Khách mời văn hóa

PGS.TS Phạm Quang Long:“Mong Đảng và Nhà nước ta sớm thay đổi cơ chế để lành mạnh hóa xã hội”

Lời tòa soạn: PGS.TS Pham Quang Long, nguyên Hiệu trưởng đại học KHXH &NV Hà Nội, nguyên phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội. Nhân dịp ông vừa xuất bản tiểu thuyết LẠC GIỮA CÕI NGƯỜI, VHNA đã có cuộc trao đổi với ông về sách và… đời.

Nguyễn Vĩ:Nhân vật chính của ông, làm đến Giám đốc Sở của một tỉnh lớn, sao thấy cực nhọc khốn khổ đến vậy? Mà toàn chuyện khổ tâm nhọc lòng?

PGS.TS Pham Quang Long: Đã từ lâu tôi đã ngờ ngợ rằng cơ chế xã hội ta đang có nhiều trục trặc. Giữa những quy định, nguyên tắc, lề lối, những hô hào về mặt đạo đức của cả hệ thống với thực tế đang diễn ra có độ vênh lệch rất lớn. Tôi đã tìm hiểu nhưng chưa có đủ thông tin và cũng không giải thích được vì sao lại có tình trạng ấy. May mắn là khi tham gia vào bộ máy công quyền (tôi cứ nghĩ thế, chả biết đúng hay sai), tôi mới giật mình khi biết rằng những cảm nhận của mình không sai mà trong thực tế nó còn nặng nề hơn nhiều, thậm chí trầm trọng. May mắn cho tôi là trong đời mình, tôi đã “phiêu dạt” qua ba, bốn đơn vị công tác, ở những môi trường khác nhau nên hiểu được điều này. Tôi nghiệm ra rằng, trong nhà trường, chỉ quẩn quanh trong những việc dạy và đọc sách, giao tiếp với đồng nghiệp và sinh viên, tôi ít hiểu cuộc sống xung quanh sôi động thế nào, ở bên ngoài nhà trường sự cạnh tranh và các quan hệ xã hội khác thế nào. Nói gọn là thế này: ở trường, logic công việc là quan trọng số một, duy nhất mà mọi người đều phải hướng đến, dù ý kiến, quan niệm khác nhau, thậm chí thích hay không thích cũng thế. Nhưng ở bên ngoài, cái logic ấy chỉ là một mặt của cuộc sống, thậm chí nó không phải là quan trọng nhất. Còn có logic quan hệ, logic lợi ích chi phối mọi hành vi khác, quyết liệt và ghê gớm hơn; nhiều khi logic công việc bị logic quan hệ, logic lợi ích “đè bẹp”. Tỉ như mình đang định làm một cái gì đó theo đúng chức trách, nhiệm vụ nhưng có một cú điện thoại nào từ đâu gọi đến bắt dừng lại. Định không tuân thủ vì các lý do này khác ư? Không có điều ấy. Còn vì sao ư? Chả có lý do nào khác ngoài việc phải dừng lại. Nếu không dừng lại anh sẽ bị khó khăn trong việc khác, thậm chí bị văng ra ngoài. Chỉ thị bằng miệng nên không có gì để lại làm bằng nếu sau này việc ấy bị phê bình, thậm chí bị xử lý vì sai. Nhiều lần, tôi được giao phải phối hợp với nhiều đơn vị khác để giải quyết những công việc chung. Việc giao thì rõ ràng thế. Nhưng khi phối hợp với đơn vị khác thì cứ ông chẳng, bà chuộc. Không phải người ta không biết họ cần phải làm gì, thậm chí còn biết rõ là khác. Vấn đề là làm thế họ được cái gì và mất cái gì? Vậy nên anh nào được giao chủ trì một việc nào đó mà lại liên quan đến nhiều đơn vị khác là rất khổ, cứ phải đi xin xỏ, lạy van người ta giúp đỡ. Việc công mà cứ như việc riêng vì cơ chế phối hợp không có ai giám sát và có chế tài bắt phải phối hợp, nó là cơ chế “thiện chí”. Đã thiện chí thì thích, người ta làm, không thích, cũng chả ai bắt vạ được. Cho nên “hòa cả làng”. Còn nhiều lý do khác nữa để phải khổ sở, nhọc lòng vì những chuyện không đáng thế nhưng chỉ đơn cử vài việc thế thôi là đã thấy cái cơ chế hiện nay nó hổng thế nào. Rất khó làm việc. Thế là nhà báo hiểu vì sao nhân vật của tôi khốn khổ rồi chứ?

