Khách mời văn hóa

Hồ Chí Minh – Người tìm ra mẫu số chung của các giai tầng

Lời tòa soạn: Cách đây 70 năm, ngày 19 tháng 12 năm 1946,  Chủ tịch Hồ Chí Minhđã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống lại sự xâm lược của đế quốc Pháp. Từ sau cách mạng tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiếnlà thời kỳ cam go của cách mạng VN, của dân tộc Việt Nam. Chính trường Việt Nam vô cùng căng thẳng, phức tạp, nhiều diễn biến bất ngờ. Hồ Chí Minh là chính khách đã áp đặt được tư duy chính trị của mình trên nền tảng đề cao lợi ích Dân tộc và Nhân dân.Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày  Toàn Quốc Kháng Chiến, VHNA đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Mạch Quang Thắngđến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về vai trò của Hồ chí Minh trong giai đoạn 1945 -1954.

 

Phan Văn Thắng:Thưa Giáo sư, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến, chúng tôi muốn được GS trao đổi về vai trò của Hồ Chí Minh từ Cách mạng Tháng Tám cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, tức là chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất. Thực ra, theo tôi nghĩ, có lẽ phải bắt đầu câu chuyện từ thời điểm Hồ Chí Minh về nước năm 1941. Hồ Chí Minh là người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa Lênin, từ 1924, khi ông sang Nga. Từ thời điểm đó cho đến năm 1941 là một quãng thời gian dài, gần 20 năm, ông tham gia các hoạt động quốc tế nhưng dành phần lớn thời gian và sức lực cho cách mạng Việt Nam, cho mục tiêu độc lập dân tộc. Thưa Giáo sư, theo ông thì tại thời điểm ông về nước, chúng ta nên nhìn nhận và đánh giá Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minhnghiêng/với tư cách là nhà yêunước, đấu tranh vì độc lập dân tộc hay là một chiến sỹ cộng sản hơn? Vai trò nào của ông nổi trội hơn?

 

GS Mạch Quang Thắng:Tôi cho rằng, ở Hồ Chí Minh thì tư cách “Nhà yêu nước” với tư cách “Chiến sỹ cộng sản” là một, ít ra là từ khi ông cùng với các vị cánh tả Đảng Xã hội Pháp tại Đại hội Tour cuối năm 1920 tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Theo tôi, đừng nên táchở Hồ Chí Minh hai tư chất riêng ra: phần nào là yêu nước, phần nào là cộng sản, mà ở ông hai tư chất đó chúng quyện vào nhau làm một (hai trong một), đúc chung thành một khối, khó mà tách rời, và không thể/không nên tách rời. Tôi nói thêm một chút: tôi đọc thấy rất nhiều người Việt Nam viết báo, viết sách cho rằng, Nguyễn Ái Quốc “chuyển từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang lập trường của chủ nghĩa cộng sản”. Viết như thế này là quá kinh viện, giáo điều, không đúng với thực chất con người Hồ Chí Minh. Không có chuyện chuyển từ cái này sang cái nọ, mà là chủ nghĩa yêu nước trong con người Hồ Chí Minh được nạp thêm vào những yếu tố của chủ nghĩa cộng sản, rồi chúng quyện với nhau làm một, thành tư chất đúc liền một khối con người yêu nước-cộng sản Hồ Chí Minh.

Do nhìn nhận một cách tách rời như vậy, cho nên nhiều vị trong Quốc tế Cộng sản, thậm chí nhiều vị vốn là học trò của Hồ Chí Minh trong Trung ương Đảng cùng thời với ông, cho rằng ông đi theo lập trường của “quốc gia chủ nghĩa”, ông là người coi nhẹ đấu tranh giai cấp, và họ đã “đì” ông một thời gian khá dài, kịch liệt phê phán những quan điểm của ông, thậm chí bắt ông viết một cuốn sách để tự kiểm điểm. Tất nhiên, ông không bao giờ viết. Hồ Chí Minh “lội ngược dòng”, chấp nhận đi vào cơn bão phê phán đó. Sau này, thực tế sự vận động của cách mạng Việt Nam lại chứng minh Hồ Chí Minh đúng, chứ cứ theo quan điểm của mấy vị kia thì chỉ có thất bại mà thôi.

