Khách mời văn hóa

Chứng chỉ hành nghề xuất bản không làm nên thương hiệu biên tập viên lành nghề

Được coi là một “sát thủ” trong làng báo gác mảng xuất bản, Phóng viên Kiều Mai Sơn (Báo Nông nghiệp Việt Nam) đã có nhiều bài viết phê phán các cuốn sách sai, những bộ sách lỗi và cả Dự án Bách khoa thư thành bách khoa… hư. Không chỉ viết phê bình, anh còn là tác giả của nhiều đầu sách để những người làm xuất bản cũng soi lại anh (Học giả Đào Duy Anh; Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII; Họa sỹ Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy Việt Nam…). Chia sẻ với VHNA xung quanh các vấn đề xuất bản, anh cho rằng, mấu chốt nhất vẫn là kiến thức chuyên môn của biên tập viên vừa rộng vừa sâu mới là điều quyết định để một cuốn sách hay ra đời.

Phan Văn Thắng: Mới đây, anh có bài phản ánh “Quá nhiều lỗi trong sách tái bản của GS Trần Quốc Vượng.” Bài viết đã chỉ ra những sai sót trong cuốn “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”, do NXB Văn học - nhà sách Minh Lâm ấn hành năm 2016 và cuốn “Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt(bản in năm 2015) của NXB Thuận Hóa liên kết phát hành với Nhà sách Thăng Long. Hai cuốn sách này do có nhiều sai sót nên đã bị thu hồi và dừng phát hành. Cùng với đó là cuốn “Văn hóa Việt Nam những hướng tiếp cận liên ngành, NXB Văn học và Công ty TNHH sách Hương Giang phát hành năm 2015 đã được NXB trao đổi với bà Trần Thúy Anh, con gái GS Trần Quốc Vượng để rà soát lại toàn bộ lỗi sai về mặt nội dung.Phải chăng, chất lượng tái bản các đầu sách khoa học của chúng ta hiện nay rất đáng báo động?

Kiều Mai Sơn: Tôi cũng nghĩ như vậy. Cuốn“Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt” của cố GS Trần Quốc Vượng (2015)khi tái bản, sai tới hơn 600 lỗi/ 660 trang. Số lỗi này nghe ra có vẻ khủng khiếp vì nó tương đương 1 lỗi/ trang nội dung. Nhưng mới đây, tôi đọc cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” của cố GS Đào Duy Anh do NXB Văn học và Nhà sách Minh Lâm liên kết phát hành (2014), với 500 trang nội dung thì có hơn 1.000 lỗi. Tính trung bình, 2 lỗi/ trang. Con số đáng nể! Có lẽ các đơn vị làm sách sai như thế này, theo tôi nên treo slogan như sau: “Sách không sai không lấy… tiền” hoặc “Không có lỗi không phải là… sách”!

