Cuộc sống quanh ta

Đào tạo cán bộ Việt Nam ở Liên Xô

1. Vấn đề Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ là một mảng đề tài lớn, trong phạm vi một báo cáo không thể nói hết.

 Việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ được bắt đầu từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, trong khuôn khổ chương trình đạo tạo của Quốc tế Cộng sản, giành cho các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam và sau này, từ năm 1950, sau khi có quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, được Chính phủ Liên Xô tiếp tục trong khuôn khổ các Hiệp định, Nghị định thư ký kết với Chính phủ Việt Nam.

2.Căn cứ vào tính chất, mục tiêu, có thể chia quá trình Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ ra các giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1923 đến năm 1950, khi có quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước. Trong giai đoạn này, dưới danh nghĩa Quốc tế Cộng sản, Chính phủ Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo 67 cán bộ[2], chủ yếu là cán bộ chính trị, quân sự, phục vụ mục tiêu thành lập Đảng Cộng sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Lúc bấy giờ, các sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học tập qua hai con đường: từ Pháp, do Ủy ban thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu và từ Trung Quốc. Cả hai con đường này đều do Nguyễn Ái Quốc xác lập và thúc đẩy. Người đầu tiên sang Liên Xô học tập là Nguyễn Ái Quốc (1923) với tấm hộ chiếu mang tên Cheng Vang – tức Trần Vương.

 Hầu hết các sinh viên Việt Nam được bố trí vào học tại Khoa đặc biệt của Trường Đại học Phương Đông, Trường quốc tế Lênin và một vài viện, trường khác ở Mátxcơva. Tại đó, họ được tiếp xúc và làm việc với những cán bộ, giảng viên ưu tú Đảng Cộng sản (B) Nga, cũng như của các tổ chức Quốc tế khác. Toàn bộ chương trình của các Trường đại học chính trị là hướng vào mục tiêu “Đào tạo cán bộ theo tinh thần Quốc tế vô sản và giúp đỡ họ trong công việc hình thành và củng cố các Đảng Cộng sản. Một mặt, đào tạo lý luận Mác Lênin. Mặt khác, mở rộng bằng cách nghiên cứu trực tiếp kinh nghiệm chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô và phong trào cộng sản, công nhân Quốc tế … nhằm đưa đến cho sinh viên tất cả những gì cần thiết để hoàn thành công tác lãnh đạo của đảng ở các quy mô khác nhau (Trung ương, tỉnh, huyện) và trong các lĩnh vực khác”[3]. Sinh viên Việt Nam được học các môn: Tiếng Nga, Lịch sử cách mạng Nga, lịch sử phong trào Cách mạng phương Đông, lịch sử các hình thái kinh tế xã hội, triết học, kinh tế chính trị học, địa lý kinh tế, các chuyên đề về chủ nghĩa Lênin, xây dựng đảng, lịch sử Đảng Cộng sản (B) Nga, công tác bảo mật… Toàn bộ chương trình đào tạo này được thiết kế theo phương hướng “Đông Dương hoá chương trình đó và làm cho chúng gần với các nhiệm vụ thực tiễn … của các nhóm dân tộc là soạn thảo các vấn đề của Cách mạng Đông Dương và những nhiệm vụ đặt ra đối với đảng”[4]. Đến năm 1935, đã có 47 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường đại học chính trị ở Liên Xô. Trong số đó, có 3 người được chuyển sang chế độ nghiên cứu sinh. Đó là Nguyễn Ái Quốc với đề tài luận án tiến sĩ Cách mạng ruộng đất ở các nước Đông Nam Á. Lê Hồng Phong với đề tài Tình hình kinh tế và chính trị Đông Dương và Nguyễn Khánh Toàn, với đề tài Cuộc chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ thứ XVIII, khởi nghĩa Tây Sơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chỉ có Nguyễn Khánh Toàn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã học xong chương trình nghiên cứu sinh trong giai đoạn này.

