Cuộc sống quanh ta

Vì sự nghiệp Đổi Mới, vì nền dân chủ (I)

Lời tòa soạn: Năm 2017, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1997 – 2017), Nhà xuất bản Tri Thức đã tái bản có bổ sung Nhật ký của ông với tiêu đề: ƯỚC MƠ & HOÀI NIỆM

(Qua lời tự kể cuối đời ). Được sự đồng ý của gia đình bác sỹ, chúng tôi xin trích đăng phần IV của cuốn Nhật ký. Trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.

Trong thời gian từ 1978 cho đến 1981, sau mấy năm tràn ngập niềm vui chiến thắng, rộn ràng nỗi hân hoan Tổ quốc hoà bình, thống nhất, gia đình đoàn tụ, đất nước Việt Nam lâm vào một tình trạng hết sức căng thẳng. Có những khó khăn khách quan như nạn lũ lụt năm 1978 trên cả nước, làm mất hơn 3 triệu tấn thóc và gây hậu quả rất lớn trên nhiều mặt. Có những khó khăn từ bên ngoài đến, như chiến tranh ác liệt ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, những vụ việc gay cấn trong mối quan hệ với một số nước láng giềng, dư luận quốc tế không đồng tình với ta trên một số vấn đề… Nhưng nguyên nhân khách quan, dù là quan trọng đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể che lấp được những sai lầm về phía chủ quan.

Chính sách cải tạo tư sản ở các tỉnh phía Nam một cách vội vã làm xáo trộn tất cả hoạt động công thương nghiệp, gây sự xáo trộn lớn trong xã hội. Chính sách thu mua nông sản rồi bán ra với giá này giá khác làm nhân dân kêu ca “mua như cướp, bán như cho”. Chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp ồ ạt, đưa ra mục tiêu đến năm 1980 phải hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Nam. Ngay ở miền Bắc, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi nên lúc đầu cũng có một số tác dụng, nhưng càng về sau, càng bộc lộ những mặt bất cập, kìm hãm sản xuất; huống hồ ở miền Nam, mới giải phóng được vài năm, tình hình xáo trộn ruộng đất và phân hoá xã hội khá phức tạp, còn biết bao vấn đề khác, nên tôi nghĩ rằng chủ trương hợp tác hoá toàn bộ ruộng đất là không đúng. Tôi phản ánh lên Bộ Chính trị, đề nghị nên thôi chủ trương ấy, nhưng không được hồi âm. Mọi việc vẫn được tiến hành như đã đề ra, và hậu quả thế nào thì mọi người đã biết. Tôi chỉ kể một chuyện nhỏ để chứng minh thêm.

Anh Lê Điền là nhà báo, kể lại anh được dự một buổi họp, cán bộ xã tập hợp bà con rồi đặt vấn đề: “Người nào muốn vào hợp tác xã, đi theo Đảng, theo Bác Hồ, thì ngồi sang bên phải; người nào không muốn vào hợp tác, không đồng ý với Đảng, với Bác Hồ thì ngồi sang bên trái”. Tất cả bà con ngồi sang bên phải. Thế là báo cáo lên trên là 100% nông dân tự nguyện vào hợp tác. Sau đó, có một người hỏi lại anh Lê Điền: “Ông là nhà báo, ông biết rõ câu chuyện. Tôi đang cấy dở, chưa gặt, đợi gặt xong rồi, tôi vào có được không?” Anh Điền trả lời: “Chính sách của Nhà nước là vào hợp tác do tự nguyện, muốn vào lúc nào thì vào, muốn ra thì ra, chứ không bắt buộc”. Cán bộ xã ấy định bắt anh Lê Điền vì cho như vậy là phản tuyên truyền. May quá, anh không bị bắt.

Kinh tế sa sút, lạm phát tăng vọt, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn. Không phải kể nhiều, ai cũng có thể nhớ lại cảnh thiếu thốn cơ cực thời ấy như thế nào.

Trong kháng chiến trước đây và mấy năm sau giải phóng, cán bộ các cấp hoà mình với nhân dân, cùng nhau đánh giặc và khôi phục kinh tế, cùng chung cảnh thiếu thốn, sau này dần dần trở nên quan liêu hoá. Tiêu cực xã hội xuất hiện và ngày càng phát triển.

Cũng trong thời gian ấy, những vụ rắc rối trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, những sự bất đồng giữa các nước trong phe XHCN làm cho chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Trước đây ta vẫn nói rằng với sự hợp tác của phe XHCN lớn mạnh, có nền công nghiệp hiện đại, một nước nhỏ nghèo nàn lạc hậu có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội được. Nay trước những sự rạn nứt ngày càng bộc lộ rõ ràng, thậm chí có nơi có lúc trở nên gần như thù địch, chúng ta suy nghĩ như thế nào về chủ nghĩa quốc tế vô sản? Có phải đây là dấu hiệu khủng hoảng của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa?

