Cuộc sống quanh ta

Cuộc tìm kiếm mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Phần IV)

 

Hà Mại(1334 - 1410), tự Tông Hiểu là con út của một nhà hào trưởng ở miền Bắc Việt Nam. Ngài sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1334), triều Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu năm thứ VI. Từ nhỏ đã được cha luyện tập cung kiếm, võ nghệ nên có thân thể cường tráng, tinh thông quyền kiếm, chí khí dũng mãnh, trí tuệ thông minh.

Năm 1351 Ngài vừa đến tuổi 18, triều Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ XI mở khoa thi quan võ. Ngài ghi tên dự thi và trúng vào hàng ưu, sau đó được bổ nhiệm huấn luyện và chỉ huy đội quân cơ động bảo vệ triều đình.
Mùa xuân năm Bính Thân (1356) Ngài được lệnh chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông và vua Trần Dụ Tông đi tuần tra biên giới phiá nam, đến trấn Nghệ An (là vùng đất hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) trú lại lị sở (lị sở trấn Nghệ An thời nhà Trần ở vùng thị trấn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) để xem xét tình hình và quyết định xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền đất nước nhằm chống quân Chiêm Thành thường đến cướp phá vùng đất từ đèo Ngang đến tận sông Bến Thuỷ. Trong chuyến đi này Ngài được giao ở lại thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó. Một thời gian sau Ngài bén duyên với con gái thứ của cụ Lê Quý Thọ là xã trưởng vùng này và được cụ đồng ý cho nên duyên vợ chồng và từ đó Ngài coi trấn Nghệ An là quê hương thứ 2 của mình.
Tháng 12 năm Bính Thìn (1376) Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh năm thứ IV nhà Trần đánh Chiêm Thành. Trận này do nhà vua đích thân cầm quân, nhưng do chủ quan không nghe lời can ngăn của quân thần nên đã bị thất bại nặng nề. Nhà vua và hai đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, cùng một hành khiển là Phạm Huyền Linh bị tử trận.
Khi thực hiện cuộc tấn công Chiêm Thành, đơn vị của tướng Hà Mại vẫn được giao chốt giữ bảo vệ phòng tuyến hậu phương trực tiếp của mặt trận. Nhiệm vụ này rất nặng nề nhưng Ngài đã hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, sau sự kiện vua Trần Duệ Tông mất, giặc Chiêm Thành điên cuồng tấn công đánh phá vào đất ta, nhưng Ngài đã dũng cảm mưu trí chỉ huy các lực lượng quân dân Đại Việt đánh trả quyết liệt và lần lượt đập tan các đợt tấn công của địch, bảo về được biên giới phía nam của đất nước. Sau chiến dịch bảo vệ biên giới thắng lợi, Ngài được triều đình phong Phụ quốc, Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu và bổ làm Trấn thủ xứ Nghệ An.
Cụ là một võ quan đầy tài năng và đức độ, trọn đời tận trung với nước với dân; mấy chục năm đứng đầu trấn Nghệ An, chỗ phên dậu của triều đình, chốn biên ải phía nam, nơi đầu sóng ngọn gió của nước Đại Việt. Ngài đã đoàn kết, tổ chức, động viên quân dân cả vùng làm tròn sứ mệnh vẻ vang triều đình giao, bảo vệ vững chắc một vùng đất rộng lớn suốt từ nam Thanh Hoá đến tận Đèo Ngang. Tướng quân Hà Mại luôn được quân sĩ và người dân địa phương ngưỡng mộ, kính trọng. Những năm cuối thế kỉ XIV, triều Trần bước vào giai đoạn suy yếu, nhà Hồ đang dần hướng tới giành ngôi, tướng quân Hà Mại lúc này đã gần 70 tuổi, với lòng trung quân, không thờ 2 vua, Ngài xin về hưu và chuyển cả gia đình từ lị sở về ở ẩn tại chân núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Phỉ Lộc (năm 1469 đổi là huyện Thiên Lộc), nay thuộc xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chính nơi đây đã trở thành căn cứ địa của tướng quân Hà Mại và con trai là Đại tướng Hà Dư (Hà Tông Chính) cùng nhà hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407-1413). Lịch sử ghi nhận rằng, cuối cùng toàn bộ vua tôi nhà Trần đều tử tiết oanh liệt chứ qưyết không đầu hàng giặc Minh.