Có thể khẳng định rằng, việc giúp đỡ đào tạo cán bộ Việt Nam của Liên Xô giai đoạn này đã góp phần quyết định vào việc hình thành đội ngũ trí thức cách mạng và giới chính trị kiểu mới của Việt Nam, với những tên tuổi nổi tiếng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập – các Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên, Nguyễn Văn Tạo – Bộ trưởng Bộ lao động (nay là Bộ lao động thương binh – xã hội); Nguyễn Khánh Toàn – giáo sư đỏ của Quốc tế Cộng sản, Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Trần Văn Giàu – cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam hiện đại,… đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, người được tổ chức UNESCO vinh danh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Cần lưu ý thêm rằng, vào năm 1920, trong một buổi hội kiến với tùy viên sứ quán Nga tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhà yêu nước Phan Bội Châu đã ngỏ lời đề nghị đại diện Xô viết bày cách thức cho sinh viên Việt Nam sang nước Nga học tập. Vị đại diện sứ quán Nga rất hoan nghênh và nói rõ, nước Nga sẵn sàng đón tiếp con em tất cả các nước sang Nga học tập. Đồng thời nói với cụ Phan rằng, nếu người Việt Nam muốn sang Nga du học lại càng thuận lợi. Để đi du học tại Matxcơva, người Việt Nam có thể đi bằng đường biển hoặc đường bộ từ Bắc Kinh đến Vlađivôxtốc, rồi từ Vlađivôxtốc đi tàu hỏa đến Matxcơva. Nhưng trước khi sang Nga du học, mỗi người Việt Nam phải được Đại sứ Xô viết ở Bắc Kinh cấp giấy phép nhập cảnh vào nước Nga. Toàn bộ tiền đi lại, tiền ăn, ở và học tập đều do Chính phủ Nga đài thọ[5]… Phan Bội Châu còn kể lại rằng, điều ông không thể quên được là khi trao đổi với ông, các đại diện Xô viết đã tỏ ra một thái độ tôn trọng, thẳng thắn và chân thành. Sau buổi hội kiến hôm đó, cụ Phan còn tiếp xúc với đại diện Xô viết một vài lần nữa để bàn về việc đưa sinh viên Việt Nam sang du học tại Nga. Song điều đáng tiếc là các buổi hội kiến đó đã không thành công, do tình cảm và việc làm của cụ Phan với nước Nga mới chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính mà chưa bắt nguồn từ những thay đổi căn bản trong nhận thức tư tưởng.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 1950 – sau khi có quan hệ ngoại giao đến năm 1991 – khi Liên Xô tan rã. Trong giai đoạn này, hoạt động giúp đỡ đào tạo cán bộ Việt Nam của Liên Xô được hướng vào trọng tâm là đào tạo các chuyên gia trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật…nhằm giúp Việt Nam xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa. Các hoạt động này được gia tăng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các hiệp định ký kết giữa hai chính phủ. Trong đó, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết về vấn đề học tập của công dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại các trường trung và cao cấp ở Liên Xô, ký ngày 27 tháng 8 năm 1955 là hiệp định đầu tiên. Sau hiệp định này, Chính phủ Liên Xô còn ký với Chính phủ Việt Nam một số hiệp định khác nữa vào các năm 1957, 1973,… về các điều kiện học tập, về nguồn kinh phí và cách thức giải quyết nguồn kinh phí; về sự tương đương của các văn bằng đào tạo, của các học vị và các chức vụ khoa học được cấp hoặc được công nhận ở Việt Nam và Liên Xô. Trên cơ sở các hiệp định ký kết giữa hai chính phủ, hai bên còn ký kết nhiều nghị định thư, nhiều bản ghi nhớ… về việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo các chuyên gia, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Một nguồn tư liệu của Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị – xã hội quốc gia Liên bang Nga cho biết, tháng 11-1950, sau khi có quan hệ ngoại giao, mặc dù Việt Nam và Liên Xô chưa ký kết hiệp định hợp tác giáo dục và đào tạo, song Chính phủ Liên Xô vẫn tiếp nhận  21 sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học tập. Có thể khẳng định rằng, đây là lớp sinh viên đầu tiên của nước Việt Nam độc lập được đưa sang đào tạo tại Liên Xô.

Đến năm 1953, Chính phủ Liên Xô lại tiếp nhận thêm 155 lưu học sinh Việt Nam. Số lưu học sinh này đã được Chính phủ Liên Xô sắp xếp vào học một số ngành kinh tế kỹ thuật then chốt trong các trường đại học và cao đẳng ở Liên Xô, như: ngành công nghiệp, ngành điện lực, ngành khai thác khoáng sản, ngành giao thông vận tải, ngành nông nghiệp, ngành thủy văn, ngành y tế, ngành kinh tế tài chính…[6].

 Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc và theo hiệp định được ký kết vào năm 1955, số học sinh, sinh viên Việt Nam được Liên Xô tiếp nhận đào tạo ngày càng đông hơn. Từ 1973, hàng năm có tới trên 2.000 công dân Việt Nam từ 16 – 25 tuổi được đưa sang đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ở Liên Xô. Đến giữa những năm 70, chỉ tính riêng số sinh viên, nghiên cứu sinh nghiên cứu và học tập trong các trường đại học, các học viện ở Liên Xô đã có khoảng 4.500 người[7].

