Khách mời văn hóa

Từ “Đối tác toàn diện” đến “Lòng tin chiến lược”

Dưới đây là trao đổi sau Tọa đàm về “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc tại Hà Nội ngày 20/6 và nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hoa Kỳ từ 6 – 9/7. Tham gia trao đổi có: GS-TS Trần Ngọc Vương, Đại học KHXH&NV, NNC Lâm Bảo, nguyên Phó Đại sứ ta ở Anh và TS. Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ ta tại Hà Lan và Tổng Biên tập Tạp chí VHNA Phan Văn Thắng. Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ đang hội đàm tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng vào 10h30 ngày 7/7 (giờ Washington) thì cũng là lúc cuộc trao đổi này kết thúc.

Phan Văn Thắng:Thay mặt độc giả VHNA, cám ơn các nhà nghiên cứu đã tham gia “bàn tròn” này. Gợi ý đầu tiên, đề nghị các chuyên gia nêu bật ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

GS. Trần Ngọc Vương: Rõ ràng đây là chuyến thăm lịch sử, xét từ nhiều chiều kích. Về song phương, đây là thời điểm chuyển mình của quan hệ Việt-Mỹ, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giờ đây bước sang “pha” tiếp theo, đó là giai đoạn hai nước cam kết sẽ thúc đẩy các mối quan hệ mọi mặt để thành công hơn nữa. Đặc biệt cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhấn mạnh đến quá trình hướng tới một chất lượng cao hơn, chất lượng của “lòng tin chiến lược” trong các mối quan hệ. Về khu vực cũng như trên toàn cầu, chuyến thăm xẩy ra vào một thời điểm then chốt. Đó là lúc tất cả mọi nước: Mỹ, Trung Quốc, các cường quốc hạng trung trong khu vực, các nước ASEAN đều đang triển khai trên thực tế các chiến lược của mỗi nước đã tuyên bố từ mấy năm nay. Nhưng sở dĩ nói “then chốt” là vì nay là lúc Trung Quốc, một quốc gia đang trên lộ trình vươn lên thành siêu cường đã có hàng loạt các tuyên bố lẫn hành động muốn thay thế trật tự hiện hành bằng một trật tự mới, có tên là “Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica). Đây cũng chính là căn nguyên sâu xa của mọi căng thẳng hiện nay trong quan hệ Trung-Mỹ cũng như trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực.

TS. Đinh Hoàng Thắng:Nếu theo dõi một loạt bài viết trên truyền thông Mỹ, dịp này, các bỉnh bút đều tập trung vào chủ đề “Pax Sinica replaces Pax Americana”, nghĩa là “Trật tự Trung Hoa đang thay thế trật tự Hoa Kỳ”. Hẳn nhiên, việc thay thế này sẽ không phải diễn ra trong một tháng hay một năm và cũng không phải chỉ giờ đây, báo chí Mỹ mới cảnh báo cái nguy cơ này. Đây là câu chuyện của vài ba thập kỷ tới và câu chuyện này cũng đã được dấy lên cách đây dăm bảy năm nếu như không nói là còn sớm hơn. Tuy nhiên, các cảnh báo này lại nóng lên vào thời điểm hiện nay chính là do hàng loạt các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong mùa Hè 2015 này; và không chỉ hung hăng trong hành động, họ còn “ngồi xổm” lên luật quốc tế và luật biển hiện hành khi tuyến bố việc họ bồi đắp gần chục đảo đá tại Hoàng Sa và Trường Sa (phần thuộc về chủ quyền của Việt Nam) là xây dựng trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nguyên văn ông Ngoại trưởng Trung Quốc nói họ xây dựng các đảo này như là xây trong “ao nhà” của họ vậy.

Xem thế, ý nghĩa lịch sử liên quan đến chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư còn ở chỗ: Đây là lần thứ ba, người có cương vị đứng đầu trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, có thể là nối bước tiền nhân, thực thi một cuộc khảo nghiệm các nỗ lực để thoát khỏi “gọng kìm” định mệnh không chỉ từ “thiên triều”, mà còn từ các nước lớn khác, đè nặng lên Việt Nam. Kết quả của cuộc khảo nghiệm lịch sử này có thể chúng ta chưa thể biết ngay, vì các thỏa thuận ngoại giao cấp nguyên thủ đều mang tính “tuyệt mật”. Nhưng “đọc giữa hai dòng chữ” các Tuyên bố chung ký kết dịp này giữa Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Mỹ, chúng ta sẽ “ngộ” ra được nhiều điều.

