Khách mời văn hóa

Nghiên cứu văn hóa từ góc nhìn của Vương Trí Nhàn

PV: Trong giới nghiên cứu, người ta thường nói tới ông như một người chuyển từ phê bình văn học sang cái mà tôi tạm gọi là phê bình văn hóa.Ông nghĩ sao về những nhận xét loại đó.

Vương Trí Nhàn:Chính tôi cũng thấy như thế. Chỉ lưu ý thêm hai điểm. Một  là chữ phê bình ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng. Phê bình tuy là bám theo thời sự nhưng phải đi tới những khái quát lý thuyết cơ bản. Phê bình viết ngay về các hiện tượng tươi sống nhưng lại phải dựa chắc vào nghiên cứu lâu dài. Và thứ nữa là tôi đang làm song song cả hai. Trong văn học tạm gọi là chuyên nghiệp. Còn trong văn hóa là “tự do” với nghĩa một công việc tự lựa chọn, tự đào tạo, tay trái, nghiệp dư.

PV: Nhìn vào tình hình phê bình văn học tôi thấy nó ngày càng khó. Đời sống văn học hiện ra vô cùng vô tận, phong phú và phức tạp, và có thể nói là “nhạy cảm” hơn, đòi hỏi người phê bình phải cố gắng nhiều mặt.

Vương Trí Nhàn:Ở chỗ này tôi xin phép không đồng ý với ông. Văn học hiện nay đơn điệu tẻ nhạt. Nó đang trong giai đoạn cuối của một nền văn học trung cổ theo nguyên tắc “văn dĩ tải đạo”. Trên nhiều phương diện, nó như còn tồn tại theo kiểu văn học dân gian. Mà lại là cái dân gian thoái hóa, nhập với văn hóa đại chúng của xã hội hiện đại. Gọi tên cái thực tế văn học ngổn ngang này không phải dễ, giới nghiên cứu còn đang bất lực trong việc lý giải nó.

Tôi cũng không đồng ý với ông ở chỗ người nghiên cứu văn học phải lảng tránh trước các vấn đề nhạy cảm. Không đồng ý ở hai khía cạnh:

1/Yêu cầu chủ yếu với người nghiên cứu là phải bảo đảm tính khách quan, tính khoa học. Chỉ có các quan chức, vì phải làm việc với bộ máy của mình, mới cần lưu ý tới tính nhạy cảm như cái nghĩa mà tất cả chúng ta hiện nay đều hiểu.

2/ Riêng ở ta thời gian gần đây, rất nhiều người lại hô lên rằng một tiêu chuẩn là trí thức là phải phản biện. Cho phép tôi nghĩ khác. Trí thức chỉ có trách nhiệm nghiên cứu thuần túy. Khi anh bước sang lĩnh vực phản biện tức anh đã đi vào hành động, hoặc nói theo ngôn ngữ thời nay, là anh trở thành một chiến sĩ đấu tranh cho một mục tiêu xã hội nào đó. Anh cần sự nhạy cảm để tự bảo vệ. Nhưng không vì thế mà coi nhạy cảm là yêu cầu bắt buộc với mọi trí thức nói chung.

PV: Một lý do khác khiến cho người viết phê bình văn học khó khăn: chúng ta  đang phải đối diện với nhiều hệ thống lý thuyết văn học khác nhau. Cả giới sáng tác lẫn giới phê bình cùng băn khoăn khi chọn lựa nên bám/dựa vào lý thuyết nào cho phù hợp và đắc dụng.

Vương Trí Nhàn:Nhiều người trong giới nghiên cứu ở nước ta, những nhà hàn lâm nửa mùa đang ngợp trước lý luận và chỉ lo viết để minh họa cho lý luận mà họ học được ở các trường đại học ngoại quốc. Do xuất phát từ đời sống văn học nên tôi không bị ngợp. Tôi chỉ sử dụng các lý luận khi thấy cần và lúc nào cũng tiến hành song song. Trong khi nghiên cứu thực tiễn thấy cần thì học thêm lý luận; trong khi tìm hiểu lý luận thấy có cái gì thích hợp với Việt Nam liền lo áp dụng thử xem; áp dụng cái này nhưng vẫn tìm cách tiếp cận với cả những cái khác. Tôi luôn bị ám ảnh bởi câu nói đại ý “thế giới này quá phức tạp; phải dùng tới nhiều công cụ khác nhau mới hiểu được nó”.

