Khách mời văn hóa

Văn học hôm nay, một cái nhìn từ nhà văn [Trao đổi với nhà thơ Anh Ngọc]

Lời Tòa Soạn: Văn học, cũng như các sự vật, hiện tượng khác, đều có những nhận thức và đánh gía khác nhau bởi các cách tiếp cận khác nhau của các chủ thể khác nhau. Sau các trao đổi với các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, VHNA đã có cuộc trao đổi về văn học với nhà thơ Anh Ngọc với tư cách là người sáng tạo văn chương. Trân trọng giới thiệu cúng bạn đọc.

Phóng viên:Cách đây hai năm, tôi có được đọc bài  “Những kỷ niệm tinh thần về nhà văn Nguyên Ngọc” của ông. Bài viết ấy không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về nhà văn Nguyên Ngọc mà còn được biết ít nhiều về  ông và quan điểm của ông về văn học.

Thưa ông, “Đổi mới” đã được gần 30 năm. Với tư cách là một người sáng tác văn chương, ông có thể phác họa hành trình văn học của nước ta trong 30 năm qua, hay nói cách khác là phác họa  chân dung hay là lập đồ thị văn học Việt Nam thời “Đổi mới”? Véc tơ của đồ thị đó có hình gì? Theo hướng  nào, thưa ông?

Nhà thơ Anh Ngọc:Theo tôi, Đổi Mới là một nhu cầu tự thân của tình hình đất nước ta trên tất cả mọi phương diện. Cuộc đổi mới ấy ở ta đến HƠI MUỘN so với các nước trong khối XNCN trước đây, nhưng dù sao, muộn còn hơn không, nếu như không có đổi mới thì rất dễ hình dung điều gì sẽ đến, đúng như cha ông nói : Cùng tắc biến! (Còn “Biến tắc thông” cũng là chân lý, nhưng điều này diễn ra lâu dài và tùy hoàn cảnh, sẽ nói sau).

Với tôi, tôi chỉ tin vào một chân lý: Đó là cuộc sống luôn vận động theo quy luật (cả tự nhiên và xã hội), dù con người có cố gắng cưỡng lại quy luật thì, tạm thời có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược quy luật một thời gian, nhưng nhất định sớm muộn, quy luật cũng sẽ vận động đi tới theo…quy luật!!!! Nhưng người nắm được chân lý (các nhà minh triết) là người nhìn ra quy luật vận động, phấn đấu để tạo điều kiện cho quy luận vận động thuận lợi về phía trước, không đốt cháy giai đoan, không “ăn gian với lịch sử”, nhưng cũng không cản bước lịch sử.

Riêng nước ta, từ lúc cách mạng Tháng Tám thành công, rất không may là lại phải tiến hành ngay hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, nên mặc dù - nói ra quá dài dòng, - ta tạm quy cái tội làm chậm lại lịch sử cho chiến tranh – vì chiến tranh là hiện tượng bất bình thường, có quy luật riêng của nó.

Nhưng khi chiến tranh đã kết thúc, ta không nhận ra là phải trở lại quy luật bình thường của thời bình ngay, mà tiếp tục thứ quy luật của chiến tranh, dưới danh nghĩa cách mạng một thời gian dài, nên cuộc sống đã giáng trả cho ta những đòn không khoan nhượng, cuộc sống lúc ấy đã lăn đến chạm đáy (còn nhớ, đến nhà thơ Xuân Diệu mà còn có lần nói với chúng tôi: Mục đích của kế hoạch 5 năm 1980 – 1985 là đến 1985, cuộc sống vẫn được như năm 1980!!!).

Cho nên: Đổi Mới hay là chết! Đó là một sự thật.

Và bản chất của cuộc Đổi MỚi đó là: TRỞ VỀ VỚI TIẾN TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA QUY LUẬT - một thứ quy luật mà cả nhân loại đang vận động theo, không có ngoại lệ nào cả!

