Văn hoá học đường

Số phận nào cho môn sử?

Lời tòa soạn: Vừa rồi, khi Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trương tích hợp nội dung môn lịch sử vào môn học “Công dân với Tổ Quốc” đã làm dấy lên một làn sóng dư luận xã hội sâu rộng phản đổi chủ trương này. Ngày 15 tháng năm 2015, Hội Khoa học lịch sử đã tổ chức hội thảo về vấn đề này với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ GDĐT và câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Thất vọng với quan điểm của Bộ GDĐT, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS đã tuyên bố sẽ tranh đấu đến cùng để bảo vệ sự chính danh và tồn tại của môn lịch sử trong chương trình giáo dục.

VHNA đã có các cuộc trao đổi ngắn với các nhà sử học, các giáo viên lịch sử về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và sẽ tiếp tục tiếp nhận và công bố các ý kiến trao đổi về vấn đề này.  

Nguyễn Hồng Hưng(Nhà điêu khắc): Tích hợp môn học có từ lúc nào?

Những người viết văn không thể thoát khỏi liên tưởng địa lý và lịch sử, kể cả lịch sử của văn chương viễn tưởng. Âm nhạc, thơ ca cũng thể hiện điều đó trong sáng tác giao hưởng và trường ca.
Địa lý và lịch sử, những từ ngữ có vẻ lớn lao, thực ra hai yếu tố đó thường hằng trong mọi câu nói, mọi trao đổi. Bởi khi trao đổi bằng ngôn ngữ hay chữ viết, những vấn để AI?- SỰ KIỆN GÌ? - Ở ĐÂU? - KHI NÀO? đã hiển nhiên " tích hợp" yếu tố lịch sử, địa lý.

Trong việc dạy văn và rèn luyện môn văn có ba điều quan trong cần học sâu kỹ là địa lý và lich sử & tu từ. Người viết văn giàu kiến thức sử địa dễ dàng viết hấp dẫn, thuyết phục vì cảnh quan con người sự kiện đã được chắt lọc qua kiến thức "Sử Địa" . Không phải tự nhiên mà ngay từ ngày đầu xuất hiện khái niệm giáo dục, ba môn VĂN - SỬ - ĐIA được ghép chung thành một ban xã hội. Riêng môn lịch sử còn ra đời trước khi có chữ viết dưới dạng sử thi hay trường ca truyền miệng. Ví dụ sử thi Iliad và Odyssey, hay như truyên Tam Quốc đã từng tồn tai như những truyện kể ở các nơi tập trung đông dân cư thời nhà Đường (TK VII- X). Mãi tới cuối đời Nguyên đầu đời Minh(TK XIV) mới được tác giả La Quan Trung tập hợp và viết thành tiểu thuyết. 


Hai chữ “Tích hợp” gây ảo giác cảm nhận như một sáng kiến, mặc dù nó là đương nhiên và rất cũ.
Lịch sử vốn rộng lớn vì là ký ức thời gian đã qua được lưu giữ như kho tàng tri thức của tất cả mọi ngành nghề. Thế nên trong mọi chuyên môn đều có lịch sử riêng của môn đó, như thường thấy: Lịch sử âm nhạc, lịch sử nghề luyện kim, lịch sử tuồng chèo, lịch sư Đảng, lịch sử câu lạc bộ thể thao...lich sử kiến trúc, triết học, tư tưởng, chiến tranh, tôn giáo.v.v...Vậy là đương nhiên yếu tố lịch sử (văn bản ký ức) đã tích hợp toàn diện trong đời sống. Nhưng không vì thế mà các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới vin vào điều đó để biên môn học lịch sử thành môn phụ hoặc bỏ đi tính độc lập của môn học lich sử trong giáo dục phổ thông.
Hai từ tích hợp gây ảo giác mới về sự tích hợp của lịch sử vốn dĩ vẫn là đương nhiên. Có hoạt động nào của con người thoát ra ngòai thời gian đươc đâu.