Vấn đề vai trò của Hồ Chí Minh “từ Cách mạng Tháng Tám cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, tức là chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất”. Tôi thấy Quốc tế Cộng sản đã tự giải tán từ năm 1943 rồi. Thế thì, về danh nghĩa, từ năm 1941 cho đến năm 1943, Hồ Chí Minh là người của Quốc tế Cộng sản, mang danh nghĩa đó để chỉ đạo phong trào cộng sản Việt Nam. Từ năm 1943 đến năm 1945, ông không còn là đại diện cho Quốc tế Cộng sản nữa vì như tôi đã nói là tổ chức này đã tự giải tán rồi. Về mặt Đảng, thì mãi tới Đại hội II (2-1951), ông mới được bầu làm Chủ tịch Đảng. Nhưng, tôi thấy ở Hồ Chí Minh, từ lâu rồi, ông đã được nhiều người thừa nhận là lãnh tụ của Đảng. Và, chính vì thế, năm 1941, khi về nước thì lúc này quan điểm về cách mạng Việt Nam giữa Trung ương Đảng với quan điểm của Hồ Chí Minh đã là một rồi, vì vậy Hồ Chí Minh đã mặc nhiên trở thành lãnh tụ của Đảng, trước khi trở thành lãnh tụ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vai trò của Hồ Chí Minh lớn lắm đối với phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, trong đó có quãng thời gian từ năm 1941 đến khi kết thúc cuộc chống Pháp, năm 1954.

Tôi cho rằng, không có bộ óc chỉ đạo của cá nhân Hồ Chí Minh thì khó mà có thắng lợi như cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Riêng cái chuyện nắm thông tin để nhận biết thời cơ khởi nghĩa thôi thì cũng là quý lắm rồi. Hồ Chí Minh có chiếc radio luôn bên người để nghe tin tức quân phát xít hôm nay như thế nào, quân Đồng Minh hôm nay ra sao. Rồi chẳng ai nghĩ xa, nghĩ sáng như Hồ Chí Minh là nối được liên kết với một toán quân Mỹ để họ giúp cho quân Việt Minh, đã đến mức là lập cả đội quân Việt – Mỹ từ Tuyên Quang kéo xuống đánh quân Nhật tại Thái Nguyên. Điện đài liên lạc, súng ống, thuốc men, kỹ năng quân sự, cái “tiếng” Việt Minh đứng về phe Đồng Minh…là những điều Hồ Chí Minh rất cần mà nhiều người lúc đó đâu có nghĩ ra. Rồi, nắm lấy thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa, lập nên chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Việt Nam. Rồi đang nước sâu lửa nóng như vậy, tình hình quá khẩn trương như vậy, hà cớ gì Hồ Chí Minh lại tổ chức họp Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cái bài này là cái bài về cơ sở pháp lý, nằm trong một chuỗi sau này, ngay ngày đầu tiên của nước Việt Nam mới, ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh chủ trương gấp rút chuẩn bị để Tổng Tuyển cử bầu ra Quốc hội. Hồ Chí Minh chưa học ở trường luật, trường pháp lý nào cả, nhưng bài bản thì quá hay, nhìn rất xa, trông rất rộng.