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần (1410) Ngài lâm bệnh rồi mất hưởng thọ 77 tuổi. Với những công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước thời nhà Trần, Ngài đã được vua Trần phong tặng “Đoan túc dực bảo trung hưng thần”. Đến triều Nguyễn năm Duy Tân thứ III Ngài lại được phong tặng “Đồng Giang linh ứng dực bảo trung hưng thần”. Ngài là đức thuỷ tổ họ Hà (Hà Tĩnh). Tại đền thờ Ngài ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, trong văn tế ngài viết “Tiền trần Phụ quốc, Vi Thượng Vị hầu, Thượng tướng quân kiêm Bắc sứ, trấn thủ xứ Nghệ An”...
*
*           *
Ngày 24-9-2009 chúng tôi lại có mặt tại điện thờ Đức Hoàng ở nhà nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh. Đức Hoàng cho chúng tôi gặp cụ Thuỷ tổ Hà Mại. Lần này về cụ có vẻ bình tĩnh hơn lần trước. Anh Tân đã mua cho cụ chiếc điếu cày và một túi thuốc lào. Cụ “bắn” liên tiếp dăm điếu, người ngả ra với làn khói thật sảng khoái. Cụ hút thuốc lào kinh thật, chỉ một lúc đã vài chục điếu. Người trần không ai có thể hút được như thế. Cụ hỏi: “Thế chúng bay đã có kế hoạch gì chưa? Cách tổ chức thế nào? Đưa hài cốt về thì để vào đâu?”. Cụ chỉ vào Hà Huy Dũng. Dũng thưa: “Dạ, con xin cụ, nêú tìm được hài cốt của ông Tập thì đưa về bên cha mẹ ông Tập, chúng con đã xây rồi ạ”. Cụ nói: “Việc của thằng Tập là TBT Đảng, để cụ phái người về đó xem thế nào, cụ nói cho”. Chú Tân bảo: “Thế bao giờ cụ nói cho chúng con biết ạ”. Cụ bảo: “Không lâu đâu”. Rồi cụ bảo chú Tân rót cho cụ chén rượu để cụ uống trong lúc chờ đợi. Cụ nhâm nhi một lát, bỗng vỗ hai tay vào nhau rồi nói: “Lính của cụ bảo chúng bay để mộ ở một quả đồi xung quanh có cái mương. Được! Khu đó thì được. Nhưng nằm cạnh bố mẹ nó là không được, mà phải nằm bên trên đỉnh đồi, đi qua cái chỗ lấy đất sâu sâu đó”. Hà Huy Dũng vội nói: “Thưa cụ! Ông bà thân sinh ra ông Tập nằm ở dưới mà chuyển ông Tập lên đó thì có ảnh hưởng gì không ạ?” Cụ bảo: “Thằng Tập đường đường là một TBT thì phải đặt vào vị trí thích hợp để còn có lợi cho dân, cho nước chứ. Mộ của cha mẹ nó để không được hướng, mà bọn bay còn xây mộ cha chúng bay ở đó. Nhưng sau này phải xây cái cầu qua mương để dân đến thắp hương phải đi vào bố mẹ nó trước rồi mới đến nó. Chúng bay cứ yên trí, cụ nhìn thấy rồi. Đúng là “Địa linh nhân kiệt”. Phía đông nam là trục đường thiên lý. Phía tây là dãy Hoành Sơn. Phía nam là núi Rác và dãy đồi. Phía đông là Cửa Nhượng. Cửa Nhượng là nơi hợp lưu của sông Họ và sông Rác chảy ra, còn phía bắc giáp với Thạch Hà. Được! đúng thật là địa linh rồi”.
Cụ chỉ vào chú Tân: “Mày phải tổ chức ngay một chuyến đi Hà Tĩnh để cụ về chỉ vị trí mộ và cây cầu”. Quay sang chị Hà, cụ bảo: “Cả cô cũng phải đi nhé, và bảo cả “sếp” lớn đi tôi mới nói chuyện, chứ bằng không là không được đâu”. Xong cụ chỉ vào tôi: “Còn mày về tổ chức với các anh lãnh đạo tỉnh, huyện để tiếp đoàn nhé. Công việc cụ bảo cứ thế mà làm”.
