Cuộc sống quanh ta

Những điều không được phép lãng quên

Nếu bất chợt một ngày nào đó, sự chán ghét đến cùng cực những giả dối và tiêu cực luôn bày ra trước mắt khiến ta buông xuôi, nản chí và băn khoăn về ý nghĩa tồn tại của chính mình thì hãy gác tất cả lại và lên đường.Có nơi ta cần đến và phải đến. Đó là những nghĩa trang liệt sỹ ở bất cứ đâu trên đất nước này. Khi một mình đối diện với hàng ngàn ngôi mộ chưa biết tên, khi nghĩ về hơn 1 triệu người đã hy sinh sau 2 cuộc chiến tranh để bảo vệ đất nước ta sẽ hiểu hơn trách nhiệm và ý nghĩa sự sống mình đang có. Tôi cũng đã có một hành trình như thế, trong những ngày tháng 6 trời không thể xanh hơn…

Xe đưa chúng tôi đi qua những ngả đường về với Quảng Trị. Mùa này, dọc đường hoa sen, hoa súng nở bạt ngàn. Càng đi càng thấy quê hương mình đẹp vô cùng. Những màu xanh trải dài trước mắt, những sắc hoa tím, hồng, vàng đan xen nhau thật bình yên. Đúng, bình yên. Để có được bình yên hôm nay chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu năm tháng khốc liệt và đớn đau? Liệu sau sắc xanh kia, sau những xóm làng êm đềm, đẹp như tranh vẽ ấy có thực sự bình yên? Hay đâu đó còn những nỗi đau chưa một lần vơi dịu? Đâu đó vẫn còn những bất bình chưa được lắng nghe? Dường như ai cũng chìm trong những suy nghĩ riêng nên suốt chặng đường đoàn cứ lặng im. Còn tôi, sắc hoa súng bên đường bất giác khiến lòng bồi hồi nhớ mấy câu thơ của Dương Quốc Bình:

“Đêm hành quân qua cánh rừng xa vắng

Bỗng nhớ về hoa súng tím quê hương”

Tôi miên man hình dung hình ảnh những người lính ra trận mấy chục năm về trước. Khi gác bút nghiên, từ biệt quê hương lên đường chiến đấu, họ cũng là những chàng trai, cô gái như tôi và trẻ hơn tôi hôm nay.Họ cũng mang trong mình bao mộng mơ, cũng bất chợt xuyến xao trước bao sắc hoa như thế.Vậy mà đạn bom đã xé nát tất cả, đã vùi chôn tất cả…

Xe đến thị xã Quảng Trị vào 4h chiều.Từ Quốc lộ 1A đi về phía Đông chừng 2km, chúng tôi đến với Thành cổ.Trong đoàn có người đã từng trải qua chiến tranh, từng sống trong quân ngũ; có người sinh ra cuối thế kỷ XX như tôi và cũng có các em được sinh ra trong thế kỷ XXI. Những thế hệ khác nhau bước đến đây trong một tâm thế và nỗi niềm khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng chung một niềm xúc động. Tôi thấy điều đó trong khóe mắt rưng rưng, trong giọt nước mắt lăn dài trên má của mỗi người khi làm lễ dâng hương và lắng nghe câu chuyện từ nữ thuyết minh viên. Chúng tôi được biết thành Quảng Trị vốn là thành lũy quân sự và trụ sở hành chính của nhà Nguyễn, được xây dạng hình vuông, trổ 4 cửa chính ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Thời Pháp thuộc, chúng xây dựng một hệ thống nhà lao ở phía Đông Bắc Thành để giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Thời Mỹ ngụỵ, đây là một tiểu khu quân sự mạnh với nhiều trại lính bên trong.Nhiều trận đánh lớn diễn ra đã khiến thành gần như bị san phẳng.Trong số đó không thể không kể đến 81 ngày đêm (28/6/1972 đến 16/9/1972) ác liệt.Với diện tích chưa đầy 3km2, trong chưa đầy 3 tháng, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn (số bom đạn bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản) và hơn 2.000 lần oanh kích. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần B52.Quảng Trị những ngày hè của 45 năm trước mưa như trút.Dòng sông Thạch Hãn đục ngầu, oằn mình trong mưa đạn kẻ thù.Những chiến sỹ lúc ấy đều xác định cầm chắc cái chết khi vượt sông.Vậy mà họ vẫn không ngại ngần tiến lên để rồi biết bao người đã gửi lại đời mình vĩnh viễn trong lòng sông sâu.Tôi đứng đó, bất thần nhớ về con số 4.000 đến 1 vạn chiến sỹ của ta đã hy sinh trong 81 ngày đêm. Cái giá của hòa bình lớn đến vậy sao?

