn, vui thú đâu hơn quê quán cũ. Cầm xin tay nhắc nhẹ, kẻ lan tôn người quế tử, vun trồng xin nhớ cội cành xưa”.

 

Chính vì lẽ đó, từ hàng ngàn năm nay trong những cuộc vươn khơi bám biển với ngư cụ thô sơ, các ngư dân nơi đây phải gồng mình chống chọi với bao bất trắc hiểm nguy giữa đại dương sâu thẳm, họ mang theo niềm tin về các vị thần linh có sức mạnh siêu nhiên phù trợ để họ vững lòng hơn trước sóng to gió lớn của biển khơi. Niềm tin ấy lâu dần đã hình thành nên những tín ngưỡng văn hóa mang đậm sắc màu sắc thần thoại. Nêu cao niềm tín ngưỡng của mình, Ông Trần Tô Hoài - Người dân phường Nghi Tân, TX Cửa Lò bày tỏ:“Tôi là một ngư nghiệp đánh cá ở ngoài biển, thường thường mồng một, ngày rằm đến xin đức Quận công Sư Hồi cầu cho trời yên biển lặng, thu hoạch bội phần, cho ngư dân đời sống ấm no và hạnh phúc”.

 

Vào mùa xuân, Vạn Lộc rực rỡ sắc màu lễ hội, đã trở nên thân thuộc mà người dân Cửa Lò ai cũng biết đến, đó chính là nết làng, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây. Cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, lễ hội đền Vạn Lộc được tổ chức thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương tham quan. Phần lễ được tổ chức trang trọng và chu đáo, lễ rước được tổ chức quy mô, bài bản, giàu bản sắc với hàng chục kiệu rước thần của các di tích và các dòng họ trên địa bàn. Phần hội rộn rã, vui tươi với những màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian độc đáo và hấp dẫn.

 

 

Đền Vạn Lộc

 

Di tích đền Vạn Lộc chính là những dấu vết của quá khứ còn lưu lại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích không những gìn giữ được những sản phẩm vật thể mà còn góp phần làm thăng hoa di sản văn hóa phi vật thể, từ đó cốt cách dân tộc được giữ gìn, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng, lưu truyền. Đó là những nhân tố quan trọng không thể thiếu của sự phát triển bền vững.

 

Đền Làng Hiếu - Huyền thoại Cá Ông

 

Cũng như làng Vạn Lộc, vị mặn mòi của biển như thấm đượm vào làng Lan Thanh từ cái tên làng tên xã. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thời gian, người dân vẫn ra khơi, mang con cá con tôm về với đất liền. Nghi Hải nổi tiếng với nghề chế biến hải sản, nguồn hải sản từ biển làm nên sự trù phú, đông đúc cho làng nghề. Ngày hôm nay, những con thuyền vẫn tiếp tục được các thế hệ cháu con dong gió ra khơi vừa phục vụ cho cuộc mưu sinh, vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa xóm làng, đồng thời góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi Ngư dân lênh đênh trên biển cả mênh mông, lúc gặp gió to sóng lớn mà tai qua nạn khỏi họ càng tin vào đấng thần linh che chở phù hộ cho mình. Thần tượng “cá ông” như một đấng thiêng liêng cứu nạn giữa trùng khơi của cư dân chài lưới. Các Ngài có một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Anh Nguyễn Hữu Hợp - Người dân khối Lam Thanh, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò nói về nỗi niềm của người đi biển và sự tôn sùng của bản thân:“Chúng tôi là một người dân lúc đi biển giông gió hoạn nạn, cá ông rất thiêng, giúp đỡ dân cũng như tàu thuyền lúc khó khăn vào lạch ra lạch, giúp đỡ dân về đến nơi đến chốn. Đó là tâm linh mà người dân chúng tôi rất tín ngưỡng cá ông, thần cô thần cậu”.

 

Mộ cá Ông ở đền Làng Hiếu

 

Hiện nay, 6 đạo sắc của các đời vua từ triều đại Hậu Lê đến các triều Nguyễn và một số di vật phụng thờ của chùa Hói Trai, điện Tam Tòa, Đình hai xã, Miếu cá Ông được ban quản lý di tích đền Làng Hiếu trông coi và gìn giữ.

