Đất và người xứ Nghệ

150 năm khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai (1874 - 2024): “Phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây”

Năm 1874, ngay sau khi Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước đã phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đáng chú ý nhất là cuộc khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị dập tắt vào cuối năm đó nhưng sự kiện này đã ghi dấu ấn điển hình về tinh thần dân tộc cao cả vì chủ quyền quốc gia và để lại những bài học quý giá cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc sau này.

Nền Tế Cờ và phần mộ Trần Tấn, Trần Hướng trên núi Đài, xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương.

Ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa được nhen nhóm từ sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862)

Vào giữa thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với thực dân Pháp, một trong những thế lực thực dân, đế quốc sừng sỏ của phương Tây, có ưu thế tuyệt đối về vũ khí và đang trên đà phát triển. Mặc dù vậy, ngay từ khi khơi mào cuộc chiến, thực dân Pháp đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt và tinh thần chiến đấu vô song của một dân tộc chưa bao giờ cam chịu làm nô lệ. Khắp từ Nam chí Bắc, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, Nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên kháng chiến chống lại quân xâm lược.

Trong giai đoạn đầu, cuộc chiến chống lại quân xâm lược được quy tụ dưới ngọn cờ triều đình, nhưng đến khi triều đình nhà Nguyễn đi vào con đường thỏa hiệp, xa dần với lợi ích dân tộc, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta vẫn tiếp tục được duy trì, khi có tổ chức, lúc mang tính tự phát, khi mạnh, khi yếu, nhưng ngọn lửa đó chưa bao giờ tắt.

Lúc bấy giờ, trong cuộc đấu tranh của giới Nho sĩ, trí thức, nổi bật nhất là 2 phong trào yêu nước chống Pháp: Phong trào Văn thân và Phong trào Cần Vương.

Phong trào Văn thân là phong trào yêu nước của quần chúng do các Nho sĩ, chủ yếu là các Tú tài, Cử nhân lãnh đạo, phát khởi từ năm 1864 ở miền Bắc và miền Trung. Phong trào Cần Vương là phong trào yêu nước của các nhân sĩ, sĩ phu ở khắp nơi, hưởng ứng Chiếu Cần vương từ năm 1885. Cả hai phong trào này đều có mục tiêu là chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng về phương pháp đấu tranh có sự khác nhau.

Phong trào Văn thân nêu khẩu hiệu “Bình Tây, sát tả”, còn phong trào Cần vương mang danh nghĩa giúp vua Hàm Nghi đánh thực dân Pháp, cứu nước.

Văn thân bao gồm những sĩ tử trường thi, những tú tài sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc, làm thầy bói, hoặc họ là những sĩ tử đậu Tứ trường (Cử nhân) có thể được bổ dụng một chức quan nhỏ để có bổng lộc. Họ là những người thù Tây, ghét đạo. Phong trào Văn thân bắt đầu từ cuộc bãi thị lớn của hàng vạn sĩ tử các trường thi Hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ năm 1864 nhằm phản đối Triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn cho thực dân Pháp. Điều đó đã làm cho Nhân dân cả nước phẫn nộ, đặc biệt là tầng lớp văn thân, sĩ phu, trí thức Nho học. Những người Văn thân cho rằng, vua Tự đức không còn xứng đáng là vua trăm họ vì sự nhu nhược và không ngăn cản việc truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây. Văn thân kết tội Gia tô giáo đã dẫn ngoại xâm đến và giáo dân đã tiếp tay cho thực dân Pháp xâm lược. Họ cho rằng, muốn đánh thắng thực dân Pháp thì phải tiêu diệt nội thù - chính là những giáo dân.

Vì vậy, trong kỳ thi Hương năm Giáp Tý (1864), tại tất cả các trường thi từ Hà Nội đến Nam Định, Nghệ An, Huế, các sĩ tử đã đồng tâm “bãi thị” nhằm mục đích chống thực dân Pháp và Triều đình Huế, tỏ lòng bất mãn với Hiệp ước Nhâm Tuất (1862). Đây là một việc chưa từng có trong các kỳ thi Hương ở nước ta.

