Khách mời văn hóa

Trò chuyện với Đại tá Lê Trọng Nghĩa về Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá Lê Trọng Nghĩa, sinh năm 1921 tại Quảng Ninh trong một gia đình Công giáo toàn tòng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945, ông vượt ngục, sau đó là 1 trong 5 thành viên tham gia chỉ đạo khởi nghĩa tại Hà Nội (8/1945).

Từ năm 1946, Lê Trọng Nghĩa được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I, rồi cử làm Chánh Văn phòng Quân sự Ủy viên hội, Chánh Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy. Năm 1950, ông được cử giữ chức Cục trưởng Cục Quân báo – Bộ Quốc phòng. Năm 1955 ông được phong quân hàm Đại tá.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo đã dành cho Tạp chí Văn hóa Nghệ An một cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh “đòn mở đầu ngoạn mục” của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

 

PV:Thưa ông, là Cục trưởng cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dịp kỷ niệm 60 năm, ông có thể vui lòng cho bạn đọc của VHNA biết hành trình làm nên chiến thắng lịch sử đó được không ạ?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Cười vui): Tôi có thể nói rất cụ thể những điều tôi biết và còn nhớ được.

PV:Ông bắt đầu xuất phát đi Chiến dịch Điện Biên Phủ vào thời gian nào?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa:Tôi nhớ rằng đến ngày 6-12-1953, Bác Hồ và Bộ Chính trị mới hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm đòn quyết định giành thế chủ động chiến lược xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Xuân 1953-1954. Nhưng trước đó, các đơn vị đều khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh lớn. Nhiều người trong Bộ Tổng Tư lệnh như Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (Phó Tổng Tham mưu trưởng), anh Lê Liêm (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)... và cả Tham mưu trưởng Đoàn Cố vấn Trung Quốc Mai Gia Sinh lên Tây Bắc trước để xúc tiến việc chuẩn bị chiến trường.

Ngày 5-1-1954, tôi và anh Trần Văn Quang, Cục trưởng Cục Tác chiến tháp tùng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Từ núi rừng Việt Bắc ra đường cái lớn, tôi bàng hoàng và xúc động trước bao cảnh tượng khác thường: bộ đội hành quân theo xe Mô-lô-tô-va nhập vào lớp lớp dân công đồng bằng, quân dân đông vui sống động tràn ngập các bìa rừng ven đường... Tôi chợt sáng ra thêm: Ta đang tiến vào một trận đánh lớn “không như trước”, một trận đánh tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong thời buổi các cuộc chiến tranh, xung đột đang được quốc tế hóa, cộng đồng hóa ở mức độ cao, ở cả hai phía địch – ta mà cán bộ chúng tôi còn thiếu hiểu biết nhiều.

Vừa hành quân, tôi vừa tổng hợp các báo cáo từ các nơi gửi về, vừa liên lạc với anh Cao Pha là Cục phó của tôi, đã có mặt ở Lai Châu để theo dõi chặt mọi động thái chiến trường và âm mưu của địch.

PV:Thưa ông, khi ở chiến trường, cơ quan quân báo và ông ở cách cơ quan Tổng chỉ huy Mường Phăng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bao xa?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa:Tôi ở liền đó. Lán tôi có thể sang lán Cục Tác chiến rồi gặp ngay anh Võ Nguyên Giáp. Còn anh Cao Pha – Cục phó Cục Quân báo, anh Đỗ Đức Kiên – Cục phó Cục Tác chiến cũng ở đó nhưng đã được phái đi xuống đơn vị trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Ở Mường Phăng chỉ có tôi, anh Trần Văn Quang – Cục trưởng Cục Tác chiến và anh Nguyễn Văn Hiếu – Chánh Văn phòng Tổng quân ủy ở lại. Đây là ba nhân vật chính giúp việc cho anh Võ Nguyên Giáp ở đại bản doanh.

Tại hội nghị chiến dịch được tổ chức tại hang Thẩm Púa (15-1), kế hoạch tác chiến, chủ trương và phương châm đã được nhất trí thông qua. Và ngày “N” được xác định là 10 ngày sau đó: ngày 25-1-1954.

PV:Cuối năm 1953, vừa qua một đợt Chỉnh quân quy mô lớn, điều đó có ảnh hướng đến tổ chức quân đội không, thưa ông?