Phan Văn Thắng:TS. Đinh Hoàng Thắng có thể nói rõ thêm về hai lần trước và những cái mà ông cho là “ngộ” ra nhiều điều qua lần này?

TS. Đinh Hoàng Thắng:Các công trình nghiên cứu lịch sử và ngoại giao đã nói khá kỹ. Tôi chỉ tóm tắt lại thôi. Lần thứ nhất là cố gắng của vua Tự Đức vào những năm 1848-1883. Trong luận văn Tiến sỹ của Giảng viên Đại học Tokyo Tsuboi, vị GS người Nhật đã phân tích những nỗ lực của vua Tự Đức nhằm cứu vãn chủ quyền đất nước nhưng không thành công. Tự Đức tin vào Thiên triều theo một lối mòn của tư duy giáo điều Nho giáo: nước lớn phải có bổn phận bênh vực, che chở nước nhỏ, mà không biết hoặc biết một cách rất lơ mơ rằng chính “Thiên triều” lúc bấy giờ đang rơi vào thảm trạng bị xâu xé, không đủ sức ngay cả việc tự vệ chứ đừng nói tới chuyện giúp cho quốc gia khác! Thay vì thoát khỏi gọng kìm, hoạt động ngoại giao của chính quyền, vừa triều cống Trung Hoa, vừa cầu hòa với Pháp đã dẫn đến các xung đột mà chiến trường lại diễn ra ngay trên đất Việt Nam. Lần thứ hai là những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thập niên 1950. Cụ Hồ đã tìm cách “kết nối” với chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tìm cách hiệp thương giữa hai miền, nhưng rồi cả hai vẫn không tránh được cuộc chiến mà người Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam”. Giờ đây thì chính người Mỹ cũng cay đắng nhận ra đấy là một cuộc chiến sai về mọi mặt, chọn thời điểm, chọn đối phương và chọn cách tiến hành đều sai lầm…

“Tuyên bố về viễn cảnh của quan hệ đối tác toàn diện” và “Tuyên bố về tầm nhìn đối với hợp tác quốc phòng” giữa Hoa Kỳ và Việt Namđều bao hàm các chất lượng chiến lược và các chiều kích về “lòng tin chiến lược” giữa hai quốc gia vốn đã xác quyết vượt lên chính “hội chứng ý thức hệ” để thúc đẩy các mối bang giao mà các nhà ngoại giao lẫn các nhà lập pháp Hoa Kỳ từng tuyên bố là “không gì không thể” trong việc kiến tạo nên mối quan hệ năng động hàng đầu này ở Đông Nam Á hiện nay. Ngoại giao Nguyên thủ mở ra ngoại giao Nguyên thủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa đặt chân lên đất Mỹ nhưng phía Hoa Kỳ đã cam kết Tổng thống Obama sẽ nhận lơi mời thăm Việt Nam tới đây. “Chậm còn hơn không”. Đấy là lời an ủi cho những người bi quan đối với bang giao Việt-Mỹ. Còn những người lạc quan thì nhìn nhận, mọi chuyện liên quan đến lộ trình quan hệ Việt-Mỹ đều nằm trên một đường ray và cứ như thế tiến về phia trước, khỏi cần phụ thuộc vào “sự chống lưng” nào cả.

Phan Văn Thắng:Nếu nói về những nỗ lực xây dựng và thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo tôi cần thiết phải nhắc lại mối liên hệ, cũng như sự cộng tác của Việt Minh với người Mỹ, với OSS [Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ  - U.S Office of Strategic Services] trong những năm 1945 – 1946. Thưa các ông, dựa trên sự đón đợi từ cả hai phía và các công việc chuẩn bị từ mấy tháng nay của các đoàn tiền trạm, đề nghị các ông nói cụ thể hơn về các kết quả hữu hình của chuyến thăm cấp cao này?