Từ cái nhìn vào cuộc sống nói chung như vậy, ta có thể suy ra trong Văn Học cũng vậy thôi. Trong nhiều năm, do nhu cầu của cách mạng và chiến tranh, chúng ta biến văn học thành một thứ công cụ, một phương tiện để tiến hành cách mạng và chiến tranh.  

Trong giai đoạn đó, thực sự văn học đã đóng góp được nhiều cho sự nghiệp cách mạng và chống ngoại xâm, không thể phủ nhận. Nhưng vì thế mà đánh đồng văn học với các hoạt động chính trị xã hội khác là không đúng. Văn học vừa đóng góp tích cực cho cuộc vận động cách mạng (trong đó có chống ngoại xâm), nhưng nó đóng góp theo cách của nó và LUÔN LUÔN và MÃI MÃI, văn học có một thuộc tính riêng, chức năng riêng, nhiệm vụ riêng…, mà mục đích tối thượng của nó là vì QUYỀN SỐNG ĐÚNG NGHĨA CỦA CON NGƯỜI, VÌ NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CHÂN THIỆN MỸ vừa vĩnh cửu vừa luôn cập nhật.

Nếu yêu cầu vẽ đường đi của 30 năm đổi mới văn học, thì vẽ một cách đại lược như sau:

+ Giai đoạn đầu ( khoảng 1986 - khoảng 1992): một thứ tức nước vỡ bờ, mà ta gọi là “cởi trói”, tất cả ùa ra, náo nhiệt, táo tợn, bình tĩnh có, cực đoan có, nước trong lành và rơm rác cùng ùa ra!... , nhưng điều đó là không thể khác và cơ bản là mang ý nghĩa tích cực rõ rệt.

+ Giai đoạn tiếp theo (khoảng mươi năm, nhưng cho đến nay vẫn không hề chấm dứt hẳn, mà luôn trong tình thế giằng co) là những người có thẩm quyền e ngại sự quá trớn và cực đoan, mà bản chất là do sự đổi mới KHÔNG ĐỒNG BỘ, trong khi hạ tầng cơ sở buộc phải đổi mới theo quy luật thị trường, thì thượng tầng (thể chế chính trị, xã hội, văn hóa…) lại kiên trì giữ định hướng cũ… dẫn đến việc vội vàng KHÉP LẠI bằng mệnh lệnh hành chính, […] để trở lại ràng buộc văn học vào các nghĩa vụ không phải là thuộc tính của nó.

Cho nên, có hiện tượng nhiều người nói đùa là “hăng hái đổi mới quá, rút tay không kịp, nên bị KẸP TAY khi cánh cửa  khép trở lại – tuy nhiên, khép lại thật nhưng cũng không đến nỗi khép chặt như cũ (hihiiii…….)!

+ Nhưng, nói như ông Nguyên Ngọc “cuộc sống vẫn lừng lững đi lên”, […]. Và từ đó đến nay, theo tôi, bức tranh văn học thực chất đã khác xưa lắm rồi: Văn học chia năm xẻ bảy, loại văn “mậu dịch” vẫn có đất sống, thậm chí hưởng lợi lộc (theo kiểu tiền chùa, sống trên tiền thuế của dân mà không theo ý nguyện đích thực của dân, hoặc mạo danh, nhân danh nhân dân một cách tùy tiện…).

Còn một bộ phận không nhỏ thì đã viết lách theo ý mình, nửa kín nửa hở, hoặc nói “trắng phớ” một cách thẳng thừng, mạnh ai nấy viết, kể cả những kẻ bất tài và có tài đều có cơ hội viết và in…

Theo tôi, với bức tranh đang dang dở này, chưa thể nói một cách rành rõ và hình dung thành sơ đồ gì được.

Hãy cứ chờ đợi thêm.

Phóng viên:Những đặc điểm lớn nhất của văn học sau 1986 đến nay là gì?

Nhà thơ Anh Ngọc:Hình thành nhiều xu hướng:

- Có những người đã đặt chân quá sâu vào lối viết lách trước đây, nên vẫn tiếp tục cách viết cơ bản như cũ.

