Khách mời văn hóa

Phải bằng tình yêu để đưa Ví Giặm trở về với cuộc sống!

Ngày 07/12/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm vinh dự, là niềm tự hào lớn lao của của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên sau niềm vui lớn đó là trách nhiệm bảo tồn dân ca Ví Giặm trong cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. VHNA đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với nhạc sĩ Lê Hàm, người có quá trình dài sưu tầm, nghiên cứu Ví Giặm.

Phóng viên:Thưa nhạc sĩ Lê Hàm, chắc hẳn ông vui mừng lắm khi dân ca Ví Giặm của chúng ta được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tất nhiên là tôi rất vui. Tôi cũng chưa được biết khi nào thì sẽ làm lễ đón nhận.

Phóng viên: Theo chúng tôi biết thì hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ cùng tổ chức lễ đón nhận quyết địnhvinh danh của UNESCO vào ngày 31.1.2015.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Không biết người ta có còn nhớ đến các thế hệ sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu dân ca…

Phóng viên: Tôi nghĩ là mọi người sẽ nhớ đến lớp lớp tiền nhân vô danh đã sáng tạo nên Ví, Giặm, và những người đã có công trao truyền, sưu tầm, nghiên cứu Ví, Giặm, trong đó có các ông.

Thưa ông, chúng tôi được biết sau thế hệ các ông Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Tất Thứ, ông là một trong những người gắn bó từ rất sớm với công việc sưu tầm nghiên cứu Ví, Giặm.  Ông có nhớ mình đã bắt đầu công việc này từ lúc nào?

NS Lê Hàm:Sau khi giải tán liên khu IV, tôi từ Văn nghệ liên khu về công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Nếu tôi nhớ không sai thì tôi bắt đầu công việc sưu tầm Ví Giặm từ năm 1955 và bản ký xướng âm đầu tiên tôi ghi được là bài hát sắc bùa do ông Hãn ở thị trấn Đức Thọ hát. Sau đó tôi đề nghị cấp trên điều đông thêm anh Đào Việt Hưng là giáo viên ở Đức Thuận cùng tham gia. Chúng tôi đã làm công việc sưu tầm rất say sưa và  kết quả rất tốt. Thế nhưng đến cuối năm 1956 thì tôi cùng Đào Việt Hưng cùng đi học ở Trường âm nhạc trung ương, công việc bỏ dở. Đến năm 1961, ra trường, Đào Việt Hưng ở lại Hà nội còn tôi về lại Hà Tĩnh. Và từ đó, chúng tôi lại tiếp tục công việc sưu tầm Ví Giặm rất hào hứng vì có thêm những hiểu biết về âm nhạc và công việc sưu tầm được học trong nhà trường. Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại và cảm ơn các vị lãnh đạo Hà Tĩnh hồi đó từ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh đến các trưởng ty văn hóa Võ Trọng Cúc, Trần Khang và nhiều người khác.  Nhưng điều quyết định nhất và may mắn nhất là thời đó còn rất nhiều nghệ nhân, nếu không có những người này thì sẽ không còn Ví Giặm như ngày nay.

Nhờ vậy mà năm 1970 tôi đã tập hợp và in được tập sách Dân ca Hà Tĩnh. Tư liệu này sau này được sử dụng phổ biến và thường xuyên ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Phóng viên: Chắc hồi đó, ngành văn hóa rất quan tâm về việc sưu tầm văn hóa dân gian, thưa ông?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng. Sưu tầm và phát huy vốn cũ là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng sự quan tâm và cách làm thì mỗi nơi một khác. Ví dụ, hồi đó ở Hà Tĩnh thường mỗi năm tổ chức họp các nghệ nhân một lần, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, vừa động viên nên công việc sưu tầm của chúng tôi rất thuận lợi.

Phóng viên: Lực lượng nghệ nhân Ví, Giặm lúc đó như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Vì Ví Giặm là của dân, của nông dân, của nông thôn, mà hồi đó đang là nông nghiệp, chưa có công nghiệp nên Ví Giặm còn nhiều, nên có nhiều nghệ nhân rất nổi tiếng. Ở Hà Tĩnh cho đến những năm 1960s còn khá nhiều, nhiều người biết rất nhiều bài bản, hát rất hay, ở địa phương nào cũng có,  như Cố Ngàn An lúc đó đã 90 tuổi ở Cẩm Xuyên, Chắt Kép, ông Hãn ở Đức Thọ… trong đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có anh Ba Duy…Ở Nghệ An cũng thế, hồi đó còn rất nhiều nghệ nhân.