Lần theo những phòng trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi xúc động vô cùng khi thấy di vật của người con xứ Nghệ - liệt sỹ Lê Binh Chủng, quê ở Quỳnh Mỹ – Quỳnh Lưu – Nghệ An. Câu chuyện về anh cùng những dòng thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (Thái Bình) với dự cảm về cái chết của mình được đọc lên bằng giọng Quảng Trị của người thuyết minh viên, chậm rãi, nhẹ nhàng mà xoáy vào lòng người nghe bao xa xót. “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau! Vâng, tuổi xuân của các anh đã gửi lại đây, vĩnh viễn trong lòng đất Thành Cổ này cho Tổ quốc hôm nay bình yên. Người mẹ nào đọc bức thư ấy mà lòng không quặn đau dẫu rằng sẽ lau nước mắt tự hào vì đứa con mình đã sống, đã chết vinh quang. Bước chân đi giữa miên man sắc xanh của trời và của cỏ, tôi lặng người đi trước mấy câu thơ của Phạm Đình Lân khắc trên đá:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng.”

Dưới lòng đất kia, các anh có hay đất nước đã hòa bình. Các anh có thấy bao dòng người vẫn đổ về đây và thắp nén hương tưởng nhớ. Trong số những bước chân đến đó, các anh có nhìn thấy rõ suy nghĩ, tâm tư của mỗi người? Tôi tin rằng có. Bởi thế mà sắc cỏ nơi đây xanh thiết tha đến vậy. Một sắc xanh đủ để đốt lòng muôn nỗi xót xa…

Chúng tôi dành trọn ngày thứ hai của hành trình để viếng nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Tôi đã đọc nhiều, nghe nhiều, xem nhiều hình ảnh, đã không ít lần đến nghĩa trang liệt sỹ thắp hương nhưng vẫn không thể nào tin vào mắt mình, không thể nào hình dung nổi những mất mát, đau thương lại nhiều đến thế.

Cách trung tâm thị xã Quảng Trị khoảng 9km về phía Tây, nghĩa trang đường 9 là nơi an nghỉ của hơn 10.000 chiến sỹ, trong đó có 275 phần mộ các liệt sỹ quê Nghệ Tĩnh. Ở đây có các liệt sỹ là bộ đội chủ lực, dân quân, thanh niên xung phong, bộ đội địa phương từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và đất bạn Lào. Sau khi làm lễ dâng hương chung, chúng tôi đến khu vực mộ liệt sỹ. Đoàn chia nhau đi hết 14 khu vực của nghĩa trang và dành nhiều thời gian hơn để thắp hương cho 275 phần mộ liệt sỹ Nghệ Tĩnh. Tôi tự nhủ lòng dù bước chân có mỏi thế nào đi chăng nữa cũng phải đi cho bằng hết, phải ghé thăm hết những ngôi mộ chưa biết tên, dẫu rằng không thể nào tự tay thắp một nén nhang lên tất cả các phần mộ. Trời Quảng Trị xanh, những đợt gió ào ào rung cây lá. Giữa miên man sắc hoa đỏ cháy lên bao khao khát là dãy dãy những hàng bia ghi: Chưa biết tên. Cúi nhặt bình hoa bị gió xô vỡ, thắp một nén nhang và đứng lặng trước các anh, nghĩ về con số gần 6.000 ngôi mộ chưa biết tên ở đây nước mắt tôi chợt trào ra. Xót xa. Tôi tự hỏi những kẻ đang ngày đêm vì lợi ích bản thân mà làm hại đất nước; những kẻ quay lưng với Tổ quốc; những kẻ tham nhũng, đục khoét của dân có bao giờ đứng đây, tự thấy xấu hổ trước các anh, các chị và trước lương tâm mình? Họ đã ngã xuống, đớn đau và khốc liệt nhường ấy để hôm nay chúng ta sống thế này sao? Hỡi những người chiến sỹ đã hy sinh tuổi xuân để có được hòa bình hôm nay, các anh chị có khi nào nhìn về hiện tại và chợt buồn không?