Thật đúng là tác phong của một vị tướng. Rành mạch và dứt khoát. Tôi bàn với anh Sỹ và chú Tân cố gắng tổ chức cuộc họp tại Hà Tĩnh vào ngày 7 tháng 10 năm 2009, tức là ngày 19-8 âm lịch.
Trước ngày đó chú Tân và chị Hà có gặp nhà ngoại cảm Ánh xin Đức Hoàng Mười cho gặp cụ Hà Mại để báo cáo. Cụ dặn sắm cho cụ một trăm nén nhang và ngày hôm đó chỉ được 15 người đi theo với điều kiện phải có giám đốc Đào Vọng Đức và anh Hà Văn Sỹ thì cụ mới làm việc. Cụ vẽ cho chú Tân và chị Hà một cái sơ đồ về khu đất để lăng mộ bác Hà Huy Tập. Cụ dặn chúng tôi chỉ được dẫn nhà ngoại cảm qua cái đập nước và chỉ được năm người đi theo sát nhà ngoại cảm. Lúc đó cụ ở núi Phượng Hoàng sẽ xuống dẫn đường đến khu đất. Làm xong ở đó thì về nhà thờ tổ họ thắp hương rồi ra khu tưởng niệm làm việc chứ cụ không làm việc ở nhà thờ tổ họ, vì hôm đó có một việc rất quan trọng”.
16h30 ngày mùng 7 tháng 10 năm 2009 xe chúng tôi khởi hành từ khách sạn Bình Minh (tp Hà Tĩnh) về Cẩm Xuyên. Theo lời cụ dặn, chúng tôi đi đúng 15 người và đến đập nước thì dừng lại. Có 5 người được theo sát nhà ngoại cảm Ánh là tôi, anh Sỹ, chú Tân, chị Hà và anh Đào Vọng Đức. Còn lại 10 người là anh Danh phó Ban tổ chức Tỉnh uỷ, anh Tuần Chủ tịch huyện, anh Huyên Bí thư Huyện uỷ Cẩm Xuyên, anh Sơn, anh Mai là phó Chủ tịch huyện, anh Thắng, anh Minh, anh Sửu, anh Khang, cháu Hạnh,... đi cách khoảng 20m. Đoàn chúng tôi đi qua đập nước thì dừng lại. Bất chợt nhà ngoại cảm Ánh nói: “Mọi người cứ đi thẳng theo tôi. Tôi vừa nhìn thấy một ông cụ đứng ở đầu dốc gọi Tân ơi, Sỹ ơi mau lên cụ đợi”. Chúng tôi cứ thế đi theo nhà ngoại cảm tới ngã ba đầu dốc. Khi dừng lại nhà ngoại cảm Ánh bảo chúng tôi: “Không nhìn thấy cụ đi đường nào nữa”. Cả đoàn đang băn khoăn thì chú Tân nói: “Thôi, ta cứ thẳng đường mà đi. Chắc cụ đi đường thẳng rồi”. Cứ thế chú Tân bước lên đầu dốc, còn chúng tôi vẫn đứng im theo nhà ngoại cảm. Một lát sau nhà ngoại cảm Ánh bảo: “Cụ kia rồi. Cụ bảo cứ kệ thằng Tân nó đi đường ấy, còn cụ dẫn đi đường này”. Và nhà ngoại cảm Ánh rẽ vào con đường ngã ba. Chú Tân thấy thế vội chạy quay lại theo đoàn. Đến gần cuối đường nghĩa trang Đồng Lem thì cụ tổ Hà Mại nhập vào nhà ngoại cảm Ánh. Cụ dơ tay lên nói: “Bà con ơi! Tôi mang điện về cho bà con đây”. Nói xong, một tay cụ chống vào mông, một tay chống vào đầu gối đi như gió, cả đoàn không ai theo kịp. Lúc đó nhà ngoại cảm Ánh đi dép lê, đường thì toàn sỏi mắt cua (sỏi không có góc cạnh rõ ràng) thật khó bước. Đến chân đồi cụ dừng lại chờ đoàn đi tới. Cụ nói với anh Sỹ: “Mày đốt bó nhang một trăm nén cho cụ”. Anh Sỹ đốt bó nhang bén lửa thì cụ đã đi một đoạn khá xa. Anh Sỹ cầm bó nhang chạy như bay theo kịp cụ lên đỉnh đồi. Mọi người còn đang thở hổn hển, thấy cụ dậm chân ba nhát rồi nói: “Bọn bay xây mộ chỗ này”. Cụ cầm bó nhang từ tay anh Sỹ dơ lên, nói rất to: “Thằng Sửu trưởng tộc đâu, lên cụ bảo. Này, đóng cho cụ cái cọc, mà nhớ hướng núi kia nhé, cụ bảo cứ thế mà làm (tay cụ chỉ vào hướng khe núi...). Anh Tuần, anh Huyên đâu, cả anh Sơn nữa, các anh là người của huyện, dòng họ tôi rất cảm ơn các anh”. Lúc đó mấy người thi nhau chụp ảnh. Sau khi dắt anh Sỹ đi xuống mộ cha mẹ bác Tập, cụ nói với anh Sỹ: “Cái anh cán bộ Tuần ấy, ngày xưa cấp đất nơi này cho cha mẹ thằng Tập, bây giờ lại đưa thằng Tập về đây, mày thấy có kì diệu không?”
