Cuộc sống quanh ta

Cống Hiệp Hòa và món nợ lương tri

Nhiều người vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc lại sự kiện bi thảm xẩy ra ở cống Hiệp Hòa cách đây 40 năm. Người ta không chỉ buồn đau vì gần 100 thanh niên bị chết, mà còn vì cách đối xử của các cơ quan chức năng. Chỗ họ ngã xuống cho đến bây giờ vẫn chưa có một một chiếc bia tưởng niệm.

 Nói lại cho đồng bào cả nước và thế hệ trẻ biết.
Cống Hiệp Hòa được nhiều người quan tâm sau sự kiện bi thảm xẩy ra vào ngày 03/01/1978, làm chết 98 thanh niên, bị thương 132 người. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết cụ thể cống Hiệp Hòa nằm ở đâu, quy mô thế nào, hoạt động ra sao? Tai nạn kiểu gì mà làm đến hàng trăm người thương vong? Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đi trên dưới 1.000 km trong 3 ngày.
Cống Hiệp Hòa nằm ở thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Địa điểm này nằm cách thành phố Vinh khoảng 60 km về phía tây – bắc. Cống Hiệp Hòa nằm trong hệ thống sông đào dẫn nước từ sông Lam tưới cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đây là vựa thóc của tỉnh Nghệ An. Nhờ có công trình thủy lợi này mà 370.000 ha được chủ động tưới tiêu, đưa lại mùa màng tươi tốt cho cả một vùng quê rộng lớn.
Đại công trình thủy lợi bao gồm đập Bara trên sông Lam (đập này được xây theo thiết kế của Hoàng thân Xuvanuvong), hơn 530 km kênh mương, trong đó có hơn 50 km kênh chính. Đây là một công trình thủy nông quy mô và phức tạp về mặt kỹ thuật. Công trình này được khởi công vào năm 1934 và cơ bản hoàn thành vào năm 1937. Lúc khánh thành có sự tham dự của Vua Bảo Đại.
Cống Hiệp Hòa là một hạng mục quan trọng và phức tạp trong công trình này. Ở đây là một ngọn núi nhỏ nhưng đào xuống sâu lại là đất bùn nhão. Người ta quyết định bạt núi làm cống. Cống dài khoảng 180 mét, tròn, đường kính 3,8 mét, riêng phần cửa nhận nước rộng hơn 4 mét. Cống được làm bằng bê tông, độ dày trên 10 cm, không có cốt thép. Theo thiết kế, lưu lượng nước qua đây là 32,5 m3/s (32,5 khối 1 giây). 
Cách cống Hiệp Hòa khoảng 2 km về phía hạ lưu là một hạng mục quan trọng khác: Đường hầm xuyên núi. Khi khánh thành vào năm 1937, mới chỉ có một đường hầm dài 508 mét. Năm 1997, để bảo đảm đủ nước tưới, một đơn vị bộ đội của ta (đoàn Lũng Lô) đã mở thêm một đường hầm bên cạnh dài 545 mét. Xưa cũng như nay, cống Hiệp Hòa còn có chức năng bảo đảm an toàn cho đường hầm này. Chính vì vậy người ta phải làm cửa cống vững chắc để điều tiết nước; khi mưa nhiều, nước to, cống Hiệp Hòa phải đóng lại để giảm áp lực cho đường hầm. 
Khi cống Hiệp Hòa được làm xong, đưa vào vận hành, cống được để lộ thiên. Dưới thời Pháp thuộc, có người được cắt cử, quan sát, bảo vệ, dọn dẹp đất đá rơi vãi phía trên cống. Ấy thế nhưng sau đó người ta đổ đất lên, san phẳng để làm đường đi lại.
Có thể nói, số phận của cống Hiệp Hòa rất bi tráng. Khi hoàn thành công trình thủy lợi này trên đất Nghệ An, người Pháp rất tự hào. Ấy thế mà chính người Pháp là những người đầu tiên có ý định… phá cống. Số là vào cuối cuộc chiến tranh, người Pháp biết mình thua, buộc phải rút khỏi miền Bắc nên năm 1954, họ dùng bom nước để hủy hoại cống Hiệp Hòa nhưng không thành. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cống Hiệp Hòa là một trong những mục tiêu đánh phá. Phía Việt Nam cũng xem đây là công trình quan trọng cần phải bảo vệ. Nhiều trận chiến trên không ác liệt đã xẩy ra ở đây. Mỹ đã ném xuống đây gần 100 quả bom; có hai lần (vào năm 1968 và năm 1972 ) bom rơi vào khu vực cống, gây hư hỏng đáng kể nhưng cống vẫn không bị phá hủy. Tuy nhiên, lưu lượng nước chảy qua cống bị giảm đi rõ rệt.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An đặt ra rất bức thiết. Sau hơn 40 năm vận hành, lại trải qua nhiều lần bị đánh phá, vào năm 1977 lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa chỉ còn 18m3/s. Vấn đề sửa chữa và mở rộng cống Hiệp Hòa được đặt ra. Với tinh thần cách mạng của quê hương xô viết Nghệ Tĩnh, người ta đã huy động hàng ngàn thanh niên tới đây để làm việc. Đây chủ yếu là những người trẻ tuổi thuộc Tổng đội thanh niên tình nguyện thuộc tỉnh Đoàn được thành lập vào năm 1976.
Để nạo vét, sửa chữa, mở rộng cống – thanh niên phải đào đất ngay bên cạnh cống có nước đang chảy. Người ta thiết lập thang và dùng sức người để đưa đất từ dưới lên. Chiều dài (có đoạn dốc thẳng đứng) từ đáy cống lên mặt bằng đổ đất khoảng 80 mét. Như vậy, lúc này cống cũ không chỉ lộ thiên phần bên trên, mà còn lộ cả một bên sườn (nơi sẽ làm cống mới bên cạnh rộng 4 mét). 
Công việc này rất phức tạp, nặng nhọc và nguy hiểm (trong quá trình thi công, phát hiện và vô hiệu hóa 3 quả bom chưa nổ) nhưng không khí trên công trường rất vui vẻ, khi nào cũng rộn tiếng ca. Bước sang năm 1978, công việc ở cống Hiệp Hòa đã đi vào giai đoạn kết thúc, một số đơn vị đã được rút đi, bổ sung cho công trường khác nhưng ở đây người ta vẫn lao động khẩn trương, tranh thủ vừa ăn, vừa làm. Vào khoảng 12 giờ ngày 03 tháng 01 năm 1978 – đúng lúc nghỉ ăn trưa và giao ca thì cống sập. Sau một tiếng động lớn, khoảng 30 mét cống cũ đổ sập xuống. Giữa sự nhốn nháo, hoảng loạn lại xẩy ra sự sập đổ dây chuyền thêm gần 100 mét cống nữa. Sự đổ sập này gây chấn động làm đổ cả bức tường đất được dựng lên tạm thời. 
Không khó để tưởng tượng ra cảnh khủng khiếp khi cả ngàn khối bê tông, đất đá đổ xuống vùi lập hàng trăm người. Những người không bị vùi lấp dùng tay trần đào bới bùn đất, bê tông để cứu người. Ngay trong buổi chiều hôm đó, 93 thi thể đã được đưa lên đặt kín sườn đồi, hàng trăm người khác được đưa vào bệnh viện. Gỗ và thợ đóng quan tài quanh vùng được huy động. Ban đầu, người ta định chôn cất tất cả những người chết ngay cạnh cống Hiệp Hòa. Người chỉ huy công trường biết rằng, nếu như vậy thì công trường khó mà hoạt động trở lại một cách hiệu quả. Do vậy, những người chết được đưa về thôn xã của mình.
4 ngày sau, công trường làm việc trở lại trong không khí im lặng, đau đớn, buồn thảm. Người ta lau nước mắt, cắn răng lại để hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán (theo Âm lịch, thảm họa xẩy ra vào ngày 24 tháng 11năm Đinh Tỵ). Có thể xem đây là một chiến công trong lao động.
Nhiều người cho rằng, lịch sử xây dựng, bảo vệ, sửa chữa, mở rộng tổ hợp đập Bara Đô Lương, cống Hiệp Hòa và toàn bộ công trình thủy lợi dẫn nước về tưới cho đồng ruộng các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu rất hào hùng và bi tráng; cần được ghi lại để những lớp người sau này biết tới.
Tìm về đau nỗi đau chung…
