Người xứ Nghệ

Phan Bội Châu (Phần cuối)

               KẾT LUẬN

PHAN BỘI CHÂU TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM
 
Trong lịch sử Việt Nam Phan Bội Châu là một nhân vật lớn. Ông là nhà họat động chính trị, là nhà tư tưởng, là nhà yêu nước tiêu biểu cho cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Phan Bội Châu cũng là nhà văn; trong địa hạt văn học ông cũng lại tiêu biểu cho cả giai đoạn lịch sử ấy. Vì lẽ đó, Phan Bội Châu có vị trí quan trong trong lịch sử văn học.

1. Goóc - ky coi văn học là nhân học. Nói thế không chỉ là nói nhà văn chân chính nào cũng như là nhà nhân đạo chủ nghĩa, mà chủ yếu nói văn học, một bộ môn nghệ thuật lĩnh hội và phản ánh thế giới khách quan, cuộc sống thực tế theo góc độ đó nên văn học chân chính đứng về phía con người, quan tâm thiết tha với sự nghiệp giải phóng của con người, chống những thế lực tự nhiên và xã hội ràng buộc, áp bức nó, không cho nó giành được tự do và hạnh phúc cao hơn, phát triển để tiến bộ toàn diện hơn, phản ánh cuộc đấu tranh của con người vươn tới làm chủ thiên nhiên, hoàn thiện tổ chức xã hội, nâng cao phẩm giá và năng lực của mình. Nhà văn lớn là những nhà văn tiêu biểu cho cuộc đấu tranh đó trong những chặng đường cụ thể, cụ thể về mặt lịch sử, cụ thể về mặt dân tộc, cho nên tác phẩm của họ có tính nhân dân, có tính dân tộc cao màcũng có tính chiến đấu, tính nhân đạo cao.
Do điều kiện thực tế của lịch sử, ở Việt Nam cuộc đấu tranh vì con người trước hết là đấu tranh giành và giữ độc lập, cho nên văn học Việt Nam phát triển thành một truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, vì dân, phát triển không dứt từ thời Lý Trần cho đến đỉnh cao ngày nay. Sau khi chế độ thực dân hình thành, dân tộc đứng trước một tình hình mới: muốn là yêu nước thì phải đấu tranh giải phóng dân tộc, mà muốn giải phóng dân tộc thì phải duy tân chống phong kiến, dân chủ hóa đất nước, hiện đại hóa đất nước và cuói cùng hòa vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đầu thế kỷ XX, nhiều nhà nho vì yêu nước đã bước đầu nhận ra con đường đó. Họ đưa tư tưởng yêu nước, duy tân vào văn chương, tạo thành một phong trào văn học khác trước, phân biệt với văn chương, tạo thành một phong trào văn học khác trước, phân biệt với văn chương yêu nước truyền thống từ thời Lý Trần đến cuối thế kỷ XIX. Phan Bội Châu là người sáng tác nhiều nhất, trong thời gian liên tục và lâu nhất, đạt đến những đỉnh cao nhất vè giá trị nội dung và nghệ thuật. Đề cao quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ đất nước của người dân, kêu gọi vì nghĩa đồng chủng đồng bào mà đoàn kết dân tộc, lấy tình đồng chí mà gắn bó tổ chức cách mạng và đem máu ra rửa vết nhơ nô lệ, Phan Bội Châu đã làm cho văn học yêu nước có nội dung dân tộc dân chủ cao hơn, có tính chiến đấu, tính nhân đạo cao hơn.
Phan Bội Châu là nhà văn yêu nước tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn cận đại.
2. Khi Phan Bội Châu bước vào hoạt động cứu nước và sáng tác văn học thì nước Việt Nam đã mất độc lập. Cả dân tộc đang đứng trước đòi hỏi phát động lại phong trào đấu tranh giành độc lập mà cũng đang đứng trước thực tế đất nước đã đi vào quỹ đạo chung của thế giới tư bản chủ nghĩa đang tư sản hóa. Tất yếu lịch sử đòi hỏi phải xóa bỏ chế độ phong kiến. Đáng lẽ đó là nhiệm vụ của một giai cấp mới: giai cấp tư sản. Thế nhưng trong nước cơ sở kinh tế và xã hội lại chưa phát triển để giai cấp tư sản thành một lực lượng đáng kể. lịch sử đã đặt lên vai - hay nói cho đúng hơn nhà nho Phan Bội Châu đã tự đặt lên vai mình gánh vác thay cho giai cấp tư sản nhiệm vụ đó. Ông đã thành lập chính đảng, kêu gọi phát triển công thương nghiệp, tổ chức đoàn hội và họat động như một chính khách. Ông cũng đã sử dụng văn học vào mục đích mới: tuyên truyền cho công chúng, kêu gọi cứu nước, duy tân dân chủ, ông trở thành nhà văn và viết văn nghệ.