Rồi vai trò cá nhân của Hồ Chí Minh trong việc xử lý về đối nội, đối ngoại từ ngày 2-9-1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, quả là những “thước phim” cực kỳ thú vị. Tôi khoái nhất khi nghiên cứu con người Hồ Chí Minh trong quãng thời gian này, và tôi nói rằng, Hồ Chí Minh là Hồ Chí Minh nhất chính là trong quãng thời gian này, thời gian của các cuộc đấu trí, đấu lực, thời gian của sự cần thiết của sự bộc lộ bản lĩnh cá nhân. Cá nhân ở đây là vì cả sự nghiệp, chứ không vì cái anh hùng cá nhân. Ai phản đối giải tán Đảng (cuối năm 1945), mặc! Ông cứ tuyên bố giải tán. Ai phản đối việc ông chủ trương mở rộng thành phần Quốc hội vừa mới được bầu, nhường cho những lực lượng khác ngoài Việt Minh, kể cả những người thuộc các tổ chức chính trị đối lập (điển hình là Việt Quốc, Việt Cách) 70 ghế không phải qua bầu cử, mặc! Ông cứ kiên nhẫn vận động thuyết phục. Ai phản đối việc ông chủ trương mời Cựu hoàng Bảo Đại tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc. Ông cứ mời. Ai phản đối ông ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, mà trong đó ông hạ cái “bất biến” là độc lập của Việt Nam xuống, chỉ nhận là “nước Việt Nam tự do trong Liên hiệp Pháp”, mặc. Ông vẫn cứ ký. Ai khuyên ông đừng đi sang Pháp hơn 4 tháng (từ ngày 31-5-1946 đến ngày 20-10-1946) với tư cách là “thượng khách” của Chính phủ Pháp, mặc! Ông cứ đi. Đi chứ, đi bên cạnh phái đoàn do Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn đàm phán chính thức tại Phôngtenơblô, rồi để làm một cuộc vận động ngoại giao, bịt họng súng chiến tranh. Ai chủ trương thăng quân hàm cấp tướng cho một loạt người đầu năm 1948, trong đó có ông Võ Nguyên Giáp lên thẳng đại tướng khi ông Giáp chưa qua một trường quân chính nào ở trong và ngoài nước. Vân vân và vân vân, không thể kể hết ra đây trong cuộc chuyện trò này được. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm, vai trò cá nhân cực kỳ quan trọng, với bất kỳ chính thể nào, và vào bất kỳ thời kỳ nào. Bây giờ, người ta cứ hay nhấn mạnh về vai trò của người đứng đầu. Thật là buồn khi thấy nhấn mạnh cái mà lịch sử đã có rồi, bây giờ cứ nói lại mà cứ coi như mới!

 

Phan Văn Thắng: Cách mạng Tháng Tám, là cách mạng vô sản hay là cách mạng dân tộc? Tại sao?

 

GS Mạch Quang Thắng:Là cách mạng dân tộc. Để giải thích điều này thì cần nhiều thời gian, cần sự thảo luận. Nhưng, tôi nói tóm tắt như thế này.

Kết hợp với nhiều tri thức, cả về lý luận và thực tiễn, tôi cho rằng, cuộc cách mạng này là: (1) Cuộc cách mạng xã hội; (2) Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nghĩa là nó phải đạt hai mục tiêu: một, lật đổ ách thống trị của đế quốc ngoại bang (lúc đầu là Pháp, sau đó là Pháp – Nhật, sau nữa là Nhật); hai, lật đổ chính quyền phong kiến. Từ hai mục tiêu này mà lập nên một chính thể mới (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), để rồi thúc đẩy cho dân tộc Việt Nam phát triển lên một trình độ mới: nước hùng cường, dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Thế thì đích thị đây là cuộc cách mạng dân tộc rồi. Chứ còn nói đó là cuộc cách mạng theo con đường của cuộc cách mạng vô sản thì không hợp với thực tế. Càng sai, khi cho rằng đó là cuộc cách mạng vô sản.

 

Phan Văn Thắng:Tại sao Hồ Chí Minh lại có khả năng tập hợp khối đoàn kết dân tộc rộng rãi và to lớn cho Cách mạng Tháng Tám?

 

GS Mạch Quang Thắng: Tại sao? Tôi cho là đơn giản thôi.

Một là vì Hồ Chí Minh điểm đúng huyệt, nghĩa là ông tìm ra và khuấy động được lên cái “mẫu số chung” cho hầu hết các giai tầng, trừ những người có quyền lợi gắn thật chặt với chế độ chính trị thuộc địa-phong kiến, thấy ở họ ai cũng muốn đánh đổ cái chế độ chính trị này, ai cũng muốn đánh đuổi những kẻ ngoại bang ra khỏi bờ cõi. Thế cho nên, ngoài công nông là gốc ra, ông còn lôi được cả địa chủ vừa và nhỏ, kéo được cả tư sản dân tộc, sung được cả tiểu tư sản vào chung một mặt trận. Chính điều này khác hẳn với quan điểm của Đại hội VI (năm 1928) của Quốc tế Cộng sản. Đoàn kết được với cái “mẫu số chung” đó thì hỏi ai mà có lòng yêu nước mà lại không đứng dưới ngọn cờ do Hồ Chí Minh giương lên cơ chứ!