PV: Ý ông muốn nói quá trình  chuyển từ phê bình văn học sang phê bình văn hóa  cũng là một bước phiêu lưu?

 Vương Trí Nhàn: Quả có vậy. Trong một bài giới thiệu lý luận về tiểu thuyết của Trung quốc, nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu có giới thiệu khái niệm “dã sinh” vốn chỉ phổ biến ở Trung quốc. “Tiểu thuyết phải dã sinh”, tức tiểu thuyết – cũng như văn học nói chung -- phải là một thứ con hoang năm cha ba mẹ, không chịu ảnh hưởng của một lý luận nào duy nhất.

Thì cũng chính là do thói quen tạm gọi là dã sinh này mà khi tìm đọc văn học tôi xoay xở đủ cả văn học đương đại lẫn văn học tiền chiến, văn học cổ VN, rồi văn học Nga văn học Trung quốc sau 1976. Ngoài ra là các sách khoa học xã hội khác như lịch sử, dân tộc học, xã hội học…và tất nhiên là văn hóa trong sự phát triển lịch sử của nó.

Tôi lấy một ví dụ. Một hai chục năm gần đây, người ta chú ý rất nhiều tới  Phan Khôi. Nhưng người ta xem xét ông, ca ngợi ông, định vị ông bằng những thước đo thường dùng với người viết văn, người nghiên cứu hôm nay. Với tôi muốn nghiên cứu một người viết uyên thâm lịch lãm như Phan Khôi mà không biết gì về văn hóa triết học Trung quốc cổ, rồi sự tiếp nhận phương Tây của nước Trung Hoa cuối thế kỷ XIX đầu XX, thì làm sao mà hiểu nổi cả thế hệ nhà nho cuối cùng như ông, từ đó phân tích mổ xẻ đánh giá ông chính xác.

Ý tôi muốn nói Phan Khôi là loại tác giả thích hợp nhất để chứng minh rằng phê bình văn học phải ngả sang phê bình văn hóa học. Nó là một trong những khuynh hướng vốn có của nghiên cứu văn học ở Đông cũng như ở Tây. Chỉ ở nước Nga của Stalin và ở nước Tầu của Mao Trạch Đông, mới có loại nhà nghiên cứu văn học chỉ biết mỗi văn học và chỉ xác lập mối quan hệ giữa văn học với tư tưởng mà thôi.

Trở lại trường hợp của bản thân. Từ chỗ dã sinh, như tôi vừa nói, chỉ cần “tìm hoa quá bước” một chút  là tôi đã chuyển sang phê bình văn hóa rồi.

PV: Đấy là sự chuẩn bị trong đầu óc. Còn trong thực tế công việc?

 Vương Trí Nhàn: Từ khoảng 1982, bên Thông tấn xã VN cho ra tờ Thể thao và văn hóa, với hai anh Hữu Vinh và Hà Vinh làm nòng cốt. Các anh ở đấy vốn  rất thạo về văn hóa phương Tây. Khi rủ tôi làm, các anh cho phép tôi được viết về văn học theo cách của mình, bằng  thứ ngôn ngữ báo chí hiện đại mà tôi học được qua các bài các anh dịch hoặc viết lại từ báo chí nước ngoài

 Mấy năm đầu, làm với TT&VH tôi chỉ giữ trang văn học. Chợt xảy ra một sự kiện. Từ năm 1991, bên Viện khoa học xã hội  được nhà nước giao cho làm một chương trình nghiên cứu về văn hóa, trong đó có đề tài Đề cương văn hóa Việt nam trong giai đoạn mới (KX 04-17).Nhà văn Tô Hoài được phân công quản đề tài này. Ông chọn Hoàng Ngọc Hiến, Ngọc Trai và tôi làm chân rết. Trong thời gian làm thư ký cho đề tài này, tôi có dịp đọc khá rộng từ lý luận văn hóa nói chung tới các công  trình nghiên cứu về văn hóa VN trước đây. Bản thân tôi đã viết được một tiểu luận hơn trăm trang đánh máy mang tên Sơ bộ tìm hiểu di sản văn hóa Việt Nam (đã đưa lên trang blog của tôi).

