Khách mời văn hóa

GS.TS. Hồ Sĩ Quý: Nhìn thấy nỗi đau thực của mình, con người sẽ hạnh phúc hơn thay vì giấu diếm để thêm lo lắng.

PV: Hôm nay, ngày 20/3 - ngày Quốc tế về Hạnh phúc, vậy theo ông, hạnh phúc trong con mắt người Việt chúng ta hiện nay như thế nào?

GS. TS Hồ Sĩ Quý: Do mới bắt tay vào nghiên cứu khoảng hai năm gần đây, nên tất cả những nghiên cứu đánh giá xem người VN suy nghĩ thế nào về hạnh phúc đến giờ vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Vậy nên nói gì về hạnh phúc của người Việt hiện nay thì cơ bản vẫn là cảm tính. Có rất nhiều ý kiến khác nhau quanh việc quan niệm về hạnh phúc của người VN.

Không nhiều người đánh giá tích cực về mức độ hạnh phúc của người VN hiện nay. Những vấn đề nan giải diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội, những căng thẳng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, những tiêu cực hàng ngày trong đời sống, những bất hạnh cụ thể mà một số người đã trải qua… đã ảnh hưởng lớn đến quan niệm chung của người VN về hạnh phúc. Nhưng lại có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá chỉ số hạnh phúc của người VN cao hoặc rất cao.

PV: Hạnh phúc của người Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là cao hoặc rất cao?

GS.TS. Hồ Sĩ Quý:

Theo đánh giá của NEF (New Economics Foundation, Anh) về chỉ số hạnh phúc hành tinh - HPI (Happy Planet Index) thì 2006 VN đứng thứ 12 trên 178 nước, trên cả Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ ... Năm 2012 còn đứng thứ 2, năm 2016 đứng thứ 5 về chỉ số hạnh phúc so với các nước khác. Với Hiệp hội điều tra và nghiên cứu thị trường (Win/Gallup International) thuộc WB thì Việt Nam 2016 cũng là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%, chỉ sau Fiji, Trung Quốc và Philippines. Những đánh giá quá cao này không làm cho người Việt vui mừng, ngược lại còn gây hoài nghi, hoang mang.

Có lẽ hợp lý hơn cả là Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của Sustainable Development Solutions Network thuộc LHQ phối hợp với các trường ĐH British Columbia, ĐH Columbia... thực hiện. Theo báo cáo này, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 75 trên 157 nước. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 96. Hôm nay, ngày Quốc tế về hạnh phúc 20/3, WHR 2017 sẽ được công bố. Nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có thông tin. Chúng ta chờ xem vị trí của VN năm nay sẽ ở mức nào trong bản đồ hạnh phúc thế giới.

Nói chung nhiều tổ chức quốc tế, do nhiều nguyên nhân, có thể đã đo đạc chỉ số hạnh phúc của VN không thật chính xác. Nhưng vẫn nên tham khảo.

Dư luận xã hội ở ta hiện nay thường nghĩ rằng chỉ số hạnh phúc của người Việt hiện thời kém hoặc rất kém. Với tôi thì tâm lý đó cũng có căn nguyên của nó. Rõ ràng hiện nay rất nhiều người không bằng lòng với thực tế đời sống (chỉ có số rất ít bằng lòng với cuộc sống của họ, chứ không phải với trật tự toàn xã hội), nhưng những người nghĩ mình bất hạnh có lẽ cũng không nhiều, chỉ là những trường hợp cụ thể.

Với đời sống kinh tế, ít người nghĩ rằng ngày mai sẽ tệ hơn hôm nay. Người ta không bằng lòng với hiện thực, chủ yếu là mong muốn, đáng ra phải tốt hơn. Nhìn chung, theo tôi, quan niệm của người Việt về hạnh phúc, ở tất cả các tầng lớp, kể cả người thành đạt và không thành đạt, người giàu và người nghèo… đều có cái nhìn tương đối thực tế. Nếu nói là thực dụng thì cũng chưa chắc đã sai. Khấn vái khắp nơi nhưng không quá tin vào thánh thần. Nhét tiền vào miệng tượng Phật, nhưng chỉ là tiền lẻ. Hiểu rõ giá trị tinh thần nhưng vẫn không quên kinh tế, tiền bạc. Háo danh nhưng vẫn chỉ coi danh là công cụ, là phương tiện, thậm chí cũng chỉ để làm vui vậy, chứ vẫn không lẫn danh với thực.

Vì vậy, có thể hiểu tại sao người ta lại hoài nghi những đánh giá quá cao về chỉ số hạnh phúc của VN. Người VN lo lắng không biết đến bao giờ mình mới bằng nước này, nước kia là chuyện có thật. Nhưng người VN nhìn nhận cuộc sống của mình tốt hơn quá khứ cũng là chuyện có thật. Hai sự thật này có trong đầu tất cả mọi người, nên tâm trạng về hạnh phúc lúc lạc quan lúc bi quan… thì cũng chẳng có gì đáng ngờ.

PV: Vậy theo ông, có giải pháp gì để Việt Nam chúng ta dần nâng cao chỉ số hạnh phúc?

GS.TS. Hồ Sĩ Quý:

Để trực tiếp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người VN, ở tầm vĩ mô, giải pháp cần có nhất vào lúc này, theo tôi, là phải đẩy mạnh công khai, minh bạch và dân chủ trên tất cả các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội.

Tôi nghĩ rằng tất cả những gì không thuộc bí mật quốc gia thì cần thiết phải công khai, minh bạch trước người dân, kể cả sự yếu kém về kinh tế, sự phụ thuộc về nguồn lực, tình trạng nợ công, mức độ bẩn của môi trường, những khó khăn về thực thi chủ quyền biển đảo, v.v… để toàn dân hiểu được tình hình, được góp ý, được tham dự cùng với các nhà quản lý.

Nếu tất cả những thuận lợi, khó khăn, thậm chí yếu kém… của đất nước được dân thấu hiểu một cách minh bạch, thì chắc chẳng cần giàu có như Singapore hay Nhật Bản người dân cũng thấy dễ chịu, hạnh phúc.

Công khai, minh bạch và dân chủ để toàn dân có thể nhìn nhận đúng thực trạng của đất nước hiện nay - điều ấy tốt cho xã hội, tốt cho công tác quản lý. Nhìn thấy nỗi đau thực của mình, con người sẽ hạnh phúc hơn thay vì giấu diếm để thêm lo lắng.

PV: Cám ơn ông!

GS.TS. Hồ Sĩ Quý:

Cám ơn, Gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới bạn đọc nhân ngày Quốc tế về Hạnh phúc. Chúc mọi người, mọi nhà Hạnh phúc!

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528775

Hôm nay

2156

Hôm qua

2275

Tuần này

21048

Tháng này

215471

Tháng qua

0

Tất cả

114528775