Khách mời văn hóa

Triết lí giáo dục và giáo dục đại học Việt Nam, một cái nhìn

Lời tòa soạn:Trường CĐSP Nghệ An thành lập năm 1959, là địa chỉ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, nhân viên phục vụ các bậc học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Trường còn là đơn vị đào tạo một số ngành nghề ngoài sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đổi mới. Từ khi thành lập đến nay trường được dư luận xã hội đánh giá là cơ sở đào tạo có uy tín. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, phóng viên VHNA đã có cuộc trao đổi với  ông Đặng Khắc Thắng- Hiệu trưởng trường về những vấn đề xung quanh câu chuyện giáo dục đại học, và câu chuyện về nhà trường CĐSP Nghệ An.

VHNA: Thưa ông, từ nhiều năm nay, các cơ quan, tổ chức nhà nước, dư luận xã hội, nhất là giới trí thức rất quan tâm và có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình hình giáo dục hiện nay. Phần nhiều nghiêng về hướng nhận định rằng nền giáo dục của chúng ta đang ở trong tình trạng khủng hoảng, xuống cấp, lạc hậu… thậm chí là một nền giáo dục bê tha, bê bét, nhất là giáo dục đại học. Là một người trong cuộc, trong hệ thống Giáo dục đại học lại là một nhà báo, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Khắc Thắng: nhiệm vụ và vị thế của ngành giáo dục có ảnh hưởng rất lớn tới toàn xã hội. Do vậy ở bất kỳ thời kì nào thì giáo dục cũng luôn thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Lo là đúng, nhưng phải lo đúng cái đáng lo, nếu lo quá và lo điều không đáng lo là không nên. Đánh giá thành tựu và hạn chế của giáo dục Việt Nam đã rất đầy đủ trong Nghị quyết 29/NQTW của Trung ương đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Tôi chỉ lưu ý thêm là cần tránh hai khuynh hướng trong đánh giá, một là chặt chẽ khắt khe đến mức có cảm giác nặng nề, hai là ngợi ca đến mức lạc quan bay bổng. Giáo dục Việt Nam có những thành tựu vô cùng lớn. Sản phẩm của giáo dục Việt Nam chính là các thế hệ con người đã trung thành đồng hành cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng hành cùng đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, thiếu sót của giáo dục là có, thậm chí có cả những sai lầm trong quy hoạch màng lưới, về một số quan điểm phát triển, về chương trình, phương pháp và lề lối cơ chế quản lí. Song nếu xem giáo dục là đáng lo ngại, khủng hoảng, xuống cấp, bê bét là không biện chứng, chưa thuyết phục, chỉ nên xem đó là những hạn chế tất yếu khi giáo dục Việt Nam chuyển từ trạng thái giáo dục thời chiến sang giáo dục thời bình, nhất là thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa đầy năng động và mới lạ như hiện nay.

VHNA: Hẳn nhiên là có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng theo ông nguyên nhân sâu xa nhất, cơ bản nhất là gì?

Ông Đặng Khắc Thắng: Thành công hay thiếu sót nào cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Tôi đã nghe nhiều nhà khoa học, quản lí giáo dục, thậm chí những người không phải trong ngành trao đổi về vấn đề này. Có người bảo là do cơ chế kinh tế thị trường, có người bảo do chúng ta không chuẩn mực trong hoạch định chính sách hay là do chưa có sự quan tâm đầy đủ đến điều kiện để phát triển giáo dục. Những cái đó đều đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân sâu xa, cơ bản nhất. Hãy nhìn giáo dục Việt Nam từ một góc nhìn triết lý thì có lẽ lời giải sẽ sinh động hơn. Triết lí giáo dục thế nào sẽ tạo ra sản phẩm giáo dục như thế. Chặng đường vừa qua, triết lí giáo dục của Việt Nam có vẻ như giáo điều, xơ cứng, sản phẩm của giáo dục ít hàm lượng sáng tạo, nặng về ý chí, chủ yếu thực hiện mệnh lệnh.

