Cuộc sống quanh ta

Kiểm soát quyền lực nhà nước: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Kiểm soát quyền lực là vấn đề được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, là nội dung đã được nhắc đến trong các hội nghị trung ương của Đảng. Nhưng kiểm soát quyền lực bằng cách nào? Đâu là giải pháp hiệu quả và cần tiến hành giải pháp đó ra sao là vấn đề cần được phân tích trong bài viết này.

--------------------------------------------------------------

Chúng ta thừa nhận những chân lý tự nhiên rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng tạo hoá trao cho họ những quyền không thể tước đoạt, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền  mưu cầu hạnh phúc.

 Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lợi chính đáng trên cơ sở nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể thức sao cho có hiệu quả  tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.

                      Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ, 1776

1/ Kiểm soát quyền lực là quy luật khách quan cần phải nhận ra

Những dòng chữ trên trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ không những chỉ có nghĩa đối với người dân của nước này, mà nó đã nhanh chóng vượt ra khỏi Mỹ quốc trở thành chân lý chung của cả nhân loại. Hồ Chí Minh đã phải mượn câu nói trên làm cơ sở cho bản Tuyên ngôn Độc lập của Nhà nước Việt Nam, ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Con người chúng ta tồn tại không phải để phục vụ chính phủ như trong các xã hội chuyên chế và độc tài đã từng tuyên bố, mà chính các chính phủ tồn tại để bảo vệ người dân, các quyền của họ và có tác dụng làm cho xã hội phát triển thông qua sự phát triển của mọi người. Nhưng bên cạnh nhiệm vụ này thì chính quyền cũng trở thành lực lượng tiềm năng rất lớn cho việc xâm phạm quyền và lợi ích của người dân. Nhà nước có trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân trước sự vi phạm của các chủ thể trong xã hội. Đối với chủ thể là nhà nước thì không đơn giản, trong trường hợp này chủ thể nhà nước đã rơi vào tình trạng lạm dụng quyền lực không thể có một lực lượng thứ ba có thể đảm đương được công việc như của nhà nước đối với một cá nhân trong trường hợp cá nhân vi phạm quyền của người khác. Đây chính là phần việc của vấn đề của kiểm soát quyền lực nhà nước.         

Nhà nước, tức chính phủ là rất cần cho cuộc sống của mọi người. Đúng như Ông Chủ tịch của Ngân hàng thế giới G. Wulfenson trong Lời nói đầu của bản báo cáo của cơ quan này với nhan đề " Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi" đã viết: "... lịch sử đã nhiều lần chứng minh, một chính phủ tốt không phải là một món xa xỉ phẩm, mà là một điều cần thiết sống còn. Không có một nhà nước hữu hiệu thì sẽ không thể có một sự phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn về mặt xã hội".[1]      
       Nhưng tạo ra một chính phủ như thế nào và nó có hình thức ra sao luôn luôn là câu hỏi lớn của nhân loại:

"Tạo ra một chính phủ không đòi hỏi nhiều sự cẩn trọng. Phân chia quyền lực; dạy cách tuân phục; và công việc thế là xong. Cho quyền tự do còn dễ dàng hơn nữa. Không cần hướng dẫn; nó chỉ đòi hỏi xoá bỏ sự cai trị. Nhưng để thành lập một chính phủ dân chủ tự do, có nghĩa là dung hoà tất cả những yếu tố đối nghịch giữa tự do và kiểm toả trong một thể thống nhất, thì phải đòi hỏi đến một sự suy nghĩ cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo; một trí tuệ minh mẫn, mạnh mẽ và tổng hợp."[2]

Nếu quá vì quyền tự do sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, nhưng ngược lại nếu quá vì kìm hãm sẽ dẫn đến sự độc tài. Con đường duy nhất có thể thoát khỏi 2 tình trạng đối lập trên là chủ nghĩa hiến pháp.