Thực tế hiện nay lịch sử Tây Tạng đã tích hợp vào lịch sử China, người Tây Tạng không còn được học độc lập lịch sử của dân tộc họ nữa, bởi nhà nước Tây Tạng đã bị xóa trắng . Đương nhiên lịch sử Tây Tạng còn đó không thể mất đi nhưng chỉ với các nhà nghiên cứu, hoặc với ai cần nghiên cứu. Và người Tây Tạng chỉ còn là một dân tộc ngày một giảm thiểu dân số. Quốc gia Tây Tạng đã bị xóa bởi người Hán đương đại. Rất khó có thể phục hồi nhà nước Tây Tạng có trường học và nền giáo dục có môn lịch sử Tây Tạng không phải là môn học phụ như trước đây.


Tôi cho rằng chương trình giáo khoa về môn sử như hiện có dù rất dở, nếu bỏ đi với lập luận sẽ làm lại tốt hơn là quá phiêu lưu mạo hiểm. Mạo hiểm ở mức độ cá cược cả nền giáo dục của một quốc gia. Tôi nghĩ nếu thực hiện cải cách theo ý tưởng của bộ trưởng bộ giáo dục Luận, sẽ có thể không còn cơ hội lập lại một nền giáo dục riêng của Viet Nam. 
Tôi thấy mọi giải thich của bộ trưởng bộ giáo duc Luận về sự tích hợp là tôn trọng môn lich sử hơn, và càng tôn trong hơn khi tước bỏ tính độc lập trong chương trình giáo dục môn lich sử là một giải thích rất lạ, bất chấp mọi ý kiến và hiểu biết của các đại biểu quốc hội khác, và chấp cả chuyên môn của tất cả các giáo sư trong hội nghị Diên Hồng, với mục đích chỉ để đạt được ý nguyện của bộ trưởng là mang hoc sinh toàn quốc vào cuộc thử nghiệm mà cả thế giới chưa có quốc gia nào dám làm. Và lại còn thử nghiệm trong điều kiện chưa chuẩn bị đội ngũ giảng viên dạy tích hợp. Chưa có giáo trình dạy tích hợp để tập dượt. Chưa giáo nào biết phải dạy tích hợp ra sao. Vẫn còn đó dư chấn của sáng kiến tích hợp ở kỳ tuyển sinh niên khóa 2014-2015.

GS Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam): Phải trân trọng và  trả lại tính khách quan cho khoa học lịch sử

Lịch sử hay khoa học lịch sử và xã hội luôn diễn ra một quá trình tương tác. Lịch sử phản ánh các quá trình phát triển của xã hội, phản ảnh quá khứ của xã hội. Còn xã hội cũng tương tác lại lịch sử, nhìn nhận lại lịch sử thông qua các phong trào, các sự kiện. Khoa học lịch sử cũng phải đảm bảo tính khách quan. Khi lịch sử khách quan thì xã hội sẽ đánh giá đúng và tôn trọng giá trị của nền sử học.

Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu và trình bày của khoa học lịch sử ở nước ta còn chưa được khách quan, nên làm cho xã hội cũng vơi dần đi niềm tin vào ngành khoa học này. Và một bộ phận không nhỏ tỏ ra chán sử, gét sử vì chính sử học đã không cung cấp thông tin một cách khách quan về xã hội. Nhưng nếu vì lý do đó, hay các lý do khác, mà tích hợp hợp lịch sử vào một ngành nào khác thì là không hợp lý. Sử học là một khoa học độc lập và có sức sống mãnh liệt hơn ý kiến chủ quan của một con số người. Nếu hôm nay có tích hợp hay khai tử nó thì mai sau nó vẫn sẽ được xã hội phục sinh với các giá trị tiến bộ của nó.

Lịch sử thể hiện sự tiến bộ của xã hội, giá trị của con người và ghi nhận sự đóng góp cho xã hội của các cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Đồng thời lịch sử cũng ghi lại những hạn chế, những sai lầm trong sự phát triển của xã hội. Các nhà sử học có trách nhiệm thể hiện, tái hiện lại những giá trị đó để xã hội nhìn nhận và góp phàn vào sự tiến bộ xã hội. Nhưng khi các nhà sử học không hoàn thành trách nhiệm của mình thì chính xã hội tẩy chay những kết quả nghiên cứu, những hệ thống tri thức mà họ đưa ra. Các nhà sử học cần phải khách quan, trung thực với chính lịch sử, với nền sử học và với các sản phẩm khoa học của mình. Chỉ có công minh với lịch sử thì mới đảm bảo được công bằng xã hội và xã hội có công bằng thì những giá trị của lịch sử mới được trân trọng.