Hai là vì uy đức của ông. Con quan, con nhà trí thức, bản thân mình là một anh thư sinh, ấy thế mà sẵn sàng từ bỏ khả năng có được nhiều công danh phú quý để đi lo việc nước. Mà cái việc nước này nặng lắm, gian khổ lắm, vào tù tội (hai lần tù, một án tử hình vắng mặt), trốn chui trốn lủi cảnh sát, tự nguyện sống một cuộc sống cực kỳ gian nan…Cái tên Nguyễn Ái Quốc đã lừng danh, đã trở thành thần tượng trong đầu óc nhiều người Việt Nam yêu nước, đặc biệt trong đầu những thanh niên đang học trên ghế nhà trường. Hễ cứ nghe thấy tên Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước thấy cái gì đó đồng nghĩa với cái tốt, để hướng người ta đi theo.

Ba là vì Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng chọn đúng khẩu hiệu cực kỳ thiết thực lúc này là “độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Một đất nước nông nghiệp như ở Việt Nam thì câu khẩu hiệu này khi đi vào cuộc sống thì nó sẽ biến thành hành động có sức mạnh vô biên.

 

Phan Văn Thắng:Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã thể hiện tư duy  và mục tiêu chính trị của Hồ Chí Minh như thế nào?

 

GS Mạch Quang Thắng: Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 do Hồ Chí Minh viết và đọc tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) chiều ngày 2-9-1945 có khoảng 1000 chữ thôi, nếu so với bây giờ người ta hay viết dài thì nó độc đáo lắm. Đó cũng là một trong nhiều phong cách của Hồ Chí Minh, mà bây giờ tôi thấy hô hào học tập phong cách Hồ Chí Minh, nhưng nào có học đâu. Riêng cái đoạn kính thưa trong một bài diễn văn thì thấy rõ lắm, người ta kính thưa dài dài, hết cả mấy trang giấy A4 ấy chứ.

Mục tiêu chính trị của Hồ Chí Minh ẩn trong bản Tuyên ngôn Độc lập là tuyên bố cho toàn thể thế giới thấy rằng, dân tộc Việt Nam này đứng về phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phát xít, cho nên có quyền hưởng tự do và độc lập; rằng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là hợp với lẽ Trời (tạo hóa), nói như bây giờ theo thuật ngữ chính trị học nhiều người hay nói là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là “có tính chính đáng”.

Còn về tư duy chính trị của Hồ Chí Minh, tôi thấy qua bản Tuyên ngôn Độc lập, lý lẽ của ông hợp với luồng tư duy thuộc lẽ phải của tạo hóa, của nền dân chủ trên thế giới; cái xấu, cái ác phải bị lên án; cái hợp lẽ phải của tạo hóa thì phải được khẳng định. Nước Việt Nam mới này, dân tộc Việt nam này là ngộ và hành xử theo những lẽ phải đó.

 

Phan Văn Thắng:GS bình luận gì khi Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Thomas Jefferson?

 

GS Mạch Quang Thắng: Tôi đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trước khi năm 2005 tôi đến thăm Nhà tưởng niệm A.Lincơn tại Washington DC. Từ Nhà tưởng niệm này, gần với bờ sông Pôtômác, nơi tháng Ba nở rộ hoa anh đào ngút ngàn do Nhật Bản tặng cách đó 100 năm bây giờ nhân rộng ra, tôi liên tưởng tới tư tưởng của Thomas Jefferson, rồi suy tưởng tới Hồ Chí Minh. Thật là vĩ đại. Toàn là những tư tưởng lớn của những bậc danh nhân! Tiếc, rất tiếc, tiếc lắm. Tại sao chứ, tại sao hai dân tộc này (Việt Nam và Hoa Kỳ) lại không đi với nhau được như những gì đã hợp tác với nhau trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù sự hợp tác lúc đó quy mô còn rất nhỏ, nhưng đẹp và chân thành! Số phận nào đã đưa hai thực thể này đối địch nhau trong một thời gian quá dài và đau khổ đến vậy! Tôi nói rằng, Hồ Chí Minh dẫn ý Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (và cả Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp nữa) vào trong bản Tuyên ngôn Độc lậpcủa Việt Nam là có ý rất chân thành. Sự chân thành đó, những ý tưởng đẹp, thì ra là, dù có phải kinh qua những cuộc bể dâu vật đổi sao dời, máu chảy đầu rơi, thì rồi cuối cùng cũng phải đi đến kết quả đẹp. Chẳng phải là Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay đang có quan hệ toàn diện đấy ư! Hai dân tộc đang tiếp tục nhân lên những điều tốt đẹp xưa mà Hồ Chí Minh đã khơi mào từ năm 1945 dựng nước Việt Nam mới.