Vấn đề quyền lực là vấn đề khó, kiểm soát nó lại càng khó, làm thế nào để kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả lẽ đương nhiên là càng khó hơn. Vì sao vậy, chắc chúng ta ai cũng trải qua giai đoạn trong nhận thức của mình: quyền lực là thần bí, quyền lực nhà nước cũng càng thần bí. Sự thần bí quyền lực nhà nước đã được giải thích từ rất xa xưa, ngay từ thời nhà nước xuất hiện cho đến tận ngày nay của thời hiện đại khi nhận thức rằng quyền lực thuộc về nhân dân vẫn còn không hề chấm dứt. Có cả một thời kỳ dài nhà nước gắn với thần quyền, của nhà trời và của chúa. Quyền lực không của nhân dân, quyền lực gắn với thần quyền, thời kỳ này quyền lực nhà nước không thể bị kiểm soát. Thời cận hiện đại và hiện đại quyền lực chuyển thành của nhân dân, thì làm sao có thể đỏi hỏi sự kiểm soát quyền lực của nhân dân được? Quyền lực của nhân dân sao nhân dân lại có thể kiểm soát quyền lực của chính mình. Như vậy cả một thời kỳ dài của lịch sử quyền lực nhà nước hầu như không bị kiểm soát. Khi đã trở thành người cầm quyền không có mấy người muốn quyền lực nhà nước của mình bị kiểm soát.

Sự kiểm soát quyền lực nhà nước hầu như chỉ nằm trong các dòng tư tưởng của các nhà triết học. Đó là các tư tưởng gia Plato, Aritstotle đã sớm có những tư tưởng đòi hỏi quyền lực nhà nước phải bị kiểm soát. Nhưng mãi đến sau này của dòng tư tưởng thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng của xã hội phương Tây, thế kỷ thứ XV, XVI, XVII kiểm soát quyền lực nhà nước mới trở thành một cao trào mở đường cho nền dân chủ tư sản, quyền lực thuộc về nhân dân, mới được quy định trong Hiến pháp, mới dần dần có sự đòi hỏi thực hiện trên thực tế.[3]

Hiến pháp trị hay pháp trị có nghĩa là quyền lực của người lãnh đạo và của các cơ quan chính quyền phải được hạn chế. Hiến pháp trị, như một chủ thuyết về chính trị hay về luật pháp, nói về một chính quyền mà nhiệm vụ trước hết là phải nhằm phục vụ cho toàn thể mọi người và bảo vệ quyền cá nhân. Chế độ cai trị theo hiến pháp dựa theo các tư tưởng chính trị tiến bộ, xuất phát từ tây Âu và Mỹ nhằm bảo vệ quyền sống và quyền tư hữu của cá nhân cũng như là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Để bảo đảm các quyền đó các nhà soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh các yếu tố như kiểm soát quyền hạn của các ngành trong chính quyền, bình đẳng trước pháp luật, tòa án không thiên vị và tách rời quyền lực tôn giáo và quyền lực nhà nước. Những người tiêu biểu cho môn phái này gồm thi sĩ John Milton, các nhà luật học Edward Coke và William Blackstone, các chính khách như Thomas Jefferson, James Madison, và các triết gia như Thomas Hobbes. John Locke, Adam Smith, Baron de Montesquieu, John Stuart Mill, và Isaiah Berlin.[4]

Tất cả những thứ đó tạo thành một học thuyết được gọi là chủ nghĩa hiến pháp/chủ nghĩa hợp hiến (Constitutionalism), hay còn được gọi là hiến pháp trị, chủ nghĩa hiến pháp tự do là một phần quan trọng/lõi của thuyết pháp quyền (nhà nước pháp quyền). Trong khi thuyết nhà nước pháp quyền đã được triển khai thực hiện ngay từ rất lâu của những năm trước đây ở Việt Nam, chính thức kể từ khi có quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2001, nhưng cho đến nay thuật ngữ chủ nghĩa hiến pháp/chủ nghĩa hợp pháp vẫn chưa được ở đâu nói đến.   