Dù ý muốn chủ quan của ai đó muốn khai tử hay hạn chế lịch sử thì cuối cùng nó vẫn sẽ tồn tại với tư cách một khoa học độc lập. Nhưng nếu chủ quan mà làm sai thì cái giá phải trả sẽ đắt và hậu thế sẽ lại đánh giá lại những vấn đề đó. Nhưng cũng phải nhìn nhận lại, để lịch sử sống mãnh liệt hơn và góp phần vào tiến bộ xã hội, các nhà sử học phải nhận trách nhiệm về mình, phải trung thực và khách quan hơn trong quá trình nhận thức. Chính các nhà sử học phải trân trọng giá trị khách quan của lịch sử để xã hội chấp nhận nền sử học đó. Và các nhà chính trị, những người lãnh đạo cũng phải trả lại tính khách quan cho khoa học lịch sử.

GS. NGND. Vũ Dương Ninh:Mấu chốt là ở chỗ quan niệm và thái độ coi thường môn Lịch sử

 Tích hợp là một trong các biện pháp giáo dục nhằm nâng cao sự hiểu biết tổng hợp về một hiện tượng, một vấn đề trong tự nhiên hay xã hội. Nhưng sự tích hợp phải dựa trên cơ sở khoa học, không phải là sự lắp ghép tùy tiện, thiếu lô gích và phản sư phạm. Muốn có sự tích hợp tốt, phải hiểu sâu nội dung từng môn học, phải nắm được bản chất từng vấn đề và hiểu rõ mối liên hệ  giữa những thành phần của nó. Đó là nguyên lý sơ đẳng, thông thường, ai cũng biết. Tiếc rằng trong dự án “tích hợp” các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh, những người khởi thảo đã không hiểu điều đó, tùy tiện gộp trong cái gọi là môn “Công dân với Tổ quốc”. Thậm chí họ còn cho rằng làm như vậy là đề cao môn Lịch sử, là tăng tiết giảng cho môn Sử. Hãy bỏ ra ngoài sự ngụy biện cãi lấy được, ta bàn vào nội dung của vấn đề.

Lịch sử là một môn học tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của con người từ cổ xưa nói chung, của từng quốc gia dân tộc nói riêng. Lịch sử Việt Nam với những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho hậu thế. Có thể chắt lọc từ đó những nội dung tinh túy nhất để đưa vào môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh. Nhưng khối lượng kiến thức đó không phải là tất cả nội dung Lịch sử, lại càng không thể thay thế cho môn Lịch sử. Lịch sử Việt Nam không chỉ là những trang sử đấu tranh giữ nước mà còn là sự lưu lại những thành tựu của nhiều thế hệ trong quá trình dựng xây đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội … Những kiến thức và kinh nghiệm chắt lọc từ quá trình xây dựng vô cùng quan trọng cho công cuộc Đổi mới hôm nay. Rất rõ ràng nội dung phong phú đó sẽ không được quan tâm đầy đủ trong môn học gọi là tích hợp. Nói thẳng ra rằng ngày nay có những chủ trương chính sách đã ban hành nhưng không thành công, một phần quan trọng chính là do không hiểu kinh nghiệm lịch sử của các bậc tiền bối. Cuộc cải cách giáo dục vòng vo trong vài thập niên qua cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó.

Nhưng mấu chốt của vấn đề là ở chỗ quan niệm và thái độ coi thường môn Lịch sử của những người chủ trương soạn thảo chương trình “tích hợp”. Đã nhiều thập kỷ nay, môn Lịch sử bị đánh giá thấp trong quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Từ chỗ thi luân phiên hàng năm giữa Sử và Địa đến chỗ chỉ coi là môn thay thế cho Ngoại ngữ, rồi chuyển sang môn tự chọn mà chắc chắn học sinh thi khối A hoặc B không bao giờ chọn. Và đến nay, nó bị biến mất chính danh của một môn khoa học trong cái tên tích hợp “Công dân với Tổ quốc”.