Phóng viên: Đó cũng là thời điểm đang diễn ra chiến tranh, công việc sưu tầm chắc là rất khó khăn?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng vậy. Từ năm 1965 trở về sau thì khó khăn lắm. Bom đạn. Thiếu thốn. Đi lại khó khăn. Nhưng bù lại ai cũng hăng hái nhiệt tình. Chúng tôi đã đi xuống rất nhiều vùng quê, gặp gỡ rất nhiều nghệ nhân để sưu tầm, ghi âm,  ghi chép. Hồi đó cùng làm với tôi còn có anh Đặng An Nguyên, và sau này có anh Vi Phong – Lê Đức Quyền.

Phóng viên: Sưu tầm nghiên cứu văn học của Ví Giặm chúng ta đã sớm có các ông Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, sau đó là Ninh Viết Giao và rất nhiều người khác, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, còn nghiên cứu âm nhạc của Ví, Giặm hình như chậm hơn và cũng ít người làm hơn, có đúng thế không, thưa ông?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Lúc đầu, những năm 1955, 1956, tôi sưu tầm một mình, sau đó có thêm Đào Việt Hưng hỗ trợ. Rồi sau đó, như tôi đã nói, tôi và Đào Việt Hưng cùng đi học ở trường âm nhạc nên công việc bỏ dở. Sau khi ra trường tôi trở lại Hà Tĩnh và tiếp tục cùng các đồng nghiệp công việc sưu tầm nghiên cứu Ví Giặm, nhất là phương diện âm nhạc của Ví Giặm.  Đó là ở Hà Tĩnh, còn ở Nghệ An, theo tôi biết cũng có nhiều đồng nghiệp tham gia công việc sưu tầm nghiên  cứu này như anh Trung Phong, anh An Thuyên, anh Thanh Lưu…

Phóng viên: Là người đi trước và cũng đã từng có thời gian khá lâu nghiên cứu âm nhạc Ví Giặm, theo ông thì đặc trưng nổi bật nhất về âm nhạc của Ví Giặm là gì?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Âm nhạc là điệu thức nói lên tâm hồn tình cảm của con người. Âm nhạc của Ví Giặm Nghệ Tĩnh phản ánh tâm hồn của người Nghệ Tĩnh. Theo tôi, ngôn ngữ, phương ngữ của người Nghệ Tĩnh như thế nào thì đặc trưng âm nhạc cũng tương tự thế; Có nghĩa là ngôn ngữ của người Nghệ Tĩnh phản chiếu, và quy định bản sắc âm nhạc của Ví Giặm Nghệ Tĩnh.

Ví dụ như khi người ngời Bắc ru con: À…ơi.Ru ememngủ cho lâu. Nhưng người Nghệ lại ru: À…ơm. Ru em em ngảy cho lâu.

Hoặc khi ngâm thơ cũng vậy, người ngoài Bắc ngâm theo các nốt Đô rê mí xon la.Còn người Nghệ ngâm thơ với các nốt Đô rê mi xon la. Đó là do thổ âm của người Nghệ tạo ra, quy định.

Phóng viên: Theo nhạc sĩ An Thuyên thì đặc trưng âm nhạc của Ví, Giặm là được xây dựng trên cái trục ba nốt nhạc: Mi-la-đô. Còn ông thì sao, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi nghĩ, bao nhiêu nốt thì còn tùy vào từng làn điệu, có thể 3 hoặc 4 nốt nhạc, nhưng tuyệt nhiên không có tới 5 nốt. Ví dụ, ví phường cấy có 4 nốt: À ơi bạn tình…đô rê mi rê. Nhưng hát phường vải lại 3 nốt: À…à.. bạn phường vải ta ơi, mi la đô.

Trong khi hát Giặm có nhịp rất rõ ràng theo từng động tác, thì Ví lại hát rất tự do có thể ngân ngắn hoặc ngân dài tùy người tùy lúc.