Còn khổ tâm nhọc lòng? Là con người, không nghĩ ngợi sao được? Nhân vật của tôi là người đọc sách, là người biết phải trái, nên hay không nên, còn biết thương đời, thương người. Vậy thì chuyện khổ tâm, nhọc lòng là lẽ tất nhiên. “Đọc sách thì theo đòi nghĩa sách”, tiền nhân dạy thế, đạo đức ông bà dạy thế, nhà trường dạy thế, mong muốn làm người tử tế thôi thúc thế mà toàn gặp chuyện ngược lại thì phải nhọc lòng thôi.

Nguyễn Vĩ:Tôi đọc thiên “Ngư phủ”trong cổ văn, nhân vật Lão chàitranh biện với Khuất Nguyênmà dạy rằng: “Thánh nhân không câu nệ, tùy đời mà biến thông…Nước Thương Lang trong a, thì thì ta giặt mũ; nước Thương Lang đục a, thì ta rửa chân”.Sông thì có lúc trong lúc đục, sao nhân vật “tôi” của ông cứ khăng khăng muốn sông đục thành sông trong vậy?

 

PGS.TS Pham Quang Long: Có thể nhân vật của tôi đi ngược đường, sống lạc thời chăng? Nhìn từ một phía nào đó có thể như vậy. Nhưng nhìn từ phía khác thì nó đang đi đúng đường. Chỉ khổ cho nó là nó cứ gàn dở như thế chống lại những gì trái với đạo lý mà nó cho là đúng, không cần theo đám đông. Tôi cho là nó có dũng, có trí, có nhân đấy. Hay ít nhất nó hiểu thế nào là người tử tế, là cần phải sống tử tế. Nó hiểu được nước trong thì giặt mũ, nước đục thì rửa chân. Nước bẩn thì dù cái mũ có giặt cũng vẫn là mũ bẩn. Cái mũ đội lên đầu không đơn giản chỉ là cái mũ, nó là gương mặt, là danh dự. Chả ai muốn mặt mũi mình nhem nhuốc, ngay cả những kẻ tâm hồn rất nhem nhuốc nhưng cũng cố giữ cho một gương mặt không bẩn thỉu. Chúng ngụy trang, che giấu cái xấu xa của chúng thôi. Nhân vật của tôi dường như cố chấp? Không phải thế. Nó vật vã, đau đớn lắm chứ, cũng nhiều lúc vì lợi lộc, mỏi mệt, ngã lòng cũng muốn đầu hàng nhưng nó hiểu: tặc lưỡi gục ngã một lần thì dễ buông xuôi lắm nhất là người ta đang muốn nó như vậy để nó hòa vào với đám đông, đừng như một thứ đối lập đáng ghét. Nhân vật của tôi không cố sống để nêu gương, nó chỉ cố sống bình thường. Vì bây giờ nhiều cái bất thường quá nên cái bình thường trở thành cái khác biệt trong mắt nhiều người. Cái nguy của ngày hôm nay là ở chỗ đó. Tôi muốn cảnh báo người đời ở chỗ đó.

Sông có lúc đục, lúc trong. Lúc đục là lúc bất thường. Lúc trong là lúc bình thường. Đục làm việc đục, trong làm việc trong. Đó là chuyện tự nhiên. Nước đục vẫn tưới cho mùa màng được. Những chỉ thế thôi. Dòng sông như tâm hồn con người vậy. Đừng để vẩn đục. Nhân vật của tôi cũng phải vật vã để vượt lên chính nó. Vì nó cũng là một con người bình thường, cố sống một cuộc sống bình thường mà nhiều khi cũng rơi vào khủng hoảng, bi kịch vì những chuyện không đáng có thì đau khổ ấy không hề nhỏ. Nó đã hèn đi, đã sợ hãi, đã tha hóa, đã khóc trong mơ vì người đời…Nó phải trả giá thế là quá đủ cho một kiếp người.