Cuối tháng 5/1872, để chuẩn bị cho việc ký hiệp ước mới với Pháp, triều đình Huế cử Ngụy Khắc Đản đứng ra dàn xếp vụ bài xích Thiên chúa giáo do Trần Tấn và Đặng Như Mai phát động ở Nghệ An. Trước thái độ đó của triều đình Huế, hai thầy trò đã kêu gọi Nhân dân trong vùng khởi nghĩa.

Hiệp ước Giáp Tuất (1874) - Giọt nước làm tràn ly

Ngày 15/3/1874, tại Sài Gòn, đại diện của Triều đình Huế và Pháp đã ký một hiệp ước với 22 điều khoản, gọi là “Hiệp ước Hòa bình và Liên minh”, hay gọi là Hiệp ước Giáp Tuất. Theo đó, Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ Nam Kỳ (từ nam Bình Thuận trở vào); quân đội Pháp được phép đồn trú tại các hải cảng ở miền Bắc, miền Trung và trên sông Hồng; phía Pháp được thiết lập một tòa công sứ ngay bên cạnh triều đình Huế để giám sát, được đảm bảo việc tự do hành đạo và truyền đạo Ki tô, những kẻ phản bội được chính thức hợp pháp hóa.

Hiệp ước Giáp Tuất (1874) đã thể hiện sự bất bình đẳng giữa Việt Nam và Pháp trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, tạo cơ hội cho thực dân Pháp can thiệp sâu hơn vào hoạt động của triều đình, tiến một bước dài trong quá trình thôn tính Việt Nam.

Trước thái độ đầu hàng của triều đình, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, chống triều đình của các tầng lớp nhân dân tiếp tục dâng cao tại nhiều địa phương ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ từ sau Hiệp ước Giáp Tuất được ký kết. Văn thân, sĩ phu phẫn nộ đã nổi dậy nhiều nơi như Hộ đốc Lê Hữu Thường, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng ở Nam Định, sĩ phu Nguyễn Mậu Kiến ở Thái Bình, quy mô lớn nhất của phong trào Văn thân lúc ấy là ở Nghệ - Tĩnh do thầy trò Tú Tấn lãnh đạo.

Theo “Từ điển nhân vật xứ Nghệ” của PGS Ninh Viết Giao (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2008) thì Trần Tấn là sĩ phu yêu nước, quê làng Chi Nê, tổng Võ Liệt, nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Tú tài, xuất thân làm Bang biện huyện Thanh Chương. Với tấm lòng nhiệt thành yêu nước, khi đang làm Bang biện, ông đã có những hành động rất kiên quyết là trấn áp một số cha cố đang hoạt động gián điệp ở vùng Mộ Vinh (Thanh Chương), ông bị Triều đình Huế buộc tội và cách chức. Không vì thế mà ông nhụt chí, ông ra Bắc vào Nam lấy cớ dạy học để kết bạn tâm giao.

“Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”

Tại Nghệ An, trước sự chuẩn bị ký kết hiệp ước đầu hàng của triều đình, các sĩ phu, văn thân yêu nước đã tập hợp lại cùng bàn bạc việc chống Pháp. Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh lân cận, Trần Tấn cùng học trò thân tín là Đặng Như Mai tập hợp các sĩ phu yêu nước như Trần Quang Cán, Nguyễn Huy Điển ở Hà Tĩnh, Trương Quang Thủ ở Quảng Bình, họp văn thân bàn cách đánh giặc, chiêu mộ nghĩa quân phát động khởi nghĩa. Nhằm nêu cao mục đích chính nghĩa và tập hợp lực lượng đông đảo các tầng lớp nhân dân, Trần Tấn đã viết bài “Hịch văn thân” đề ngày mồng 2 tháng 2 năm Tự Đức thứ 27 (tức ngày 29/3/1874) với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” để hô hào Nhân dân vùng lên cứu nước. “Bình Tây sát tả” chính là cương lĩnh của cuộc khởi nghĩa.