Một đặc điểm nữa, Ví đò đưa có nốt hai trưởng vang, sáng (Rê Mi) do thuyền ở bờ bên này hát với thuyền ở bờ bên kia, quảng giữa là sông nước mênh mang..., phải thật vang mới thấu. Ví phường vải thì khác, nhỏ nhẹ hơn ở nốtrê thứ: Ờ… chị em phường vải ta ơi… do khoảng cách hát từ ngoài ngõ vào sân rất hẹp.

Chỉ có một thể loại Ví, nhưng có rất nhiều làn điệu ví do tính chất nghề nghiệp, môi trường, không gian quy định. Tương ứng với mỗi làn điệu như vậy có một cách bắt đầu khác nhau như trên tôi đã nói.

Phóng viên: Nếu có sự so sánh Ví Giặm với Quan họ?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi nền dân ca có môi trường tồn tại riêng nên có những đặc điểm riêng. Ví Giặm sinh ra và tồn tại trong môi trường lao động của chính con người lao động Xứ Nghệ. Quan họ được hát trong lễ hội, hội hè. Không gian, môi trường khác nhau nên các loại hình dân ca này hoàn toàn khác nhau.

Ví, Giặm là của người lao động. Môi trường diễn xướng của Ví, Giặm cũng là môi trường lao động. Ví, Giặm như một động lực tinh thần để tăng cường khả năng lao động và thông qua đó để giao lưu, để đáp ứng nhu cầu giải trí và tình cảm của người lao động.

Phóng viên: Đây chính là nguyên lý của sáng tạo Ví Giặm. Nói như vậy để thấy rằng môi trường nguyên thủy của Ví Giặm bây giờ đã bị thay đổi.Hoạt động lao động sản xuất thời đại công nghiệp bây giờ đã thay đổi một cách cơ bản so với sản xuất nông nghiệp trước đây nên môi trường diễn xướng của Ví Giặm đã thay đổi. Và vì thế Ví Giặm đã thay đổi. Theo ông thì hiện nay Ví Giặm đang tồn tại như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Vấn đề này đang gây tranh cãi rất nhiều. Có người nói với tôi: Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh của quê ông rất hay. Nhưng hiện nay các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã đánh bóng mạ kiềm đến nỗi nó đã thành “công nghiệp”,  mất chất dân ca nhiều đi nhiều lắm rồi.

Phóng viên: Vấn đề là làm thế nào để nó sống trong dân. Đời sống của Ví Giặm là nằm trong đời sống của người dân chứ không phải chỉ chủ yếu trên sân khấu chuyên nghiệp như lâu nay.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi tán thành quan điểm của các anh chị. Thế nhưng làm thế nào để nó sống trong dân là vô cùng khó khăn. Có các loại ví khác nhau theo các ngành nghề, theo các nhịp điệu lao động khác nhau. Thế nhưng bây giờ ngành nghề khác, nhịp điệu lao động khác, môi trường khác, cảnh quan khác, ví sao đây? Nếu có người nào viết ví xi măng Hoàng Mai thì ai mà nghe được, chắc nó buồn cười lắm..

Phóng viên: Nói như vậy để thấy rằng đưa Ví Giặm vào cuộc sống hiện nay  là vô cùng khó. Phải lấy  gì để mà đưa nó vào đời sống thực của cộng đồng đây?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Phải đưa nó vào cuộc sống cộng đồng bằng tình yêu.

Phóng viên: Phải bằng tình yêu để đưa Ví Giặm trở về với cuộc sống, với chủ nhân của nó.Thông điệp là như thế. Vâng, phải yêu nó, dành cho nó tình yêu mới tìm lại cho nó một vị trí xứng đáng và phù hợp. Nhưng theo nguyên lý thì dù muốn hay không nó phải nó phải tương ứng, tương thích với nhịp điệu lao động. Chúng ta vẫn nói bảo tồn, duy trì, nhưng bảo tồn, duy trì như thế nào thì hình như vẫn lúng túng, chưa tìm  ra được lối đi?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng vậy. Nhưng theo tôi thì trước mắt cứ hát những bài hát cổ và đặt lời mới cho các làn điệu cổ.