Với quan niệm thông thường “thi gì học nấy” thì chắc chắn môn Lịch sử ngày càng bị đẩy lùi rồi biến mất về mặt chính danh trong chương trình giáo dục phổ thông nước nhà. Nhất là khi nước láng giềng đang khai thác lịch sử, kể cả “lịch sử ngụy tạo” để truyền bá tư tưởng bá quyền, bành trướng, thì với chương trình dự kiến của Bộ Giáo dục, chúng ta sẽ từ chỗ lơi lỏng đến chỗ buông rơi vũ khí tinh thần, vốn là một thế mạnh của dân tộc ta. Đây không chỉ là sai lầm mà còn là tội lỗi đối với tiền nhân và hậu thế.

PGS.TS Chương Thâu: Tích hợp môn lịch sử là thủ tiêu môn lịch sử

Lịch sử là một ngành khoa học độc lập, có đối tượng nghiên cứu cụ thể, là một ngành khoa học có vị trí riêng biệt trong nền khoa học, giáo dục của các quốc gia, nó không thể lồng ghép vào một môn học, ngành học khác được. Nó là một phần trong tư duy của con người: tư duy về quá khứ. Trong văn hóa phương Đông thì “Văn-Sử-Triết bất phân”, sử học là môn học độc lập, có vị trí trung tâm và ảnh hưởng đến nhiều các ngành khác.

Môn lịch sử đã có một vị trí độc lập vững chắc trong kho tàng trí tuệ nhân loại, nó không cần phụ thuộc vào một môn học nào khác, mà ngược lại, vì có vị thế độc lập, sử học trở thành điểm tựa, cơ cở và ảnh hưởng đến nhiều ngành khác, môn học khác. Tích hợp môn lịch sử vào cách môn học khác là một cách thủ tiêu môn lịch sử, làm ảnh hưởng nặng nề đến truyền thống văn hóa dân tộc. Môn lịch sử cũng như các môn học khác như toán học, vật lý, hóa học hay văn học, đều có vị thế độc lập và vai trò quan trọng của nó. Và nó cần được coi trọng, được nhìn nhận đúng với vị trí của nó. Còn với các nhà sử học, làm sao để biên soạn những bộ sử khách quan, tiến gần đến chân lý, tôn trọng sự thật lịch sử để thu hút được mọi người quan tâm đến truyền thống dân tộc, để trả sự thật lịch sử về đúng với giá trị chân chính của nó. Yêu mến lịch sử là yêu mến truyền thống dân tộc, là tôn trọng chân lý. Hy vọng rằng những nhà quản lý khoa học, giáo dục nước nhà sẽ lắng nghe và đưa ra những quyết định đúng đắn để bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Bà Lê Ngọc Lan (GV bộ môn lịch sử, trường THPT Nguyễn Công Trứ, Hà Tĩnh): Việc tích hợp ở các cấp học dưới thực chất là để biến mất môn lịch sử

Trước thông tin về thay đổi chương trình lịch sử, những người giáo viên như chúng tôi hết sức buồn và lo. Buồn, lo không phải bởi sợ ảnh hưởng đến công việc của mình mà bởi với cách thay đổi này môn lịch sử rồi sẽ đi về đâu? Theo tôi, đổi mới là một đòi hỏi tất yếu, là cần thiết song cần phải suy xét đổi mới như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Không thể cứ bước ra ngoài, thấy người làm hay thì nghĩ mình cũng làm hay được. Việc Bộ giải thích không phải bỏ môn lịch sử mà là tích hợp, lồng ghép với các bộ môn chỉ như một cách ngụy biện. Thực chất, khi lịch sử là một môn độc lập, học thi bắt buộc, chất lượng dạy và học đã chẳng đến đâu thì thay đổi theo cách này liệu có hiệu quả? Cách thay đổi này bề ngoài có vẻ tăng “sự hiện diện” của môn lịch sử nhưng thực chất đã cắt bớt, “giảm hàm lượng” của nó. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, xét đến cùng, tới nay, điều khiến thế giới biết, ngưỡng mộ Việt Nam, điều khiến người dân Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào không gì khác là lịch sử dân tộc. Tôi e rằng nếu thay đổi chương trình dạy, học theo hướng này đến một lúc nào đó sẽ xóa bỏ môn lịch sử. Một lúc nào đó những thế hệ con cháu chúng ta sẽ mất đi lòng tự tôn dân tộc bởi chúng còn biết gì đâu để mà tự hào, tự tôn! Đã từ lâu, người ta phàn nàn về việc dạy và học môn lịch sử, tìm cách khắc phục nhưng những gì đã làm phản ánh chưa trăn trở thực sự để thấu hiểu căn nguyên. việc tích hợp ở các cấp học dưới thực chất là để biến mất môn lịch sử với phân phối chỉ một tiết/tuần. Chúng ta phàn nàn học sinh không hứng thú song đã suy xét về cách dạy của giáo viên hay chưa? Người giáo viên lịch sử phải biết thu hút học sinh, phải biết cách làm cho bài giảng của mình sinh động, biết vận dụng thực tiễn chứ không phải cứ bắt các em nhớ tận tường từng chi tiết một cách máy móc, nặng nề. Vậy nên thay đổi như thế nào? Tôi nghĩ, cần giữ nguyên lịch sử là môn độc lập. Trên cơ sở đó muốn lồng ghép, tích hợp hay đưa vào chương trình tự chọn, ngoại khóa thế nào nữa thì tùy.