Nỗi đau vụ sập cống Hiệp Hòa hầu như chưa bao giờ nguôi ngoai đối với nhiều vùng quê của huyện Thanh Chương và tất cả những người có lương tri. Trong 98 người chết, 95 người thuộc huyện Thanh Chương. Xã Cát Văn có số thanh niên hi sinh nhiều nhất là 37 người. Những người dân luống tuổi của xã Cát Văn không bao giờ quên không khí tang tóc đêm 03/01/1978. 37 chiếc quan tài chuyển về chật kín sân kho, một số phải chuyển sang nơi khác. Xã quyết định chôn cất cả 37 người trên rú Đụn với ý nghĩ là sau này thành lập một nghĩa trang chung nếu họ được công nhận là liệt sĩ. Nhưng thời gian trôi, mọi thứ dường như rơi vào quên lãng, các gia đình lục tục đưa họ về với nghĩa trang gia đình.
Anh Nguyễn Nhật Lý ở xóm 11 – chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Nga (sinh 1958, một trong những người hiếm hoi đã xây dựng gia đình). Anh Lý sinh năm 1954, năm 1972 đi bộ đội. Sau nhiều năm ở quân ngũ, anh về quê và cưới vợ. Mới về ở với nhau được 4 ngày thì chị Nga vĩnh viễn ra đi. Anh Lý bùi ngùi: “Tôi ở trong quân ngũ, trải qua chiến tranh nhưng vẫn trở về lành lặn. Ấy thế mà vợ tôi lại ra đi khi đất nước đã hòa bình, thống nhất…”. 
Bà Nguyễn Thị Liên, mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến (bố của chị Tiến là ông Bùi Văn Điều đã mất). Bà Liên năm nay đã 87 tuổi, gầy gò, yếu đuối. Tuy vậy, bà vẫn đưa chúng tôi ra nghĩa trang, chỉ mộ của chị Tiến. Bà ngồi xuống bên mộ, mắt buồn đau đớn. Trở về nhà, bà đưa ảnh của chị Tiến ra lặng ngắm. Bà Liên không muốn nói gì thêm nữa, dường như bà cam chịu nỗi đau vì không tin người ta có thể làm điều gì đấy tốt đẹp cho con bà.
Anh Lý cho biết, năm ngoái 37 gia đình nạn nhân ở đây quyết định góp mỗi gia đình 100 ngàn đồng làm kinh phí để kêu gọi cơ quan chức năng quan tâm đến vụ việc sập cống Hiệp Hòa một cách thỏa đáng. Thân nhân của những người đã hi sinh không hài lòng với sự lạnh lẽo ở nơi 98 thanh niên ngã xuống. Sau khi những thanh niên ấy mất đi, gia đình họ chỉ nhận được trợ cấp 360 đồng/tháng theo chế độ 202. Số tiền này thay đổi theo thời gian và hiện nay là 540.000 đồng/ tháng. Họ cũng không thấy được an ủi, mà dường như đau đớn thêm khi mỗi tháng nhận được số tiền bằng với số tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Chính vì vậy ông Nguyễn Đức Thị (có con đẻ và cháu ruột chết trong vụ sập cống Hiệp Hòa) từng thốt lên chua xót: “Chế độ 202 là dành cho người tàn tật, cô đơn, quả phụ. Tại sao tôi lại nằm trong diện này?”. Nghe những lời này, nỗi đau càng thêm nhói buốt.
Tìm hiểu qua nhiều người, chúng ta có thể kết luận như thế này: Khi gần 100 người chết gần như cùng một lúc ở cống Hiệp Hòa, nhiều lãnh đạo của địa phương tin họ sẽ được công nhận là Liệt sĩ. Nhưng thực tế không xẩy ra như lãnh đạo địa phương, từ cấp xã, cấp huyện, đến cấp tỉnh nghĩ. Vì vậy, không ít người trong số này cố tình quên những gì xẩy ra ở cống Hiệp Hòa. 
Những người có trách nhiệm thì cố quên nhưng nhiều ngườidân bình thường vẫn nhớ. Suốt 40 năm qua, nhiều người ở huyện Thanh Chương đã lên tiếng, đã viết đơn gửi đi các cơ quan chức năng. Cứ vào dịp năm chẵn (10 năm, 20 năm, 30 năm, 35 năm, 40 năm) thì một số cơ quan báo chí lại lên tiếng về sự kiện này. Khi có mạng Internet, sự kiện bi thảm ở cống Hiệp Hòa được lan truyền rộng rãi hơn. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chúng ta đối xử với những người hi sinh ở cống Hiệp Hòa không công bằng; thân nhân của họ không hài lòng, không yên tâm. Họ vẫn tiếp tục kiến nghị và chờ đợi sự giải quyết thỏa đáng.