Từ năm 1978 đến năm 1991, sau khi ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam[8], bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác giúp đỡ Việt Nam đào tạo các chuyên gia trên các lĩnh vực, Chính phủ Liên Xô giành một hướng ưu tiên cho công tác thực tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các nghiên cứu sinh và đội ngũ cán bộ quản lý ở tất cả các cấp, các ngành ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Thực hiện mục tiêu đó, trong khuôn khổ hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam, chính phủ hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo. Trong đó có Hiệp định về sự hợp tác đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý kinh tế các năm từ 1981 đến 1985. Theo hiệp định này, hàng năm, ngoài các thực tập sinh, các sinh viên Việt Nam được vào nghiên cứu và học tập trong các học viện, các trường đại học và cao đẳng ở Liên Xô, từ năm 1980 đến năm 1981, Chính phủ Liên Xô còn tiếp nhận 10 bộ trưởng, thứ trưởng và 70 cán bộ lãnh đạo trung cao cấp khác của Việt Nam sang Liên Xô để tập, bồi dưỡng, thời gian từ 4 tháng đến 22 tháng. Từ năm 1982 – 1985, số lượng này được gia tăng hơn, mỗi năm có 30 bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương, cùng 300 cán bộ lãnh đạo trung cao cấp khác của Việt Nam sang Liên Xô để bổ túc, nâng cao trình độ, thời gian từ 10 đến 22 tháng[9].

Chỉ trong 41 năm, từ năm 1950 đến năm 1991, Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo gần 50.000 công dân Việt Nam. Trong đó có khoảng 30.000 người ở trình độ đại học, ngót 3.000 phó tiến sĩ, khoảng 200 tiến sĩ khoa học và hàng chục vạn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh. Riêng trong lĩnh vực quân sự, có hơn 13.000 quân nhân Việt Nam được Liên Xô đào tạo khá bài bản[10].

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, việc đào tạo cán bộ Việt Nam trên quê hương Cách mạng tháng Mười vẫn được Liên Bang Nga – quốc gia kế tục Liên Xô duy trì trên một cơ sở mới. Hằng năm Nga cấp cho Việt Nam trên 250 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học theo tinh thần các Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Chỉ riêng năm 2017, Chính phủ Liên bang Nga cấp 953 xuất học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Nga theo các trình độ đại học (30%), sau đại học (65%), thực tập (05%), trong đó bao gồm các chỉ tiêu dành cho các bộ ngành, cho Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Số lượng lưu học sinh Việt Nam du học tự túc tại Nga cũng lên đến hơn 5.000 người

Theo báo cáo của Hiệp hội những người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đào tạo của Liên Xô/LB Nga, Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới về số người được đào tạo tại Liên Xô. Chỉ riêng số cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, tính đến cuối những năm 80, hai phần ba số tiến sĩ và phó tiến sĩ của Việt Nam đã được đào tạo tại Liên Xô. Hiện nay, nhiều người trong số họ vẫn đang giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan ban, ngành, các học viện, các trường đại học từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam.

 3. Khó có thể đánh giá hết tầm ảnh hưởng của việc giúp đỡ đào tạo cán bộ Việt Nam của Liên Xô. Trong nhiều thập kỷ, Liên Xô luôn là quốc gia đứng ở hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả mọi lĩnh vực của Việt Nam. Nếu “cán bộ là cái gốc của mọi công Việc”[11], “là tiền, vốn của đoàn thể”[12], thì sự giúp đỡ Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ của Liên Xô là vô giá và không gì có thể so sánh được. Song sự giúp đỡ này cũng cần được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều chiều cạnh.

Trước hết, sự giúp đỡ đó đã góp phần quyết định vào việc hình thành đội ngũ trí thức mới và đội ngũ cán bộ kiểu mới với quyết tâm đi theo “con đường Xô viết” của Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, xây dựng và bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.

Qua khảo sát sơ bộ, chỉ riêng đội ngũ cán bộ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam với hai cương vị chủ chốt là Tổng Bí thư, người đứng đầu của Đảng và Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu cơ quan lập pháp[13] của Việt Nam, chúng tôi thấy:

Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập (1930 – 1945), có 3/5 tổng Bí thư của Đảng (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập) và trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, có 2/5 Tổng ví thư của Đảng (Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng) đã có thời gian học tập, nghiên cứu và học tập tại Liên Xô.

Với cương vị Chủ tịch Quốc hội thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, có 3/6 Chủ tịch (Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng) đã có thời gian nghiên cứu và học tập tại Liên Xô.