Lúc bấy giờ trời đã nhá nhem tối, đồi thì nhiều muỗi, gốc cây lô nhô, cả đoàn không ai dám đi mà chỉ có tôi lần theo tới bờ mương. Tôi thấy cụ bảo anh Sỹ: “Mày có dám nhảy không?”. Anh Sỹ bảo: “để con dắt cụ ạ”. Cụ nói: “Mày bỏ tay ra, cụ nhảy trước rồi mày nhảy theo”. Nói chưa dứt đoạn thì cụ phắt sang bờ kia, anh Sỹ cũng nhảy theo cụ. Còn tôi phải tụt xuống mương rồi trèo lên. Cụ chỉ chỗ xây cầu cho anh em tôi, xong cụ chào mọi người, cụ đi.
Đoàn chúng tôi lên xe về nhà thờ thắp hương rồi đi ra khu tưởng niệm. Thắp hương khu tưởng niệm xong, vào làm việc. Tôi nói thêm, chuyến đi đó chú Tân gặt hái được nhiều nhất, vì sau đó cậu bé hỏi chú Tân ảnh chụp có đẹp không? Chú Tân bảo cũng chưa xem. Cậu nói chú xem lại ngay đi, khắc biết điều kì diệu. Hôm sau chú Tân khoe ngay bức ảnh khi nhà ngoại cảm Ánh cầm bó hương trăm nén (thực ra lúc đó là cụ Hà Mại cầm bó hương chỉ vào khe núi). Bức ảnh kì lạ đến không tưởng. Hình ngọn lửa hoá thành hình một người phụ nữ rực đỏ đang chắp tay nguyện cầu điều gì đó. Ai trông cũng phát sợ. Anh Tân liền in ra, phóng to và đi đăng kí bản quyền bức ảnh “hiển linh”. Lúc đầu mọi người cứ đoán gìa đoán non,... sau mới được người âm cho biết, đó là Thánh tổ hiển linh. Bà là Hà Thị Thanh Vân đang cầu Bồ Tát cho sự bình yên và cho ông Tập về đúng nơi cần về.
Quay trở lại buổi làm việc tại khu tưởng niệm. Trước khi lên phòng khách nhà ngoại cảm Ánh nói: “Tôi nghe các cụ nói là dòng họ Hà và ban ngành tỉnh Hà Tĩnh rất vinh dự đón 3 hoặc có thể là 4 đồng chí hoạt động cùng thời với cụ Hà Huy Tập về đây, trong đó các cụ hầu như là... tôi không biết đọc và tôi chỉ viết theo những gì tôi nhìn thấy cái tên của các cụ. Tôi mượn cái bút viết lại”. Nhà ngoại cảm Ánh viết vào mảnh giấy anh Sỹ đưa, 3 cái tên:
- XINHITRƠKIN
- LITVINOP
- SVAN
Còn một cụ nữa sẽ không tiết lộ và không cho biết tên
Tại hội trường làm việc có nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện và các ban ngành. Bà con đến rất đông. Anh Hà Văn Sỹ thay mặt đoàn công tác nói lời mở đâu và giới thiệu đại biểu có măt... Nhà ngoại cảm Ánh lẩm nhẩm xin thỉnh Đức Hoàng Mười về dương. Đây là một đoạn ghi âm tại phòng khách
Đức Hoàng Mười: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dòng họ Hà có tổ chức mời Hoàng về để tìm mộ của vong linh như dòng họ và ban ngành nói là cố TBT. Hoàng nói thế này: Cái thứ nhất Hoàng chỉ yêu cầu dòng họ, tất cả những người có mặt đến đây là thành tâm. Vì tâm linh các gia chủ không nhìn thấy thì cần phải thử, thử thì người âm không cho phép, càng không cho phép thì việc đó càng vướng vào vòng luẩn quẩn, mà càng luẩn quẩn thì càng khó tìm.
Thật lòng Hoàng nói là: “Rất vinh dự cho các cấp lãnh đạo, ban ngành ở tỉnh này, huyện, xã, thôn và dòng họ, vì tí nữa sẽ được gặp một người mà hầu như tất cả mọi người nằm mơ cũng không thấy được. Vừa qua Hoàng có nhìn xa trông rộng, Hoàng nhìn thấy hầu hết như các mục tiêu mà các gia chủ nhìn ngắm theo cái hướng của phần mộ hồn chỉ, nhưng hầu như nhìn lệch, không nhìn thẳng theo hướng của hồn. Như sơ đồ vẽ thì ngược về bên tay phải có một quả đồi cao, đi xuống có một khe nhưng qua cái này đến đây thì mới đúng cái hỏm của hồn chỉ. Mọi người chỉ nhìn về cái hỏm có cây cột điện này, chứ không ai để ý đến cái khe này đâu (Chú Tân đưa hình ảnh trong máy cho Hoàng chỉ).
Hoàng nói rồi, Hoàng nói từ đầu qua một cái đường như bằng rồi đến hỏm này, không phải hỏm thứ hai. Hỏm thứ nhất nhìn từ cái mộ đi ra từ bên tay phải. Ngày mai ra thực địa phải nhớ.