VHNA: Thưa ông, ông vừa nhắc đến triết lí giáo dục là nguyên nhân sâu xa, cơ bản nhất của thực trạng trên. Ông nghĩ sao khi có người nói rằng, triết lý giáo dục của chúng ta lạc hậu, không phù hợp. Có người lại nói, từ xưa đến nay, Việt Nam chưa có triết lý giáo dục, một số nguyên lý giáo dục cũng là vay mượn, thời Tàu thì theo Tàu, thời Tây thì theo Tây. Họ nói vậy có cực đoan quá không? Và, theo ông, trong nhận định của họ có chút nào có cơ sở không?

Ông Đặng Khắc Thắng: Nhìn một phương diện nào đó, những nhận định trên là có cơ sở và đã có cơ sở nghĩa là có điểm đúng. Nhưng xét tổng thể thì nhận xét đó là chưa đầy đủ. Triết lý giáo dục là những lý luận giáo dục được khái quát cao đến tầm triết học, phản ánh tư duy phát triển giáo dục ổn định hàng chục năm, thậm chí đến cả thế kỷ. Nhưng triết lý giáo dục cũng có sự biến hóa, và sự biến hóa đó là bình thường. Nói Việt Nam từ trước tới nay chưa có triết lí giáo dục thì không hẳn. Nếu không có triết lý giáo dục thì chúng ta không thể có định hướng đào tạo sản phẩm giáo dục phù hợp với yêu cầu những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và phục vụ công cuộc đổi mới hiện nay. Chỉ có điều đáng suy nghĩ là triết lý giáo dục của Việt Nam có vẻ như chưa hoàn thiện và chưa thật đậm bản ngã, chuyện vay mượn nguyên lý và quan điểm giáo dục nước ngoài là có  thật, chuyện cả ngành nhiều lần lao đao vì thiếu phương hướng cũng là có thật. Đến nay giáo dục Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nhưng tôi có cảm giác Bộ làm chông chênh thế nào ấy, đội ngũ giáo viên và cả xã hội đều chưa thể thật lòng yên tâm.

    VHNA: Vậy nên nghĩ, nên nhận định thế nào là “phải chăng”, là phù hợp, và khách quan nhất, theo ông?

Ông Đặng Khắc Thắng: Tôi chỉ là nhà quản lý của một cơ sở đào tạo nhỏ, do vậy câu hỏi này hơi quá tầm. Song tôi nghĩ một triết lí giáo dục phải là sản phẩm trí tuệ của nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, thậm chí là nhiều thế hệ khoa học, nhất là khoa học quản lí giáo dục. Để xây dựng một triết lí giáo dục phải dựa trên những tiền đề và cơ sở khách quan của nó, không thể một chiều áp đặt ý chí chủ quan mà được. Cơ sở quan trọng nhất là phải trả lời câu hỏi sản phẩm giáo dục chúng ta đào tạo ra nhằm để làm gì? Đối với các nước phương Tây có nền giáo dục tiên tiến, triết lí của họ rất đơn giản. Tổ chức UNESCO đã khuyến cáo học để biết, biết để làm việc, làm việc để chung sống với thế giới. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tham khảo ý tưởng này. Khi đã có triết lí giáo dục đúng thì việc hoạch định quy mô, hệ thống, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục tương thích sẽ không có những lúng túng, bị động như hiện nay.

Thưa ông, ông có thấy hiện nay chúng ta đang có quy mô giáo dục đại học quá lớn so với nhu cầu và khả năng của xã hội không? Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

Ông Đặng Khắc Thắng: Nói lớn hay nhỏ cũng chỉ là ngẫu hứng. Các nước phát triển tỷ lệ người có trình độ đại học cao hơn Việt Nam. Nhưng con số cả vạn cử nhân của nước ta không có việc làm là điều cần suy nghĩ.  

Trong khoảng vài ba thập kỷ qua tốc độ xuất xưởng các trường đại học cao đẳng quá nhanh, nâng tổng số hiện nay lên gần 430 trường. Không ít bộ ngành và địa phương muốn có trường đại học như là một kiểu làm sang trí tuệ. Bộ giáo dục cũng có những dễ dãi khi thẩm tra điều kiện, có trường chưa đủ điều kiện mở mã ngành vẫn được mở, chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất vẫn được cho qua. Trường thành lập nhiều nhưng chất lượng đào tạo không thỏa mãn nhu cầu xã hội, chuẩn đầu vào của sinh viên ngày càng thấp và sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm. Những điều đó Bộ giáo dục đào tạo biết hết nhưng giải pháp điều chỉnh rất trì trệ.

