Khách mời văn hóa
Văn học dịch đang là sân chơi của các công ty sách tư nhân
Thảo Nguyên: Có thể xác định Văn học dịch của Việt nam có từ lúc nào, thời nào? Tác phẩm nào là đầu tiên?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Người Việt có chữ viết riêng rất muộn cho nên mãi đến khi ta có chữ Nôm thì (đầu thế kỷ XIII) văn học dịch mới xuất hiện, có thể với bản dịch đầu tiên là Kinh Thi do Hồ Quý Ly chuyển từ chữ Hán sang chữ Nôm. Nhưng bản dịch văn học nổi tiếng đầu tiên là bản Chinh phụ ngâm do Đoàn Thị Điểm dịch của Đặng Trần Côn. Văn bản phương Tây đầu tiên được dịch sang quốc ngữ có lẽ là hồi ký của Fernando Mendez Pinto do cha Philippe Bỉnh dịch từ tiếng Pháp. Do chưa được tiếp cận bản dịch này nên tôi không thể khẳng định hồi ký này có đặc trưng của một tác phẩm văn học hay không. Tác phẩm văn học Pháp đầu tiên được dịch sang tiếng Việt là Chuyện Phan Sa dịch ra quốc ngữ của Trương Minh Ký dịch ngụ ngôn La Fontaine vào năm 1884, tức cách đây tròn 130 năm.
Thảo Nguyên:Thế nào là một tác phẩm văn học dịch? Truyện Kiều dựa vào cốt truyện Thanh tâm tài nhân của Trung Hoa thì có nên coi là tác phẩm văn học dịch? Tại sao?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Định nghĩa về văn học dịch nhiều bao nhiêu thì mơ hồ bấy nhiêu, đúng như bản thân hoạt động dịch văn học, có thể có vô vàn bản dịch hoàn toàn khác nhau. Vì thế mà tôi cảm thấy thật sự không yên tâm khi phân biệt giữa dịch và phỏng tác. Dịch văn học theo đúng nguyên nghĩa của nó là cố gắng chuyển ngữ một tác phẩm văn học một cách trung thành nhất có thể về cả nội dung lẫn hình thức. Còn phỏng tác, theo Nguyễn Văn Trung trong một bài báo bàn về tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, là lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc, chỉ giữ nội dung hoặc một phần nội dung của nguyên bản và thay thế những gì còn lại (tình huống, diễn biến câu chuyện, tâm lý, hoạt động của các nhân vật, phong cách…) bằng cái gì đó mới. Nói tóm lại, phỏng tác là sáng tác lại dựa vào cốt truyện nguyên bản văn học nào đó, chỉ ứng tác chứ không dịch sát chữ sát ý. Cho nên, theo ý kiến của đại đa số thì Truyện Kiều là một phỏng tác hơn là một tác phẩm dịch.
Thảo Nguyên:Văn học dịch có nên nhìn nhận ở chiều thứ hai, tức là các tác phẩm bản ngữ được dịch ra tiếng nước ngoài cho người nước ngoài? Vì sao?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Dịch xuôi hay dịch ngược cũng đều là dịch. Thông thường thì trên thế giới người ta không dịch các tác phẩm văn học nước mình cho độc giả nước ngoài đâu. Tôi thấy quảng bá văn học dân tộc bằng cách tự dịch các tác phẩm trong nước ra tiếng Anh, tiếng Pháp là ngược đời vì hai lẽ chính: thứ nhất, ít người giỏi ngoại ngữ đến mức có thể dịch ngược. Dịch ngược cũng là một kiểu đem chuông đi đánh nước người, không ai dám tự tin là mình chuyển ngữ một cách chính xác và đúng với thị hiếu ngôn ngữ và văn chương của độc giả nước ngoài. Cho nên, kiểu gì người ta cũng phải nhờ người bản ngữ/ngoại kiều đọc lại, mà người bản ngữ đọc lại thường có xu hướng nhấn rất mạnh tay vào nội dung và phong cách nghệ thuật của tác giả bản gốc. Thứ hai, văn chương thường mở rộng biên giới tiếp nhận theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương… Độc giả nước ngoài nếu họ yêu thích một tác phẩm văn học nào đó của nước khác ắt họ sẽ tìm đọc, mà nếu họ đọc không được vì không biết ngoại ngữ liên quan thì sẽ có người dịch. Cho nên theo tôi, “quảng bá” văn học dân tộc ra ngoài là công việc của tác giả, chứ không phải công việc của dịch giả “nội địa”.