Và mãi cho đến ngày nay sau gần 70 năm xây dựng Nhà nước Việt Nam CHXH Việt nam, có tiền thân từ Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vấn đề xây dựng một nhà nước pháp quyền mới được đề ra trong quy định của Hiến pháp.[5] Nhà nước pháp quyền (The Rule of Law) có rất nhiều đặc điểm khác nhau tùy theo sự phân tích và sự nhấn mạnh của các tác giả, nhưng điểm chung nhất của các đặc điểm này là mọi chủ thể trong xã hội không thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật, tức là phải tuân thủ pháp luật, mà trước hết là các quy định của Hiến pháp, mà  Hiến pháp theo tinh thần của chủ nghĩa Hiến pháp với cái lõi của nó là quyefn lực nhà nước bị giới hạn, bị kiểm soát.          

Với tính cách là một hiện tượng xã hội, quyền lực nhà nước có rất nhiều rào cản cho việc thực hiện cơ chế kiểm soát: Điều kiện lịch sử, trình trạng kinh tế, văn hóa, giáo dục…    Rào cản lớn nhất cho cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là nhận thức của con người. Như trên đã nói quyền lực nhà nước gắn với thần quyền. Một khi đã nhận thức quyền lực là thần quyền, là thàn bí, gắn liền với tôn giao thì không thể có một một cơ chế nào kiểm soát được. Chỉ sau khi quyền lực nhà nước được nhận thức rõ là của nhân dân, thì vấn đề kiểm soát nó để phục vụ lợi ích của nhân dân mới được đặt ra một cách thiết thực và cấp thiết. Nhưng không hẳn đã đặt ra một cách dễ dàng và không còn khỏi những vướng mắc.

 Sau khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chúng ta lại mắc phải nhận thức mang tính chất dân túy quyền lực đã thuộc của nhân dân, thì cái gì của nhân dân cũng đúng, mà  không nhận thức được rằng đa số nhân dân cũng có cái sai, mà trở thành đa số chuyên chế.[6] Đó là còn chưa nói đến một chuyện khác còn nguy hiểm hơn, khi một thế lực nào đó lại giả danh, lợi dụng lòng tốt phi lý trí của đa số người dân. Chúng ta không thấy tính lý trí của các vấn đề cần quyết định cho tương lai, mà nhiều người dân do nhiều lý do khác nhau không thể có điều kiện có thể đều nhận ra được. Và nhất là khi có quyền lực nhà nước chúng ta vẫn không hiểu rằng bản tính của quyền lực nhà nước. Quyền lực bị tha hóa. Quyền lực có xu hướng đồi bại, quyền lực càn tuyệt đối bao nhiêu thì càng có tính đồi bại bấy nhiêu (Acton thế kỷ 18 Huân tước của Anh quốc).

Mặc dù được gắn với thần quyền, nhưng quyền lực nhà nước vẫn phải do con người đảm nhiệm. Bản tính con người không phải lúc nào cũng là nhân chi sơ tính bản thiện, nhất là trong lĩnh vực quyền lực nhà nước. Có quyền không những chỉ có tiền mà có cả công cụ bạo lực làm cho mọi người phải phục tùng, mà người bình thường không có quyền lực không có. Người thường không có quyền có vũ khí, không có quân đội, không có nhà tù. Những thứ công cụ cực nguy hiểm đó, chỉ có nhà nước mới có quyền sử dụng.[7] Quyền lực nhà nước vẫn phải do con người thực hiện. Con người đó cũng như chúng ta không thể là các thiên thần[8]. Khi con người có quyền lực nhà nước nếu không có những dự phòng trước thì rất nguy hiểm cho người dân và cho cả xã hội. Vì vậy khi giao quyền nhà nước cho con người thì phải kèm theo sự phải kiểm soát nó.