VHNA: Tôi có thông tin rằng trường CĐSP Nghệ An đang có ý định phát triển theo hướng nâng cấp thành trường Đại học. Thông tin đó có chính xác không, thưa ông? Và tại sao phải nâng cấp thành Đại học?

Ông Đặng Khắc Thắng: Mấy năm về trước trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An đã trình bộ giáo dục đào tạo đề án nâng cấp lên đại học. Vì một số lý do nên đề án chưa được chấp thuận. Quan điểm của trường là không chạy lên đại học bằng mọi giá. Dù là đại học hay cao đẳng thì nhiệm vụ của trường cũng là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Hiện nay trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên khi ra trường phải có chuẩn kiến thức cơ bản vững vàng, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm tinh thông và có đạo đức lối sống nhà giáo chuẩn mực. Trường đã điều chỉnh xong chương trình đào tạo, tăng nhanh đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sỹ,  bổ sung cơ sở vật chất trang thiết bị và đổi mới công tác quản lí điều hành.

VHNA: Vậy danh tiếng, thương hiệu của một nhà trường được căn cứ vào những chỉ số cơ bản nào, thưa ông?

Ông Đặng Khắc Thắng: Người tiêu dùng đánh giá cơ sở sản xuất qua chất lượng sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm đào tạo của giáo dục cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Vì thế yếu tố để quyết định danh tiếng, thương hiệu của một nhà trường chính là chất lượng sản phẩm đào tạo. Trong bối cảnh tuyển sinh của các trường rất khó khăn nhưng năm 2013 trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An có 1.588 sinh viên hệ chính quy nhập học, năm 2014 là 1.616 sinh viên. Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đều đặn mỗi năm nhờ trường đào tạo tiếng Việt cho khoảng 100 học viên. Con số đó phản ánh một thông điệp vui: trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An đang là địa chỉ đào tạo sư phạm uy tín của cả nước.

VHNA: Thưa ông, lâu nay, khi bàn về giáo dục, bên cạnh chất lượng đào tạo về chuyên môn người ta rất quan tâm đến văn hóa học đường và nhìn chung có nhận xét là văn hóa học đường của giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng của nước ta đang có những sa sút rất đáng báo động từ tất cả các chủ thể của nó, học sinh, sinh viên và nhà giáo, và các nhà quản lí giáo dục. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, chúng ta có cần quá lo ngại như thế không? Vì sao?

Ông Đặng Khắc Thắng: Vấn đề này không lo thì không được nhưng lo quá lại không nên. Đây là câu chuyện chung của xã hội, không riêng của các trường học. Khi tham gia mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa, ai cũng biết trong dòng chảy văn hóa có những tinh hoa và có cả rác rưởi. Thế nhưng có vẻ như chúng ta chưa chủ động chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, một bộ phận học sinh sinh viên sức đề kháng không đủ mạnh trước tác động của Internet, mạng xã hội, phim ảnh, sách báo và lối sống thực dụng. Văn hóa học đường hiện nay có mảng sáng hơn trước nhưng cũng có nhiều mảng tối hơn trước. Nếu có một thái độ bình tĩnh, thận trọng và thấu đáo thì chúng ta dễ chia sẻ với nhà trường hơn. Mặt khác ngành giáo dục và các nhà trường cũng phải chủ động tìm ra những giải pháp tương thích để khắc phục ngay những xu hướng phản văn hóa trong nhà trường.  Hơn lúc nào hết, các trường phải tự cứu lấy mình trước khi cầu viện đến ngoại binh, phải tập trung quản lý sinh viên chặt chẽ hơn, nhà trường phải trở thành điểm tựa tin cậy của sinh viên trong học tập và rèn luyện.

VHNA: Theo tôi nghĩ thì không chỉ tăng cường quản lý sinh viên mà có thể nói là tăng cường giáo dục quản lý cả cán bộ giáo viênnữa. Thưa ông, trường CĐSP Nghệ An vẫn được đánh giá là một trường có nề nếp. Các ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng văn hóa học đường, xây dựng nề nếp của trường mình?

Ông Đặng Khắc Thắng: Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An có sứ mệnh đặc biệt là đào tạo các thầy cô giáo - những người dạy chữ, dạy người cho tương lai. Vì thế việc rèn luyện đạo đức, lối sống nhà giáo là một trong những mục tiêu chủ yếu của trường.