Sẵn các tri thức tích lũy được từ thời gian làm việc trong nhóm của ông Tô Hoài, lại được các anh ở báo TT& VH cổ vũ, -- nói theo ngôn ngữ trong nghề là “có tờ báo trong tay” – tôi mạnh dạn xông ra viết các bài phiếm luận về văn hóa, ngoài TT&VH gửi đăng cả trên Tuổi trẻ, Nông thôn ngày nay , Người đại biểu nhân dân, Thời báo kinh tế Sài gòn … và sau này đã tập hợp lại một phần trong hai cuốn sáchNhân nào quả ấy (2002) và Những chấn thương tâm lý hiện đại(2009).

PV: Các bài viết trong mục Thói hư tật xấu người Việt cũng được hình thành trong thời gian này?

Đúng thế. Khi viết riêng về các nhà văn, tôi đã mang tiếng là chỉ thạo về việc nhìn ra thói xấu của con người. Khi nhìn chung ra cả xã hội, tôi cũng cứ chứng nào tật ấy. Thế thì làm sao mà dám đi vào nghiên cứu văn hóa như tôi định làm.

May quá một lần, tôi tìm được những gợi ý.

Trong khi ước ao đi tới một sự khái quát về văn hóa VN, ngoài việc đọc lý luận chay, tôi thường  tìm đọc các cuốn lịch sử văn hóa nước ngoài, lấy đó là mẫu để học theo. Có một điều thú vị là mở đầu các cuốn lịch sử văn hóa ấy, các tác giả ngoại quốc thường dành khá nhiều tâm lực cho việc trình bày lý luận chung về văn hóa và ở đó tôi tìm được điểm tựa cho các lý lẽ mà tôi mới chỉ nhận biết theo cảm tính. Lần ấy tôi tìm được cuốn Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc Ngô Vĩnh Chính và Vương Miện Quý chủ biên,  Lương Duy Thứ và các đồng sự VN lo việc dịch ra tiếng Việt , nxb Văn hóa—thông tin H.2004. Ở  bộ ssch này, tôi đọc được cả một chương mang tên Tinh hoa  và căn bã của văn hóa Trung quốc, trong đó nêu lên một khái quát: “Đương nhiên văn hóa Trung quốc có mặt ưu tú nhưng cũng có mặt lạc hậu thậm chí thủ cựu thối nát.” (Sđd tr 22). Trong phần viết về ảnh hưởng của triết lý tới  dân tình, phong tục, các tác giả này có đoạn viết liên quan tới toàn bộ tính cách dân tộc Trung Hoa: Tinh thần nhân văn thành thục quá sớm của triết học cổ đại Trung Quốc, sự lan tràn của luân lý đạo đức, cách nhấn mạnh quá đáng tới sự hài hòa và trung dung, tất cả những đặc điểm đó cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho dân tộc ví như thiếu tinh thần mạo hiểm, vượt khó, năng lực tự lập tự giải quyết mọi việc thấp kém, tập quán tư duy thiên về hình như thượng [một thuật ngữ nay ít dùng; thời trước nó được xem là tương đương với khái niệm siêu hình học], các quan niệm truyền thống mang tính tuần hoàn phong bế… Rồi sự hình thành tính cách dân tộc nội khuynh, bảo thủ thuận tòng, không tranh đấu…Những điều đó cần thẳng thắn nhìn nhận (sđd, tr 83).

Từ lúc nhồi được cái thứ đó vào đầu, tôi thêm cả quyết dành hẳn một phần công việc cho mục thói hư tật xấu.

PV: Tức là ông đã được giải phóng về mặt tư tưởng.

Vương Trí Nhàn:Tôi cũng định nói như vậy. Nên nhớ là tôi đi vào con đường nghiên cứu văn hóa một cách nghiệp dư. Phần lớn các nhà nghiên cứu hiện thời thiên về tìm cách nói  một chiều, nói tốt, nói theo hướng ca ngợi hết lời đối với văn hóa VN. Hóa ra họ chỉ minh họa các ý tưởng mà người ta đặt hàng cho họ. Do không bị bó buộc vào một nhiệm vụ nào được giao – đúng ra là không kiếm sống, kiếm danh vị và lợi lộc từ công tác nghiên cứu, tôi cảm thấy mình có được chút tự do tối thiểu. Nhưng tôi vẫn bị cái lý luận chính thống về văn hóa đương thời chi phối. Nhờ nhìn rộng ra các nền văn hóa khác và  tìm được những cơ sở lý luận khác,  tôi mới thực sự tự do với nghĩa đi trên một con đường riêng tôi thấy đúng đắn nhất.