“Chính phủ cũng là sản phẩm của con người. Họ cũng giống chúng ta, không có chủng người đặc biệt- dù họ là những vị vua, hoàng đế, tổng thống, thủ tướng, nhà lập pháp – với trí tuệ khả năng uyên bác và năng lực siêu phàm để phải năng họ cao hơn những người bình thường. Những người cai trị kể cả khi được bầu chọn một cách dân chủ, không hề có “tinh thần vì mọi người” cao hơn những người bình thường, đôi khi còng kém hơn. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ ít ích kỷ những người khác hay có lòng nhân từ hơn. Và cũng không có dấu hiệu họ lo lắng cho những hành động đúng hơn hay sai hơn những người bình thường. Họ giống chúng ta.”[9]

Nhận thức tiếp theo là quan điểm pháp quyền chưa thực sự ngự trị ở nhiều xã hội nhất là của chúng ta. Không lấy pháp quyền bao gồm cả pháp luật, cả công lý và đạo đức làm chuẩn mực của mọi hành vi của các chủ thể trong xã hội. Khi có quyền lực, con người có xu hướng luôn cho ý chí của mình là đúng là chuẩn mực. Công việc chống tham nhũng, một trong những biểu hiện của kiểm soát quyền lực nhà nước phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu, thậm chí còn mang tính phe phái, không dám xử lý người có thế lực và những người có liên quan đến người có thế lực ảnh hưởng trong lực lượng cầm quyền.

2/ Trọng tâm của Kiểm soát quyền lực nhà nước là kiểm soát trước, kiểm soát trong tức là tự kiểm soát và kiểm soát hành pháp

Quyền lực nhà nước và một vấn đề đặc biệt trong xã hội nên cách kiểm soát nó cũng đặc biệt. Đó là sự phải kiểm soát trước, kiểm soát bên trong, tức là tự kiểm soát, theo kiểu phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nếu quyền lực kiểm soát sau, tức là sau khi có hành vi lạm quyền đã được sảy ra  thì rất khó bởi vì nhiều lý do: 1. Hậu quả của sự lạm dụng quyền lực là rất lớn; 2. đối tượng bị kiểm soát là người nắm quyền lực nhà nước. Kiểm soát sau tức là hành vi lạm dụng quyền lực đã là tội phạm cầm phải điều tra, cần phải truy tố, cần phải xét xử, nhưng chính lực lượng khởi tố, lực lượng điều tra, lực lượng xét xử vì chỉ có nhà nước mới có quyền phát động các hoạt động này, một khi không phát động thì những hành vi sai phạm quyền lực không có cơ hội cho việc tìm ra, chưa nói là trong quá trình phát động vụ việc, việc điều tra việc truy tố cùng việc xét xử nhiều khi không có cơ hội cho sự khách quan, vì chính những người truy tố, người điều tra và người xét xử cũng đều là người của nhà nước, đều ít nhiều có liên quan đến những hành vi bị kiểm soát   …

Vì vậy nếu để kiểm soát sau thì rất khó, cho nên kinh nghiệm của thế giới chia ra 2 loại kiểm soát quyền lực: Kiểm soát bên trong và kiểm soát bên ngoài. Kiểm soát bên trong tức là kiểm soát bên trong các cơ cấu quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước được tổ chức theo cơ chế phân quyền, mà chúng ta gọi là phân công, phân nhiệm giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, vì tránh cách gọi phân quyền. Phân quyền như là nền tảng của kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước có mục đích là chống lạm dụng quyền lực nhà nước, việc phân quyền mà chúng ta gọi là phân công phân nhiệm như là cơ sở nền tảng của nó. Việc phân quyền được sinh ra từ rất lâu ngay thời kỳ của Hy lạp và La mã cổ đại, của nhà tư tưởng Aristolte và được áp dụng một cách phổ quát trong nền dân chủ tư sản.[10]

Quyền lực tập trung trong tay nhà Vua được phân ra để chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước, không những phân ra mà còn dùng quyền lực nọ kìm chế quyền lực kia theo cơ chế “kìm chế và đối trọng”(checks and balances). Đó cách thể hiện tốt nhất sự kìm chế bản chất quyền lực nhà nước, cùng bản chất của con người nắm giữ quyền lực. Con người là đam mê quyền lực và quyền lực có xu hướng lạm dụng, quyền lực càng tuyệt đối bao nhiêu, càng có xu hướng lạm dụng bấy nhiêu.