Trường không có kinh nghiệm gì to tát. Quan điểm của trường là dành tất cả những gì tốt nhất, thuận lợi nhất cho sinh viên, giảng viên viên chức phải gương mẫu cho sinh viên học tập. Các khoa đào tạo, phòng công tác học sinh sinh viên, đoàn thanh niên và hội sinh viên cùng thấu hiểu đối tượng, cùng phối hợp tổ chức các hoạt động để tạo cho sinh viên một môi trường học tập và rèn luyện có kỷ cương, có nề nếp và thoải mái, thân thiện.

         Hiệu trưởng, các khoa phòng thường xuyên đối thoại với sinh viên. Các tâm tư nguyện vọng chính đáng của sinh viên được giải quyết kịp thời; mọi chế độ chính sách về khen thưởng, trợ cấp khó khăn, học bổng, kết nạp đảng cho sinh viên được nhà trường quan tâm chu đáo.

      VHNA: Quy mô đào tạo và khả năng tạo việc làm của xã hội luôn luôn là một phương trình khó giải. Rất nhiều cơ sở đào tạo không căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng việc làm của nền kinh tế xã hội. Điều này tạo ra một sự lãng phí rất lớn về tiền của, thời gian và thời cơ của rất nhiều người trẻ. Ở trường CĐSP Nghệ An có biểu hiện gì của vấn đề này không? Vấn đề đầu ra, tức là khả năng có việc làm của sinh viên trường CĐSP Nghệ An trong những năm vừa rồi như thế nào thưa ông?

Ông Đặng Khắc Thắng: Tổng số giáo viên bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở của Nghệ An hiện nay khoảng 44.000, bình quân đào thải tự nhiên mỗi năm (nghỉ hưu) khoảng 4%. Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm của trường tương ứng với số giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra một lượng lớn sinh viên của trường vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp hoặc chuyển sang làm văn phòng, lễ tân và nhiều lĩnh vực xã hội khác.

Dự báo thời gian tới nhân lực ngành giáo dục có thể có biến động nên hiện nay nhà trường đang nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức đào tạo trong đó có phương án đào tạo theo địa chỉ, hướng tới thể nghiệm mở các lớp theo đặt hàng của các trường học, nhất là các trường tư thục.

VHNA:Trở lại với câu chuyện gần hơn, bây giờ là năm thứ 55 của trường CĐSP Nghệ An. Nhìn lại hơn nửa thế kỷ trưởng thành, theo ông, trường của chúng ta có những cột mốc và truyền thống nào là nổi bật nhất?

Ông Đặng Khắc Thắng: 55 năm của trường CĐSP Nghệ An là 55 năm một cơ sở đào tạo đồng hành với lịch sử đất nước, quê hương. Hình thành và phát triển trên một vùng đất học, vùng nổi tiếng với hình ảnh những ông đồ xứ Nghệ, trường CĐSP Nghệ An từ khi thành lập cho đến nay luôn ý thức sứ mệnh của mình là cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.Sứ mệnh này theo suốt chúng tôi qua nhiều thời kỳ khác nhau.

Chặng đầu tiên là những bước đi non trẻ trong thời kỳ đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1959 trường đã đào tạo ra những thế hệ nhà giáo đầu tiên cung cấp nhân lực làm cốt lõi cho hệ thống giáo dục phổ thông. Chặng thứ hai là thời kỳ chống Mỹ, trường đội bom dạy chữ, tạo nên những thế hệ nhà giáo tuyệt vời, góp phần làm rạng danh giáo dục Xứ Nghệ. Tới nay trong thời kỳ đổi mới, nhà trường vẫn luôn kiên định với sứ mệnh dạy chữ trồng người. Truyền thống nổi bật nhất của nhà trường là vượt lên khó khăn, bền bỉ và sáng tạo để dạy tốt học tốt. Dấu chân của hàng vạn sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An đã trải dài khắp đất nước, từ những vùng cao hẻo lánh khó khăn tận các bản làng của huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương hay những địa chỉ xa xôi tận Tây ninh, Kiên Giang và mũi Cà Mau. Trong hành trang theo suốt cuộc đời dạy học, sinh viên luôn tự hào về truyền thống nhà trường và dù công tác ở đâu sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An cũng để lại dấu ấn tốt đẹp.