Phóng viên: Nhưng bây giờ người ta có chống sào để đẩy thuyền đâu. Người ta bây giờ chỉ có đi thuyền máy thôi thì hát ví đò đưa, ví sông này, sông kia sao được. Ví Giặm được vinh danh quả là rất mừng, rất phấn khởi. Nhưng vấn đề là ở hậu vinh danh? Ít nhiều ông là người “có thẩm quyền” khi trao đổi về Ví Giặm, quan điểm của ông về bảo tồn Ví Giặm trong điều kiện xã hội hiện đại hôm nay nên như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Cuộc sống cũng như âm nhạc, có nhiều tầng lớp, người thích  dòng âm nhạc này, người thích dòng âm nhạc kia. Hãy cứ để tự nó phát triển tự do.

Trở lại câu chuyện, tôi thấy Ví Giăm không nằm ngoài nguyên tắc bảo tồn là phải giữ nguyên trạng của nó, của cha ông để lại. Thứ hai, trong bối cảnh cuộc sống xã hôi công nghiệp hóa, thị trườn hóa hiện nay, sân khấu hóa là cần thiết, nhưng cũng phải trên cơ sở không làm mất chất, mất hồn của nó. Phải sáng tác thêm những làn điệu mới mới đáp ứng được với diễn biến của cuộc sống.

Phóng viên: Tất nhiên Ví Giặm là một vỉa của văn hóa Nghệ Tĩnh, là trầm tích của nhiều thời đại, nhiều thế hệ. Có nghĩa là nó cũng vận động, cũng có những thay đổi theo lịch sử, bổ sung hoặc loại bỏ thêm bớt các yếu tố, kể cả nội dung và hình thức. Phải chăng trong mấy chục năm qua việc đưa nó lên sân khấu ca nhạc hoặc kịch hát tức làVí Giặm từ chỗ là sản phẩm tự cung tự cấp, không chuyên nghiệp, trở thành chuyên nghiệp hóa?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi đồng tình quan điểm này. Tuy nhiên, theo tôi, ở nông thôn thì không cần chuyên nghiệp hóa.

Phóng viên: Đã đưa lên sân khấu dù là hàng xã, huyện hay tỉnh thì muốn hay không chúng ta đã tách Ví Giặm ra khỏi môi trường sống truyền thống của nó.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng thế. Nhưng trong tình thế này muốn cho nó tồn tại được thì chúng ta phải chấp nhận như thế. Đồng thời chúng ta phải dựng lại cái cũ, lưu giữ nó bằng  nhiều cách khác nhau, trên sách vở, băng đĩa, phim ảnh…

Phóng viên: Tức là ta lưu giữ như bảo tàng?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng rồi.

Phóng viên: Có nghĩa là chúng ta đóng băng Ví Giặm lại!

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng vậy. Nếu không làm như thế chúng ta sẽ làm mất dân ca Ví Giặm.

Phóng viên: Chúng ta là người trong cuộc, chúng ta phải mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề Ví Giặm cơ bản đã mất chỗ đứng trong đời sống của cộng đồng. Ví Giặm muốn tồn tại thì phải sống trong môi trường của nó. Nếu Ví Giặm chỉ lên sân khấu, tồn tại như bể cá cảnh thì cũng chỉ để làm cảnh, không có mấy giá trị thực tế với cuộc sống. Tôi hát ví để tôi giải bày,tôi tâm tư, tôi tự động viên tôi, bạn cùng làm với tôi vui vẻ, phấn chấn để làm việc tốt hơn. Còn bây giừ tôi đến nhà hát để nghe người khác hát thì nguyên lý tiếp nhận đã thay đổi, bản chất và công năng của nghệ thuật Ví Giặm đã thay đổi, thưa ông.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi không nghĩ cực đoan quá như các anh chị đâu. Nhưng tôi cũng cảm thấy là vấn đề quả thực là quá khó. Mấy chục năm nay chúng ta đã nỗ lực rất nhiều nhưng Ví Giặm vẫn đang tuột ra khỏi cuộc sống của cộng đồng.

Đáng buồn nhất là khi đi cơ sở tôi thấy rất ít người dân hát dân ca.

Phóng viên: Chúng tôi thấy các giải pháp, các cách làm của chúng ta đối với Ví Giặm đang nửa chừng. Mà nếu vậy rất dễ sinh ra phản tác dụng từ chuyện đưa dân ca lên sân khấu, chuyên nghiệp hóa nó cho đến đưa vào trường học. Thậm chí có thể làm sai lệch dân ca Ví Giặm.