Nhà nho vốn là một nhân vật nông thôn, chỉ thích hợp với chế độ phong kiến phương Đông. Ra vận động duy tân, dân chủ hóa, tư sản hóa đối với họ là chuyện lạ lùng mới mẻ. Sự phát triển xa lạ với quy luật đòi hỏi ở họ một cố gắng vượt bậc mà cũng đưa họ đến những khó khăn không thể vượt qua. Điều đó quy định nội dung tính chất và vận mệnh của nền văn học mà các nhà nho duy tân khởi xướng.
Một mặt nhu cầu phê phán chế độ phong kiến làm cho nó gặp gỡ tư tưởng cách mạng tư sản thế kỷ thứ XVIII ở Tây Âu phát triển thành một xu hướng khải mông. Nhưng mặt khác, tiền đề vật chất không đầy đủ như phong trào Khải mông châu Âu nó lại phát triển chỉ trong khuôn khổ chiết trung với tư tưởng Nho giáo.
Trong hoàn cảnh nước nhà mất chủ quyền, một nền văn học có tính chất cách mạng chống thực dân, chống phong kiến như vậy không thể họat động đàng hoàng hợp pháp. Những nhà nho yêu nước và duy tân hoặc phải lưu vong ra nước ngoài hoặc trước sau đều bị tù đày. Mối liên hệ mong manh với quần chúng, cũng tức là công chúng văn học, do quan niệm, do thiếu khả năng về tổ chức của nhà nho, nhanh chóng bị cắt đứt. Họ trở thành những người lẻ loi cô độc. Trong hoàn cảnh thất bại, thứ văn chương yêu nước “hải ngoại” hay “thi tù” trước sau đều quay về bộc bạch tâm sự của con người đạo đức, khí tiết thanh cao kiểu Nho giáo, tạo thành một hiện tượng “lại giống”. Phan Bội Châu đã trải qua trọn vẹn chặng đường ấy, trong phạm vi mà điều kiện khách quan quy định ông đã đạt đến những điểm tích cực nhất và tránh được những điểm tiêu cực nhất. Ông đã nhiệt tình gan góc cổ động cho đấu tranh giành độc lập, cho tư tưởng dân chủ, rồi cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông đã lên án văn chương cử tử, đã cách tân văn học, sáng tác những lời kêu gọi lâm ly thống thiết, có sức đi vào quần chúng rộng rãi, mạnh dạn viết truyện ngắn, tiểu thuyết… Nhưng ông vẫn phải dừng lại trước thế giới hiện đại. Không phải ông không say mê lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng ông không hiểu được nó. Không phải ông không thích một nền văn học khác trước, nhưng ông không hiểu cách khái quát thế giới của văn học hiện đại. Cuối cùng Phan Bội Châu cũng không tránh được hiện tượng lại giống. Chỉ có điều hiện tượng đó ở ông xảy ra chậm hơn, và ở ông, ta luôn luôn chứng kiến một cố gắng vươn lên, sẵn sàng tự thay đổi để tiến bước.
Phan Bội Châu là tấm gương phản ánh trung thực cả thời đại. Tư tưởng và sáng tác văn học của ông soi rõ vận mệnh hợp quy luật của nèn văn học Việt Nam đi từ phong kiến đến hiện đại tức là quá trình phát triển phi tư bản chủ nghĩa của Việt Nam trong thế giới hiện đại. Qua tấm gương của ông ta có một ý niệm rất rõ về quan hệ giữa điều kiện khách quan và năng động chủ quan, về tác động của hoàn cảnh sống và họat động cụ thể, về tác động của thế giới quan, của ý thức hệ khi đã hình thành hẳn trong một con người. Phan Bội Châu có thể vẫn cứ là nhà nho và cũng không thể khác thế, nhưng nếu ông chọn con đường sang châu Âu, nếu ông biết một ngôn ngữ châu Âu, nếu ông tiếp xúc được với văn học châu Âu… Đó không phải là hiện thực, nhưng đó không phải là cái ngoài khả năng của thời đại. Thế giới hiện đại đã mở ra nhiều con đường rộng hơn, nhưng Phan Bội Châu đã chọn lầm một ngõ cụt.