Sau này tôi sẽ hướng dẫn một việc nữa để bố trí về phần mộ, nhưng cái này tôi không tiện nói giữa đám đông. Có thể một hai người trong ban lãnh đạo và dòng họ biết sau. Bây giờ để cậu bé họ Hà về giới thiệu.”
Cậu bé: “Cháu chào các cô, các chú, chào các bác, chào bà con, đông quá (cười). Nhưng mà ngồi gọn một tý cho các cụ vào, vong vào không có chỗ ngồi. Hôm nay cháu sẽ nói qua một số công việc cho các cô, các chú cùng dòng họ biết.
Việc thứ nhất, cháu mời các cụ tổ của họ vào trong này. Cháu mời người trần đứng tránh cửa để các cụ vào. Cháu báo cáo với ông bà, với các cô, các chú là hôm nay trong dòng họ nhà cháu về có cụ Hà Mại, cụ Hà Nho, cụ Hà Tông Mục, cụ Hà Công Trình, cụ Hà Dư, cụ Hà Văn Dư, Hà Văn Nho, cụ Hà Đức, Hà Oanh, cụ Hà Huy Phúc, Hà Huy Phẩm, Hà Huy Nhiếp, Hà Huy Đán, Hà Huy Sào (cụ ở trên nhưng vào sau nên cháu đọc sau). Cụ Hà Huy Đờn (Đờn Lự ấy), Hà Huy Nhân, Hà Huy Sỹ, Hà Ngao, bà Hà Thị Chuột, Hà Thị Gái, Hà Thị Huê, ông Hà Huy Luyện, Hà Quang Huy, Hà Văn Đồng, Hà Văn Thuận, Hà Huy Long, Hà Huy Thuỳnh, Hà Huy Tố, Hà Hồng và rất nhiều vong nữa còn ngồi ngoài sân không có chỗ để vào. Cụ Hà Quang Tốt, cụ Hà Xuân Trường tổng cộng có mười cô, mười cậu trong họ Hà.
Trong ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thì có những đồng chí mà lúc nãy thanh đồng Ánh đã thuyết minh rồi ạ. Có một người nữa hôm nay về dự với ban ngành của tỉnh, của huyện và dòng họ ta. Chúng ta xin chào đón bằng tràng pháo tay (mọi người vỗ tay phấn khởi).
Chứ mà, cụ... các ban ngành lãnh đạo của tỉnh, của huyện, của xã của Trung ương cho đến Trung tâm, cho đến dòng họ sẽ làm sao để với tấm lòng tìm được cố TBT, đó là một niềm vinh dự cho tỉnh cho quê hương, cho dòng họ. Vâng, cháu xin hết (mọi người vỗ tay).
Chú Tân đứng dậy xin giới thiệu cháu với mọi người, đây là...
Cậu bé ngắt lời: “Không giới thiệu. Cháu làm việc âm, cháu không làm việc trần nên không giới thiệu, chú giới thiệu thì cháu không cần biết...
Trong lúc chờ ban lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa có ý kiến thì cháu có ý kiến nói vui một tý. Bác Khang đừng quay cháu lên ti vi nhé...
Hôm nay thiếu chú Cự không về à? Chú Cự chê dòng họ à? Thôi cháu chào ông bà, các cô, các chú. Cháu về chỉ giới thiệu thế thôi. Bây giờ thì đến một người lãnh tụ sẽ về nói chuyện với các cô các chú và dòng họ ta.
Một người không giới thiệu tên, giơ tay nói: “Bác chào các cô, các chú (Bác hút thuốc lá).
Tìm mộ các chiến sĩ Cách mạng là đạo lí uống nước nhớ nguồn của đồng bào ta. Về phía tâm linh thì Bác thay mặt cho Đảng ủng hộ các cô các chú để hoàn thành được tâm nguyện. Tâm nguyện đó là gì? Tâm nguyện là đưa đồng chí Hà Huy Tập về với quê hương về nơi đã sinh ra. Thế thì Bác nói với các cô các chú: Đồng chí Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Năm 17 tuổi đồng chí đã có lòng yêu nước... Cho đến năm 19 tuổi thì đồng chí đã gia nhập Hội phục Việt... đến 25 tuổi thì đồng chí đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô, nay là Đảng cộng sản Nga. Năm 1936, lúc bấy giờ đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập Ban chấp hành Trung ương để họp và bổ sung nghị quyết VII của Quốc tế Cộng sản. Sau đó Ban chấp hành Trung ương quyết định để cho đồng chí Lê Hồng Phong ở lại Thượng Hải. Và đồng chí Hà Huy Tập về hoạt động trong nước, làm việc với một số ban ngành khác. Cuộc đời hoạt động của đồng chí cho dân tộc ta đến năm 1938, lúc đó đã có địch ở bên cạnh rồi. Bác và đồng chí Hà Huy Tập khi sống chưa hề được gặp nhau một lần. Cho đến 28-8-1941 thì đồng chí Hà Huy Tập và một số đồng chí khác đã bị thực dân Pháp xử bắn ở tại trường bắn Hóc Môn, các cô các chú đã biết rồi. Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh lúc đó mới 35 tuổi thôi, và đồng chí đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho dân tộc, cho đồng bào. Ngày hôm nay, Bác về, Bác nói với các cô, các chú để làm tất cả bằng tấm lòng của mình đối với Đảng với dân tộc, đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của ta và các bậc tiền bối. Bác về Bác ủng hộ các cô, chú. Bác về chỉ có mấy lời nhắc nhở các cô, các chú. Bác chúc các cô, các chú và đồng bào cả nước mạnh giỏi để đưa đất nước ngày một đi lên. Thôi, Bác đi...”
Người vừa phát biểu đi rồi cụ Hà Mại nhập về. Cụ hỏi: “Thằng Sửu, thằng Khang đâu nhỉ? Mượn cho cha mày một cái ghế ra kia, cha mày già rồi. (Cụ quay sang bảo anh Huyên) lãnh tụ đi hết rồi thì dân ta ngồi với nhau. Lãnh tụ về, đi hết rồi. Người vừa phát biểu xong cũng đi rồi.
Trong này có người thắc mắc làm sao ngày xưa có lúc Đảng không công nhận lãnh tụ mình. Thế thì hôm nay có người về phát biểu thì hoà đồng thế, bay có hiểu không? Phát biểu tao nghe”.
Chú Tân phát biểu...
Cụ Mại: “Ngày xưa Quốc tế Cộng sản dạy phải giải phóng giai cấp vô sản. Đến khi Hồ Chủ tịch về nước thì không chỉ giải phóng giai cấp vô sản mà giải phóng dân tộc trước, nhưng mà sau này lại hiểu nhau.
Hôm nay, cái công việc của họ, con cháu về đông lắm, cụ mừng rồi. Nhìn thấy ban ngành lãnh đạo quan tâm đến dòng họ thì cụ mừng rồi. Cụ mong anh Danh, anh Sơn, anh Minh, anh Thắng về nói với anh Bình, anh Cự và các anh khác nữa, làm việc này không phải chỉ cho dòng họ đâu, mà còn là cho cả tỉnh, cả dân- cái việc tìm mộ ấy. Tôi phê bình cái việc tưởng niệm đây này. Bây giờ Đảng giao cho dân, cho người có trách nhiệm rồi tuần tiết phải hương khói cho tử tế, chứ không phải cứ đợi khi nào có ban ngành đến thì mới mở cửa. Phải mở cửa liên tục. Người âm họ về không phải báo cáo như người trần đâu. Dân mà không đến thì người âm đến. Trần cũng thế, âm cũng thế, không phải lúc nào cũng hương khói, nhưng cũng đừng để lâu quá nó lạnh, nó tàn. Tôi lo cái này chỉ được cho Đảng, cho quê hương, xong rồi mới đến dòng họ, chứ không phải đặt vấn đề dòng họ lên đầu đâu.
Về phần mộ, hôm nay tôi hỏi có con thằng Quế không? Hôm nào vào Sài Gòn bắt buộc phải có thằng Hoàng con thằng Quế đấy, nhớ nhá, không thì thằng Quế nó giận đấy. Lẽ ra ở trên trần nó phải đứng ra nó lo chứ không phải thằng Thừa, thằng thiếu đâu. Bây giờ âm dương cách biệt, trên trần còn thằng Hoàng con nó đấy. Hôm nào đi đón cụ thì nhất thiết phải có nó. Đón là đón TBT nhà mình chứ không phải đón cụ này đâu. Nhất nhất là phải có nó, không có nó là không được.”
Cụ chỉ vào anh Đào Vọng Đức: “Cố mời nhiệt tình lắm mới được Giám đốc đi vào dự với dòng họ, với huyện, với tỉnh đấy. Thế bây giờ có tý cay cay không các anh nhỉ, để cụ chúc Giám đốc. Xong cụ chỉ vào anh Khang nói: Nó mặc áo đen là con nhà Nhân Triển, cháu đích tôn của ông Nhiếp đấy. Nó không biết hay sao mà cụ về nó chẳng hỏi cụ (cụ rót rượu chúc các anh lãnh đạo...).
Sáng 8-10-2009 (tức 20-8 âm lịch) theo lời dạy của cụ Hà Mại, tôi, anh Tuần, anh Huyên, cô Thảo, chị Hà lên khu đồi để cụ dặn dò thêm một số công việc. Sau đó cậu bé Hoàng về dẫn chúng tôi đi quanh quả đồi rộng chừng 3ha. Ngày thường nhà ngoại cảm Ánh có vẻ chậm chạp, thế mà khi cậu nhập vào, nhà ngoại cảm đi nhanh như sóc, không ai theo kịp. Nhiều lúc cậu bám cành cây nhỏ đu đưa như chú vượn, trông phát khiếp. Nếu là người thường cũng ít người làm được như thế chứ đừng nói đến nhà ngoại cảm Ánh.