Trước việc in sách nhiều lỗi sai như trên, TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên, một học trò của cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng: “Thà không in còn hơn, bởi phần lớn các lỗi sẽ làm độc giả không hiểu nổi, làm tổn hại tới uy tín khoa học của cố GS Trần Quốc Vượng”.Đối chiếu lại với các sách của cố GS Đào Duy Anh, người thầy của cố GS Trần Quốc Vượng, cũng sẽ chịu số phận tương tự: làm tổn hại tới uy tín khoa học của tác giả. Đáng tiếc hơn cả là, những đầu sách tái bản này đều là những công trình được Nhà nước vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Có điều này tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh hơn, đó là những sai sót nhan nhản trong các sách khoa học của những cây đại thụ khoa học có tầm ảnh hưởng vươn tới quốc tế không chỉ có ở những NXB dạng “hàng chợ” – liên kết với các nhà sách dạng “hàng chợ” – (thuật ngữ do tôi định danh – KMS) thiếu chuyên môn như NXB Văn học, NXB Hồng Đức, NXB Thời đại… Mà ngay đến những NXB được coi là “có tiếng” về truyền thống làm sách đúng chuyên môn như NXB Khoa học Xã hội cũng xuống cấp trầm trọng. Tôi đã từng có bài viết riêng phê bình đơn vị này cấp phép liên kết xuất bản cho những cuốn sách “thảm họa trong ngành xuất bản” như “Hề chèo” của cố PGS Hà Văn Cầu (NXB Khoa học Xã hội – Hội VNDG Việt Nam, 2015); cuốn “Truyền thuyết Hai Bà Trưng - một số giá trị văn hóa - nhân sinh” của PGS.TS Bùi Quang Thanh (NXB Khoa học Xã hội– Hội VNDG Việt Nam, 2015)...Cách đây ít ngày, tôi đọc cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” của cố GS Đào Duy Anh do NXB Khoa học Xã hội và Nhà sách Anh Khoa liên kết phát hành (2016), tôi đã phải giật mình với những lỗi sai kiểu “lộn tông” khi có đoạn viết Trần Ích Tắc là em vua Trần Nhân Tông (đúng ra, là chú vua) hay vua Trần Nhân Tông đem em ruột là An Tư công chúa hiến cho Thoát Hoan (đúng ra, là cô ruột vua)… Ở đây, tôi không bàn đến những lỗi nghiệp vụ khác của ngành xuất bản.

Phan Văn Thắng: Theo anh, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những cuốn sách nhiều sai sót như thế này?

Kiều Mai Sơn: Luật Xuất bản (2012) đã quy định rõ ràng rồi thưa ông. Giám đốc và Tổng biên tập NXB sẽ phải chịu trách nhiệm với từng chức năng của mình. Trang xi-nhê của từng cuốn sách cũng ghi rõ: Chịu trách nhiệm xuất bản – Chịu trách nhiệm nội dung… Tôi thấy rằng ở nước ta ghi như vậy cho vui thôi vì đâu có ai chịu trách nhiệm gì. Vì thế, có người bạn tôi nửa đùa nửa thật nói rằng nên thêm một chữ đằng trước các dòng đó: Không. Không chịu trách nhiệm xuất bản! Không chịu trách nhiệm nội dung. Như thế, bạn đọc mua phải sách dở, sách sai, sách nhiều lỗi thì… ráng mà chịu.

Những đơn vị dám công khai xin lỗi và sẵn sàng sửa sai như NXB Trẻ là điều hiếm thấy trong tổng số hơn 60 NXB có môn bài của cả nước hiện nay. Tôi vẫn coi NXB Trẻ với chữ tín của mình thực sự quý hơn vàng. Còn có những đơn vị khác thì không có đủ dũng khí đó. Cuốn sách “Người Mường ở Hòa Bình” của cố PGS Nguyễn Từ Chi,năm 2012 khi đem tái bản ở Dự án Công bố Phổ biến tài sản Văn hóa Văn nghệ Dân gian, được coi như bộ Bách khoa thư Văn hóa Văn nghệ Dân gian. Rốt cuộc trở thành cuốn sách không ai sử dụng nổi. Vậy mà người chịu trách nhiệm Dự án lặng thinh. Thậm chí còn tìm mọi cách bao biện kiểu cả vú lấp miệng em. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của cố GS Đào Duy Anh do Công ty CP Alpha books liên kết với NXB Hồng Đức cấp phép tái bản (2016) ra thị trường như một mớ rác. Nhưng người chịu trách nhiệm không có một lời công khai xin lỗi bạn đọc, xin lỗi khách hàng đã mua phải hàng kém chất lượng. Người đứng đầu Công ty CP Alpha books còn lên Facebook chửi đổng với những lời lẽ tục tĩu mà tôi thấy không nên nhắc lại.

Tóm lại: Không ai chịu trách nhiệm và xin lỗi là hai tiếng xa xỉ đối với một số người tham gia làm sách hiện nay. 

Phan Văn Thắng:Hậu quả của những cuốn sách khoa học nhiều sai sót như thế này sẽ ảnh hưởng ra sao?