3. Phan Bội Châu là nhà tư tưởng, là nhà văn của thế kỷ XX, nhưng nếu so với những nhà tư tưởng, nhà văn đồng thời với ông trên thế giới mà ngày nay ta đã quen thuộc thì quãng cách giữa Phan Bội Châu với họ phải đến 1, 2 thế kỷ. Chỉ cách đây 50, 60 năm những “câu thơ dậy sóng” của ông – lúc bấy giờ là rất mới – mang sức mạnh bão táp, thổi bùng ngọn lửa cách mạng, lay động, thôi thúc hàng ngàn hàng vạn thanh niên dấn thân vào con đường cứu nước đầy gian nguy. Đến ngày nay những vấn đề ông đặt ra chưa phải là cũ, thế mà đối với chúng ta Phan Bội Châu đã xa cách rất nhiều. Khi nhập vào cuộc sống chung của thế giới, chúng ta còn rất lạc hậu vì chúng ta là kẻ đến muộn. Nhưng chúng ta đã hòa vào cuộc sống chung đó rất nhanh và trải qua một quá trình phát triển gấp rút, không bình thường.
Phan Bội Châu tiêu biểu cho thời kỳ cận đại có tính chất giao thời. Theo xu hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa, thời cận đại không phát triển trọn vẹn, không phân biệt rạch ròi với thời trung cổ và thời hiện đại. Đó là một giai đoạn tự phủ định, tìm tòi, chọn đường trong thế giới hiện đại. Cả về tư tưởng, cả về văn học; sự họat động của Phan Bội Châu là sự từ giã cái cũ, tìm đường đến cái mới. Xung quanh ông, một thế hệ nhà nho tiên tiến đã tập hợp lại, suy nghĩ như ông và viết văn theo gương ông. Thế nhưng thế hệ sau không đi con đường của họ, mà chính họ cũng không đi lâu trên con đường mình vạch ra. Con đường hòa mình vào thế giới hiện đại phải trải qua một bước phát triển nhảy vọt, gián đoạn, cách mạng. Về mặt tư tưởng và văn học, đó là sự thay đổi hoàn toàn phương pháp nhận thức thế giới, quan niệm văn học, phương pháp sáng tác, tiêu chuẩn thẩm mỹ… Để đi đến nền văn học hiện đại chân chính, nèn văn học cũ của ta vừa phải dân tộc hóa, vừa phải hiện đại hóa; thế mà con đường cách tân văn học của Phan Bội Châu không vượt được truyền thống nghệ thuật phương Đông dẫn đến một cuộc cách mạng cơ bản để hiện đại hóa. Cái đẹp nghệ thuật có tính lịch sử. Trải qua bước đột biến phương thức khái quát thế giới của Phan Bội Châu, lý tưởng thẩm mỹ của Phan Bội Châu, ngôn ngữ văn học của Phan Bội Châu lúc bấy giờ rất dân tộc, rất hợp với công chúng, nhưng ngày nay đã là quá khứ trong quan niệm của chúng ta về nghệ thuật.
Không phải vì vậy mà Phan Bội Châu thôi không còn là nhfa văn lớn của dân tộc. Trong văn học trước thời hiện đại của ta tồn tại hai dòng bác học và bình dân do sự phân cáchcó tính lịch sử giữa hai lực lượng sáng tác, hai công chúng văn học: nhà nho và nông dân. Trong nền kinh tế nông nghiệp tự nhiên, người nông dân tuy nắm toàn bộ nền sản xuất xã hội nhưng lại giữ vị trí hoàn toàn phụ thuộc về chính trị và xã hội. Văn học bình dân cũng vì vậy có tính cách lẻ tẻ, địa phương, nói những vấn đề trong phạm vi chật hẹp. Nhà nho cũng là nhân vật nông thôn nhưng vẫn xa nông dân, dùng một văn tự ngoại lai, nhưng lại là một tầng lớp tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Hán ngữ là ngôn ngữ văn học. Đối với các tác giả nhà nho, chỉ trong văn chương chữ Hán ta mới gặp những tư tưởng tình cảm nghiêm chỉnh nhất của họ. Sự phát triển của văn nôm trải qua một quá trình từ dân ca đến thơ ca chịu sự tác động vừa của văn chương nhà Nho, vừa của dân ca. Trong cuộc sống chung không những nhà nho học lời ca điệu hấtcủ nông dân mà nông dân cũng học nghệ thuật văn chương nhà nho. Tác động qua lại đó góp phần làm ra đời một loại thơ ca hoặc là do nông dân làm, hoặc do nhà nho làm thích hợp hơn với công chúng đông đảo nhất của dân tộc: nông dân. Truyện nôm ra đời do tác động qua lại như vậy, tuy đã đạt được những thành tựu cao, làm cho văn học dân tộc phát triển lên một bước mới, được nông dân ưa thích nhưng vẫn là một bộ phận riêng, không nói đến những vấn đề lớn của đại bộ phân dân tộc, không chứa đựng truyền thống yêu nước