Khách mời văn hóa

NGND Nguyễn Trí Hiệp: "Chỉ khắc phục được yếu kém khi nhìn nhận đúng thực chất tình hình”

Lời tòa soạn: Giáo dục đang một trong những mối lo sâu sắc nhất của xã hội vì đó là nền tảng của mọi hưng thịnh của đất nước. Lo vì nền giáo dục của ta còn lạc hậu, tụt hậu và loay hoay mãi suốt mấy chục năm chưa tìm được một chiến lược đủ tin cậy cho phát triển. Khó khăn khăn chồng lên khó khăn, khó khăn này tạo ra khó khăn khác và tạo thành một vòng quẩn quanh khó bứt phá.

Để góp một tiếng nói của người trong cuộc, VHNA đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trí Hiệp, nguyên là Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh - một người đã gắn bó suốt 40 với nghiệp cầm phấn. Câu chuyện của chúng tôi chủ yếu xoay quanh về giáo dục phổ thông. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 PV:Xin chào thầy, cám ơn thầy đã nhận lời mời trao đổi với Văn hóa Nghệ An xung quanh những vấn đề của ngành Giáo dục. Như thầy đã biết, lâu nay chúng ta vẫn nghe rất nhiều ý kiến cho rằng Giáo dục sa sút, xuống cấp. Vậy, theo thầy, cụ thể là sa sút cái gì ?Sự sa sút, yếu kém đó thể hiện trên những mặt/phương diện nào?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Thú thực với anh, tôi về hưu đã 5-6 năm, không còn được bám sát những công việc của ngành nữa nên sợ rằng nhận xét cũng sẽ có phần chủ quan, không được sâu sát vì trong khoảng thời gian đó Giáo dục có rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, qua thực tế những năm tháng công tác trong ngành và qua theo dõi, nắm bắt thông tin hàng ngày, tôi thấy chúng ta không nên dùng từ “xuống cấp” mà chỉ nên nói là còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Thực ra, tôi thấy giáo dục vẫn có nhiều bước tiến đấy chứ. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận, lảng tránh những khó khăn, tồn tại.

PV:Vậy, theo thầy, những tồn tại ở đây là gì?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất chúng ta đang đối mặt là chất lượng đội ngũ giáo viên. Mặc dù hiện nay, các giáo viên phần lớn đều có bằng cấp đạt chuẩn và vượt chuẩn nhưng chất lượng thực tế còn hạn chế cả về kiến thức lẫn kỹ năng dạy học. Anh biết đấy, giáo viên nếu không có kiến thức chắc, sâu thì không thể hướng dẫn thêm cho học sinh điều gì ngoài thuyết trình lại những thứ trong sách giáo khoa.  Hiện nay trong ngành có một bộ phận không nhỏ  giáo viên, nhất là lớp trẻ, còn thiếu tinh thần say sưa với nghề nghiệp, ít đào sâu nghiên cứu nâng cao kiến thức, ít nghiền ngẫm trong quá trình chuẩn bị bài giảng. Từ đó dẫn đến việc họ giảng dạy thường hời hợt, hiệu quả thấp. Bên cạnh kiến thức, thì kỹ năng cũng là cả một vấn đề, kỹ năng tôi đề cập ở đây là cả về kỹ năng diễn đạt (ngôn ngữ nói) và kỹ năng trình bày (chữ viết, trình bày bảng). Chữ viết của nhiều giáo viên trẻ cấp THCS,THPT thời nay rất xấu. Tôi biết hiện nay là thời đại công nghệ thông tin nhưng thiết nghĩ đã là người thầy đứng trên bục giảng thì phải trình bày làm sao cho rõ ràng, chuẩn mực, mô phạm. Tôi đã từng phát động phòng trào luyện chữ cho giáo viên các cấp học này nhưng xem chừng tình hình cũng không cải thiện được mấy.

PV:Tôi đồng ý với thầy về điều đó. Người giáo viên đứng trên bục giảng phải có kỹ năng để truyền đạt một cách hiệu quả nhất và còn phải có cảm xúc nữa.

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Đúng thế! Tôi nhớ ngày xưa nhiều thầy dạy truyền cảm lắm. Dù là văn hay toán thì cũng phải truyền cảm. Những điều đó hình như hiện nay các bạn trẻ không quan tâm lắm nữa.