Thảo Nguyên:Quan niệm của ông về vị trí, vai trò của văn học dịch trong tổng thể một nền văn học? Và nếu rộng hơn, vị trí, vai trò của nó đối với sự vận động văn hóa của một quốc gia - dân tộc?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Tùy từng giai đoạn lịch sử văn học, văn học dịch có một vai trò rất quan trọng trong việc bổ khuyết văn học dân tộc và trong chừng mực nào đó có thể ảnh hưởng tới quan điểm, nghệ thuật và tư tưởng sáng tác của một bộ phận nhà văn có tiếp thu văn học dịch. Luôn luôn có sự giao thoa giữa văn học dịch và văn học dân tộc và quá trình tiếp biến ngôn ngữ/văn hóa/văn học luôn diễn ra lúc thầm lặng lúc sôi nổi tùy sức sống của văn học dân tộc, tùy mức độ cởi mở của công chúng độc giả và tùy tình hình văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… nữa. Không thể hình dung diện mạo văn học Việt Nam hiện đại nếu hoàn toàn tách biệt với phạm vi ảnh hưởng của các bản dịch văn học Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ… Văn học dân tộc càng yếu thì ảnh hưởng của văn học dịch càng lớn.
Thảo Nguyên:Thế điều khác nhau cơ bản giữa văn học bản địa/ngữ với văn học dịch là gì?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Nếu coi tác phẩm văn học là một hàng hóa thì văn học bản địa là hàng nội còn văn học dịch là hàng ngoại. Mà trong xu thế cạnh tranh thì hàng nội và hàng ngoại luôn tranh giành thị phần của nhau một cách rất phức tạp. Rõ ràng hàng nội mà kém chất lượng thì hàng ngoại sẽ là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Một tác phẩm văn học dịch khác với tác phẩm văn học bản địa ở chỗ trong tác phẩm văn học dịch thường có lạ tính, cái yếu tố ngoại lai có thể được nhận biết qua địa danh, nhân danh và qua cả văn phong là thứ mà dịch giả khó chuyển tải nhất (khi đọc một tác phẩm văn học dịch kiểu gì người đọc cũng nhận ra có những chỗ “trục trặc” về văn phong và ngôn ngữ được dịch giả tạo ra từ sự khác biệt ngôn ngữ/văn hóa giữa ngữ đích và ngữ nguồn). Tóm lại, tác phẩm văn học dịch cho người đọc gặp gỡ tha nhân và sống trong một cuộc sống khác, trong Cái Khác.
Thảo Nguyên:Nếu tôi nhớ không nhầm thì cách đây không lâu Hội nhà văn Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã có hội thảo lớn về văn học dịch và có nhiều khuyến cáo về việc sa sút về số lượng và chất lượng các bản dịch văn học nước ngoài sang Việt. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Tôi có thể khẳng định giai đoạn hiện nay văn học dịch đang phát triển rất mạnh, thậm chí đang có xu hướng lấn át văn học dân tộc. Các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới đã và đang được giới thiệu rất kịp thời và phong phú cho độc giả Việt Nam và thu hút được lượng độc giả rất lớn. Về số lượng và mức độ cập nhật thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm. Còn về chất lượng, thời gian vừa qua có một số vụ tai tiếng liên quan đến dịch thuật, chủ yếu dính líu tới các dịch giả đã có tên tuổi. Tôi có thể nói thế này, không có bản dịch nào hoàn hảo cả, và lỗi dịch trong mức độ cho phép, tức là đừng quá nhiều, quá nghiêm trọng, là chuyện bình thường. Bản dịch nào cũng có thể mắc lỗi. Đừng nói các dịch phẩm của Phạm Quỳnh, của Nguyễn Văn Vĩnh là không có lỗi! Vấn đề là độc giả phải biết cách đọc bản dịch, khi đọc, họ phải xác định rằng đó chỉ là bản dịch, và do vậy mức độ trung thành chỉ là tương đối, họ có thể tự mình đánh giá, tự mình thương lượng, tự mình điều chỉnh nội dung và thậm chí hình thức của bản dịch, đó là một cách đọc tích cực, tham gia hồi cố vào quá trình viết của tác giả. Cho nên chúng ta không nên rơi vào một trong hai thái cực, hoặc bi kịch hóa tình hình dịch thuật hiện nay, hoặc tự mãn quá mức. Chúng ta đang thiếu những nhà phê bình dịch thuật chuyên nghiệp. Thiếu đánh giá của các nhà phê bình dịch thuật chuyên nghiệp thì không thể đánh giá một cách khách quan tình hình dịch thuật hiện nay, chỉ có thể đưa ra một nhận xét cảm tính. Và nhận xét cảm tính của tôi về tình hình hiện nay là: mặc dù có một số bản dịch không đạt nhưng tựu trung, văn học dịch đang trên đà phát triển về cả chất lượng và số lượng và đang thực sự thầm lặng góp phần vào việc thay đổi diện mạo văn học dân tộc. Sau này, với độ lùi thời gian cần thiết, thế hệ sau sẽ thấy rõ điều đó.