 

 

Phan Văn Thắng:Giáo sư đánh giá như thế nào về tình hình chính trị Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước Ngày toàn quốc kháng chiến?

 

GS Mạch Quang Thắng:Thời gian này là thời gian vô cùng đặc biệt của nền chính trị Việt Nam. Ở chỗ: (1) Thể chế chính trị của đất nước, một thể chế hoàn toàn mới trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, ra đời nhưng chưa được nước nào công nhận; (2) Giặc ngoài thù trong tìm mọi cách xóa bỏ nền chính trị mới; (3) Cá nhân Hồ Chí Minh và tổ chức lãnh đạo của thể chế chính trị mới chưa có kinh nghiệm gì về quản trị chế độ chính trị ấy, v.v. Phải lập chính phủ nhiều đảng phái, trong đó có cả những đảng đối lập. Phải xử lý quan hệ với quân do quốc tế cử đến với danh nghĩa là giải giáp quân đội Nhật (bắc vĩ tuyến 16 do quân Trung Hoa dân quốc đảm nhiệm, nam vĩ tuyến 16 do quân Anh đảm nhiệm). Phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ ở khoảng 95% dân số. Phải giải quyết việc chống lại các tổ chức và phần tử chống phá chính quyền (Hồ Chí Minh đều gọi đó là “giặc”). Nói gọn lại là chế độ chính trị mới của Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, nhiều rủi ro, và theo cách nói như nhiều người thì là chế độ chính trị đó đứng trước tình thế “ngàn năm treo sợi tóc”.

 

Phan Văn Thắng:Giáosư đánh giá như thế nào về vai trò của Trung Hoa dân quốc/Tưởng Giới Thạch đối với chính trị Việt Nam thời kỳ 1945 – 1946?

 

GS Mạch Quang Thắng:Như trên tôi đã nói, quân của Trung Hoa dân quốc vào Việt Nam lúc này là theo sự phân công của quốc tế tại Hội nghị Pôxđam. Họ vào để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật thua trận, lúc này quân Nhật có số quân đóng ở Đông Dương là khoảng 90 ngàn người với vũ khí còn nguyên vẹn. Nhưng, sự thật thì phức tạp hơn cái nhiệm vụ đó. Vì, theo sau quân của Trung Hoa dân quốc là những người Việt Nam thuộc các tổ chức đối lập với cộng sản Việt Nam, vốn đang sống lưu vong ở Trung Quốc, về nước để tranh quyền lãnh đạo, hoặc như nhiều tài liệu viết là “Âm mưu diệt cộng cầm Hồ”.

Như vậy là, quân của Trung Hoa dân quốc vừa thực hiện nhiệm vụ của quốc tế, lại vừa giúp các lực lượng đối lập với cộng sản tranh giành quyền lãnh đạo đất nước. Đây là điều trái ngược với xu thế phát triển của tình hình cách mạng Việt Nam và là điều không hợp lòng dân Việt Nam. Các lực lượng đối lập đó chỉ là cái đuôi của quân Trung Hoa dân quốc. Thế nên, khi quân Trung Hoa dân quốc rút về nước thì các lực lượng người Việt Nam đối lập với cộng sản cũng chạy theo. Phận nào lại trở về với phận ấy.

Trung Hoa dân quốc thời kỳ 1945-1946 có làm khó cho chế độ chính trị mới của Việt Nam, nhưng nền chính trị Việt Nam thời kỳ này đã vượt qua cái khó đó một cách ngoạn mục.

 

Phan Văn Thắng:Trở lại một câu hỏi không mới. Tại sao trước ngày toàn quốc kháng chiến, tình hình chính trị Việt Nam rối ren, ngoại bang đứng sau xúi giục các đảng phái chính trị, phá vỡ mối đoàn kết dân tộc. Nền chính trị Việt Nam bị phân chia theo nhiều hướng/mục đích khác nhau. Thế nhưng, Hồ Chí Minh lại có khả năng tập hợp được lực lượng cho kháng chiến, nhất là tập hợp được rất nhiều trí thức, học sinh, sinh viên đi theo Việt Minh mặc dù từ đầu có thể rất nhiều người trong số họ có quan điểm chính trị chưa hoặc không thống nhất với Đảng Cộng sản, với Việt Minh?