PV: Tôi nhớ lúc đầu ông đã bị ăn đòn vì loạt bài  thói hư tật xấu này.

Vương Trí Nhàn:Về chuyện bị đám đông ném đá thì không nói là gì. Tôi còn bị cả bạn bè chê bai, hiềm khích, bác bỏ.

Tôi nhớ khoảng những năm 90, đọc các phác thảo của một người nay trở thành giáo sư đầu ngành của giới nghiên cứu văn hóa, tôi có bảo với ông mấy ý:

*  chỗ kiểm tra để biết một hướng nghiên cứu có đúng hay không là đối chiếu nó với thực tiễn.

* bởi lẽ văn hóa là cái làm nên nội lực của một cộng đồng, cho nên, với bức tranh văn hóa như anh miêu tả, thì tôi nghĩ là dân VN sẽ không có một cuộc sống khó khăn bế tắc như hiện nay.

* Anh cho phép tôi đi tới cùng của sự suy nghĩ nhá. Với một dân tình như hiện nay bức tranh văn hóa mà anh vẽ ra thậm chí có tác dụng ru ngủ họ, làm hại họ. Nghĩa là nguy hiểm cơ đấy.

Ông ta giận tôi lắm. Sau khi gọi điện xỉ vả tôi là dân nghiên cứu nghiệp dư mà đã ti toe,  không đọc nhiều sách bằng ông nên không thể nói liều …, không bao giờ ông muốn nhìn mặt tôi nữa.

PV: Theo ông, cái đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ của phê bình văn hóa nên xác định như thế nào?

Vương Trí Nhàn:Hồi đầu cách mạng ta có Hội văn hóa Cứu quốc, tập hợp mọi trí thức khoa học xã hội và tự nhiên trong đó có các nhà văn nghệ. Tới 1948, Hội này còn mở Đại hội lần II. Nhưng sau đó Hội Văn hóa này -- nghe nói là thuộc quyền ông Trần Huy Liệu -  gần như tự giải tán. Trong bàn tay lèo lái của ông Tố Hữu, văn học và các ngành nghệ thuật khác tách ra thành Hội Văn nghệ VN sau đó thành các Hội riêng. Trên thực tế, văn học bị tách ra khỏi khối văn hóa mà đặt trọng tâm vào việc làm công tác tư tưởng.  Lâu dần, chất tư tưởng át đi cả văn hóa. Mà việc nghiên cứu tổng quát về văn hóa sau này có được tổ chức thì cũng quá yếu ớt.

 Thành ra người nghiên cứu văn hóa hiện nay như đứng trước một cánh đồng hoang. Tôi chỉ là một cá nhân đơn thương độc mã trên đường, không chịu trách nhiệm với ai, vả chăng cũng đang mầy mò, nên chẳng biết nói gì ngay về những cái gọi là đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ mà ở trên ông đặt câu hỏi. Chỉ biết rằng từ lịch sử văn hóa tới mối quan hệ văn hóa VN và nước ngoài, từ phong tục tập quán văn chương nghệ thuật tới các vấn đề chính trị xã hội …chả cái gì mà tôi thấy không cần thiết cả. Chắc là ông không thể ngờ là trong nhiều cuốn nghiên cứu văn hóa từng quốc gia, từng cộng đồng riêng, tôi thấy người ta đều dành rất nhiều giấy mực cho việc tổ chức xã hội, việc quản lý quốc gia…Làm sao mà bây giờ tôi lại dám đề nghị rằng nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu văn hóa VN cũng bao gồm cả những việc đó. Có đề nghị cũng không ai làm. Vì có ai được chuẩn bị làm việc theo quan niệm đó bao giờ.

 

PV: Với cách xác định đó, nhìn lại, chắc là ông thấy hoạt động phê bình văn hóa lâu nay có nhiều chỗ bất cập ?

Vương Trí Nhàn:Bởi nó đã giống Nga, giống Tầu thời trước, mà lại làm kém đi và bây giờ bên Nga, bên Tầu người ta cũng làm khác rồi nên rút lại, thấy nó chẳng giống ai cả.