- Có những người vứt tất cả cái cũ, từ chối lối viết trước đây, cố đi tìm một lối viết mới hoàn toàn, có người đạt được một số thành công, nhưng số đông còn lung túng và HOANG MANG khi cái cũ không còn mà cái mới thì chưa biết mặt mũi ra sao…

- Những người (thường là có “phông kiến thức cơ bản”, bình tĩnh, tự tin trở lại con đường của văn học đích thực : BÁM CHẮC VÀO CÁC GIÁ TRỊ CHÂN THIỆN MỸ, LUÔN LẤY CỨU CÁNH LÀ QUYỀN SỐNG CỦA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI NỘI TÂM CỦA CON NGƯỜI, vừa không xa rời tính cập nhật vừa không quên tính vĩnh cửu và phổ cập.

Phóng viên:Theo ông, những tác phẩm nào và những tác giả nào là nổi trội hơn cả?

Nhà thơ Anh Ngọc:Đây là nhận thức bằng lý luận, nhưng không tránh khỏi cảm hứng chủ quan của người sáng tác (tôi chỉ viết phê bình kiểu amateur!) của riêng tôi:

Tôi đánh giá cao các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa.

Phóng viên:Kể từ khi phổ biến internet, ở nước ta cũng đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn việc công bố các tác phẩm văn học trên các trang mạng. Nhiều người  khẳng định đó là văn học mạng. Theo ông thì có văn học mạng không? Đặc trưng, đặc điểm của nó là gì? Và quan trọng nhất là nó sẽ chiếm lĩnh vị trí nào trong đời sống văn học của cộng đồng, kể cả cộng đồng quốc gia – dân tộc?  

Nhà thơ Anh Ngọc:Viết tay hay gõ phím chỉ là phương tiện để viết thôi. Nhưng việc ra đời mạng internet là phát minh vĩ đại, không chỉ có thể LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI, mà còn có thể thay đổi nhiều tới văn học. Và nói là có thứ văn học mạng kể cũng không ngoa. Theo tôi, đó là sự đánh thức thế giới tinh thần lớn lao của con người, vũ trang cho nó khả năng bày tỏ, diễn đạt chính mình và đặc biệt là giúp con người GIAO LƯU VỚI NHAU vô cùng dễ dàng, và đó là động lực ra đời thứ VĂN MẠNG - viết rất nhanh, phản ánh tức thời, rất DÂN CHỦ, TỰ DO, MINH BẠCH, HỒN NHIÊN…, tức là điều kiện TUYỆT VỜI ĐỂ CON NGƯỜI SỐNG ĐÚNG MÌNH và HẾT MÌNH, đồng thời giúp nó khả năng DIỄN ĐẠT CHÍNH MÌNH một cách thuận lợi nhất! Nhiệt liệt cám ơn và hoan nghênh internet!!!

Phóng viên:Ông có nhận xét gì về không gian, môi trường sáng tạo của các nhà văn hiện nay?

Nhà thơ Anh Ngọc:Khá hơn trước một bước, nhưng … ngay trong bài trả lời quý vị này, tôi cũng vẫn không thể nói 100% điều muốn nói, thật buồn!!!!

Phóng viên:Không gian sáng tạo có được tự do và cởi mở hơn trước. Thế nhưng, tại sao chúng ta chưa có tác phẩm thật lớn về tầm vóc tư tưởng và giá trị nghệ thuật?

Nhà thơ Anh Ngọc:TỰ DO SÁNG TÁC là khí trời và ánh sáng, nhưng đất đai và hạt giống là TÀI NĂNG và ĐIỀU KIỆN SỐNG…., cần có đủ những điều kiện ấy.

Thật ra, cái gì cũng phải có thời vụ, trái chín có mùa, mùa màng văn học phải hàng trăm năm hay lâu hơn nữa mới một lần thu hoạch, không nên sốt ruột!!!!

Phóng viên:Sáng tạo của nhà văn đã được sự hỗ trợ và đồng hành của các nhà lý luận -  phê bình như thế nào trong thời gian vừa qua và hiện tại?