Mặt khác, sự hỗ trợ đó đã góp phần to lớn vào việc gia tăng ảnh hưởng của “mô hình Xô Viết” ở Việt Nam. Điều này có thể thấy ở nhiều chiều cạnh khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội, như: trong hệ thống chính trị, hành chính – một nền hành chính nặng nề, kém năng động; trong quản lý kinh tế, xã hội – một cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp và kém hiệu quả; trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội, không phải là sự phản biện, xây dựng và cung cấp luận cứ khoa học cho đường lối chính trị, mà có khuynh hướng minh họa cho đường lối chính trị…

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, những hạn chế trên đã từng bước được Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận diện và khắc phục thông qua chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, phát triển kinh tế thị trường hội nhập thế giới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị nhân văn của Cách mạng tháng Mười Nga và làm cho “con đường Xô viết” ở Việt Nam có tính hiện thực hơn. Đấy cũng là một cách tốt để tăng cường củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, quốc gia kế tục Liên Xô phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà còn góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

...........................................................................

[1] Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

[2] Theo thống kê của sở mật thám Pháp, từ năm 1923 đến năm 1931, có 75 người Việt Nam đến học tại các trường đào tạo cán bộ tại Matxcơva. Gần đây, trong bài Đào tạo những nhà Cách mạng Việt Nam tại các trường đại học của nước Nga Xô viết những năm 20 -30, viết trên cơ sở nguồn tư liệu lưu trữ Trung ương Nga, A.A. Xôcôlốp cho biết rằng, cho đến cuối năm 30, có tất cả 67 học sinh Việt Nam, kể cả Hồ Chí Minh. Xem: Xôkôlốp A.A. Đào tạo các nhà cách mạng Việt Nam trong các trường Đại học Cộng sản ở nước Nga Xô viết những năm 20 – 30,  Matxcơva, 1996, Tiếng Nga, tr, 144 – 145.

[3] Xôkôlốp A.A. Sđd, tr 154

[4] Xôkôlốp A.A, Sđd,  tr, 147.

[5] Xem: Phan Bội Châu niên biểu, Nxb Văn Sử Địa, Hà nội, 1957. tr. 189-190. Tại đây, Phan Bội Châu kể lại rằng, trong buổi tiếp xúc với đại diện nước Nga Xô viết, khi trao đổi về việc đưa người Việt Nam sang Nga du học, phía Nga đưa ra ba điều kiện bắt buộc cho học viên Việt Nam: “1) Nguyện tin tưởng chủ nghĩa Cộng sản; 2) Khi học xong về nước phải chịu trách nhiệm tuyên truyền chủ nghĩa chính phủ Lao nông; 3) Học xong trở về nước phải tích cực tiến hành cách mạng xã hội”.  

[6] . Cục lưu trữ Nhà nước, trung tâm Lưu trữ Quốc gia I: Điện, công văn, dự kiến của Thủ tướng phủVề việc chọn học sinh đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa, , Đơn vị bảo quản 2482, tr 100-104. Việc phân bổ số lưu học sinh này vào học một số ngành trong các trường kinh tế kỹ thuật ở Liên Xô được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, ngành điện lực 24 người, ngành khai thác khoáng sản 8 người, ngành giao thông 24 người, ngành nông nghiệp 26 người, ngành thủy lợi 12 người, ngành y tế 11 người, ngành kinh tế tài chính 21 người và ngành công nghiệp với số lượng đông nhất, 29 người.

[7] Xem thêm, Lê Văn Thịnh, Viện trợ kinh tế – kỹ thuật và quân sự của Liên Xô cho cách mạng Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 242 (2-2012), tr 51.

[8] Tên đầy đủ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.

[9] Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III: Hợp tác Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo – qua triển lãm tài liệu lưu trữ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 227. Xem thêm, Trần Kim Dung: Hơn một thế kỷ quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Nga, Tạp chí Cộng sản, số 31 (11-2002), tr 38

[10] Xem : Nguyễn Lệ Nhung, Quan hệ Việt – Nga qua tài liệu lưu trữ, http://vanthuluutru.com/?p=15

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 – 1949), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 269

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6 (1950 – 1952), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 46

[13] Có 5/11 Tổng Bí thư của Đảng (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ Trường Chính, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khat Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng) và 3/11 Chủ tịch Quốc Hội (Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân) đã được đào tạo tại Liên Xô

…………………………

Nguồn:http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441721

Hôm nay

2121

Hôm qua

2317

Tuần này

21625

Tháng này

216895

Tháng qua

112676

Tất cả

114441721