Kiều Mai Sơn: Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng nó sẽ reo giắc tai họa dài dài cho những thế hệ sau. Bởi vì, nền tảng của một đất nước là khoa học cơ bản từ đó nâng dần lên tới những tri thức tinh hoa chắt lọc từ những bộ óc của trí thức tinh hoa (elité). Khi những tri thức tinh hoa ấy được tái bản kiểu “hàng chợ” thì không chỉ con cháu hậu sinh chê cười lẫn nghi ngờ về cha ông chúng mà ngay cả các nhà nghiên cứu quốc tế khi tiếp xúc với văn bản các sản phẩm khoa học này họ cũng phải… bịt mũi.

 Còn trước mắt thì với những người không am hiểu văn bản sẽ phải dùng một sản phẩm đáng gọi là phế phẩm mà không biết. Cũng giống như chúng ta mua phải một thứ đồ dùng bị lỗi sản xuất mà chẳng hay, chỉ đến khi tai họa xảy ra mới hét lên thì đã muộn. Trong dân gian đã có câu chuyện tiếu lâm: Đau bụng uống nhân sâm. Lật sang trang sau, thêm hai chữ: tắc tử.

Ngày nay, chắc khó có ai đọc sách mà “tắc tử” đâu, tuy nhiên cũng dễ bán thân bất toại (liệt nửa người) đấy. Ở đây là những cuốn sách tôi nhắc tới về khoa học xã hội với kiến thức hàn lâm nặng đầu mà thôi. Cùng lắm là đọc xong bực mình ném sách xuống đất hoặc chẳng hiểu tác giả viết gì thì nghĩ chắc tác giả uyên bác quá. Ông và bạn đọc VHNA hãy thử tưởng tượng những cuốn sách dạy nấu ăn, sách khoa học thường thức hàng ngày cũng sai nhan nhản nhưng không ai để ý mà thôi. Nếu một ngày, có cuốn sách dạy nấu ăn mà cho toàn các món kỵ khẩu vào thì người thiếu kiến thức cứ thế làm theo, “tắc tử” là cái chắc! Cũng như sách giáo khoa cho học sinh có những bài làm toán kiểu có 5 ngón tay chặt mất 2 hỏi còn mấy ngón…

Phan Văn Thắng: Nhưng chẳng lẽ chúng ta không có giải pháp nào để xử lý mà chỉ chấp nhận gánh chịu hậu quả hay sao, thưa anh?

Kiều Mai Sơn: Giải pháp có thừa nhưng chỉ là những đơn vị có trách nhiệm họ không muốn làm. Đấy là theo tôi nghĩ. Tôi không áp đặt. Tôi chỉ căn cứ vào thực tế ngay trước mắt chúng ta. Cả nước có hơn 60 NXB, trong đó hơn 4/5 là bám vào bầu sữa mẹ - Nhà nước. Đơn vị nào cũng kêu thua lỗ. Thua lỗ thì cho giải thể, sáp nhập vào, việc gì phải để sống thoi thóp cầm hơi? Thua lỗ mà vẫn cứ cấp phép thêm cho các NXB của các trường Đại học chỉ có chức năng chuyên môn mà không có nghiệp vụ xuất bản? Thật sự mà nói, nhiều người đã dựa vào xuất bản để kinh doanh trục lợi song vẫn luôn mồm kêu ca.

Đấy là nhìn ở tầm quản lý kinh tế. Còn đối với chuyên môn và nghiệp vụ xuất bản thì sao? Nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, những người có chuyên môn sâu rộng để làm xuất bản đã vãn. Xuất bản là một ngành đặc biệt. Vừa cần có kiến thức chuyên môn đa ngành, liên ngành lại vừa cần có kiến thức nghiệp vụ xuất bản. Hiện tại, chúng ta có một đội ngũ khá đông đảo những người làm xuất bản có một chút kiến thức nghiệp vụ học trong trường ra. Song, họ lại thiếu nghiêm trọng kiến thức chuyên môn. Kiến thức chuyên môn mới quyết định nghiệp vụ xuất bản.