Cậu bảo: “Cha và hai chú theo đường cũ mà ra. Còn hai cô đi theo cháu”. Cứ thế chị Hà và Thảo theo cậu tới chân đồi thì không còn đường ra nữa. Cậu bảo: “Qủa đồi này duy nhất chỉ có một đường chứ không có đường thứ hai. Bây giờ phải theo cháu mới ra được.” Về sau cô Thảo xác nhận đúng như vậy. Bao bọc xung quanh quả đồi là một cái mương nước khá rộng. Đến khi nhìn thấy một cái cây nhỏ, đổ nằm vắt qua hai bờ mương, cậu nói: “Có cầu kia rồi, mọi người có đi không?”. Thế là cậu nhún nhảy trên cái cây bé tẹo, đám chúng tôi ở bên này mương cũng phải nín thở. Tôi cũng đã từng đọc chuyện kiếm hiệp, chỉ có những cao nhân dùng khinh công hay phép thuật trong chuyện mới đi dễ dàng như thế. Người trần đâu có làm được vậy. Chúng tôi loay hoay mãi mới đưa được chị Hà và cô Thảo sang bờ.
Trở về khu tưởng niệm cố TBT Hà Huy Tập, tôi thấy anh Nguyễn Xuân Lam, anh Sỹ, chú Tân và cháu Hạnh đang ngồi chờ sẵn ở đó. Cụ Mại nhập về, cụ chỉ vào cô Thảo nói: “Thằng Thạch nó đi công tác hay trốn không đến? Mà bay là vợ hắn nên đi thay à?”. Thảo đỏ mặt lắp bắp. Cụ bảo: “Thôi, mọi công việc tạm ổn. Bây giờ còn một việc cụ nói cho bay nghe rõ. Hôm nay có một cụ gửi lời tao đến nói lại cho bọn bay biết, chứ việc này không liên quan gì đến tìm mộ đâu. Cụ này là Nguyễn Biên đấy”. Cả đoàn chúng tôi hỏi nhau, không ai biết gì về cụ Nguyễn Biên. Cụ Mại chỉ vào anh Nguyễn Xuâm Lam hỏi: “Thế mày là con cháu họ Nguyễn mà không biết tổ tiên nhà mình à?... Năm 1407 có cuộc khởi nghĩa của tướng Nguyễn Biên. Ông vốn là người huyện Can Lộc và khai hoang dưới chân núi Choác ở làng Khả Luật. Dựa vào địa hình hiểm trở, ông đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Minh, rồi từ động Choác ông tiến ra giải phóng Kì La và Hà Hoa thuộc Châu Nam Tĩnh. Sau đó dời tới thôn Cát Tiên đánh lui nhiều cuộc tấn công của quân Minh rồi làm chủ từ Cẩm Xuyên đến Đèo Ngang. Khi nghĩa quân Lam Sơn vào Hà Tĩnh thì ông đem quân theo Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Bọn bay phải tìm lên đó mà thắp hương”. Mọi người đều nói không biết đường và xin cụ chỉ dẫn. Cụ bảo: “Cứ ra ngã ba rẽ trái mà đi, khắc có người dẫn đường”. Quay sang anh Lam, cụ hỏi: Mày có biết làng Cát Tiên ở đâu không?”. Anh Lam thưa: “cháu không biết ạ”. Cụ lắc đầu cười và nói: Các con phải đi Thiên Cầm, ở đó có liên quan đến một vị vua. Đó là Hồ Quý Ly. Các con cứ đi đi rồi sẽ thấy nhiều điều bất ngờ. Thôi, cụ đi kẻo muộn”.
Hôm đó, theo sự chỉ dẫn của cụ Hà Mại, đoàn chúng tôi tiếp tục đi tìm động Choác. Khi tới ngã ba như cụ chỉ dẫn, tự dưng có một người thanh niên xuất hiện. Chúng tôi hỏi thăm động Choác, người thanh niên này dẫn chúng tôi đến nơi mà người dân ở đó gọi là thờ tướng Nguyễn Biên. Cả đoàn vào dâng hương xong, định ra về thì thâý một người đàn ông trạc 50 tuổi mặc áo màu xanh bộ đội đi tới. Chú Tân liền chào hỏi... Người đàn ông đó nói nơi này thờ tướng Nguyễn Biên. Anh ta chỉ nghe kể lại ngày xưa ông đi đánh trận bị thương đưa về đây. Chính chỗ này có giọt máu của ông rơi xuống nên nhân dân lập nên miếu thờ. Còn trước mặt kia là nơi ông Tướng luyện binh. Cạnh đấy có một cái giếng nước trong, không bao giờ cạn. Còn phần mộ của ông thì không thấy ở đây. Chỉ biết nhân dân gọi ông là Thượng tướng quân Nguyễn Biên. Ngay lúc đó, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh bảo: “Tôi vừa nghe thấy ai đó nói anh đọc chưa đủ mà phải gọi là Bình Ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên”. Người đàn ông đó bảo: “Tôi chỉ nghe nói vậy thôi”.