Qua Chỉnh quân cũng như là qua hoạt động của các đoàn cố vấn, có ảnh hưởng đến vấn đề cơ chế tổ chức lãnh đạo và cán bộ chỉ huy của quân đội. Có những cán bộ chỉ huy thuộc thành phần giai cấp “nặng căn” thì cho ra ngoài quân đội. Ví dụ như anh Đặng Văn Việt – Trung đoàn trưởng E174 – F316 được đưa sang Trung Quốc học.

Tuy vậy, phải khẳng định rằng, dù có sự giúp đỡ của cố vấn đấy nhưng mà ta lại không thực hiện theo đúng tinh thần Chỉnh quân viện trợ. Sau Chỉnh quân, ta dùng quan điểm của ta. Theo chỉ đạo của Bác Hồ tiêu chuẩn chỉnh quân là lấy tinh thần yêu nước. Yêu nước là của toàn dân chứ không phải của thành phần giai cấp nào cả.

Tôi xin kể anh nghe một kỷ niệm như thế này. Trước ngày lên đường ra mặt trận, tôi được Bác gọi lên. Bác hỏi tôi tin tức mới nhất về kế hoạch Navarre. Để tỏ “lập trường” sau Chỉnh huấn, tôi nói về viên Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương, Đại tướng Navarre với khẩu khí khinh thị và xem thường “đế quốc là con hổ giấy”, thì được Bác chỉnh ngay. Bác nói rằng, không được chủ quan khinh địch, đừng quên rằng tướng Navarre từng giữ chức vụ rất cao trong khối NATO ở Châu Âu. Bác còn căn dặn rằng, người làm tình báo trước hết phải trung thực, đã trung thực là phải nói đúng sự thật, không được nói dựa dù cho khác ý cấp trên. Muốn vậy phải dũng cảm. Bác tin tôi có thể làm được việc đó và nhắc hỏi đã đọc Binh pháp Tôn tử chưa?...

Nghe Bác nói xong, tôi tỉnh hẳn ra. Vì thế, khi có những thông tin bất thường của Navarre ở chiến trường, tôi dám nói. Chính là nhờ cái hướng dẫn của Bác Hồ: vận dụng ý kiến của nước ngoài, của cấp trên hay là gì đó nhưng phải lấy mình là chủ yếu. Phải dám nói và phải dũng cảm.

Ở Điện Biên Phủ, ngày 19-1-1954, tình báo ta biết được địch mở chiến dịch Át-lăng. Địch đi trước ta đấy. Nó cho rằng nếu đến ngày 25-1-1954 ta mà thò ra thì nó đập chết. Tôi với anh Trần Văn Quang trực tiếp báo cáo với Đại tướng về chiến dịch này. Thời điểm đó ta đang chuẩn bị “đánh nhanh”. Chỉ còn ít ngày là nổ súng, rất mừng và phấn khởi vì địch dồn tất cả lực lượng vào Át-lăng, có nghĩa ít nhất cũng phải mất hai tháng, đủ thời gian cho ta “xơi” Điện Biên Phủ.

Đêm 22-1, tôi nhận được tin: “Địch biết rõ kế hoạch của ta đánh Điện Biên Phủ”. Sáng 23, sau khi tập hợp tin tức tình báo cả đêm, tôi đến trực tiếp báo cáo với Tổng Tư lệnh, tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó. Trong ngày 23 địch sẽ cho thả 1 tiểu đoàn dù chốt giữa Mường Thanh và Hồng Lếch, ngay trước mũi F308; đồng thời một binh đoàn cơ động của viên đại tá Crève Coeur chỉ huy, từ Mường Khoa (Thượng Lào) lại hành quân về hướng F308 bất ngờ tập hậu khi ta nổ súng; Điều chỉnh các kế hoạch binh, hỏa lực và sẵn sàng chờ lệnh vào “ngày 25”.

Nghe tôi báo cáo xong, anh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho tôi phải trực tiếp xuống tận nơi để kiểm tra xem thực tế như thế nào. Đến chiều, anh Võ Nguyên Giáp lại ra lệnh cho anh Phạm Kiệt cũng phải xuống tận nơi để kiểm tra. Rồi bản thân anh Võ Nguyên Giáp cũng xuống tận cơ quan tình báo dưới này để thẩm tra tin tức.