Khi quyền lực đã được phân ra, thì tiếp theo người nắm các quyền được phân vẫn còn nguy cơ lạm dụng. Mặc dù quyền lực đã được phân ra, nhưng khả năng lạm quyền vẫn còn có ngay trong quyền lực được phân. Vì vậy tốt nhất là dùng quyền lực nọ chống lại quyền lực kia. Kiểm soát quyền lực là vấn đề của Hiến pháp. Vì vậy một bản Hiến pháp phải chứa đựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước: Quyền lực phải được phân ra và phải lấy quyền lực nọ kiểm soát trước quyền lực kia.[11]

Kiểm soát quyền lực là vấn đề lớn quan trọng nhất của mọi quốc gia. Với tư cách là đạo luật tối cao, Hiến pháp phải quy định cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Hay nói một cách khác Hiến pháp là bản văn kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp của các quốc gia ít nhất phải quy định 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lập pháp được phân cho Quốc hội, nhưng người ta vẫn còn lo lắng cho việc lạm dụng quyền này mà Quốc hội thông qua những đạo luật vi phạm quyền của người dân, hay một chủ thể nào khác, nên người ta quy định trong Hiến pháp rằng dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, nhưng dự thảo này trở thành luật có hiệu lực thực thi khi và chỉ khi có sự công bố của Tổng thống (hành pháp). Trong quá trình công bố Tổng thống có quyền phủ quyết dự luật (Mỹ và nhiều nước khác).  Hoặc ví dụ khác có ở Hiến pháp Việt Nam chúng ta trước  đây và hiện nay. Với tư cách là người đứng đầu có quyền bộ nhiệm thủ tướng và nhưng việc bổ nhiệm này càn phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam.

Kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ chạy theo vụ việc mà nó còn bao hàm của của việc xử lý ở tầm vĩ mô, tức là ở tầm chủ trương, chính sách, không cho vụ việc có khả năng tiếp diễn trong tương lai. Vì vậy kiểm soát gắn với việc hủy bỏ hiệu lực của một đạo luật, hoặc phế truất  quan chức cao cấp thuộc hàm chính khách của nhà nước.Con người với chính sách là một, thay người tức là thay chính sách.

Việc sự lý vấn đề thường là rất chậm chạp, không kịp thời, thậm chí việc xử lý mang nhiều tính chất phe phái. Chỉ xử lý được khi người bị xử lý đã không còn đảm nhiệm chức vụ.                

3/ Kiểm soát quyền lực nhà nước khác với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm sát

Mặc dù giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát có nhiều điểm tương đồng với kiểm soát. Nhưng không phải hoàn toàn trùng khít lên nhau. Thậm chí chúng rất khác nhau về chất. Nếu phân tích kỹ, thì giữa  chúng rất khác nhau về bản chất.Thanh tra là hình thức của quản lý của cơ quan hành pháp, kiểm tra – của Đảng, có thể là của cả Đảng cầm quyền,nhưng vẫn là một tổ chức xã hội, còn giám sát thì lại của Quốc hội. Còn kiểm soát quyền lực nhà nước nó ở tầm cao hơn đứng trên cả 3 thứ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là quyền lực của Hiến pháp, Hiến pháp phải là bản văn kiểm soát quyền lực nhà nước. Nếu ở nghĩa này chúng ta chưa hoàn toàn có, có chăng mới chỉ đưa ra một quy định Hiến pháp năm 2013, Điều 2. Nhưng còn cơ chế bảo đảm cho nó được thực thi trên thực tế thì chưa hẳn đã có.[12]   