PV: Thiếu sót lớn nhất của nó là gì?

Vương Trí Nhàn:Là không chịu làm cái việc mà xã hội cần là giúp vào việc tự nhận thức của cộng đồng,  mà lại loanh quanh làm những việc vá víu lặt vặt. 

PV: Một công việc như  phê bình văn hóa tất nhiên phải dựa trên các cơ sở lý thuyết, tức là nó phải có cơ sở lý luận của nó. Theo chỗ chúng tôi biết thì trên thế giới, văn hóa học đã hình thành và phát triển hơn 100 năm rồi với nhiều trường phái khác nhau, ở ta chậm hơn nhiều nhưng cũng đã có từ nhiều chục năm nay. Và chúng ta cũng đã tiếp thu nhiều lý thuyết văn hóa khác nhau từ bên ngoài vào. Các lý thuyết khác nhau đã làm nền tảng cho hoạt động phê bình văn hóa. Từ kinh nghiệm cá nhân, theo ông, tại thời điểm hiện tại, ở nước ta, công việc phê bình văn hóa nên có sự lựa chọn lý thuyết như thế nào để có thể nói là khả dĩ phù hợp nhất?

Vương Trí Nhàn:Đầu tháng 2-2015, chính tạp chí Văn hóa Nghệ An đã in bài của Lê Văn Hảo liên quan tới vấn đề này. Nhưng trong bài đó ông Hảo dùng chữ văn hóa học với nghĩa một ngành nghiên cứu. Có một nền văn hóa học Việt Nam tức là có một ngành nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

Còn trong câu hỏi vừa rồi có phải ông hiểu văn hóa học tức là các lý thuyết về văn hóa ?

PV: Tôi tưởng ý mình nói cũng đã  rõ.

Nếu thế thì cái thời gian mà ông dùng để xem xét việc hình thành các lý luận đó,  lại chẳng có ý nghĩa gì hết.  Mười năm cho đến ba bốn chục năm nữa là quá ngắn ngủi với một xã hội vốn trì trệ và ngành nghiên cứu khoa học xã hội thì lại cổ lỗ không biết xếp vào ngạch bậc nào của thế giới.

Trên tôi đã trình bày, ở nước Nga xô viết cũng như ở Trung Hoa lục địa, văn hóa đều bị gộp vào công tác tư tưởng, lúc đó ở họ quan niệm sử học thì cổ lỗ mà nhìn chung gần như không có xã hội học văn hóa học gì hết. Sau khi có những thay đổi, các nhà nghiên cứu cho du nhập thẳng những quan điểm lý thuyết của Anh- Mỹ, nơi mà lý thuyết về văn hóa phát triển đến những đỉnh cao có ảnh hưởng khắp thế giới.

Tôi nói điều này là dựa trên hai cuốn sách đang có trong tay

1/Trung Hoa văn hóa sử của  Phùng Thiên Du, Hà Hiểu Minh, Chu Tích Minh hai tập thượng hạ Thượng hải nhân dân xuất bản xã, 2005.

2/ Văn hóa học thế kỷ XX. Bách khoa toàn thư. Nxb Sách tổng hợp thuộc quỹ hỗ trợ khoa học và văn hóa Sankt- Peterburg 1996.

 Nga và Trung quốc đã vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.

PV: Tính cấp thiết của việc du nhập lý luận văn hóa phương Tây là gì?

Vương Trí Nhàn:Là ở đó, tất cả các thuật ngữ khái niệm đều có một ý nghĩa khác so với cách hiểu của chúng ta hôm nay. Đó là một. Thứ hai, là chỉ với những định hướng của nó, ta mới gỡ ra được những vướng mắc cơ bản đang níu kéo ta lại. Ví dụ, các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay quá tin tưởng vào thuyết tương đối văn hóa. Theo thuyết này, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, các nền văn hóa này đều bình đẳng với nhau. Ta dùng lý luận này để đề cao tính độc đáo của văn hóa ta, từ đó chấp nhận cả những cổ hủ lạc hậu trong văn hóa cổ truyền. Trong khi đó, bên cạnh lý thuyết tương đối, người ta còn nói tới sự tiến hóa về văn hóa. Mỗi nền văn hóa phải tiến triển theo những quy luật chung. Quá trình tự hoàn thiện một nền văn hóa đi kèm với sự cộng sinh tiếp biến các nền văn hóa ngoại lai, nhiều khi chính yếu tố ngoại lai lại có ý nghĩa quyết định chứ không phải yếu tố bản địa. Nếu đi theo hướng này ta sẽ hiểu hơn và làm tốt hơn công việc tự đánh giá gia tài quá khứ và cũng như mang lại cho sự hội nhập quốc tế những kết quả thực sự.