Thảo Nguyên: Xu hướng chọn tác phẩm văn học nước ngoài để dịch và phổ biến hiện nay là gì? Khi lựa chọn tác phẩm để dịch người ta chú trọng nhất đến vấn đề gì? Tính tư tưởng hay thẩm mỹ?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Hiện nay, văn học dịch đang thực sự là sân chơi của các công ty sách tư nhân (ngoài NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ ra). Sau khi công ước Berne liên quan đến bản quyền sách được phía Việt Nam ký kết và đưa vào thực hiện, đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty sách lớn và uy tín như Nhã Nam, Chibooks, Bách Việt, Phương Nam v.v… để mua bản quyền những cuốn sách hay trên thế giới. Gọi là mạnh ai nấy được. Xu hướng các nhà sách và các nhà xuất bản chọn sách dịch thường là sách phải bán chạy (best-sellers), sách kinh điển, sách có giải thưởng. Thành thử, trước đây dịch giả thường chọn sách để dịch, giờ đây các nhà sách chọn sách cho các dịch giả dịch với tiêu chí lớn nhất vẫn là nhắm đến người đọc, tức là bản dịch cũng phải trở thành sách best-seller. Dĩ nhiên, sách best-seller không phải không có chất lượng cao về cả tư tưởng lẫn thẩm mỹ.
Thảo Nguyên: Với riêng ông, thì sao?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Nếu có thể lựa chọn sách để dịch thì dĩ nhiên tôi chọn những cuốn mình thích, mà những cuốn mình thích thường vừa tầm với mình vì mình có thể tiếp nhận được, có tiếp nhận được mới dịch được. Sau đó, tôi cũng quan tâm đến việc bản dịch của mình có được đông đảo độc giả tiếp nhận một cách tích cực hay không vì thành thực mà nói, dịch văn học không phải là một nghề vì người ta không thể giàu lên nhờ dịch sách, đó đúng hơn là một đam mê, mà có đam mê nào thú vị hơn là được chia sẻ bản dịch của mình với nhiều người, là được đọc.Tôi đã dịch Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary và tôi rất sung sướng vì bản dịch này giờ đã cháy hàng. Năm ngoái, có một chị Việt kiều sống tại Đức viết thư cho tôi, xin được tặng một quyển và tôi thầm biết ơn chị ấy đã xin tôi vì đã mang lại cho tôi cảm giác là bản dịch của mình ở đâu đó vẫn có người đọc. Sách xuất bản ra mà không có người đọc là sách chết.
Thảo Nguyên:Là dịch giả, là nhà giáo, lại trực tiếp hoạt động xuất bản, ông thấy tình hình văn học nước ngoài được giới thiệu và giảng dạy trong các trường phổ thông và nhất là ở bậc đại học như thế nào? Tại sao lại như vậy?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Ở bậc phổ thông, nếu căn cứ vào sách giáo khoa mà nói thì văn học nước ngoài chỉ được đưa vào một cách nhỏ giọt và rõ ràng thiếu cập nhật: chỉ một chút ít gì đó gọi là cổ điển, kinh điển, chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi. Ở bậc đại học thì tùy nơi nhưng nhìn chung văn học đương đại nước ngoài được đưa vào rất chậm và phiến diện. May mà còn có bậc sau đại học, giảng viên có nhiều tự do hơn nên trong những giờ giảng của mình, họ có đề cập đến các tác giả, tác phẩm đương đại, các học viên thạc sĩ bắt đầu mạnh dạn làm luận văn về các nhà văn đương đại nổi tiếng.Theo tôi, văn học đương đại nước ngoài được giới thiệu dè dặt ở các bậc học là vì chúng ta thực sự đang thiếu giáo viên, giảng viên thực sự giỏi ngoại ngữ và chuyên về một nền văn học nào đó. Đó là tình trạng chung của cả nước. Hơn nữa học sinh và sinh viên có vẻ như không có động cơ học môn học/chuyên ngành này. Văn học đương đại vốn khó tiếp nhận, nếu người học thiếu đam mê thì không thể học tốt, mà người học mà không học tốt thì người dạy cũng nhụt chí nếu không nói bản thân người dạy cũng đang thiếu động cơ. Đó là chưa kể vấn đề thời lượng, thời lượng dành cho văn học nước ngoài ở bậc phổ thông cũng như ở bậc đại học còn quá ít, khiến người ta có cảm tưởng đó là môn học bị ghẻ lạnh, môn học thứ yếu.