Ai là người đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề cống Hiệp Hòa? 
Sở dĩ tôi đặt ra những câu hỏi như vậy vì đã và đang có những người viết đơn kiến nghị gửi đi một số cơ quan chức năng, nhưng họ cũng chỉ được nhận những lời tư vấn chung chung hoặc “Phiếu hướng dẫn”. Ví dụ cụ thể đây. Ông Nguyễn Nhật Sơn ở thôn 7 xã Cát Văn – một trong những người đã tham gia “Thanh niên tình nguyện” lúc bấy giờ, đã viết đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, đề nghị xem xét và giải quyết chế độ chính sách cho những người chết và bị thương trong vụ sập cống Hiệp Hòa. Đơn của ông đề ngày 31/5/2017, dài 5, 6 trang giấy, nội dung thống thiết, có tình có lý nhưng ông chỉ nhận được “Phiếu hướng dẫn” đề ngày 16/6/2017 của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Phó Chánh Thanh tra Đàm Thị Minh Thu ký với nội dung “Ông gửi đơn đến Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.
Cần phải nói rõ thế này: Trong gần 40 năm qua, đã có nhiều người gửi đơn, trực tiếp đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An để kiến nghị, yêu cầu giải quyết. Về phía địa phương, đầu tiên là tỉnh Nghệ Tĩnh, sau đó là tỉnh Nghệ An cũng đã cố gắng nhưng rõ ràng cấp tỉnh không đủ thẩm quyền để giải quyết thỏa đáng được vấn đề này. Ủy bân Nhân dân tỉnh đã cấp cho mỗi người chết một bằng GHI CÔNG, trong đó có ghi “Đã hi sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Nghệ Tĩnh”. Ở đây là TỈNH GHI CÔNG chứ không phải TỔ QUỐC GHI CÔNG. Không biết trong 63 tỉnh thành hiện nay, có tỉnh thành nào cấp loại bằng tương tự không? Nếu có, loại bằng này có giá trị gì?. Tỉnh Nghệ An cũng đã và đang cấp tiền theo chế độ 202 cho thân nhân những người hi sinh. Vậy bây giờ lại hướng dẫn quay về tỉnh để giải quyết thì giải quyết cái gì nữa!?
Chúng ta phải thấy rằng, vấn đề này phải là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoặc Chính phủ, hay đúng hơn là Quốc hội mới đủ thẩm quyền giải quyết. Vấn đề này rất lớn, nó liên quan không chỉ đến chính sách, mà còn liên quan đến cả đạo lý của đất nước ta, dân tộc ta. Cụ thể ở đây người ta muốn 2 điều: 1. Dựng một nhà bia tưởng niệm nơi thảm họa xẩy ra; 2. Có chế độ, chính sách thỏa đáng cho những người bị thương và thân nhân những người chết.
Như thế nào là thỏa đáng? Họ muốn những người chết được công nhận là Liệt sĩ, những người bị thương là Thương binh! Nếu chiểu theo chế độ, chính sách của Nhà nước ta hiện nay, những điều này sẽ không được đáp ứng vì họ hi sinh và bị thương trong lao động chứ không phải trong chiến đấu. Tuy nhiên, việc các thanh niên tình nguyện đến làm việc tại cống Hiệp Hòa 40 năm về trước không phải để kiếm sống, mà để cống hiến sức lực xây dựng quê hương, đất nước. Theo ý kiến của rất nhiều người, kể cả cán bộ cao cấp thời bấy giờ: Những người hi sinh xứng danh là Liệt sĩ, những người bị thương xứng danh là Thương binh. Vì lúc đó họ làm việc với tinh thần quả cảm, tinh thần cống hiến. Đất nước ta đã từng phong nhiều người là Anh hùng Lao động, vậy cũng có thể công nhận Liệt sĩ, Thương binh trong Lao động chứ?!
