Trong kế hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn theo hướng công nghiệp văn hóa của tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc đặc biệt là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện tính được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Theo đó, ngoài hai đoàn nghệ thuật là Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ (TTBTPHDSDCXN) và Đoàn ca múa nhạc dân tộc (ĐCMNDT) thì khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Kế hoạch đưa nghệ thuật biểu diễn phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa cơ bản là hợp lý, song để thực hiện được kế hoạch đó thì cần phải nhận thức đầy đủ hơn, có những chương trình cụ thể hơn, và quan trọng là phải biết cách tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Nhu cầu thị trường nghệ thuật biểu diễn ở Nghệ An đang tăng lên
Thị trường nghệ thuật biểu diễn ở Nghệ An, dù chưa sôi động bằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng đang ngày càng được mở rộng. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đang tăng lên nhanh chóng trong. Công chúng nghệ thuật ngày càng đông hơn; nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ phong phú hơn, tiếp cận gần hơn với trình độ và thị hiếu nghệ thuật của các thành phố lớn trong nước. Nhiều chương trình nghệ thuật lớn tổ chức ở Vinh đã hết vé. Nhiều CD, VDC âm nhạc đắt khách. Nhiều đêm nhạc có tính chất tự phát, nghiệp dư được tổ chức vẫn thu hút hàng trăm người tham dự. Ca nhạc phòng trà xuất hiện và thu hút khá nhiều ca sỹ trong và ngoài tỉnh biểu diễn với sự đón nhận của ngày càng đông đảo công chúng. Đó là bên cầu. Bên cung, cạnh hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước nay còn có thêm sự tham gia của nhiều công ty tổ chức sự kiện. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An trao đổi: “Hai đoàn nghệ thuật công lập vừa tiếp cận để phục vụ thị trường, vừa phải làm nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong nghệ thuật biểu diễn và làm đầu tàu để định hướng giá trị thẩm mỹ. Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập chủ yếu phục vụ thị trường. Giữa các đơn vị vừa hợp tác làm việc với nhau, vừa tạo ra sự cạnh tranh để cả hai phía cùng phát triển nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân”. Về mặt định hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn như vậy là hợp lý, tuy nhiên thực tế hiện tại vẫn còn nhiều bất cập. Một người làm quản lý công ty tổ chức sự kiện trên địa bàn TP Vinh cho biết, nhu cầu về thưởng thức nghệ thuật ở Vinh đang tăng lên nhanh chóng, có nhiều tông ty tổ chức sự kiện ra đời, tuy nhiên, việc hợp tác với các đoàn nghệ thuật thường gặp các vướng mắc về thủ tục nên họ trực tiếp thuê các nghệ sĩ ở các đoàn và trả công theo tiết mục. Còn các nghệ sĩ trẻ, để thuận lợi cho việc làm thêm thì họ tự lập thành nhóm nhỏ để tập các tiết mục và tìm đến trao đổi với các công ty tổ chức sự kiện. Khi có chương trình thì cả nhóm hợp đồng biểu diễn với các công ty.