PV:Ngoài vấn đề chất lượng giáo viên, còn có vấn đề nào khác không, thưa thầy?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Có chứ, đó là vấn đề dạy thêm học thêm; bất cập trong chương trình học và tổ chức thi cử. Hiện nay, học sinh học thêm quá nhiều, học ngày, học đêm. Các em học đến suy nhược. Nhiều em còi cọc đi vì học thêm. Không những thế, học thêm có thể làm cho không ít em trở nên nghèo nàn về cảm xúc vì suốt ngày hầu như chỉ thu nạp đủ loại kiến thức từ học thêm. Càng theo thời gian, dạy thêm học thêm càng nhiều, từ cấp tiểu học đến THPT. Tôi nghĩ, những kiến thức có được từ học thêm chỉ có ý nghĩa cho học sinh trong một giai đoạn nhất định, phục vụ cho thi cử thôi chứ không giúp ích gì cho các em sau này cả; không có tác dụng gì đối với tư duy mà lắm khi còn giết chết tư duy. Tình trạng này đang khiến cho các em đánh mất đi quãng thời gian đẹp nhất của mình và ảnh hưởng rất nhiều tới thể chất của các em. Vào các trường chuyên hay trong các đợt phát thưởng cho học sinh giỏi, nhìn các em, nhất là các em gái còi cọc, nhỏ bé tội lắm anh ạ. Nếu nhìn rộng có thể thấy một thực trạng đáng quan tâm là chúng ta đang có một thế hệ những người tốt nghiệp đại học trẻ tuổi,  họ đang là những công chức, giáo viên, bác sĩ, trong đó nhiều người có thể chất rất đáng thương với thân hình gầy gò, nhỏ bé, thiếu sức sống. Tôi vẫn rất băn khoăn không biết đó có phải là hậu quả của việc học thêm quá nhiều hay không?

Còn về chương trình học, tôi nghĩ, chúng ta đang có một mâu thuẫn chưa giải quyết được giữa khối lượng kiến thức cần trang bị cho học trò và thời gian thực hiện. Nói cách khác, nội dung kiến thức quá tải mà thời gian thì có hạn. Chương trình bây giờ có nhiều kiến thức cao xa quá; như môn Giáo dục công dân đưa vào nhiều khái niệm triết học, mỹ học rất khó. Tôi dự giờ còn cảm thấy khó tiếp nhận huống gì các em. Tôi cho rằng, bậc phổ thông chỉ cần học ở mức độ cơ bản thôi, không nên cao quá vì sau này vào cuộc sống kiến thức cụ thể các em có thể sẽ quên, cái đọng lại cần thiết nhất là phương pháp tư duy khi giải quyết vấn đề. Và chính sự quá tải này cũng dẫn đến vấn nạn học thêm hiện nay. Bên cạnh đó, áp lực thi cử cũng là một nguyên nhân. Như anh biết, có hai hình thức thi: tự luận và trắc nghiệm. Thi tự luận, cái hay của nó là giúp đánh giá được nhiều năng lực của học sinh nhưng rất khó kiểm soát các khâu của quá trình thi, còn thi trắc nghiệm thì nhanh, gọn nhưng lại không  đánh giá hết được năng lực của các em, với bài thi trắc nghiệm các thầy cô giáo sẽ không biết được điểm mạnh và nhất là những điểm yếu của học sinh cụ thể như thế nào. Tôi vẫn thường nói thi trắc nghiệm có thể giúp giấu được những yếu kém của học sinh và ngoài ra trong thi trắc nghiệm tiêu cực trong làm bài của học sinh cũng không phải là ít. Gần đây, việc tổ chức kỳ thi chung THPT, kết quả học bạ được đưa vào để tính điểm tốt nghiệp điều này đang dẫn đến hiện tượng là điểm tổng kết của học sinh được nâng lên không thực chất. Nếu kéo dài hiện tượng này sẽ để lại nhiều hậu quả không tốt cho ngành giáo dục.