Rời nghĩa trang đường 9, chúng tôi đến nghĩa trang Trường Sơn. Nơi đây có 10.333 phần mộ liệt sỹ, trong đó có 1.307 liệt sỹ quê ở Nghệ An và 792 liệt sỹ quê Hà Tĩnh. Sau một ngày di chuyển trong điều kiện trời nắng, nóng, bước chân ai cũng đã rệu rã và thấm mệt nhưng chúng tôi vẫn nhắc nhau không được phép bỏ sót khu vực nào. Đi giữa bạt ngàn sắc xanh của đồi thông và rung rức màu phượng đỏ, thi thoảng tôi lại nghe tiếng khóc sụt sùi đâu đó của người trong đoàn. Có lẽ một người mạnh mẽ đến nhường nào, bước chân đến đây đều không thể cầm lòng. Ám ảnh tôi không chỉ hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ trắng lặng lẽ giữa núi đồi mà còn là ánh mắt của bao đứa trẻ nơi nghĩa trang. Đó là những đứa trẻ bán hương, sẵn sàng đốt và thắp hương hộ mọi người. Khi không có khách mua, chúng tụ lại cười đùa, chơi với nhau hồn nhiên bên cạnh các ngôi mộ. Đứa nào cũng đen nhẻm, lấm lem và gầy, bé. Chắc các em cũng đều đang ở độ tuổi học tiểu học. Một bé gái tiến đến bên tôi: “Cô mua cho con đi cô. Từ sáng đến giờ chưa bán được bó nào.” Nhìn vào ánh mắt đen láy của bé tôi chợt nhói lòng. Không biết mỗi ngày, các anh, các chị yên nghỉ nơi đây có nghe hết những câu chuyện của chúng tâm sự với nhau, có nghe tiếng cười đùa và chở che cho chúng? Các anh, các chị đã ngã xuống để chúng được sinh ra và sống trong hòa bình, được cười đùa hồn nhiên, được tung tăng chạy nhảy. Thế nhưng, thưa các anh, những thế hệ tiếp nối hôm nay chưa làm tròn trách nhiệm khi mà còn đó rất nhiều, rất nhiều những vùng quê, mảnh đời khốn khó trên khắp mọi miền đất nước. Còn đó nững đứa trẻ phải sớm lo mưu sinh, không được chăm sóc chu đáo, không được học hành…

Khi nắng dần tắt cũng là lúc chúng tôi rời Quảng Trị. Chặng đường đi lại vẫn im lặng như lúc khởi hành.Một sự im lặng rất khác.

Điểm cuối trong hành trình của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành huyền thoại.Mỗi năm có lẽ ít nhất một lần chúng tôi đến đây nhưng không hiểu sao lần nào đến cũng có một cảm xúc riêng, đầy thiêng liêng và xúc động. Những bông hoa cúc, hoa huệ trắng, những chiếc gương, lược và bồ kết nhòe trong khói hương cứ không thôi ám ảnh tôi. Dường như vang vọng đâu đó trong tiếng gió xạc xào, tôi vẫn nghe thấy tiếng  nói, tiếng hát của các chị.

Kết thúc hành trình, tôi đã thôi không còn tự hỏi về ý nghĩ sự tồn tại của chính mình.Tôi nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm bản thân.Chuyến đi của chúng tôi hôm nay chỉ mới đến hai trong số hàng nghìn nghĩa trang trên khắp đất nước vậy mà đã thấm thía lắm sự khốc liệt của chiến tranh. Con số từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đến nay còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang và trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin (liệt sĩ chưa biết tên hoặc thiếu một phần thông tin). Điều đó có nghĩa là khoảng 500.000 gia đình vẫn còn đau nỗi đau chưa tìm thấy người thân của mình sau hơn 40 năm hòa bình; là 500.000 chiến sỹ còn chưa thể thanh thản nằm trong lòng đất. Con số đó có đủ để thức tỉnh trong mỗi chúng ta những điều tử tế đã vô tình ngủ quên hay cố tình vùi lấp không?

Hãy nhớ và tin rằng hơn 1 triệu linh hồn các chiến sỹ trong lòng đất mẹ vẫn đang ngày đêm nhìn về hiện tại, về Tổ quốc; vẫn dõi theo hành động của chúng ta hôm nay – những người đang sống thay phần của họ. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445810

Hôm nay

225

Hôm qua

2285

Tuần này

21419

Tháng này

212069

Tháng qua

120141

Tất cả

114445810