Trước đây, ở các NXB, đội ngũ biên tập viên đều là những người có kiến thức chuyên môn dày dặn, học vấn cao sâu. Còn nghiệp vụ xuất bản họ chỉ cần học bồi dưỡng các lớp ngắn hạn, hoặc học trong vài tháng. Tôi xin lấy một ví dụ là Nhà văn Minh Giang, người con của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh mới qua đời tháng 10/2016. Ông đã tốt nghiệp Tú tài ở Quốc học Vinh (Nghệ An), đi làm công tác Văn nghệ, do “tai nạn nghề nghiệp” là bị quy vào Nhân văn Giai phẩm, ông phải về làm biên tập viên Phòng Văn nghệ của NXB Quân đội Nhân dân. Rõ ràng trình độ chuyên môn của ông hơn hẳn. Vì thế, đối với các bản thảo gửi đến thì biên tập viên ít nhất cũng ngang bằng với tác giả về học vấn lẫn chuyên môn. Tất nhiên nghiệp vụ xuất bản thì tác giả không thể bằng biên tập viên của NXB. Phải nói rõ rằng, biên tập viên thời trước, đa số họ hơn tác giả cả một cái đầu. Thế hệ những biên tập viên như nhà văn Vũ Sắc, nhà thơ Tạ Hữu Yên, đại tá Đỗ Gia Hựu… ở NXB Quân đội Nhân dân là như vậy. Hay thế hệ nhà thơ Định Hải, nhà văn Viết Linh,… ở NXB Kim Đồng…

Cho phép tôi nói một chút cá nhân, về nghiệp vụ xuất bản, tối dạ như tôi mà học mót nghề với cụ Bùi Hạnh Cẩn chỉ trong 3 giờ đồng hồ, tôi đã nắm được các quy tắc biên tập. Còn kiến thức chuyên môn, đó là do tôi tích lũy hàng năm. Vì thế, có những cuốn sách, tôi đọc là biết ngay sai sót từ đâu. Kiến thức chuyên môn là điều hiện nay các biên tập viên NXB hổng nặng. Thông thường, Tổng biên tập các NXB đều từ biên tập viên mà đi lên.

Phan Văn Thắng:Xin ngắt lời anh một chút, gần đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành mở các lớp học nghiệp vụ chẳng phải tín hiệu đáng mừng ư?

Kiều Mai Sơn: Tôi không nghĩ vậy. Việc Cục Xuất bản, In và Phát hành mở các lớp học nghiệp vụ 10 ngày để cấp Chứng chỉ hành nghề cho các biên tập viên, chỉ là cấp cho một tấm thẻ. Tấm thẻ đó không làm nên biên tập viên. Chứng chỉ hành nghề xuất bản không làm nên thương hiệu biên tập viên lành nghề. Trên thực tế, có những cuốn sách đứng tên biên tập viên nhưng lại do người có chuyên môn khác biên tập giúp. Có những cuốn sách khi phát hành ra thị trường, biên tập viên cũng không hề biết. Họ nói với tôi rằng: Tại vì họ có chứng chỉ hành nghề biên tập cho nên cơ quan điền tên vào.

Quay trở lại với phần trao đổi dang dở phía tên, tôi nghĩ rằng không nhìn thẳng vào thực tế, không đào tạo bài bản hay nói với một cụm từ khá mốt hiện nay là tái cơ cấu lại ngành xuất bản, chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều cuốn sách đầy lỗi. Dẫu cho có chăm chăm để rình bắt lỗi chính trị thì vẫn để lọt những cuốn kiểu như “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng” (NXB Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa Phương Nam, 2016) trong đó có những trang miêu tả Việt Minh  “như một lũ người tiền sử”. Đó là một nụ cười hàm tiếu cho những người gác gôn xuất bản mà để thủng lưới một cách… lãng nhách.

Phan Văn Thắng: Xin cám ơn những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của anh./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528775

Hôm nay

2156

Hôm qua

2275

Tuần này

21048

Tháng này

215471

Tháng qua

0

Tất cả

114528775