Tôi ra đài quan sát ở trên Mường Phăng. Ở đó tôi dùng ống nhòm, trực tiếp thấy quân Pháp nhảy dù tăng cường binh lực. Qua radio, tôi nghe được lính Pháp nói chuyện với nhau thì tôi mới xác định tin trinh sát của mình là hoàn toàn đúng. Kiểm tra trở về, tôi nhấn mạnh về việc kế hoạch của ta đã bị lộ, Đại tướng không kết luận gì, chỉ nói: “Báo cáo thế là được rồi”. Đồng thời, anh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho tôi không được báo tin đó cho bất kỳ ai, nhất là với cố vấn. Thường lúc bấy giờ, Tổng tư lệnh đã xuống thì cố vấn Mai Gia Sinh cũng cho người xuống Cục 2 để hỏi han nắm tình hình. Không phải là anh ấy muốn giấu gì, anh Võ Nguyên Giáp sẽ nói trực tiếp với cố vấn Vi Quốc Thanh.

Sau đó, Đảng ủy Mặt trận, các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang được triệu tập gấp từ trận địa về. Cuộc họp kéo dài và đi đến thống nhất hoãn thêm 1 ngày, tức là ngày 26-1. Rồi Anh Văn, có anh Hoàng Minh Phương đi cùng, đến gặp cố vấn Vi Quốc Thanh. Sau đó, tôi được biết “Vi cố vấn” sau khi lắng nghe đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc thay đổi phương châm và thời gian nổ súng... suy nghĩ một lát rồi bày tỏ sự tán thành quan điểm của “Võ tổng” và hứa sẽ giải thích để quán triệt trong các cố vấn.

Việc làm của tôi là rất nguy hiểm, vì trong kỷ luật chiến trường, khi Bộ Tổng Tư lệnh đã hạ quyết tâm, khi mệnh lệnh đã ban ra thì ở dưới nhất nhất thi hành, cấm tất cả tướng sĩ không được nói khác đi, làm người chỉ huy nao núng...

PV:Quân lệnh như sơn, Bộ Tổng Tư lệnh đã hạ quyết tâm, ông lại đề nghị không đánh vội, phải thay đổi chiến thuật tác chiến, không theo kế hoạch dự kiến. Lúc đó ông có sợ bị beng đầu không?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa:Lúc bấy giờ thì cũng không nghĩ được chuyện mất đầu hay không, mà thấy tình thế nó cấp bách rồi, thấy rằng là nó băn khoăn trong người. Chỉ 6 tiếng đồng hồ nữa thôi là nổ súng. Tất cả mọi người đã sẵn sàng cả rồi. Nhưng có một cái gì đó không ổn lắm.

Hơn một tháng sau, đến ngày 13-3-1954, ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Navarre hoàn toàn bất ngờ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ngày 7-5-1954, quân ta giành chiến thắng trọn vẹn.

PV:Trong Hồi ký “Thời điểm của những sự thật”, tướng Navarre cho rằng: về phương diện quân sự, thất bại ở Điện Biên Phủ (1954) không trầm trọng bằng thất bại ở Cao Bằng (1950). Ông đánh giá ra sao về nhận định này?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa:So sánh cũng khó nói. Nói như tướng Navarre cũng là một cách so sánh.

Tôi dẫn ra một cái so sánh nổi bật hết sức mà trong bao nhiêu sách báo nêu lên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Không phải. Lại cũng có sách báo nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng mà Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Cũng không phải. Võ Nguyên Giáp là vị chỉ huy, lúc cần đánh rất dữ dội. Hay là không cần đánh, đánh đến mức như thế nào là do cái ý thức muốn đạt đến cái mục tiêu của Tổng Tư lệnh đề ra để giành Hòa bình. Làm sao mà thắng được? Đánh.

PV:Sau 60 năm nhìn lại, ông đánh giá như thế nào về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ?

Đại tá Lê Trọng Nghĩa:Tôi coi trận Điện Biên Phủ là một cái kỳ tích đặc biệt quan trọng. Trận Điện Biên Phủ đã mang lại Hòa bình, mang lại Tự do, Dân chủ cho Nhân dân. Đây là thắng lợi đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại sau 9 năm nhân dân đã hết sức là đấu tranh gian khổ và tạo điều kiện thắng lợi bước đầu của sự nghiệp giải phóng miền Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Hà Nội, ngày 14-12-2013

Kiều Mai Sơn thực hiện

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528674

Hôm nay

255

Hôm qua

2275

Tuần này

2947

Tháng này

215370

Tháng qua

0

Tất cả

114528674