Cuộc sống quanh ta

Việt Nam ở thời khắc chyển giao

Vào lúc chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, tiếng nói từ trong nước, khu vực và quốc tế vẫn tiếp tục khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trên bình diện song phương lẫn đa phương. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thành quả nổi bật của cả nước trong năm nay là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhìn nhận APPF như một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi APEC.

 

Trong một thế gới “đa tầng nấc”, “nhiều trung tâm” như hiện nay, kết luận tại phiên bế mạc của Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á –Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt có ý nghĩa. Tầm quan trọng của sự kiện ngoại giao nghị viện nổi bật nhất của năm thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF. Những vấn đề được nghị bàn đã đặt ra yêu cầu quan trọng đối với APPF là phải cải cách để thích ứng với tình hình, xây dựng một tầm nhìn chiến lược. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và các nghị viện, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật. Về kinh tế thương mại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, APPF là một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi APEC. APPF có một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại, đổi mới hình thức liên kết kinh tế, thương mại phù hợp với tình hình mới.

“Đa phương hóa” có trách nhiệm

Từ 18—21/1/2018, sau ba ngày làm việc khẩn trương trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm của những người đại diện cho nhân dân, APPF-26 đã hoàn thành hoàn thành tốt đẹp các công việc đề ra trong chương trình nghị sự. Bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương” có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) v.v…”

Cũng tại phiên bế mạc này, Đại diện Chủ tịch của APPF năm 2019, ông Tep Ngorn, Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã thay mặt cho Quốc hội Campuchia cám ơn và chúc mừng Việt Nam, Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APPF 26. Thành công này thể hiện trách nhiệm chính trị, thúc đẩy trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực. Thay mặt cho các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại dương và châu Mỹ, các đoàn khách đã cảm ơn chủ nhà Việt Nam đã giành cho các đại biểu sự đón tiếp nồng hậu; hy vọng APPF sẽ đem lại kết quả, bài học tốt và biến những kết quả tại APPF thành hiện thực. 

Đại diện của Quốc hội Nga chia sẻ: “Những kinh nghiệm thành công này tiếp nối liên tục, đáp ứng mong mỏi của các nhà nghị sỹ, đẩy mạnh sự kết nối khu vực đặc biệt qua phiên ngoại giao nghị viện. Hội nghị đã thông qua 17 văn kiện, trong đó có 14 nghị quyết, bản thông cáo chung và tuyên bố chung Hà Nội cho thấy đây là kết quả tuyệt vời nhờ vào nỗ lực của tất cả các nước thành viên. Kết quả qua sự hợp tác của tất cả các nước tham gia APPF và có được nhờ vào sự tổ chức tuyệt vời của nước chủ nhà VN, đẩy mạnh tình bạn tình đoàn kết giữa các nước”. Trong khi đó, đại diện cho khu vực châu Mỹ, đoàn Mexico có nhận xét rất đáng thú vị khi cho rằng, khi trên thế giới đang đầy rẫy những bài phát biểu gây hấn, thì ở APPF26 đã tập trung những người bạn muốn xây dựng cho một tương lai hữu nghị hơn. Lần đầu tiên tham gia APPF, Phó chủ tịch Nghị viện Morocco Mohamed Ouzzine đã có lời ví von khá hình tượng khi cho rằng, Moroco nhìn thấy xa hơn khi được ngồi trên lưng những người khổng lồ.

Nhưng nội lực vẫn quyết định

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn thường niên quan trọng này với chủ đề “VBF - 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”. Thủ tướng cho biết, trong suốt 20 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế tăng trưởng cao, liên tục. GDP của Việt Nam năm 1997 mới đạt 27 tỷ US nhưng đến 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD. Phấn đấu đến 2020, GDP của Việt Nam sẽ đạt 300 tỷ USD.

Năm 2017 sắp đi qua, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến thời điểm này có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng cũng khẳng định: “Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh; khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên”.

Thủ tướng chia sẻ thêm rằng, niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 sẽ đạt mức kỷ lục trên 120 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng. Đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp. “Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam”, Thủ tướng đánh giá.

Thích ứng với các đối tác “nặng ký”

Trên bình diện song phương, Việt Nam được truyền thông thế giới ghi nhận về cam kết mạnh mẽ đối với tiến trình cải cách cơ cấu liên tục được tăng cường, ngay cả khi TPP tạm vắng mặt. Ngày 15/1/2018, nhà nghiên cứu Suiwah Leung, viết trên tờ “Diễn đàn Đông Á - DĐĐÁ” (East Asia Forum) rằng, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn năng động khi GDP tăng 6,4% trong năm 2017. Với tiêu đề “Việt Nam thích ứng với thời đại Trump” (Vietnam adjusts to the Trump era”), bà Leung đánh giá chính phủ Việt Nam dường như vẫn giữ thâm hụt ngân sách và mức nợ công đang được kiểm soát và quyết tâm tận dụng tối đa số tiền thu được từ việc tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, như bà Leung lưu ý, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam đã làm cho nền kinh tế của nước này đối mặt với những rủi ro về địa-chính trị cũng như sự gia tăng các cam kết bảo hộ trên toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội hiểu rất rõ điều này.

Thomas Jandl, một nhà nghiên cứu khác cũng ghi nhận trong tờ báo DĐĐÁ nói trên, các động lực kinh tế và địa-chính trị cơ bản đã làm cho Việt Nam tham gia nhiệt tình vào tiến trình TPP (nay đã chuyển thành CPTPP) vẫn còn hiện hữu, với năng lượng tập trung vào việc đảm bảo một thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ. Như Thomas Jandl đã chỉ ra, "TPP có thể là rào cản tự nhiên của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng con tàu đó đã ra khơi từ lâu". Tuy nhiên, việc này đã không ngăn cản Việt Nam tìm cách duy trì quan hệ chặt chẽ với Nhà Trắng của Trump. Hà Nội vẫn duy trì khả năng hợp tác song phương trong tương lai. Sự khác biệt hiện nay là ở chỗ, thoả thuận song phương có thể chưa đạt chuẩn, nhưng các tín hiệu cho thấy sự ủng hộ liên tục về an ninh từ phía Hoa Kỳ trong khu vực.

Các cuộc đàm phán song phương với Washington cùng với sự mặc cả của Việt Nam trong CPTPP cũng nhằm đạt được các lợi ích trong Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực ASEAN (RCEPT). Những thỏa thuận đa phương này tạo ra đòn bẩy quan trọng trong việc đối phó với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Mặc dù CPTPP bị chỉ trích, vì là một công cụ địa-chính trị hơn là thương mại tự do, các cuộc đàm phán thương mại khác cũng đều có vỏ bọc chiến lược. Một trong những đề xuất cơ bản của TPP trước đây là tiếp cận thị trường của Mỹ để đổi lấy cải cách, bao gồm yêu cầu Việt Nam đưa luật lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập.

Về những phản ứng đối với các diễn tiến địa-chính trị trong khu vực, các nhà quan sát chú ý đến tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/1: “Là một quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, chúng tôi cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”. Trước các thông tin Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu nêu rõ: “Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với hai quần đảo này”./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522448

Hôm nay

2305

Hôm qua

2290

Tuần này

21222

Tháng này

220387

Tháng qua

121009

Tất cả

114522448