của dân tộc, cho nên không phải là bộ phận tiêu biểu nhất cho tình cảm tư tưởng dân tộc. Việc ra đời của truyện nôm chưa xóa bỏ sự cách biệt giữa văn chương bác học và bình dân. Sự tham gia tích cực của nông dân vào đời sống dân tộc nổi bật từ khi Pháp xâm lược nước ta. Phong trào chống Pháp đã làm ra đời rất nhiều vè lên án thực dân, triều đình, quan lại, tố cáo hiện thực khổ nhục của nhân dân dưới sự thống trị của thực dân và phong kiến. Được Đảng của giai cấp vô sản giác ngộ và tổ chức, nông dân càng tham gia mạnh mẽ vào tiến trình phát triển của dân tộc và của văn học, tạo thành những phong trào thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh, thơ ca kháng chiến, thơ ca cải cách ruộng đất… Nền thơ ca đó của nông dân có một ví trí riêng trong lịch sử văn học dân tộc. Đóng góp của Phan Bội Châu vào lịch sử văn học dân tộc có thể nhìn cả hai mặt: một mặt ông dùng chữ Hán viết những vấn đề lớn lao của dân tộc, của quần chúng và vì yêu cầu đó cách tân các thể loại văn chữ Hán; mặt khác, ông dừngchx Nôm viết thơ ca cho nông dân, góp phần nâng cao nội dung và nghệ thuật của thứ văn chương đó làm cho nó có tính chất dân tộc, tính toàn quốc, góp phần làm hình thành thể loại diễn ca cách mạng sử dụng rộng rãi sau này.
Văn học chân chính góp phần bồi dưỡng, đào tạo những phẩm chất cao đẹp mới cho con người, nâng cao phẩm giá, năng lực của con người trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong con người Việt Nam tiên tiến của thời hiện đại: người cộng sản, nhiều phẩm chất được nhiều người chú ý: yêu nước, yêu đồng bào, kiên cường, bất khuất, yêu đồng chí, đồng đội… là những phẩm chất có từ lâu trong truyền thống dân tộc và chính Phan Bội Châu đã có công lớn phát huy, nâng lên cao hơn từ khi phủ định người trung nghĩa, người khí tiết theo kiểu Nho gia từ thế kỷ XIX trở về trước.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Phan Bội Châu là một mắt xích quan trọng. Tên tuỏi ông thuộc vào loại những người có công phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển văn học dân tộc lên một bước và nâng cao phẩm giá con người Việt Nam lên một bước.
4. Việt Nam thành thuộc địa của Pháp và hòa vào cuộc sống chung của thế giới hiện đại là một sự kiện phản ánh quy luật phát triển chung của xã hội loài người: chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhưng nước chậm tiến bị đế quốc xâm lược biến thành thuộc địa, ở các nước thuộc địa xuất hiện xu hướng gấp rút tư sản hóa, hiện đại hóa và hình thành phong trào chung chống chủ nghĩa thực dân - vết ô nhục của loài người văn minh. Nước Việt Nam cũng phát triển tong phong trào chung đó, ngày nay “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nên văn học yêu nước, cống thực dân của Việt Nam trong lịch sử văn học thế giới sẽ được chú ý vì nó là nền văn học của đội tiên phong chống thực dân. Nổi bật lên trong lịch sử chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới là tên tuổi của dân tộc Việt Nam, của Đảng Lao động Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó Phan Bội Châu sẽ xứng đáng được nhiều người quan tâm như là người trong bước đầu chống chủ nghĩa thực dân của dân tộc ta đã dùng văn học cổ động cho chủ trương duy tân đất nước, đấu tranh võ trang, đoàn kết dân tộc, thành lập chính đảng cứu nước (chưa phải là Đảng Cộng sản), làm cho mọi người thiết tha yêu quý độc lập và tự do, chuẩn bị rất nhiều cho cuộc đấu tranh anh hùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo đến thắng lợi.
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443620

Hôm nay

2178

Hôm qua

2333

Tuần này

21433

Tháng này

218794

Tháng qua

112676

Tất cả

114443620