GS. Trần Ngọc Vương:  Nêu lên các viễn kiến về quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước nghĩa là khẳng định trên thực tế về các chất lượng chiến lược lâu dài của mối bang giao. Ở đây, ngoài các thỏa thuận mới về chính trị-an ninh và kinh tế-thương mại, điều nổi bật khác so với trước đây là các giao lưu về ngoại giao nhân dân. Quan hệ giữa con người với con người, giữa các tầng lớp nhân dân với nhau tới đây rất quan trọng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện PEW (ở Mỹ) công bố gần đây, 78 phần trăm người Việt Nam được khảo sát cho biết họ có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, tăng 2 phần trăm so với năm 2014, trong khi chỉ có 13 phần trăm nói ngược lại. Quan điểm này tương đồng với đa số các nước mà PEW khảo sát, cho thấy Mỹ được quốc tế nhìn nhận với thái độ phần lớn là tích cực, 69 %.

Một kết quả khác, chưa hẳn đã là hữu hình, nhưng chuyến thăm của ông Trọng đã đặt ra và tôi cầu mong nó đạt được, ít nhất là một phần nếu như không nói là tất cả. Đó là đã đến lúc cần tiến tới sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo cũng như của người dân đối với vị thế quốc tế của Việt Nam qua chuyến đi này. Yêu cầu thay đổi trở nên cấp bách đến mức, nếu chúng ta vẫn giữ não trạng cũ, vẫn suy nghĩ về Mỹ, về Trung Quốc, về các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam theo kiểu cũ, thì chúng ta lại sẽ lao vào vết xe đổ của tiền nhân. Nghĩa là chúng ta sẽ khó thoát khỏi được các “gọng kìm lịch sử” như đã nói ở trên. Và kết cục, chúng ta sẽ bị/hoặc sẽ được lịch sử ghi danh như “những anh hùng lạc thời đại”. Qua thỏa thuận về TPP và các thỏa thuận quan trọng khác, hy vọng sẽ tìm được phương thuốc hữu hiệu cho các vấn nạn về kinh tế-xã hội cũng như các đe dọa về an ninh đối với chúng ta hiện nay.

Phan Văn Thắng:Vậy câu chuyện TPP là câu chuyện của kinh tế hay an ninh là chính?

NNC Lâm Bảo:Cả hai. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền. Mục tiêu hàng đầu của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Vì lý do này, TPP là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam, nền thương mại khu vực và quốc tế.

GS. Trần Ngọc Vương:Khẳng định TPP là một thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử. Song chúng ta không được quên rằng, nhân quyền vẫn đang và sẽ là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao và thương mại của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama từng nói, Việt Nam sẽ phải thực sự thay đổi chính sách và cải thiện tiêu chuẩn cho người lao động. Việt Nam phải thiết lập được mức lương cơ bản, phải thông qua luật về điều kiện an toàn lao động và bảo vệ công nhân.…. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi. TPP sẽ giúp tạo ra sân chơi công bằng và mang lại lợi ích cho người lao động Việt Nam. Và đó chính là sự tiến bộ và kỳ vọng của các thành viên đang tham gia đàm phán.

NNC Lâm Bảo:Khi nói về TPP, đúng là đã có một số băn khoăn về các vấn đề liên quan đến lao động. Vấn đề được nhiều người đặt ra là, tại sao Mỹ lại quan tâm đến giới lao động, cả về mặt vật chất (lương tối thiểu) lẫn về tinh thần (tổ chức công đoàn). Thật ra, trên thực tế, nếu giới lao động ở Việt Nam được thụ hưởng lợi ích từ cả hai mặt này thì điều đó sẽ tốt cho cả sản xuất lẫn giới đầu tư nước ngoài. Cả người lao động lẫn những người dùng lao động có thể yên tâm. Tôi tin rằng, xuất phát từ lợi ích quốc gia của mỗi nước, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thương lượng để đi đến đồng thuận.

Phan Văn Thắng:Theo các chuyên gia, tại sao người ta nói làm kẻ thù của Mỹ dễ hơn làm bạn với Mỹ? Ý nghĩa của nhận xét này là gì?