Rời Động Choác, đoàn chúng tôi tiếp tục đi Thiên Cầm, xuống tới nơi gần 3h chiều. Trong đoàn gồm anh Sỹ, anh Lam, chú Tân, chị Hà, cô Thảo và nhà ngoại cảm Ánh. Mọi người đều xách dép trèo qua những tảng đá lớn ở phía bờ biển tới cửa hang Vũ Khí. Đường trèo lên đá dựng đứng mà không hiểu sao lúc ấy chúng tôi vẫn trèo được. Nghĩ lại bây giờ còn thấy sợ. Chúng tôi đến một số địa điểm ở nơi đó. Lúc nhà ngoại cảm Ánh đang ngồi nghỉ, bỗng nghe thấy có tiếng gọi “vào đây”. Nhà ngoại cảm Ánh đứng dậy đi vào sau lùm cây thì cậu bé nhập về. Cậu gọi tôi vào. Lập tức tôi đi theo nhà ngoại cảm Ánh và tiếp sau tôi là chị Hà. Giữa một khoảng đất trống, tự dưng xuất hiện một thanh niên ra chặn đầu chúng tôi. Phía trái lại có một người lảo đảo như say rượu ôm lấy tảng đá. Rõ ràng là hai thanh niên chứ không phải tôi bị hoa mắt. Tôi hỏi: “Mọi người đi đâu vậy?”. Hai thanh niên đồng thanh trả lời: “Theo các bác đi tìm cha con Hồ Quý Ly”. Tự dưng tôi thấy gai người. Có gì đó rất lạnh nơi hoang vắng. Tôi liền nói: “Ở đằng kia có cái hang, các anh lại đấy mà xem”. Hai người đều nói say lắm rồi, không đi nổi nữa. Chưa dứt lời thì cậu bé đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt cậu long lên vẻ hốt hoảng, ra hiệu cho tôi đi ngay. Tôi và chị Hà vội quay theo cậu bé. Được ba bước, cậu nói nhỏ: “Quân của nhà vua Hồ Quý Ly đấy”. Tôi bảo làm gì có chuyện đó. Hai người thật đấy chứ. Cậu nói: “Cha quay lại nhìn xem có thấy họ không?”. Tôi quay lại thì không thấy hai thanh niên đâu nữa, chỉ còn tiếng gió vi vu như tiếng đàn trời. Việc đó đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Tôi chẳng hiểu tại sao lại vậy.
Sau này tại điện thờ Đức hoàng ở nhà ngoại cảm Ánh, tôi hỏi lại, cậu bé bảo: “Đó là hai thị vệ của Hồ Quý Ly đấy. Cha con Hồ Quý Ly đứng ở mỏm đá phía trên. Xung quanh còn 8 thị vệ nữa. Nếu hôm đó mà cha dấn thêm mấy bước là họ tấn công liền. Lúc đó con cũng hoảng, chỉ sợ cho cha và cô Ánh thôi”. Sau này, tôi hỏi anh Lam, anh Lam bảo đã hỏi lại các cụ trong làng, ngày xa xưa đó là làng Cát Tiên mà anh không biết. Tôi có hỏi lại cụ Hà Mại về tướng Nguyễn Biên, cụ chỉ cười và bảo: “Mày lo cho họ Hà chưa xong còn lo họ Nguyễn làm gì”. Xong, cụ kể: “Khi Lê Hoàn chiếm thành giải phóng từ núi Nam Giới đến Đèo Ngang, lập ra Châu Thạch Hà. Nhà Lí lập Định Khiêm, Nhà Trần đổi thành châu Nhật Nam. Đến năm 1469, Lê Thánh Tông lập lại bản đồ cả nước lập châu huyện vào Thừa Tuyên. Vùng Cẩm Xuyên bấy giờ thuộc Kì Hoa, phủ Hà Hoa, Thừa Tuyên Nghệ An. Năm Minh Mạng thứ 12 cắt hai phủ Đức Quang và Hà Hoa của Nghệ An lập ra tỉnh mới là Hà Tĩnh. Như vậy tỉnh Hà Tĩnh được lập năm 1831. Ngày xưa, trên 4000 năm, cái thủa Vua Hùng dựng nước ấy, Cẩm Xuyên thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của Văn Lang. Đời vua Hùng thứ 13 đi tuần qua đây, đến một ngọn núi sát biển, nghe gió thổi vi vu như tiếng đàn nên đặt ngọn núi đó là Thiên Cầm”.
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444755

Hôm nay

294

Hôm qua

2270

Tuần này

2364

Tháng này

219929

Tháng qua

112676

Tất cả

114444755