 

Năm 2015, đền Làng Hiếu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Vào tháng 3 âm lịch của những năm chẵn, lễ hội cầu ngư được tổ chức trang trọng, là dịp để Nhân dân bày tỏ lòng thành kính trước các vị thần linh đã che chở cho mình bình an và may mắn. Vào dịp này, những phong tục của người miền biển được thể hiện rõ nét và sinh động nhất. Ông Nguyễn Văn Cường - Ban Văn hóa phường Nghi Hải kể rằng:Khi người dân đi biển nếu phát hiện cá Ông chết thì chủ thuyền sẽ cặp đến và đưa cá ông về bờ. Sau đó, chủ thuyền sẽ phối hợp với Ban Quản lý đền để chôn cất cá Ông như một người thân trong gia đình. Trong khuôn viên đền Làng Hiếu, hiện có một nghĩa trang cá Ông với hơn 100 ngôi mộ. Vào ngày rằm và mồng một hàng tháng, người dân đến đây thắp hương để xin cá Ông phù hộ cho những người đi thuyền, đi biển an toàn, đánh bắt cá được nhiều”.

 

Bàu Lối xưa - Nơi ghi dấu chân của một thời oanh liệt

 

Bên cạnh các tín ngưỡng của cư dân vùng ngư nghiệp, đã từ rất lâu, trong ký ức của mỗi người dân vùng nông nghiệp phường Nghi Thu,Thị xã Cửa Lò thì đền Bàu Lối là điểm đến tâm linh của mình. Tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 3.884 m2., ngôi đền này được người dân xây dựng từ thời hậu Lê. Hai cây thông già, hai cây phượng và hồ bán nguyệt trước đền đã có nhiều sự tích linh thiêng được người dân bao đời truyền tai nhau kể lại cho lớp lớp cháu con. Dù được trùng tu nhiều lần nhưng đền vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Đền Bàu Lối cũng là nơi chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sự cách mạng, nơi đây đã từng tập hợp những người cộng sản, những người cùng chí hướng để sinh hoạt, phát triển phong trào yêu nước.

 

Hiện nay, nhiều hộ dân ở phường Nghi Thu đã thay đổi ngành nghề chuyển sang làm dịch vụ du lịch nhưng đa số người dân vẫn thuần nông, bám vào ruộng đồng để sinh sống. Ngày sóc, vọng, người dân vẫn hướng về đền, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Hiện nay, Cửa Lò có 35 di tích trong đó có 4 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Tất cả các di tích nói trên đều được các cấp chính quyền và người dân hết sức quan tâm. Nền văn hóa của địa phương nằm trong trái tim và tâm hồn của Nhân dân. Bước chân vào cõi tích linh thiêng chính là đến để tiếng kêu của cõi lòng trước những thách thức, khó khăn được hóa giải, may mắn, hạnh phúc sẽ ùa về. Chính vì lẽ đó, ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy hơn trước thì người dân lại càng có ý thức hơn trong việc góp công góp của để tôn tạo các di tích trên địa bàn để ngày một xứng tầm hơn. Tìm hiểu về công tác bảo tồn các di tích tại địa phương, ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TX Cửa Lò cho hay: “Trong thời gian tới, Cửa Lò tiếp tục triển khai các đề án, kế hoach trùng tu, tôn tạo phát huy các di tích trên địa bàn thị xã; tổ chức các hoạt động tại các điểm di tích để hướng người dân về sinh hoạt tâm linh và hiểu rõ hơn về các điểm di tích. Cửa Lò cũng đang tập trung để xây dựng kế hoạch tuyên truyền các điểm đến, đặc biệt quan tâm các điểm đến là di tích trên địa bàn thị xã, hướng du khách ngoài việc tắm biển còn về với các điểm di tích này để hiểu rõ hơn về cội nguồn văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã Cửa Lò”.

 

 

Biển Cửa Lò

 

Ngày ngày biển vẫn cứ vỗ vào bờ, đẩy những tâm tình vào đá. Người ta đến Cửa Lò tò mò về những con sóng biển khơi, tò mò về những vách đá bám lấy thềm biển. Cửa Lò đẹp mộng mơ thu hút người về với biển, về để hòa mình trong dòng nước mát trong, về để đến những di tích, danh lam thắng cảnh với biết bao câu chuyện kể để hiểu thêm về bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cù lao Vạn Lộc. Một Cửa Lò đang vươn mình đứng dậy từ bề dày văn hóa./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 10 - Tháng 8/2023)

                                                     

                                         

                  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511554

Hôm nay

2217

Hôm qua

2336

Tuần này

21928

Tháng này

218427

Tháng qua

121356

Tất cả

114511554