Đây tôi mới nói về một ví dụ chứng minh cho cái mức độ cấp thiết của việc du nhập lý thuyết phương Tây và lại nói rất thô thiển. Tôi sẽ đề cập vấn đề này trong một dịp khác.

PV: Trở lại với  các công việc cụ thể , theo ông, hiện tại, ở nước ta, hoạt động phê bình văn hóa hoặc nghiên cứu văn hóa  nói chung nên tập trung vào những vấn đề nào, những mặt nào, lĩnh vực nào ?

Vương Trí Nhàn:Tôi hơi ngại dùng hai chữ tập trung.Tôi muốn nói những việc không thể bỏ qua. Trong nghiên cứu có những công việc mà thiếu nó thì mọi việc khác đều vô nghĩa. Ngoài việc du nhập lý luận, nay cần sớm có những người tách ra khỏi cái ngổn ngang trước mắt để đi vào lo tìm hiểu lịch sử văn hóa. Mà khi đi vào  lịch sử, thì nhớ phải có một quan niệm về văn hóa rộng rãi, trong đó đặt mỗi nền văn hóa trong cái văn mạch chung mà người ta gọi là địa văn hóa. Riêng tôi lúc này đây tôi nghĩ rằng nếu có thời gian thì nhất thiết phải để công sức vào tìm hiểu lịch sử quan hệ văn hóa VN với các nền văn hóa khác như văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương Tây.

Nhân đây, tôi có một đề nghị với cả những người nghiên cứu văn hóa lẫn những người quản lý việc này nói chung.

PV: Điều gì vậy?

Vương Trí Nhàn:Hiện nay  các học giả quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam và họ đang có  nhiều phát hiện. Nhưng tất cả những thành tựu của họ lại xa lạ với tất cả các giới khoa học xã hội nước ta. Về phần mình, sau khi  nói rằng VN có một nền văn hóa vô cùng rực rỡ không kém một ai, các nhà nghiên cứu VN có thói quen cho rằng chỉ ta là mới hiểu được ta. Với các thành tựu của người nước ngoài, ta chỉ sử dụng một vài tên tuổi làm nền và giúp vào việc minh họa cho quan niệm của người trong nước.

Còn sau khoảng trên hai mươi năm đi vào tìm hiểu văn hóa VN, kinh nghiệm lớn nhất của tôi lại là hoàn toàn ngược lại.

Tôi thiết tha mong các đồng nghiệp đang đi vào nghiên cứu văn hóa nhất là các bạn trẻ học lấy ngoại ngữ, trực tiếp đọc vào các tài liệu nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam của người nước ngoài, từ đó các bạn sẽ tìm ra con đường đi của mình, phương pháp thích hợp với mình.

Sở dĩ tôi muốn nói điều này cả với  các nhà quản lý công tác nghiên cứu bởi lẽ sau. Các cán bộ trẻ không thể làm việc một cách nghiệp dư tài tử như tôi. Họ phải gắn bó với những yêu cầu, những đơn đặt hàng của nhà nước. Để lập danh. Mà cũng để kiếm sống. Nếu trong các bài giảng trong nhà trường, các thầy giáo không sử dụng các tài liệu này; nếu trong các công trình nghiên cứu ban đầu là các luận án thạc sĩ, tiến sĩ, không có yêu cầu bắt buộc phải tham khảo các tài liệu này, thì các nhà nghiên cứu trẻ sẽ không bao giờ tự động tìm đọc cả. Nếu như chỉ thỉnh thoảng báo chí có được một vài bài viết ngả sang cái hướng này thì nhanh chóng chúng cũng bị quên lãng.

PV: Cảm ơn ông.

Phan Thắngthực hiện

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528697

Hôm nay

278

Hôm qua

2275

Tuần này

2970

Tháng này

215393

Tháng qua

0

Tất cả

114528697