Trường hợp của anh Hùng cũng tương tự. Vợ sinh liền một mạch 3 thằng con trai trong 6 năm, đồng lương công nhân của anh với việc làm nông của vợ để nuôi mấy đứa con hàng ngày đã gặp nhiều khó khăn. Khi họ Nguyễn xây dựng nghĩa địa và kêu gọi con cháu đóng góp lên đến 4 triệu đồng/đinh. Phải đóng 20 triệu cho 5 đinh gồm 4 cha con anh và bố anh, là một số tiền không nhỏ đối với gia đình anh. May mắn cho Hùng là có một ông cậu làm ăn giàu có, khi bà ngoại còn sống thì mẹ con Hùng chăm lo nên cậu cho khoản tiền để Hùng đóng góp. Nhưng kể từ đó, mỗi khi Hùng làm phật ý cậu thì cậu lại đem chuyện này ra la mắng anh khiến tình cảm rạn vỡ dần. Không chỉ quan hệ hai cậu cháu mà quan hệ hai gia đình cũng không được đầm ấm khi bố mẹ Hùng thì mặc cảm vì nghĩ do mình nghèo mà em nó khinh, còn gia đình cậu Hùng thì nghĩ gia đình Hùng không biết điều...
Nghĩa trang lớn nhất của xã Thanh Yên là rú Ó. Trên diện tích khoảng hơn chục hecta đất đồi nhưng có hàng chục nghĩa trang của các dòng họ. Hơn hai mươi năm về trước, các nghĩa trang ở đây không có ranh giới ngăn cách dù các ngôi mộ vẫn được chôn tập trung theo lề lối của dòng họ. Người ta đánh dấu các ngôi mộ người thân bằng các tảng đá hay các cây cối. Hiện tại, hầu hết các dòng họ đều xây dựng bờ rào kiên cố bao quanh khu mộ của họ mình. Các ngôi mộ trước đây chỉ đắp đất nhưng giờ được xây và ốp gạch, đá. Việc xây dựng nghĩa trang của các dòng họ khá tốn kém. Để xây dựng nghĩa trang, các dòng họ chi ít nhất thì cũng cả trăm triệu, có họ lên đến bốn năm trăm triệu. Với một xã nghèo như Thanh Yên, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, ít có nghề phụ thì những khoản đóng góp lên đến hơn chục triệu với các gia đình là một câu chuyện khó. Cũng vì vậy mà những việc này luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất hòa trong các quan hệ gia đình, dòng họ và xã hội.
Nguyên nhân cụ thể thì có nhiều nhưng chủ yếu là sự không đồng đều về đóng góp tài chính giữa các cá nhân, các gia đình. Thứ hai là không thống nhất về quy hoạch, quy mô, hình thức trong quá trình xây dựng nghĩa trang. Ở họ Bùi đã xả ra tranh cãi vì khi xây dựng nghĩa trang một số gia đình chỉ xây cho các ngôi mộ cho ông bà, cố can của mình còn mộ của các thế hệ trước thì bỏ mặc. Rồi có khi con xây mộ bố thật to nhưng các ngôi mộ của ông, bà, cố, can thì chưa xây... Nhiều cuộc họp bàn mà không thể thống nhất được một quy hoạch chung về kích thức các ngôi mộ nên kết quả là nhiều năm nghĩa trang vẫn ngổn ngang, ngôi xây ngôi chưa... Thứ ba là tranh chấp đất đai giữa các dòng họ ở cạnh nhau. Do chưa có sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền nên tranh chấp giữa các dòng họ ngày càng gay gắt. Các dòng họ đều muốn nới rộng khu nghĩa trang của mình và tất nhiên sẽ chạm vào phạm vi của họ khác. Hiện tại, xung đột này chưa đến mức bạo động chảy máu nhưng nó tiềm ẩn những nguy cơ xung đột lớn hơn trong tương lai. Và cuối cùng là việc tranh giành các ngôi mộ giữa các dòng họ. Đi xem thầy địa lý về nói có 3 ngôi mộ của họ nằm trong nghĩa trang họ Bùi, con cháu họ Nguyễn liền lên xây rào ba ngôi này và lập bia thờ. Con cháu họ Bùi biết, bèn lên đập hết các bia này vì cho rằng các ngôi mô này bao đời nay do họ Bùi gìn giữ và hương khói. Chẳng biết dưới các ngôi mộ là ai nhưng sau nhiều lần tranh cãi như vậy thì hai họ đều chấp nhận là họ Nguyễn không được dựng bia nhưng có thể vào thắp hương bình thường.
Việc xây dựng nghĩa trang của các dòng họ là một nhu cầu tâm linh – đạo đức chính đáng của người dân. Với quan niệm “trần sao thì âm vậy”, khi đời sống kinh tế phát triển hơn, hậu duệ cũng muốn làm cho những người đã khuất có mồ mả khang trang hơn để được phù hộ nhiều hơn. Họ quan niệm nghĩa trang cũng là một biểu hiện cho tiềm lực của dòng họ. Nhìn vào nghĩa địa mà người ta suy đoán về dòng họ đó giàu hay nghèo, mạnh hay yếu. Giữa các nhóm người khác nhau thì suy nghĩ về việc xây dựng nghĩa trang cũng khác. Những người kinh tế khó khăn, những người làm nghề nông ở quê thì muốn mọi sự vừa phải nhưng những người đi xa quê làm ăn khấm khá thì muốn đóng góp, xây dựng nghĩa trang to đẹp, khang trang.
Với tâm lý sĩ diện tiểu nông nhiều khi việc xây nghĩa trang trở thành cuộc đua giữa các dòng họ. Họ nào xây sau cũng cố làm to đẹp, tốn kém hơn họ xây trước. Điều đó khiến cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lâm vào thiếu thốn, và tạo nên các mối bất hòa. Điều đó cho thấy việc xây dựng nghĩa trang không chỉ là một sự tương tác giữa người sống với người chết mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột giữa những người sống.
Cho đến hiện nay việc xây đắp mồ mả, nghĩa trang của dòng họ là không thể bỏ. Đó là nhu cầu về tâm linh, là truyền thống văn hóa - đạo đức. Nhưng hệ lụy từ việc này là có thật. Giải quyết vấn đề này cho hài hòa là một việc không hề dễ. Thiết nghĩ, cần phải tiếp tục vận động để mọi người nhận thức ra ý nghĩa đích thực của công việc nghĩa tình này; đừng quá chú tâm đến việc vật chất hóa hành vi văn hóa - tâm linhgiá trị tinh thần tâm linh, đừng vì sĩ diện hão mà cố công, cố sức “chạy đua” xây dựng mỗ mả, nghĩa trang để dẫn đến các khó khăn và bất hòa không đáng có. Đồng thời, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, nhất là đất đai, quy hoạch các nghĩa trang./.