VHNA:: Ông từng nói rằng ông rất tin tưởng vào đội ngũ các nhà giáo của trường hiện nay, tại sao vậy?

Ông Đặng Khắc Thắng: cá nhân tôi mới chỉ hơn 2 năm gắn bó trong chặng đường 55 năm của trường. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó tôi thực sự tự hào về đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Trường hiện có 252 giảng viên, trong đó có 17 tiến sỹ và nghiên cứu sinh, 176 thạc sỹ. Đội ngũ này nổi bật phẩm chất yêu nghề, đam mê và tâm huyết với nghề, luôn khát khao được cống hiến, trong số đó có nhiều giảng viên vì nghề mà hết sức tận tụy với sinh viên. Được làm Hiệu trưởng của một đội ngũ như vậy là hạnh phúc lớn và là cơ sở để tôi tự hào, đặt trọn niềm tin vào họ.

VHNA:Nhà giáo dạy bậc nào, môn nào, ngành nào thời nào cũng đều vinh quang, Nhưng ở mỗi bậc học có những yêu cầu riêng về phẩm chất và tài năng. Theo ông, nhà giáo bậc đại học cần có những điểm khác nhà giáo bậc trung học ở chỗ nào? Vì sao?

Ông Đặng Khắc Thắng: Qủa là mỗi bậc học, ngành học, ở mỗi thời kì có những tiêu chí, yêu cầu riêng. Ở bậc đại học người giảng viên phải có hiểu biết chuyên môn thực sự sâu,  phải thực sự có khả năng nghiên cứu khoa học, có tính độc lập trong làm việc và có khả năng tổ chức hướng dẫn sinh viên.

VHNA:: Thưa ông,mỗi thời đại có một yêu cầu khác nhau về nền giáo dục của thời đại mình. Theo đó, có một yêu cầu riêng về đào tạo các nhà giáo. Chúng ta đang ở giai đoạn có nhiều chuyển biến lớn, có nhiều yêu cầu mới, khác về phát triển giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền giáo dục, nhà trường CĐSP Nghệ An đã và sẽ có những điều chỉnh về đào tạo như thế nào?

Ông Đặng Khắc Thắng: Hiện nay Bộ giáo dục và đào tạo đang chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục. Mỗi trường tùy theo điều kiện cụ thể để chọn giải pháp triển khai phù hợp. Trường CĐSP Nghệ An xác định cốt lõi triển khai đổi mới là để nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo sẽ phải làm nhiều việc nhưng trước mắt trường chọn làm hai việc trọng tâm là điều chỉnh bổ sung chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, phân loại sinh viên.

Về điều chỉnh chương trình đào tạo, trường đã hoàn thành bộ chương trình mới. Bộ chương trình mới khắc phục được bốn hạn chế của chương trình cũ là giảm số tín chỉ từ 105-110 xuống còn 90-95; cô đọng kiến thức cơ bản, giảm bỏ kiến thức xa rời thực tiễn; kết nối mạnh với trường phổ thông để tăng kỹ năng thực hành nghiệp vụ; tạo thuận lợi cho sinh viên khi có nhu cầu.

Về đổi mới thi, kiểm tra đánh giá phân loại sinh viên,trường đã thành lập phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục với mục đích tách biệt công việc tổ chức thi kiểm tra đánh giá ra ngoài hoạt động đào tạo. Với cách làm này công việc đánh giá phân loại kết quả học tập của sinh viên sẽ giảm được tiêu cực, khách quan và trung thực hơn.

Bên cạnh hai công việc trên, nhà trường cũng phải triển khai đồng bộ, đồng loạt nhiều hoạt động khác trong đó có việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới hoạt động nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những hoạt động đó làm nên không khí tươi mới của trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An trước thềm kỷ niệm 55 năm thành lập.

VHNA: Xin cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn và có những chia sẻ sâu sắc, chi tiết về giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc đại học hiện nay. Chúc trường CĐSP Nghệ An sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới và luôn giữ vững được danh tiếng, uy tín về chất lượng đào tạo của mình.

                                                                     Vĩnh Khánh  - Trang Đoan(thực hiện)

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528674

Hôm nay

255

Hôm qua

2275

Tuần này

2947

Tháng này

215370

Tháng qua

0

Tất cả

114528674