 

GS Mạch Quang Thắng:Cái thú vị của lịch sử là ở chỗ đó. Điều thú vị khi nghiên cứu nhân vật Hồ Chí Minh trong lịch sử hiện đại Việt Nam cũng là ở chỗ đó. Càng rối ren thì lại càng tỏ rõ bản lĩnh cũng như cái tâm lành, cái tầm cao của Hồ Chí Minh. Ông đã nhìn thấy cái “mẫu số chung”như tôi nói ở trên. Ông biết cách hướng véctơ lực vào phục vụ cho mục tiêu. Ông, với trách nhiệm cá nhân lúc này, chịu đứng ra làm ngọn cờ quy tụ. Không ít người vốn là quan lại của chế độ cũ, những trí thức nặng lòng với non sông nhưng ghét hoặc không thích cộng sản, và cũng biết rõ Hồ Chí Minh chính là người cộng sản, cộng sản mười mươi, biết là thế rồi nhưng vẫn đi cùng. Bởi vì, họ thấy ở Hồ Chí Minh cái chất dân tộc ẩn và quyện ở đó. Họ tận mắt thấy Hồ Chí Minh nói và làm theo đúng những người theo chủ nghĩa dân tộc. Mà ai cấm những người cộng sản có cái chất dân tộc trong người chứ! Mấy ông Quốc tế có lúc cũng đã bảo là đảng cộng sản phải nắm lấy ngọn cờ dân tộc mà đi lên đó thôi!

Thế cho nên, lạ mà không lạ, tôi thấy những Cựu hoàng Bảo Đại chịu nhận làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; những thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố; những trí thức, đại trí thức của chế độ cũ không phải là cộng sản làm bộ trưởng của Chính phủ năm 1946như Chủ bút báo Tiếng dân-Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng(Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Bộ Y tế), Vũ Đình Hòe (Bộ Tư pháp), Ngô Tấn Nhơn (Bộ Canh nông), Chu Bá Phượng (Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật (Bộ Không bộ)…Hàng loạt những người không cộng sản lúc đầu còn ngỡ ngàng pha chút mặc cảm nhưng rồi đều vui vẻ đi theo Hồ Chí Minh và nhận nhiệm vụ phục vụ đất nước thông qua thể chế chính trị mới. Lạ là sau Hồ Chí Minh thì lịch sử Việt Nam không thấy như thế nữa. Đó quả là điều đáng tiếc.

 

Phan Văn Thắng:Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của trí thức Việt Nam trong cuộc vận động lịch sử của dân tộc thời kỳ  1945 – 1954 khi mà lúc đó trong nhận thức chung thì Công Nông vẫn là nòng cốt, là nền tảng của cách mạng?

 

GS Mạch Quang Thắng:Trong thời kỳ 1945-1954, trí thức Việt Nam có vai trò nổi trội so với các thời kỳ khác. Nổi trội vì Hồ Chí Minh là người hiểu rất rõ vai trò của họ và biết cách dùng họ. Lịch sử Việt Nam từ đó trở đi đã có nhiều biến động. Nhưng, thời kỳ này tôi cho là để lại nhiều dấu ấn nhất cho sự coi trọng trong thực tế vai trò của trí thức.Họ thật xứng đáng với sự tin tưởng của Hồ Chí Minh. Công nông là nòng cốt, là nền tảng. Chẳng sai. Nhưng, trí thức cũng quan trọng lắm. Nhiều nước hiện nay xếp tầng lớp/đội ngũ trí thức vào đội ngũ công nhân hiện đại. Nhiều người còn xếp cả doanh nhân vào đội ngũ trí thức. Cái chính là Hồ Chí Minh không chỉ nói mà chính là ở làm. Đã đánh giá cao vai trò của họ thì tạo mọi điều kiện cho họ thể hiện vai trò của họ, chứ không phải là nói suông.

 

Phan Văn Thắng:Toàn quốc kiên quyết kháng chiến và đã giành chiến thắng. Bài học nào cho Việt Nam hôm nay, thưa GS?