Thảo Nguyên:Trong số các tác phẩm văn học Pháp dịch sang tiếng Việt từ trước đến nay ông đánh giá cao nhất những tác phẩm nào và dịch giả văn học Pháp mà ông kính trọng nhất là ai?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Văn học Pháp đã dịch sang tiếng Việt rất nhiều, theo ước tính sơ bộ của tôi thì đã có khoảng 300 tác phẩm văn xuôi đã được dịch nhưng tôi đọc chẳng được bao nhiêu. Tôi cho rằng đã không đọc đối chiếu bản gốc và bản dịch thì không nên đưa ra một nhận định nào. Tôi đã đọc các bản dịch tác phẩm hoặc trích đoạn tác phẩm của các dịch giả Pháp ngữ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Giáng, Vũ Đình Lưu, Hoàng Ngọc Biên,Trần Thiện Đạo, Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Huỳnh Lý, Nguyễn Khánh Long, Cao Việt Dũng v.v... Tôi cho rằng những bản dịch như Những người khốn khổ của Victor Hugo do nhóm Lê Quý Đôn dịch và bộ Tấn Trò Đời của Honoré de Balzac do Lê Hồng Sâm chủ biên là những thành công dịch thuật mà giới chuyên môn cũng như độc giả các thế hệ đều công nhận. Còn dịch giả văn học Pháp mà tôi kính trọng nhất là Bửu Ý, người thầy đã trực tiếp dạy tôi, người đã dịch nhiều tiểu thuyết của André Gide như Vỡ mộng, Bọn làm bạc giả, Kẻ vô luân và sau năm 1975 ông đã có một bản dịch rất thành công mà ít người biết đến đó là Chúa tể đầm lầy của Michel Tournier. Có một dịch giả nữa mà tôi rất ngưỡng mộ, đó là dịch giả Lê Hồng Sâm, người mà tôi đã từng trực tiếp nghe nói chuyện bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, và bản dịch văn học Pháp đương đại mà tôi thích nhất đó là Đập ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras.
Thảo Nguyên: Nhận định của ông về đội ngũ dịch giả văn học hiện nay? Đội ngũ này hiện nay có mấy thế hệ? Sự khác nhau giữa các thế hệ đó?
Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Đội ngũ dịch giả văn học hiện nay trong nước còn hùng hậu lắm nhưng vì cái nghề này quá bạc bẽo nên có người thì đã “rửa tay gác bút”, có người thì ba bốn năm mới dịch một quyển. Có nhiều người thực sự tài năng nhưng đã quay lưng ngoảnh mặt với dịch văn học. Có thể nói đội ngũ dịch giả hiện nay có ba thế hệ: thế hệ lão thành (từ 50 tuổi trở lên), thế hệ đã khẳng định được tài năng và sự chuyên nghiệp của họ qua những bản dịch để đời, thế hệ trưởng thành (từ 30 đến 50 tuổi) là thế hệ đang khẳng định khả năng của mình và thế hệ đang hình thành (dưới 30 tuổi) là thế hệ dịch giả tiềm năng, một số họ được du học ở nước ngoài, giỏi ngoại ngữ và được tiếp cận số lượng sách ngoại văn lớn và đa dạng. Khó có thể đưa ra một sự so sánh về trình độ giữa các thế hệ, thế hệ nào cũng có những cá nhân xuất sắc. Nhưng vì văn chương thực sự đang lâm nguy, mối quan tâm của lớp trẻ với văn chương có vẻ như càng ngày càng đi xuống, văn hóa đọc càng ngày càng “khoa học kỹ thuật hóa”, giới phê bình văn học dịch ngày càng khắt khe nên đội ngũ dịch giả trẻ đang có nhiều bất lợi và đang đứng trước những thử thách rất lớn, đặc biệt là thử thách thoát khỏi cái bóng của các thế hệ đi trước.
Thảo Nguyên:Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528645
226
2275
2918
215341
0
114528645