Nhưng sản phẩm nghệ thuật biểu diễn chưa trở thành hàng hóa thương mại
Để trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thì sản phẩm phải trở thành hàng hóa. Sản phẩm của nghệ thuật biểu diễn là các chương trình biểu diễn, trực tiếp trên sân khấu hoặc là sản phẩm ghi hình, ghi tiếng để phổ biến, kinh doanh. Trong nhiều năm qua, TTBTPHDSDCXN và ĐCMNDT đã có các sản phẩm để phục vụ công chúng, nhưng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao vì chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường, chwua thu hút được đông đảo công chúng. Có những vở diễn, chương trình ca nhạc đầu tư công phu nhưng khó chinh phục thị trường vì quá trình sáng tạo ưu tiên quá nhiều các tiêu chí ngoài nghệ thuật, không bám dựa vào đời sống nghệ thuật, vào nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Một sản phẩm nghệ thuật cho dù là hay nhưng không phổ biến được thì giá trị của tác/sản phẩm không được phát huy, không trở thành hàng hóa. Cho đến nay, ở Nghệ An hầu như chưa có một ca sỹ, nhạc sỹ nào có CD, VDC bán chạy trên thị trường. Bỏ qua yếu tố nghệ thuật, chỉ nói về kỷ thuật và hình thức không thôi thì họ cũng đã quá ít quan tâm để làm sao sản phẩm của mình được thị trường tiếp nhận. Vẫn là thói quen làm cho có của thời bao cấp. Và lý do quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là thiếu rõ ràng mạch lạc khi xác định mục đích sáng tạo ra tác/sản phẩm. Ông Nguyễn Đình Đắc, Phó Giám đốc TTBTPHDSDCXN cho biết: “Hàng năm cả cơ quan phải tập trung phần lớn thời gian và công sức cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Các chương trình biểu diễn đều phải trình duyệt về nội dung tư tưởng. Có những chương trình khó thu hút khán giả nhưng vẫn phải thực hiện, có nhiều chương trình khán giả muốn xem nhưng vì nhiều lý do nên lại không được biểu diễn”. Đồng cảm với ý kiến này, ông Trịnh Văn Thuận, Trưởng ĐCMNDT cho rằng: “Khán giả hiện nay thích nhiều chương trình tân nhạc, các bài múa sôi động, nhưng đoàn phải đảm bảo cân bằng giữa các chương trình ca múa nhạc truyền thống với hiện đại, đảm bảo kế hoạch do trên đề ra nên nhiều khi cái làm ra thì ít người quan tâm mà cái nhiều người thích thì lại khó làm được”.
Những rào cản trên con đường trở thành ngành công nghiệp văn hóa
Trước hết, đó là yếu con người. Đội ngũ nghệ sĩ tiềm năng ở Nghệ An khá lớn nhưng chất lượng đội ngũ chuyên nghiệp đang hoạt động lại không đồng đều và thiếu sự trải nghiệm trong kinh tế thị trường. Sự chảy máu chất xám trong giới nghệ sĩ ở Nghệ An là một câu chuyện được nói đến nhiều năm nay. Theo NSND Hồng Lựu, Giám đốc TTBTPHDSDCXN thì “Nghệ An luôn có các thế hệ nghệ sĩ tài năng nối tiếp nhau. Điều quan trọng là chúng ta không thu hút được các nghệ sĩ tài năng ở lại. Nhiều người đi ra ngoài học tập và không quay lại quê hương để làm việc tiếp. Đó là một điểm yếu trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Không giữ chân được các nghệ sĩ tài năng ở lại cũng là một nguyên nhân làm cho nghệ thuật biểu diễn ở Nghệ An giảm đi sự cuốn hút đối với khán giả”. Hãy đưa ra một giả tưởng. Nếu Nghệ An bây giờ quy tụ được các nghệ sỹ trẻ đạt giải trong các cuộc thi Sao Mai thì đời sống sân khấu ca nhạc có chuyển biến hơn không? Chắc có. Đó là ví dụ để khẳng định yếu tố con người quyết định quá trình hình thành công nghiệp giải trí của Nghệ An trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Khi phát triển công nghiệp văn hóa, không chỉ có các nghệ sĩ là đủ, mà còn phải đồng bộ cả những người tổ chức, dàn dựng. Sự thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp, tác phong làm việc chuyên nghiệp là thách thức hàng đầu cho nghệ thuật biểu diễn trên đường phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa.