Ngày 17/3/1874, Trần Tấn cùng con trai là Trần Hướng và học trò Đặng Như Mai làm lễ tế cờ tại rú Đài (Thanh Chi) rồi kéo xuống Thanh Thủy (Nam Đàn) lập đại đồn. Trần Tấn đã đọc “Hịch văn thân”, kêu gọi quân sĩ: “Hãy vì lăng miếu tổ tiên ngàn đời của cha ông mà cùng nhau  dốc lòng, dốc sức chiến đấu” và ông được tôn là “An Nam đại lão tướng quân”, tổng chỉ huy toàn bộ nghĩa sĩ ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Các tướng sĩ khác được giao các nhiệm vụ cụ thể khác: Đặng Như Mai coi việc thuế khóa và vận động Nhân dân quyên góp vật chất để nuôi quân; Đặng Quang Vinh (em trai Đặng Như Mai) theo dõi tình hình, kịp thời đối phó với bọn phản động đội lốt tôn giáo làm gián điệp cho Pháp trong vùng; Trần Hướng, Năm Thiện, Đội Dục được giao nhiệm vụ chỉ huy các toán quân chiến đấu...

Hưởng ứng lời kêu gọi “Bình Tây sát tả”, Nhân dân Nghệ An nhiệt liệt hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân đã chiếm được tỉnh lị Hà Tĩnh và làm chủ hầu hết các vùng Nghệ Tĩnh, trừ thành Nghệ An. Từ chỗ chống Pháp, cuộc khởi nghĩa trên thực tế đã chuyển thành một phong trào vừa chống Pháp, vừa chống triều đình đầu hàng, đồng thời cũng là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa bộ phận chủ trương kháng chiến và bộ phận đầu hàng trong giai cấp phong kiến mà tiêu biểu là Triều đình Huế.

Nếu như, trước họa xâm lăng của dân tộc ta giữa thế kỷ XIX, giai cấp phong kiến, mà đại diện là Triều đình Huế từng bước đầu hàng, vứt bỏ vai trò lãnh đạo kháng chiến rồi cuối cùng đầu hàng giặc, câu kết với thực dân Pháp thống trị Nhân dân ta, thì ngọn cờ kháng chiến chuyển dần về tay Nhân dân do các văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) do Trần Tấn lãnh đạo đã đánh dấu một bước ngoặt của quá trình chuyển biến đó.

Hoảng hốt trước sức mạnh của nghĩa quân, vua Tự Đức ra lệnh giáng chức các quan lại bất tài ở Nghệ An: Tôn Thất Triệt, Phạm Chi Hương, Nguyễn Đôn, cử Nguyễn Chính làm Tổng đốc, chỉ thị phải hợp tác với cha cố người Pháp để đối phó. Tự Đức phải cử Đô Thống Hồ Oai dẫn 600 quân từ Thanh Hóa vào hợp tác, sau đó là Khâm sai Nguyễn Văn Tường, Tổng thống quân vụ đại thần Lê Bá Thận, Nguyễn Đình Khoa đem 500 quân cấp tốc ra Hà Tĩnh, cử Phạm Tiến Lâm đưa hơn 1.000 quân đóng giữ tuyến sông Gianh để đàn áp. Chưa đủ, ở phía Bắc, Tự Đức còn điều cả quân của Tôn Thất Thuyết đang đóng ở Sơn Tây về Thanh Hóa lấy thêm quân rồi tiến vào Nghệ An để giải vây cho thành Diễn Châu và thành Vinh. Thực dân Pháp và tay sai đã treo thưởng 400 lạng bạc và chức quan Chánh phẩm cho ai giết hoặc bắt được “giặc Mai, giặc Tấn”.

Căn cứ Võ Liệt của nghĩa quân ở Thanh Chương nhanh chóng bị phá vỡ. Trần Tấn và Đặng Như Mai phải rút về vùng núi phía Tây của Nghệ Tĩnh cùng với Trương Quang Thủ, Nguyễn Huy Điển. Khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” có đã bộc lộ rõ sự hạn chế là tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ khiến nghĩa quân ngày một yếu đi.

Bấy giờ, nghĩa quân dương cờ “Bình Tây, sát tả”, nhưng trên thực tế chưa diệt được một tên lính Tây nào, chủ yếu nhằm vào quân triều đình. Triều đình Huế phải điều quân và yêu cầu cả hải quân Pháp trợ giúp.