Nguyễn Vĩ:Trong tiểu thuyết Lạc giữa cõi người, có bao nhiêu phần trăm là tự truyện của ông nguyên Giám đốc Sở vậy?

PGS.TS Pham Quang Long: Tôi không viết tự truyện mà viết tiểu thuyết. Tất nhiên có người sẽ nhận thấy trong nhân vật có phần nào từ nguyên mẫu. Nhiều sự việc không phải chỉ thấp thoáng ở nguyên mẫu nhân vật Hưng mà còn có ở nhiều nhân vật khác. Tiểu thuyết thì cũng từ đời sống mà ra. Tôi nhận thấy trong những chuyện của sở, những việc của nhiều nhân vật như những gợi ý về cốt truyện, vấn đề cho tôi nêu một vấn đề có tính khái quát hơn: cơ chế là nền tảng hình thành nên các quan hệ xã hội, tạo ra các giá trị và đạo đức xã hội; cơ chế ấy có nhiều điều bất cập; nó đang bị lợi dụng, nó là chỗ dựa cho những người cùng hội cùng thuyền kết bè kéo cánhthành những liên minh lợi dụng cơ chế để làm lợi cho họ nhưng lại làm tan rã quan hệ xã hội giữa người với người, làm băng hoại con người, là mầm mống tạo nên những tiêu cực đang làm cho xã hội bất an. Tôi mong Đảng và Nhà nước ta sớm thay đổi cơ chế để lành mạnh hóa xã hội.

Tôi có lấy một ít chuyện từ nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chính và nhiều nhân vật khác nữa. Điều đó đúng. Nhưng nhân vật chính không phải là tôi ngoài đời. Vì đời tôi nhạt lắm, chả đủ chất liệu để tôi viết thành sách. Tôi đã nói từ đầu là tôi viết tiểu thuyết chứ không viết hồi ký hay tự truyện. Còn trong nhân vật chính có bao nhiêu phần trăm từ cuộc đời thì khó nói lắm. Ai có biết tôi, sẽ nhận ra tôi thấp thoáng đâu đó trong sách. Có điều ấy là do đặc trưng của văn chương chứ không phải vì lý do gì khác.Nhưng, tôi hài lòng khi một lãnh đạo của tôi, cũng là nguyên mẫu cho một nhân vật, sau khi đọc sách đã bảo: “ông viết rất thật”. Còn một người khác rất rành những chuyện của sở thì nhận xét: “ anh không bịa tí nào. Nhiều chuyện tôi đã quên, đọc sách của anh lại nhớ ra, ngồi nghĩ lại, lại thấy rõ mồn một”. Ở chỗ này tôi cho rằng mình đã chọn và đưa được vào sách những cái như thật chứ chả phải chuyện có thật đâu. Vì ngay cả chuyện mình nói với vợ tuần trước, tuần sau đã chả còn nhớ gì nữa là. Chuyện không đáng nhớ như việc công, xảy ra hàng chục năm, ai mà nhớ được là đúng hay sai?

Nguyễn Vĩ: Nghề y có y đức, nghề giáo có giáo đức. Ông nghĩ gì về quan đức ngày nay?

PGS.TS Pham Quang Long Tôi chỉ là loại “quan tầm tầm”, lại ở cơ sở, ít giao du, chả dám nói về vấn đề lớn thế. Nhưng từ trải nghiệm của mình, tôi cho rằng chữ “quan đức” mà nhà báo nói đến đang bị xuống cấp nghiêm trọng; đến mức làm cho xã hội lo lắng. Những chuyện bổ nhiệm người nhà chứ không bổ nhiệm người tài, chọn ê kip làm việc theo hướng chọn người cùng cánh, biết nghe lời chứ không chọn người giỏi…mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cảnh báo không còn là chuyện cá biệt. Nguyên nhân do đâu? Do cơ chế. Phải thay đổi cơ chế để diệt tận gốc căn bệnh này. Chỉ có dân chủ thực sự, công bằng thực sự, thượng tôn pháp luật thực sự mới xóa được những căn bệnh trên để các công chức nhà nước thực sự trở thành những người điều hành đất nước theo pháp luật, vì lợi ích quốc gia,

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445683

Hôm nay

2183

Hôm qua

2237

Tuần này

21292

Tháng này

211942

Tháng qua

120141

Tất cả

114445683