Rào cản thứ hai là cơ chế hoạt động của các đơn vị nghệ thuật. Phát triển công nghiệp văn hóa cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong cơ chế bao cấp, ngân sách đầu tư cho quá trình sáng tạo, kể cả nuôi sống cả bộ máy nhân sự của ngành nghệ thuật biểu diễn. Nếu phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa, nghĩa là phải chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường thì không thể tiếp diễn tình trạng này. Bởi vậy, chính cái cơ chế bao cấp, nề nếp tư duy, phong cách sáng tạo, làm việc thời bao cấp là lực cản vô cùng lớn để cho nghệ thuật biểu diễn của Nghệ An tiếp cận với thị trường và trưởng thành, trở thành một ngành công nghiệp. Tiếp tục đòi hỏi bao cấp hay chấp nhận bung ra để đi vào thị trường là vấn đề sinh tử đối với các đoàn nghệ thuật công lập ở Nghệ An. Theo ông Phạm Tiến Dũng: “Trong điều kiện hiện tại, sự bao cấp của nhà nước cho hai đoàn nghệ thuật là chính đáng vì họ còn phải làm nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, còn có nhiệm vụ phục vụ nhân dân miền núi để tuyên truyền đường lối chính sách và định hướng giá trị thẩm mỹ cho người dân”. Hiện tại, các đoàn nghệ thuật cũng đang từng bước tiến hành thực hiện cơ chế tự chủ. Nhiều người tin rằng đây sẽ là bước đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa đối với ngành này, nhưng cũng có những người cho rằng sự thay đổi này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nghệ sĩ đang làm việc tại đây. Như ông Đắc nhận định: “Nếu thực hiện tự chủ tốt thì việc tiếp cận thị trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả những người biểu diễn và những người thưởng thức. Nhưng các nhà quản lý, các nghệ sỹ có đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn do cơ chế thị trường mang lại hay không? Và khi vào thị trường phải chấp nhận rủi ro vì khoảng cách giữa thành công và thất bại là rất ngắn và không thể trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước nữa”. Nói tóm lại, nhiều người vừa muốn đưa nghệ thuật biểu diễn vào thị trường để phục vụ khán giả và tìm kiếm lợi nhuận, nhưng tâm lý của họ vẫn lo sợ sự rủi ro và mong sẽ tiếp tục nhận được sự bao cấp. Đó là một mâu thuẩn cản trở cho việc phát triển nghệ thuật biểu diễn theo hướng công nghiệp văn hóa.
Rào cản thứ ba là mục tiêu và định hướng nghệ thuật. Phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa thì phải theo các quy luật thị trường. Tức là phải hoạt động theo quy luật cung-cầu, phục vụ thị hiếu của khán giả, tìm kiếm lợi nhuận dựa trên các quy định của pháp luật. Hiện tại, dù có kế hoạch phát triển theo hướng thị trường nhưng các chương trình nghệ thuật vẫn không thể thoát ly nhiệm vụ tuyên truyền. Đồng thời làm tròn cả hai sứ mạng trong một tác/sản phẩm nghệ thuật đòi hỏi tài năng và tâm huyết vô cùng lớn của nghệ sỹ. Để trở thành sản phẩm của thị trường, nghệ thuật biểu diễn phải mang tính giải trí cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng. Và chỉ có khi đó giá trị nghệ thuật của các tác/sản mới đem lại giá trị kinh tế và phát huy được hiệu quả xã hội của nó. Bởi vậy, định hướng nghệ thuật phải là một sự lựa chọn công phu và khó khăn đến khắc nghiệt của nghệ thuật biểu diễn trong quá trình chuyển hóa hình thành và phát triển theo hướng công nghiệp giải trí.
Nghệ thuật biểu diễn ở Nghệ An đang đứng lưng chừng giữa cơ chế bao cấp và kinh tế thị trường. Muốn trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thì phải phát triển phục vụ nhu cầu thị trường. Và hiện thực điều đó, cần phải thay đổi các cơ chế quản lý, để các đoàn nghệ thuật tự bươn chải và trưởng thành dần trong cơ chế thị trường. Muốn vậy, rất cần tách bạch công việc bảo tồn văn hóa truyền thống với việc phát triển công nghiệp giải trí để có định hướng và kế hoạch thực hiện phù hợp.