GS. Trần Ngọc Vương:Đây là câu cửa miệng của các nhà phân tích chính sách từ các nước đồng minh thân cận của Mỹ. Triết lý của nhận xét này là đề cập đến tính thực tiễn và sự sòng phẳng của người Mỹ, chính xác hơn là của chính giới Mỹ. Cái gì mà phù hợp với lợi ích của nước Mỹ thì họ bảo vệ và kiên trì đến cùng, khi không phục vụ cho lợi ích quốc gia nữa thì họ buông bỏ một cách không thương tiếc. Có nhiều ví dụ trong thực tiễn. Chính đó cũng là một trong những thành tố làm nên thứ mà ở ta một thời từng chê bai là “chủ nghĩa thực dụng Mỹ”. Nước Mỹ có hai đảng thay nhau cầm quyền, nhưng đảng nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia Mỹ lên hàng đầu, bởi nếu đảng nào không làm thế, chắc chắn cử tri Mỹ sẽ lập tức hạ bệ họ! Việc nước Mỹ rút khỏi Việt Nam đầu những năm 1970 là một điển hình. Cũng như bây giờ, họ tuyên bố, trở lại châu Á, trở lại để ở lại là nhằm trước hết để phục vụ lợi ích của nước Mỹ. Tất cả là xoay quanh đánh giá của họ về Trung Quốc. Trước đây họ coi nặng mặt “đối tác chiến lược” của Trung Quốc. Sau bao nhiêu năm, nay do họ cảm nhận được những đe dọa trên thực tế của Trung Quốc đối với Mỹ, đối với khu vực và có thể cả thế giới, họ thay đổi cách nhìn, thay đổi đánh giá. Họ nhấn mạnh đến khía cạnh Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh”, thậm chí coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về chiến lược. Giờ đây, mẫu số chung cao nhất của nước Mỹ là bảo vệ ưu thế vượt trội của mình trong khu vực châu Á-TBD cũng như trên toàn cầu. Sỡ dĩ nói làm bạn với Mỹ khó là vì quốc gia của anh phải “thiết kế” chính sách như thế nào để quá trình triển khai chính sách của nước anh không cản trở, không làm hỏng tiến trình “xoay trục” hay “tái cân bằng” của họ.

Phan Văn Thắng:Vậy khả năng khi nào Mỹ và Việt Nam có thể trở thành “Đối tác Chiến lược” của nhau?

TS. Đinh Hoàng Thắng:Việt Nam có câu “Cái gì cần đến sẽ phải đến”. Toàn bộ diễn tiến chuyến thăm của Tổng Bí thư tại Mỹ cho đến nay diễn ra thuận lợi. Theo dõi các tin tức liên quan đến hội đàm cũng như các cuộc tiếp xúc, các tuyên bố của đôi bên, các thỏa thuận được ký kết, chúng ta càng hiểu thêm cơ sở của tinh thần lạc quan từ các nhà ngoại giao hàng đầu Việt – Mỹ. Họ là các đại sứ của Mỹ ở VN và các đại sứ của VN ở Mỹ, đều đánh giá rằng, quan hệ đối tác Việt – Mỹ hiện nay, thực chất đã đạt được nhiều tiêu chí của “Đối tác Chiến lược”. Ở đây, chúng ta hiểu giữa hai nước còn tồn tại một số nhìn nhận khác biệt về các vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền. Nhưng như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước hôm lên đường qua Mỹ, chuyến thăm của ông là một dịp để hai bên có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà hai bên còn có những khác biệt, nhằm góp phần vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt khác biệt, từng bước xây dựng lòng tin giữa hai bên nhằm đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

NNC Lâm Bảo:Năm 2013, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Tuyên bố về “Đối tác Toàn diện”. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng”. Lần này, hai nước lại khẳng định tiếp các Tuyên bố ấy nhằm nói lên tính nhất quán và tính liên tục trong quan hệ giữa hai quốc gia. Những văn kiện mang tính pháp lý cao này sẽ cấu thành một bộ khung cho các quan hệ song phương, trong bối cảnh Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, thông qua chiến lược trong 5 năm tới. Như vậy, quy chế “Đối tác Chiến lược” sẽ như một cam kết “hôn nhân vì lẽ phải”, có thể sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Phan Văn Thắng:Cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi. Xin chúc cuộc viếng  thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Mỹ./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528694

Hôm nay

275

Hôm qua

2275

Tuần này

2967

Tháng này

215390

Tháng qua

0

Tất cả

114528694