Ví Giặm trước năm 1945 chẳng hạn. Hát phường vải cũng có những chặng những lề lối của nó, về mặt văn học cũng có những quy chuẩn, quy ước nhất định. Chúng ta làm còn thiếu quy chuẩn khi đưa dân ca lên sân khấu. Khi kí xướng âm đã sai lệch,lên biểu diễn theo lối tân nhạc có nhạc cụ đệm thì lại càng sai.  Kịch chủng dân ca cũng phải có quy chuẩn nhất định của nó.Chúng ta chúng ta thử nghiệm kịch hát dân ca được 30-40 năm rồi, nhưng chưa rút ra được một lý thuyết cho nó. Mà chưa có lý thuyết thì rất khó thành công.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng thế.

Phóng viên: Có nghĩa là con đường Ví Giặm trở lại với môi trường của người dân sau khi đi từ làng ra phố(lên sân khấu) thật khó.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng là như vậy. Bây giờ người ta không có nhiều thời gian mà hát và nghe hát.

Phóng viên: Chúng ta tôn vinh Ví Giăm bằng cách sân khấu hóa dân ca. Nay để nó quay trở lại với dân thật khó. Trước đây là nghệ nhân, là người lao động hát dân ca. Lâu nay dân ca là của nghệ sĩ. Lúc nãy ông có nói đến việc thành lập các câu lạc bộ dân ca. Thực tế chúng tôi thấy ta đang làm chỉ như là xây dựng những mô hình tiêu biểu khi cần thì đưa ra để hoàn thành chỉ tiêu hoặc để cho có, cho vui vậy thôi. Rất ít nơi có hoạt động thật sô nổi, thiết thực.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi không phủ nhận những điều các anh chị vừa trao đổi. CLB dân ca Ví Giặm bây giờ thực tế cũng chưa nhiều. Rất nhiều nơi chỉ có mấy người ngồi lại hát với nhau thế là thành CLB. Hội thảo khoa học cũng chưa đưa lại nhiều giá trị thiết thực. Tôi nghĩ làm gì cũng được nhưng phải thành lập các CLB dân ca, và phải làm cho các CLB này hoạt động thật sự mạnh mẽ may ra còn tồn tại được.

Đưa vào trương học chỉ là giải pháp bổ trợ. Phải làm sao cho các cháu hát dân ca Ví Giặm một cách phù hợp với lứa tuổi từ nội dung đến tâm sinh lý, cỡ giọng. Các cháu tiểu học chỉ hát những làn điệu, bài hát ở quãng 8 thôi. Đàng này nhiều cuộc thi hát dân ca của học sinh tôi thấy nó khó nghe quá vì nó không phù hợp.

Phóng viên: Khi dân ca Ví Giặm được UNESCO vinh danh, nhiều người có nghĩ đến công lao của những người cụ thể này  khác.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Tôi nghĩ cái công đó không thuộc về một ai cụ thể cả. Sau khi Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ… được vinh danh thì cái không khí, cái cảm hứng tự hào chung đã cùng khiến rất nhiều người nghĩ đến công việc này. Bởi nói cho cùng, Dân ca Nghệ Tĩnh là tiếng lòng của người dân Nghệ Tĩnh chứ không của riêng ai. Chúng ta chỉ là những công cụ, ví dụ như Lê Hàm là công cụ sưu tầm…

Phóng viên: Lộ trình chuyên nghiệp hóa, sân khấu hóa dân ca theo ông đó có phải là lộ trình tất yếu, duy nhất đúng?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Theo tôi, đó không phải là con đường duy nhất, chỉ là một thử nghiệm để hy vọng tìm ra một môi sinh mới cho Ví Giặm. Nếu làm không khéo là mất dân gian. Chỉ có truyền dạy, truyền nghề thôi. Đó là một nguyên tắc của văn hóa dân gian, cũng như Ví Giặm thì không có nhạc.

Phóng viên: Để tồn tại trong cộng đồng, Ví Giặm đang gặp những khó khăn. Có thể có ý tưởng cấm dùng nhạc cụ cho Ví Giặm Không?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Không được. Nếu chỉ hát không thì buồn tẻ lắm.