PV:Vậy thưa thầy, nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề trên là gì?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Nguyên nhân thì nhiều lắm anh ạ. Nền giáo dục của một đất nước không nằm ngoài bối cảnh chung của xã hội. Giáo dục tác đến toàn bộ đời sống xã hội và ngược lại lại tất cả những gì tốt hay không tốt của xã hội đều tác động trở lại đối với giáo dục. Xưa đã vậy. Nay thì sự tác động tương hổ đó càng sâu sắc hơn vì nền tảng xã hội và thông tin đã khác trước rất nhiều. Tôi nghĩ, tìm nguyên nhân đến cùng, truy ra căn nguyên vấn đề thì có lẽ anh tìm được, tôi cũng tìm được, nhưng khổ nỗi trong chúng ta lại có ít người dám làm triệt để, cái khó là như vậy. Có lẽ ta nên đi vào những việc cụ thể. Về nguyên nhân của dạy thêm học thêm, cũng có thể nói là bắt nguồn một phần từ truyền thống tâm lý muốn làm thầy không muốn làm thợ của dân ta…Nhưng ở đây, tôi nghĩ trực tiếp và cái chính vẫn là do áp lực thi cử. Đề thi hiện nay của chúng ta có nhiều câu khó, thậm chí quá khó, do vậy để làm được bài thì các em phải học thêm. Chất lượng của giáo viên thì anh biết đấy, ngành giáo dục chỉ được lo vấn đề chuyên môn chứ vấn đề tài chính, con người chúng tôi đâu có quyết định được. Việc tuyển dụng ngành giáo dục ở bậc trung học cơ sở trở xuống ngành giáo dục không có quyền lựa chọn, toàn bộ là do UBND các huyện quyết định, ngành giáo dục chỉ được tham gia như các thành viên khác, nhưng rồi cuối cùng tất cả nhiều khi lại dồn cho giáo dục. Cho nên, tôi nghĩ cơ chế quản lý giáo dục của mình chưa ổn.

PV:Như thầy nói, một trong những nguyên nhân ảnh hướng đến chất lượng giáo dục phổ thông là do trình độ giáo viên còn yếu. Như vậy có phải giáo dục Đại học góp phần làm khó cho giáo dục phổ thông phải không?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Nhưng ngành sư phạm có tuyển được người giỏi đâu anh. Tôi đã từng không đồng tình với đại học của một tỉnh khi mở mã ngành đào tạo giáo viên THPT, đầu vào ngành toán của trường có những năm lấy 12 – 13 điểm, trong đó điểm toán có em chỉ có 1.5 điểm thì làm sao mà có thể  trở thành giáo viên toán có chất lượng được, hiện nay ngành sư phạm nhiều trường đại học điểm chuẩn cũng chỉ nằm ở tốp trung bình mà thôi. Giáo dục của ta nó cứ luẩn quẩn vòng quanh như vậy nên rất khó để mà bứt phá và vượt lên được.

PV:Vậy thầy có đề xuất gì để điều chỉnh cơ chế, chọn được người giỏi vào sư phạm không?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Kể ra khó thật đấy. Nhà nước cũng đã quan tâm rồi, chế độ cho giáo viên cũng được cải thiện nhiều, điều kiện làm việc cũng tốt hơn...tuy vậy người giỏi hầu như ít vào ngành sư phạm. Trong đào tạo ở bậc đại học chúng ta có hệ cử tuyển cho những vùng khó khăn,  tương tự như vậy để người giỏi vào sư phạm thì có lẽ cần có cơ chế cho các địa phương  vận động các em học sinh giỏi vào học sư phạm và có những cam kết về việc bổ dụng và chế độ ưu tiên cho các em khi ra trường và đây là một giải pháp cần được nghiên cứu. Cũng cần phải nói rằng giáo dục là một lĩnh vực rất rộng liên quan đến hầu hết đến các gia đình vì thế rất được xã hội quan tâm, tuy nhiên đây là một lĩnh vực khó, bởi vậy những vấn đề tồn tại, yếu kém của nó cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để có nhìn nhận đánh giá đúng thực chất của tình hình thì chúng ta mới tháo gỡ được

PV: Tôi biết, căn bệnh của ngành giáo dục khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai nhưng theo thầy, cái gì có thể giải quyết được trước mắt và cái gì cần có thêm thời gian mới có thể giải quyết được?

NGND Nguyễn Trí Hiệp:Về giải pháp, tôi thấy những điều mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng đưa ra trước đây đều là những giải pháp rất đúng và rất trúng cả đấy anh ạ. Nói không với bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đó đều là những vấn đề cốt tử của giáo dục. Tiếc rằng những giải pháp này vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan chưa đươc triển khai hiệu quả, nhưng theo tôi trước mắt cũng như lâu dài những giải pháp này chúng ta cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt trong toàn ngành

PV:Chúng tôi cũng nghĩ thế. Nó không thành công bởi cả một cơ chế, một xã hội còn chưa thay đổi, còn lắm bất cập, bùng nhùng. Khi mà bệnh thành tích, bệnh hình thức còn nặng nề thì không thể giải quyết được câu chuyện nói không với tiêu cực.