Trước sự tấn công dồn dập cả 3 bề 4 phía của quân triều đình và cả quân công giáo phản động có sự chỉ huy của cha cố người Pháp, nghĩa quân của Trần Tấn không đủ sức và lực để chống trả và dần tan rã. Ông và một số tàn quân rút sang tỉnh Khăm Muộn của Lào. Ông lâm bệnh và qua đời ở đó. Phong trào Văn thân cùng các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp ở miền Bắc đều bị đàn áp. Cả con trai Trần Hướng và học trò Đặng Như Mai bị xử tử, chém bêu đầu tại thành Vinh.

Những dấu ấn làm nên tiếng vang của Khởi nghĩa Giáp Tuất (1874)

 

Tác giả (áo đen) cùng thầy giáo Trần Văn Thìn - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Quả (Thanh Chương), thầy giáo Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương - Thị xã Hoàng Mai viếng Nhà thờ Trần Tấn tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương.

Qua công tác nghiên cứu, khảo cứu nhiều nguồn tài liệu kết hợp với phương pháp điền dã, đối chiếu với những chuyện kể lưu truyền trong Nhân dân, chúng ta có thể khôi phục lại một cách chân thật, khách quan thân thế, sự nghiệp của Trần Tấn và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo năm 1784 ở mấy điểm nhấn cơ bản sau:

Thứ nhất, cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) là cuộc khởi nghĩa mở đầu, có quy mô lớn nhất, thể hiện rõ rệt nhất phản ứng của người dân Việt Nam yêu nước nói chung và các văn thân, nhân sĩ Nghệ Tĩnh trước thái độ đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn. Từ chỗ chống Pháp, cuộc khởi nghĩa trên thực tế đã chuyển thành một phong trào vừa chống Pháp, vừa chống triều đình đầu hàng. Từ nơi bùng nổ của khởi nghĩa là Nghệ An, tiếng vang và hiệu ứng của cuộc khởi nghĩa đã lôi cuốn và lan rộng cả vùng từ Thanh Hóa vào, Quảng Bình ra.

Thứ hai, cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 1 năm, cuối cùng bị dìm trong máu lửa. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng nhất đánh dấu sự phản kháng tức thời, quyết liệt của người dân cả nước nói chung và người dân Nghệ Tĩnh nói riêng trước sự đầu hàng của triều đình Huế ngay sau bản Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Để tiến hành xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã dùng những thủ đoạn xảo quyệt, trước hết là lợi dụng lòng tin của một bộ phận nhân dân về tôn giáo nhằm chia rẽ khối đoàn kết của Nhân dân và lôi kéo một số người làm tay sai cho chúng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, những hành động kích động, lôi kéo người theo đạo Thiên chúa chuẩn bị cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp đã được triều đình Tự Đức dung túng. Chính vì vậy, ý thức chống Pháp gắn liền với tinh thần chống Triều đình đầu hàng với giặc, trực tiếp là khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” của Trần Tấn và các văn thân, sĩ phu yêu nước xứ Nghệ đã hình thành từ sớm, ngay cả trước khi triều đình ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất (1874).

Thứ ba, một nội dung đáng chú ý trong cuộc khởi nghĩa này là “Hịch văn thân” đã thể hiện thái độ chống Công giáo vô cùng kịch liệt. Tất nhiên ở đây phải kể tới sự phản ứng của tầng lớp văn thân, sĩ phu vốn đã mang nặng tư tưởng Nho giáo, nhưng phong trào “Bình Tây sát tả” trước hết là xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc. Để đạt được mục tiêu bảo vệ nền độc lập dân tộc, tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước không chỉ chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân cướp nước, mà còn đánh đổ bất cứ kẻ nào làm tay sai cho giặc, tiêu diệt bất cứ trở lực nào ngăn cản phong trào kháng chiến của dân tộc ta. Sự câu kết giữa quân Pháp với một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo lại được Triều đình dung túng, bao che, thậm chí tiếp sức. Trong điều kiện, bối cảnh lịch sử đó, việc “bình Tây” gắn liền với “sát Tả” của một số nghĩa quân là điều khó tránh khỏi. Đương nhiên, chúng ta không đồng tình với chủ trương “sát tả’ một cách cực đoan như vậy, nhưng cũng cần thấy rõ tình cảm của những người lãnh đạo kháng chiến lúc bấy giờ đã đặt lợi ích dân tộc làm trọng.