Như một hiện tượng xã hội khác, muốn chống quyền lực thì có cái tương đương với quyền lực, “tham vọng phải chống bằng tham vọng”. Đúng như Madison nói khi họ làm Hiến pháp Mỹ thành văn đầu tiên của thế giới năm 1787, khó khăn trên cũng được đặt ra: Công cụ kiểm soát quyền lực phải là quyền lực, tham vọng phải được kìm chế bởi tham vọng.[13] Phải có thiết chế quyền lực cho nó. Nhưng theo các hình thức tổ chức nhà nước khác nhau họ có những thiết chế khác nhau. Ở Mỹ của chế độ Tổng thống với sự phân quyền cứng rắn, thì chính là các tòa án, tòa bảo hiến phi tập trung, cuối cùng là tòa án tối cao; còn ở các nhà nước ở Châu Âu của chế độ đại nghị thì mô hình của họ lại là Tòa án Hiến pháp.

4/ Kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài

Nhu đã phân tích ở trên, hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm tra, và giám sát mặc dù được tổ chức và hoạt động diễn ra ở bên trong của các cơ quan nhà nước và trong đảng, nhưng về bản chất vẫn là kiểm soát ở trên xuống, theo ý chí của cấp trên. Với mục đích làm cho cấp dưới phải tuân thủ cấp trên  rất mạnh ở cơ chế tập trung, bao cấp và kế hoạch hóa từ trên.  Về nguyên tắc nó không nằm trong nội hàm của khái niệm kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây cũng là lý do mà mãi cho đến hiện này thuật ngữ “kiểm soát quyền” mới xuất hiện. Với một lý do cơ bản đã là nhà nước của nhân dân không phải của giai cấp đại chủ, phong kiến hay của tư bản nên không phỉa kiểm soát. 

Còn kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài do báo chí, dự luận xã hội các tổ chức xã hội của bên ngoài khác với hình thức nêu trên nên rất gần với kiểm soát quyền lực nhà nước. Nếu kiểm soát bên trong của quyền lực nhà nước, tưc là dùng quyền lực nọ kiểm soát quyền lực kia và cuối cùng là tư pháp tòa án dù là TATC hay Tòa án Hiến pháp, nên người ta vẫn gọi báo chí là quyền lực thứ 4.  Đây cũng là lý do tại sao các vụ tham nhũng quyền lực thường được báo chí, dư luận nêu ra, sau đấy các cơ quan nhà nước mới vào cuộc.    

5.Kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía người dân

Chủ nhân của quyền lực nhà nước là nhân dân. Nhân dân trao quyền lực của mình tới mà một số người đại diện nhân dân thực hiện quyền đó. Tuy nhiên trong mối quan hệ giữa người chủ của quyền lực và người đại diện, nhiều khi người đại diện lại nắm được nhiều thông tin hơn, có nhiều quyền thực tế hơn. Vì thế, việc kiểm soát quyền lực của người chủ rất khó khăn.

Việc kiểm soát quyền lực nhà nước chỉ được đặt ra một cách cấp bách trong thời đại dân chủ, khi quyền lực nhà nước nằm trong tay nhân dân. Nhưng bởi lẽ với sự lượng cư dân quá đông, lãnh thổ quá rộng lớn, khác xa với dân chủ cổ diển trực tiếp của Athen cổ đại, nên người dân phải bầu ra người đại diện thay mặt mình ủy thác cho họ thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy vấn đề trước mắt và cũng là quan trọng nhất người dân phải thực tốt quyền bầu cử một cách tự do. Trong trường hợp người đại diện không thực hiện tốt ủy quyền, người dân có quyền thay đổi người khác làm đại diện của mình. Đó là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước của dân..   