Ông Chu Minh Thông (Nguyên giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): Việc tích hợp ở các cấp học dưới thực chất là để biến mất môn lịch sử!

Trước khi bàn về vấn đề này tôi muốn nhấn mạnh: lịch sử đã để lại cho chúng ta một bài học rằng bất luận một triều đại hay đảng phái, tổ chức chính trị nào khi ban hành chủ trương có tầm quốc gia cũng phải hợp lòng dân, không hợp sẽ bị đào thải. Hành động nào dùng uy quyền nhất thời để bẻ cong quy luật đều bị trả giá. Một công trình xây dựng sai có thể tổn thất hàng tỷ đồng nhưng một hệ tư tưởng sai thì có thể hủy hoại cả một thế hệ. Trở lại với bộ môn lịch sử, Karl Marx đã nói “Chỉ có một khoa học chân chính là khoa học lịch sử”. Điều đó cho thấy sự quan trong, vị thế của môn khoa học này. Muốn cải cách, muốn thay đổi thế nào thì định đề ấy không được thay đổi. Lắng nghe về hướng cải cách chương trình lịch sử hiện nay tôi thấy có hai điểm không hợp lí. Thứ nhất, việc tích hợp ở các cấp học dưới thực chất là để biến mất môn lịch sử. Như thế khi các em lên học ở cấp ba sẽ thiếu nền tảng, chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Cách làm này không khác gì xây nhà trên cát, thiếu nền móng không sớm thì muộn sẽ sụp đổ. Thứ hai, với đội ngũ giáo viên như hiện nay, được đào tạo chính quy chỉ để dạy môn sử, đã không tốt thì nói gì đến kiêm nhiệm nhiều môn. Chúng ta cứ đi tìm nguyên nhân, đổ lỗi cho học trò chán môn lịch sử nhưng với tư cách một người thầy dạy sử hàng chục năm tôi khẳng định 100% nguyên nhân là do giáo viên. Học trò vô tư lắm và vẫn yêu sử lắm, kết luận như thế là không đúng. Giaó viên không có cách dạy cuốn hút, không hiểu cặn kẽ để giải thích cho các em, không biết cách liên hệ, vận dụng để các em nhìn ra cái hay, cái cần thiết của môn học.

Theo tôi, muốn cải cách cần nhìn lại hai khía cạnh. Thứ nhất là cách đào tạo của các trường sư phạm. Ai là người kiểm tra đội ngũ đứng lớp của các trường đại học? Nếu không được đào tạo tốt, đào tạo đúng thì các sinh viên này ra trường lại tiếp tục làm hỏng những thế hệ sau. Thứ hai, cần đặt đúng vị trí của lịch sử trong chương trình giáo dục. Với phân bổ tiết học như hiện nay là quá ít (1tiết/tuần). Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng: lịch sử là dòng suối lớn nhất tạo nên văn hóa của một đất nước. Nó tạo nên sức mạnh dân tộc. Muốn cải cách thế nào cũng phải luôn ghi nhớ điều đó. Đừng để sai một ly đi hàng muôn trượng!

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441373

Hôm nay

290

Hôm qua

2283

Tuần này

21277

Tháng này

216547

Tháng qua

112676

Tất cả

114441373