Nhà thơ Anh Ngọc:Tôi quý trọng các nhà phê bình, lý luận, nhưng xin lỗi, không đọc họ đâu.

Phóng viên:Sở dĩ có tình trạng không đồng hành như trường hợp của anh là do bên nào? Nhà văn hay nhà lý luận phê bình? Hay là do nguyên nhân gì khác?

Nhà thơ Anh Ngọc:Mỗi nhà văn phải đọc, học, nhưng không thể không có một nhà lý luận, phê bình trong mình, cái đó không ai giúp bạn được ngoài chính bạn.

Phóng viên:Tôi thấy bây giờ chúng ta đang có một đội ngũ nhà văn đông chưa từng thấy nhưng số tác phẩm có thể làm cho cộng đồng quan tâm không nhiều. Vì tác phẩm chưa hay, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người đọc hay là vì đang có vấn đề tiếp nhận của người đọc? Hoặc đang có sự “lệch pha” về thị hiếu, trình độ, tư tưởng, thẩm mỹ giữa cộng đồng người đọc, rộng hơn là cộng đồng xã hội, với các nhà văn?

Nhà thơ Anh Ngọc:Quá nhiều lý do: Các phương tiện nghe nhìn, các loại hình nghệ thuật và giải trí ngày càng hút hồn thiên hạ, văn học lui vào goc nhỏ là không tránh khỏi, nhưng không bao giờ thế gian không còn văn học - bởi rốt cuộc văn học là cái LÕI của mọi thứ hoặt động văn nghệ, giải trí…, như TRIẾT HỌC là cái LÕI của văn học vậy.

Phóng viên:Nền văn học của chúng ta đã chấm dứt vai trò minh họa chưa? Tại sao?

Nhà thơ Anh Ngọc:Chưa hẳn đâu. Ngoài việc nó tiếp tục “minh họa” cho người khác, còn xuất hiện kiểu “minh họa cho chính mình” (ý này phải nói vào một dịp khác)…

Phóng viên:Sự đồng hành của nhà văn với dân tộc bây giờ nên được nhìn nhận và hiểu như thế nào? Để cống hiến cho dân tộc, cho nghệ thuật, nhà văn cần hành động như thế nào?

Nhà thơ Anh Ngọc:Tất cả những gì thiêng liêng nhất như người thân, bạn bè, người yêu, họ hàng, quê hương, Tổ Quốc, Dân Tộc… đều luôn có mặt trong văn học, nhưng tất cả đều phải xếp sau : QUYỀN SỐNG ĐÍCH THỰC CỦA MỖI CON NGƯỜI TRÊN TRÁI ĐẤT!!!

Phóng viên:Có ý kiến cho rằng, hiện nay, vị trí và uy tín của nhà văn với cộng đồng xã hội hình như không còn được như hồi xưa. Cái phẩm chất nghệ sỹ, phẩm chất trí thức trong “một bộ phận không nhỏ” các nhà văn đã bị nhạt dần, nhạt lắm,  không còn được như các nhà văn thế hệ trước. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Nhà thơ Anh Ngọc:OK! Đúng quá rôi, còn biết bình luận gì nữa!!!!

Phóng viên:Xin ông trả lời một câu hỏi cuối. Ông có quan sát và tìm hiểu việc dạy và học văn bây giờ? Và có nhận xét gì? Nhà văn có phải chịu trách nhiệm gì với hiện trạng dạy và học văn hiện nay?

Nhà thơ Anh Ngọc:Tôi không theo dõi việc dạy và học văn, nhưng đọc trên mạng - nhất là từ ngày tôi lập cái FACEBOOK rất vui trên mạng, tôi thấy các em học sinh vào theo dõi đều rất thông minh, đáng yêu và không đến nỗi không thích văn học như nhiều người vẫn nói đâu…

Hãy tin ở các em!!!!!

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!                                               

 

Vĩnh Khánh thực hiện

 

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528643

Hôm nay

224

Hôm qua

2275

Tuần này

2916

Tháng này

215339

Tháng qua

0

Tất cả

114528643