Vấn đề này phải có chủ trương từ cấp cao nhất, thậm chí phải là một quyết định riêng biệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này đã từng có tiền lệ khi xử vụ sập cống Hiệp Hòa. Số là sau khi vụ việc xẩy ra, tỉnh Nghệ Tĩnh đã xử lý hành chính, kỷ luật nhiều người, gửi báo cáo vụ việc này cho trung ương và hai tỉnh lân cận là Thanh Hóa và Bình Trị Thiên. Ví dụ, ông Hồ Như Hồng bị cách chức trưởng ban, trưởng phòng, hạ một bậc kỹ sư. Tưởng thế là xong nhưng không phải. Trước sức ép của dư luận, của những gia đình người chết, Ban Bí thư đã ra quyết định phải xử lý hình sự. Thế là một phiên tòa được mở tại Thị trấn Đô Lương (cách cống Hiệp Hòa khoảng 5 km) vào tháng 10/1980. Phiên tòa này nhằm 4 mục tiêu: 1. Yên dân; 2. Thượng tôn pháp luật; 3. Quy trách nhiệm cá nhân; 4. Đề cao vai trò khoa học kỹ thuật. Hơn 50 người được triệu tập đến tòa, kết quả có 3 người chịu án là ông Đào Nhiệm, Phó Ty Thủy lợi – 2 năm tù giam; Kỹ sư Trần Nhương, người trực tiếp chỉ huy thi công công trình cống Hiệp Hòa – 2 năm tù giam; ông Hồ Như Hồng, tổng chỉ huy cả cụm công trình - 6 năm tù giam.
Nay, nếu thấy cần thiết, Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng có thể ra một quyết định (không phải để mở phiên tòa), mà để dựa vào đó có thể giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của thân nhân những người chết ở cống Hiệp Hòa. Giải quyết thỏa đáng vấn đề này nhằm mục đích làm yên lòng thân nhân của những người đã khuất; làm cho những người còn sống được hưởng thành quả do cống Hiệp Hòa mang lại cảm thấy thanh thản; chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đối xử công bằng với những người hi sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như hi sinh trong lao động xây dựng Tổ quốc.
Đừng sợ nếu công nhận những người hi sinh ở cống Hiệp Hòa là Liệt sĩ thì phải công nhận những trường hợp tương tự! Kiểu lao động như ở cống Hiệp Hòa đã kết thúc khi đất nước ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, hướng nền kinh tế phát triển theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và kiểu lao động như ở cống Hiệp Hòa cũng không bao giờ lặp lại nữa, trừ khi đất nước xẩy ra chiến tranh. Bây giờ người lao động trước khi đi làm việc là ký hợp đồng; nếu rủi ro xẩy ra, họ được đãi ngộ thỏa đáng theo luật định. Tai nạn lao động thảm khốc xẩy ra ở công trường xây dựng cầu Cần Thơ làm chết nhiều người nhưng không ai yêu cầu công nhận những người này là Liệt sĩ. Họ và gia đình họ đã được đối xử phù hợp, thỏa đáng đúng với luật định và đạo lý.
Chúng tôi (bao gồm một số lãnh đạo 40 năm về trước, cán bộ cách mạng lão thành, những người từng tham gia lao động tại cống Hiệp Hòa, dân cư của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai và tất cả những người quan tâm đến vụ sập cống Hiệp Hòa) cảm thấy mình còn mắc một món nợ với những anh chị đã hi sinh ở cống Hiệp Hòa và thân nhân của các anh chị ấy. Món nợ này ám ảnh chúng tôi lâu rồi và ngày càng đè nặng. Tôi gọi món nợ này là món nợ lương tri – món nợ của những người có lương tâm và hiểu biết.
Tôi nghĩ, món nợ này chỉ được trả, chúng tôi chỉ được thanh thản khi một nhà bia tưởng niệm được xây bên cạnh cống Hiệp Hòa; thân nhân của những người hi sinh và những người bị thương ở cống Hiệp Hòa được quan tâm và đối xử tương ứng với những gì họ đã cống hiến.
Hà Nội – Nghệ An, tháng 4 – 2018
HBK

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441226

Hôm nay

2226

Hôm qua

2287

Tuần này

21130

Tháng này

216400

Tháng qua

112676

Tất cả

114441226