Phóng viên: Hóa ra ông cũng đang tự mâu thuẫn với chính mình. Vì sao chán?

Nhạc sĩ Lê Hàm:(Cười)

Phóng viên: Có nghĩa là ông và mọi người đang mắc vào một sơ đồ bát quái với những mâu thuẫn giữa ý đồ, ý tưởng, ước vọng và thực tế, chúng ta đang đi ngược lại nguyên lý của dân ca. Ví Giặm không phải của không gian lễ hội, của tôn giáo, mà của người lao động. Người ta nói, của Cê Za phảo trả lại cho Cê Za là vậy.

Lâu nay chúng ta vẫn có đào tạo hát dân ca trên sóng đài truyền hình, trong các trường học. Ở khối chuyên nghiệp cũng có như trường Cao dảng VHNT Nghệ AN. Vậy theo ông, các trường này nên đào tạo như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Cần thành lập một hội đồng làm giáo án. Nắm tâm lí học là anh giáo dục, chuyên môn là anh văn hóa...Phải giới thiệu và giới thiệu đúng những làn điệu cổ. Thực tế có những khi chúng ta giới thiệu sai, dạy sai, điều này rất nguy hiểm. Không nên đào tạo dân ca cho chuyên nghiệp. Những ca sĩ như Song Thao, Ba Duy hay nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền có học hát dân ca đâu mà hát dân ca ngọt đến lạ. Dân ca Ví Giăm chỉ nên là một môn học trong khoa thanh nhạc. Một nguyên tắc hát dân ca Ví Giăm là phải tròn vành rõ chữ.

Phóng viên: Chúng ta quay trở lại việc đưa dân ca vào trường học.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đó nên xem là một hình thức truyền nghề chứ không phải chuyên nghiệp.

Phóng viên: Còn việc sân khấu hóa dân ca?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Cứ song song cho nó đi. Có nghĩa là cứ tiếp tục thử nghiệm.

Phóng viên: Đi như thế nào? Thử nghiệm mấy chục năm rồi mà nó vẫn vậy thì nên đi như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Phải có một hội đồng dân gian. Rồi báo chí các anh cứ lên tiếng phản biện, phản ánh để hoàn thiện dần.

Phóng viên: Tại sao lại báo chí. Tại sao không nắm vào các nhà lý luận sân khấu, âm nhạc, các nhà nghệ thuật học mà lại là báo chí.Tôi nghĩ cho đến giờ nhận thức chung của mọi người về âm nhạc dân ca Ví Giặm vẫn chưa có sự thống nhất. Vậy trong việctruyền trao Ví Giặm thế hệ nghnhân cũ không còn, những ngườisau thì cũng là tiếp thu qua nhiều lăng kính khácnhau, tiếp thu qua nhiều người trao truyền, qua nhiều lớp tập huấn văn hóa nên sự thể hiện của dân ca bây giờ cũng có nhiều cách khác nhau trong đó có nhiều cách rất xa lạ.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Nguyên tắc của văn hóa dân gian đó là một câu ví thôi do một người hát vào buổi sáng trưa tốiđã khácnhau, nhưng đều phải trên một cái trục không đổi, vấn đề là bây giờ cái trục đó có sự thay đổi. Ví như ví mà bỏ mất trục mi la đô rê vì người ta không hiểu điều này.

Phóng viên: Biết là vậy nhưng ông thấy đó, thực tế đang không như ông nói.Ông thấy hiện nay những người nghiên cứu âm nhạc của Ví Giặm có nhiều không?

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đếm trên đầu ngón tay. Đánglo ngạilàcó những người bịa nói theo cảm hứng vì nghe nóiáp đặt chủ quan mà không trên cơ sở nghiên  cứu.

Phóng viên: Cũng có những ngườikhông, hoặc chưa hiểu sâu về dân ca Ví Giặm, áp đặt chủ quan của mình nên làm sai lệch.

Nhạc sĩ Lê Hàm:Đúng vậy. Đây là điều cần phản ánh, cần tránh bằng được thì việc bảo tồn, phát triển dân ca Ví Giặm hiện  nay mới có kết quả.

Phóng viên: Xin cảm ông về cuộc trao đổi này. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528674

Hôm nay

255

Hôm qua

2275

Tuần này

2947

Tháng này

215370

Tháng qua

0

Tất cả

114528674