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Bỏ được bệnh thành tích là điều không dễ. Thành tích gắn liền với thi đua mà thi đua được xác định là động lực quan trọng cho xã hội phát triển... Bởi vậy, tôi nghĩ,  thi đua cần thực chất, cần trung thực, tuy nhiên những điều này không dễ xác định, không dễ kiểm soát. Rất khó, cái này cứ vướng vào cái kia nhưng rồi cuối cùng ngành giáo dục lại phải gánh chịu. Thực ra, tôi nghĩ cái gốc  của những việc này nằm trong những vấn đề của xã hội, hiện nay trong xã hội có những giá trị đích thực, cốt lõi cần được khẳng định nhưng lại chưa được ghi nhận và trân trọng; những giá trị không cần khẳng định thì lại nổi lên. Tình trạng tiêu cực nhiều như anh nói xuất phát từ niềm tin bị suy giảm.

PV:Đó là quan niệm về giá trị bị lệch chuẩn. Thực ra, bây giờ trong xã hội đã có tình trạng loạn chuẩn chứ không chỉ là lệch chuẩn. Trong một xã hội như thế thì giáo dục bị lệch và loạn cũng là điều dễ hiểu.  Giải quyết được điều này là câu chuyện lâu dài thế nên chúng ta hãy bàn về những giải pháp trước mắt

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Từ thực tiễn của ngành, kinh nghiệm dạy học và tham gia quản lý giáo dục ở một địa phương, tôi cho rằng, trước hết cần quan tâm về  phương pháp giảng dạy của giáo viên. Phương pháp giảng dạy liên quan mật thiết với kỹ năng dạy học do vậy các nhà trường và bản thân các giáo viên phải quan tâm, chăm lo rèn luyện kỹ năng dạy học. Kỹ năng dạy học là công cụ quan trọng của phương pháp giảng dạy. Nói ra thì có vẻ quá quen rồi nhưng chăm lo kỹ năng là câu chuyện không bao giờ cũ. Hiện nay tôi thấy nhiều người  có sự lạm dụng công nghệ thông tin; không coi trọng trình bày trên bảng nữa và đó là một điều sai lầm. Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học là cần thiết  nhưng khi áp dụng nên ở mức độ hợp lý.  Điều quan trọng nhất hiện nay đối với ngành giáo dục là đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên tôi không thích lắm khi dùng từ “đổi mới”. Thực ra những cách dạy hay, dạy tốt, ngày xưa các thế hệ đi trước cũng đã làm rồi anh ạ. Mình bây giờ chỉ khơi lại thôi. Các thầy cũ của tôi dạy tài hoa lắm, tích cực lắm. Không phải đến bây giờ mới hướng đến tính chủ động của học trò đâu mà các thầy giáo hồi trước đã thực hiện những việc này rất thành công. Tôi còn nhớ, hồi học phổ thông các thầy Đoàn Dánh, thầy Trần Quốc Nghệ, thầy Dương Thúc Tuy…đã thực hành phương pháp đó với chúng tôi rồi. Những phương pháp dạy học tích cực mấy lâu nay giáo viên chúng ta ít sử dụng nay cần vận dụng thì chúng ta cũng có thể xem đó là đổi mới

PV:Đúng là như thế. Chúng ta hiện nay cứ mắc bệnh sính hay là lạm dụng ngôn từ như thế đấy. Cách đây bốn mươi năm chúng tôi cũng đã được biết, được thấy nhiều thầy có phương pháp giảng dạy mà so với bây giờ thì vẫn có thể nói là hiện đại, chủ động, hiệu quả. Thưa thấy, chúng ta có thể nói thêm về dạy thêm, học thêm?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Còn về vấn đề học thêm dạy thêm, tôi nghĩ chúng ta chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Bấy lâu nay chúng ta vẫn giẫm đạp, lùng nhùng trong câu chuyện này. Tôi thấy việc cấm dạy thêm học thêm nói chung là không có cơ sở. Chỉ khi nào có một biện pháp mang tính đồng bộ, chi phối và trở thành chế tài trong cả nước thì may ra mới có tác dụng. Hơn nữa, tôi thấy, xét đến cùng, học thêm phần lớn là do áp lực từ thi cử. Học thêm chủ yếu là để phục vụ cho thi cử. Vậy nên phải giải quyết được vấn đề thi cử, từ nhận thức đến các giải pháp, cách thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời với chấn chỉnh việc dạy – học thêm mới hy vọng có kết quả. Do đó, đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có những phương án tốt nhất không chỉ cho ngành giáo dục mà còn lớn hơn là tương lai của thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, giống nòi. Thiết nghĩ, đề thi không cần khó cũng có thể phân loại được học sinh. Thay vì ra những câu nâng cao, chúng ta có thể ra nhiều câu dễ. Chúng ta nên thiết kế thật nhiều câu hỏi thuộc về kiến thức cơ bản và một ít câu hỏi với độ khó vừa phải. Đề thi cần bao quát hết nội dung chương trình sách giáo khoa. Với những đề thi như vậy, chúng ta vẫn có thể đánh giá, phân loại được học sinh qua khả năng thực hiện nhanh, chậm và kết quả đúng, sai trong giải quyết nội dung đề thi của các em. Khi đề thi tập trung vào kiến thức cơ bản  độ khó vừa phải, trải rộng trong nội dung chương trình thì  học sinh không thể học tủ được và các cũng sẽ cảm thấy không cần học thêm nữa mà chỉ cần tự học cũng đủ trang bị kiến thức.