 

GS Mạch Quang Thắng:Khi nêu lên bài học cho hôm nay, mỗi người có thể đứng ở góc độ của mình mà nêu. Tôi thì muốn nhấn mạnh vào hai điều:

(1) Phải đoàn kết toàn dân tộc. Bài học này nghe có vẻ cũ mèm! Cũ nhưng mà vẫn có giá trị rất lớn. Muốn đoàn kết thì phải vì lợi ích chung, chứ không phải vì lợi ích của một nhóm nào đó. Muốn đoàn kết thì phải có lãnh tụ ra lãnh tụ, phải vừa có tâm lành vừa có tầm cao trí tuệ (trí tuệ không đồng nhất với bằng cấp. Bản thân Hồ Chí Minh có bằng cấp gì đâu), phải làm cái gương sáng, làm người đi tiên phong, nói đi liền với làm. Chứ lãnh tụ mà lèm nhèm thì đâu có tập hợp được toàn dân tộc, có chăng chỉ có tập hợp được những kẻ nịnh bợ, ăn cánh thôi, rồi tìm người nhà đưa vào bộ máy hơn là tìm người tài! Lãnh tụ đó phải có bản lĩnh như Hồ Chí Minh, chẳng hạn như trong vấn đề nhìn nhận và sử dụng nhân sự, bây giờ thường gọi là công tác cán bộ. Làm công tác cán bộ như Hồ Chí Minh thời kỳ chống Pháp so với bây giờ là đều sai quy trình hết. Nhưng, lạ thay: cái gọi là sai quy trình đó dẫn đến đáp số đúng, mà cái gọi là đúng quy trình như hiện nay thì nhiều trường hợp đáp số sai.

(2) Phải xử lý thật tốt vấn đề quan hệ quốc tế. Nổi bật nhất là phải độc lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Ở đây có mấy cái mốc.

Một là, mốc tháng 1-1950 khi Hồ Chí Minh đi thăm Cộng hòa Nhân dânTrung Hoa và Liên Xô. Sau chuyến đi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được sự công nhận, sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và một loạt nước xã hội chủ nghĩa. Trước đó, mặc dù tuyên bố với thế giới là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và lập ra 3 văn phòng để liên lạc với quốc tế (Băng Cốc-Thái Lan; Yăng gun-Miến Điện; Praha-Tiệp Khắc) cộng với sự liên lạc với Đại sứ Liên Xô tại Pháp, nhưng đều không có kết quả gì. Do có sự công nhận, giúp đỡ đó cho nên cuộc kháng chiến của Việt Nam mới bước sang một giai đoạn mới, thuận lợi hơn, khắc phục cái thế “châu chấu đá voi” đã hơn 3 năm (cuối năm 1946 đến đầu năm 1950). Nhưng sự đời đâu có đơn giản. Được cái này thì mất cái khác. Được là được sự ủng hộ quốc tế, mất là mất độc lập, tự chủ một phần nào. Do vậy, mới sinh ra cải cách ruộng đất sau đó với rất nhiều sai lầm. Và, cũng từ đó, Việt Nam bập vào mô hình Xô viết- một mô hình không phù hợp dẫn đến sụp đổ trong những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Hai là, cái mốc ở Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông  Dương. Việt Nam chịu nhiều sức ép và không vượt qua nổi, trong đó phải kể đến sức ép từ Liên Xô và Trung Quốc.

Với hai sự kiện điển hình này, thì tôi thấy ngay cả Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, tôi có thể nói rằng, bản lĩnh cao cường của Hồ Chí Minh vốn có trong những năm 1945-1946 thì ở những năm tháng kháng chiến từ tháng 1-1950 đến tháng 7-1954 bị bào mòn đi đáng kể.Hình như đó là số phận của dân tộc Việt Nam và của chính bản thân Hồ Chí Minh.

Mục tiêu, cái đích cuối cùng thì chỉ có một. Nhưng con đường thì có nhiều. Hãy kiên định mục tiêu, nhưng phải đi bằng những con đường phù hợp. Chớ có giáo điều, chớ có cứng nhắc, chớ phụ thuộc vào ai.

Bài học rút ra từ lịch sử là để cho hôm nay và cho mai sau. Phải chăng đó là hai bài học mà tôi cho là rất bổ ích. Chúng ta thế hệ hôm nay không sửa được quá khứ, nhưng có thể tác động được cho tương lai tốt đẹp hơn.

 

Phan Văn Thắng:Cảm ơn GS về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng lịch sử sẽ đem lại cho hôm nay những bài học thiết thực nhất.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445623

Hôm nay

2123

Hôm qua

2237

Tuần này

21232

Tháng này

211882

Tháng qua

120141

Tất cả

114445623