 

6. Kiểm soát quyền lực nhà nước phải thiết chế

Cơ chế kiểm soát quyền lực cũng là do con người tạo nên. Đã gọi là cơ chế thì nó phải thể hiện bằng văn bản pháp luật. Văn bản quy định cơ chế này chính là bản Hiến pháp. Hiến pháp do con người làm ra, con người có khuyết tật nên cơ chế của nó cũng có khuyết tật, chúng ta phải hoàn thiện chúng dần dần theo nhận thức. Nhưng cái này thế giới đã nhiều công suy nghĩ cho vấn đề này, tốt nhất là cũng ta hãy tiếp thu kinh nghệm của thế giới. Phải thừa nhận đây là vấn đề của Hiến pháp, chúng ta phải có thiết chế thực hiện vấn đề này. Rất tiếc rằng trong Hiến pháp mới không có Tòa án Hiến pháp. Nhưng Điều 119 Hiến pháp đã mở ra khả năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp do luật định. Bởi vậy việc trước mắt cần phải làm là phải thông qua một đạo luật quy định cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Đó là một công việc cần phải làm ngay cho việc đẩy nhanh tiến độ thực thi và đưa Hiến pháp vào cuộc sống, trong đó có cả cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.    

Kết luận

Kiểm soát quyền lực nhà nước là quy luật khách quan không chỉ cần cho chế chính trị tư bản mà còn cả cho chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là nhánh tư pháp; hoàn thiện và phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhất là việc cần phải nhanh chóng ban hành luật xử lý các vi phạm hiến pháp. Đồng thời cần xác lập cơ chế để mỗi công dân có quyền tham gia thực sự vào các quyết định có liên quan của hệ thống các cơ quan đại diện quyền lực xã hội và các quyết sách về quốc kế dân sinh. Tuy nhiên để hiện thực hóa được những yêu cầu đó cần trước hết bắt đầu từ chính sự minh bạch trong mỗi con người, nhất là những người đại diện nhân dân thực hiện quyền ./.

Tháng 6 năm 2017

 



[1] Xem, Ngân hàng thế giới, Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi. Báo cáo của Ngân hàng thế giới về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 1996. NXB Chính trị Quốc gia năm 1997.   

[2] Xem, Edmun Burke (1790), Về những khó khăn trong việc xây dựng một chính phủ tự do. Trong cuốn  Individual Freedom and the Bill of Rights by Melvin Urofky.

[3] Lịch sử các học thuyết chính trị pháp lý. Chủ biên Nguyễn Đăng Dung  và Hoàng Thị Kim Quế. Nxb. DDAHQGHN 2016

[4] G. Russel: Hiến pháp trị /Về nhà nươc pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến / Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái và Vũ Công Giao chủ biên NXB. Lao động – xã hội  2012  tr. 56 

[5] Hiến pháp CHXHCN Việt Nam   Điểu 2  

 Bình luận Hiến pháp CHXHCN Việt Nam. Chủ biên Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản và Đặng Minh  Tuấn, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016

[6] Tocqueville: Nền dân trị Mỹ  Nxb Tri thức t.1 2007

[7] Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình, G. Palmer (Chủ biên) Nxb. Tri thức  2014 tr.14-15

[8] Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào Nguyễn Cảnh Bình biên soạn, Nxb. Thế giới  2013 tr. 423 -425

[9] Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình, S đ d tr. 13

[10] Aristotle: Chính trị luận,  q. 4 chg 1 mục 10 Nxb Thế giới  2013

[11] Montesquieu, Tinh thần pháp luật. Nxb Giáo dục, H 1996  

[12] Bình luận khoa học Hiến pháp năm 2013 Chủ biên Nguyễn Đăng Dung… sdd

[13] Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào Nguyễn Cảnh Bình biên soạn  Sđ d

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445770

Hôm nay

2270

Hôm qua

2237

Tuần này

21379

Tháng này

212029

Tháng qua

120141

Tất cả

114445770