Thứ tư, mặc dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn và để lại ảnh hưởng mạnh mẽ thời bấy giờ. Đây là một cuộc khởi nghĩa khiến triều đình nhà Nguyễn phải tập trung rất nhiều binh lực, mới có thể đàn áp được. Ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa đã khiến sau này vua Tự Đức phải ra lệnh hạn chế việc lấy đỗ Tú tài trong các kỳ thi Hương: “Đặt khoa thi chọn lấy học trò vốn cầu để cung giúp việc nhà nước. Về hạng Tú tài, một khi lấy rộng quá rồi chỉ để đấy, không dùng cũng là vô ích, trừ người nào đã bổ quan không kể. Còn Tú tài các khoa từ trước đến nay hết thảy bãi bỏ tên ở sổ, từ nay về sau, thi Hương chuẩn cho lấy hạng Cử nhân thôi. Việc lấy đỗ Tú tài đình bãi cả”. (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập VIII, tr.65).

Thất bại của khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) của Trần Tấn - Đặng Như Mai cũng như phong trào yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX đã bộc lộ sự lỗi thời, bất lực của ý thức hệ phong kiến cũng như tình trạng khủng hoảng lãnh đạo, thiếu đường lối đúng đắn dẫn dắt để giải phóng dân tộc. Đây chính là bài học sâu sắc về vai trò lãnh đạo và huy động tổng hợp sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước.

Phải đến khi Nguyễn Ái Quốc xuất dương cứu nước, tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc và thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam mới thật sự chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Nhân dân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến tay sai, tiến hành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 và 30 năm chiến tranh cách mạng 1945-1975, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Đánh giá, ghi nhận ý nghĩa lịch sử lớn lao của Khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai năm 1874, khu di tích nền Tế Cờ, mộ và nhà thờ Trần Tấn ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương - mảnh đất sinh ra sĩ phu yêu nước Trần Tấn đã được Nhà nước xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 2002. Hàng năm, tại khu di tích này diễn ra nhiều kỳ lễ, nhưng lớn nhất là lễ giỗ của Trần Tấn vào ngày 22/8 âm lịch và lễ kỷ niệm ngày Trần Tấn làm Lễ tế Cờ 17/3 âm lịch. Chí khí anh hùng, tinh thần chiến đấu ngoan cường của Trần Tấn mãi được Nhân dân Nghệ - Tĩnh và Nhân dân cả nước ngưỡng mộ và tôn kính. Ông xứng đáng là một danh nhân lịch sử của dân tộc và quê hương xứ Nghệ./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)

 

Tài liệu tham khảo:

1.    Lịch sử Nghệ An, Tập 1 (Từ nguyên thủy đến Cách mạng Tháng tám 1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2012.

2.    Đặng Huy Vận: “Về cuộc khởi nghĩa Trần Tấn và Đặng Như Mai năm Giáp Tuất 1874 ở Nghệ An và Hà Tĩnh”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 79, năm 1965.

3.    Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập VIII.

4.    Trần Hữu Đính: “Trần Tấn và cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất 1874”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6 (319), 2001.

5.    Lịch sử Việt Nam, Tập 6 (Từ 1858 đến năm 1896), Viện Sử học-  Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 2017.

6.    Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh: “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nhà Xuất bản Giáo dục, 2000.

7.    Ninh Viết Giao: “Từ điển nhân vật xứ Nghệ”, Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.

8.    Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Phong trào kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX - Bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 2018.

9.    Bộ Quốc phòng: “Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam” (Quyển 1: Lịch sử Quân sự), Nhà xuất bản QĐND, 2015.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444040

Hôm nay

2291

Hôm qua

2307

Tuần này

21853

Tháng này

219214

Tháng qua

112676

Tất cả

114444040