PV:Nhưng có lẽ, để thay đổi được việc thi cử, nhất thiết phải giảm tải dung lượng của chương trình dạy – học quá nặng nề và nhiều điều bất hợp lý hiện nay. Và thêm một điềubquan trọng nữa, tôi nghĩ, là phải làm sao để đội ngũ những giáo viên, người trong ngành phải tìm được cảm hứng để làm việc, cống hiến đúng không thầy?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Đúng thế, phải có trách nhiệm và cảm hứng. Không có cảm hứng thì làm việc gì cũng khó.

PV: Một vấn đề chúng tôi muốn được thầy trao đổi. Đó văn hóa - đạo đức học đường ngày càng có nhiều hiện tượng không tốt, không lành mạnh. Nhà trường không còn là thánh đường của những giá trị đạo đức mẫu mực như trước đây. Nạn bạo lực học đường ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn. Thầy đánh giá về mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào? Nguyên nhân của tình trạng này? Và có cách gì để khắc phục?

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Văn hóa-đạo đức học đường đang có những vấn đề không tốt, hiện tượng bạo lực trong học sinh đang có những diễn biến phức tạp hơn, nếu như trước đây bạo lực chỉ có trong học sinh nam thì nay lại có cả với học sinh nữ. Tuy nhiên theo tôi đây cũng chỉ là những hiện tượng đơn lẻ và chúng ta cũng nên cân nhắc khi sử dụng cụm từ “bạo lực học đường”. Về nguyên  nhân của hiện tượng này chúng ta không thể nói khác được, đó là sự hạn chế của giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và xã hội. Hiện nay đời sống xã hội đang có những biến đổi mạnh mẽ, tuy vậy giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường có thể không còn như xưa nhưng cũng không thay đổi nhiều lắm, các nhà trường ngoài nhiệm vụ dạy kiến thức vẫn rất quan tâm đến việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trường học, chăm lo đạo đức học sinh. Khó khăn nhất đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh chính là môi trường xã hội, là sự lệch chuẩn các giá trị, là những mặt trái của mạng xã hội, của truyền thông. Bởi vậy không nên đánh giá nguyên nhân của những yếu kém trong  giáo dục đạo đức học sinh chủ yếu là do các nhà trường, vì nếu nhìn nhận như vậy sẽ khó tìm được giải pháp để cải thiện tình hình. Về phía ngành giáo dục, tôi có suy nghĩ như thế này: thầy dạy tốt thì trò ít hư, trí dục có thể nâng đỡ đức dục, do vậy ngoài việc xây dựng kỹ cương nền nếp, giáo dục kỹ năng sống thì nâng cao chất lượng giáo dục là biện pháp quan trọng để giáo dục đạo đức học sinh, ngoài ra cần phân luồng học sinh mạnh mẽ sau trung học cơ sở để tạo nên sự phù hợp giữa khả năng của học sinh với loại hình mà các em học tập và khi có sự phù hợp thì chất lượng văn hóa hay tay nghề  sẽ được tăng lên, điều đó sẽ có tác động tích cực tới đạo đức học sinh nói chung và tình hình bạo lực nói riêng

PV:Vâng, xin cảm ơn thầy về những chia sẻ đầy tâm huyết của mình. Chúc thầy luôn giữ được đam mê, cảm hứng của một nhà giáo để dù đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục thông qua những ý kiến đóng góp của mình.

NGND Nguyễn Trí Hiệp: Chắc chắn là như thế. Cám ơn anh!

Phan ThắngTrang Đoan thực hiện

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528777

Hôm nay

2158

Hôm qua

2275

Tuần này

21050

Tháng này

215473

Tháng qua

0

Tất cả

114528777