Những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và trên thế giới làm cho các tầng lớp nhân dân lo lắng và suy nghĩ, nhất là trong một số cán bộ và trí thức. Tôi cũng ở trong số đó, và có dịp trao đổi với nhiều anh em khác. Trước đây thì tin tưởng tuyệt đối, bây giờ nhiều vấn để phải đặt lại.

Không phải đến lúc bây giờ tôi mới nhận ra những sai lầm vấp váp trong quá trình cách mạng ở nước ta và một số nước khác. Mấy chục năm ở Pháp cũng như sau này về nước, tôi thường xuyên nhận được tin tức từ nhiều phía về chuyện này chuyện khác. Tuy có phân vân, nhưng rồi cũng tạm gác lại, vẫn một niềm tin tưởng hoàn toàn vào học thuyết Mác-Lênin, vào Liên Xô, vào thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng được xác định như vậy do những nhận thức rất phổ biến sau đây:

Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu, mọi việc khác có thể bỏ qua; thế giới chia làm 2 phe đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, bất kỳ thế nào cũng đứng về phe xã hội chủ nghĩa, không để cho địch lợi dụng; các thông tin nêu lên những việc sai lầm của cách mạng có thể do báo chí tư sản bịa ra hoặc thổi phồng vv… Ví dụ như hồi 1956, Đại hội 20 của Đảng cộng sản Liên Xô nêu lên những sai lầm của Stalin, vạch ra tất cả khó khăn là do tệ sùng bái cá nhân. Báo cáo của Khơ-rút-xốp được đăng trên báo tư bản, Đảng cộng sản Pháp cho rằng báo tư bản bịa ra thôi, tôi cũng tin như vậy.

Chúng tôi là những người làm về y học, sinh học, nên thấy rõ sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô trong việc bảo vệ thuyết Mitsurin-Lyssenko, chống lại thuyết di truyền học của Moóc-găng mà không có một chứng nghiệm nào rõ ràng cả. Đảng cộng sản Pháp có một giáo sư sinh học là đảng viên đã từng tham gia chống Đức rất hăng hái. Nhưng khi Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô quyết định vấn đề khoa học như vậy, thì ông không ở trong Đảng nữa. Việc này gây chấn động lớn trong giới trí thức. Anh em cũng cho rằng không việc gì Stalin lại phải quyết định những vấn đề về ngôn ngữ học như ông ta đã viết. Tuy vậy, đa số đảng viên vẫn nghĩ rằng phải bảo vệ Liên Xô, không nói đến những sai lầm của Đảng, sợ địch lợi dụng.

Đối với Việt Nam, tình trạng này lại càng nặng nề. Vì vậy, tuy có băn khoăn, nhưng rồi cũng bảo nhau: Thôi, chuyện khoa học đó tạm dẹp. Những chuyện về Hung-ga-ri cũng cho qua.

Về vấn đề Nhân văn giai phẩm, anh em bên Pháp cũng không có nguồn tin nào khác ngoài báo chí trong nước. Bản thân tôi hồi đó không biết Trần Dần là ai, Lê Đạt là ai, làm gì, báo chí nói sao biết vậy.

Nghe đài ở Pháp đưa tin về những mặt tiêu cực, đặc biệt là sự lục đục trong các nước Đông Âu, chúng tôi nghĩ rằng cơ quan thông tấn của tư bản khuếch tán lên để chống chủ nghĩa xã hội. Mặt khác cũng được tận mắt thấy sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội Pháp, thấy nước Pháp tư bản tàn sát nhân dân Algérie nên tự nhủ rằng: Chủ nghĩa tư bản đã mấy trăm năm rồi mà còn nhiều cái tệ như thế, huống gì chủ nghĩa xã hội mới được hình thành, nên còn nhiều tệ nạn và tiêu cực thì cũng dễ hiểu thôi. Đây không phải là sự lý giải khoa học rõ ràng, mà chỉ là một cách lập luận để tự mình an ủi mình và có thể tạm yên tâm mà thôi.

Nhưng năm 1963, lần đầu tiên ghé qua Liên Xô mười mấy ngày trên đường về nước, tôi bỗng giật mình. Tuy cũng hào hứng trước những công trình xây dựng đồ sộ như đường tàu điện ngầm, một vài đại lộ, lâu đài ở Mátx-cơ-va, nhưng cái không thể che giấu được là sự nghèo nàn hàng hoá tiêu dùng so với phương Tây. Và điều rất khó hiểu là một đất nước mênh mông như thế, đồng ruộng không thiếu, máy kéo máy gặt ở nông trường không thiếu mà nông nghiệp lại kém, phải nhập thịt, bơ… của các nước phương Tây.

Về đến Hà Nội, thấy cảnh nghèo nàn lạc hậu thì cũng dễ hiểu thôi, không cần giải thích gì cho lắm. Nhưng trước năm 1975, trong cảnh nghèo nàn, thấy có cái hay là thực hiện được ý của Khổng Tử mà sau này Bác Hồ nhắc lại là “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Lại có điều hay nữa là không khí từ trên xuống dưới có sự nhất trí, chứ không phải áp đặt, nên những chủ trương đúng như đường lối y tế của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, như việc mở trường học… đều thực hiện được. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, nhiều việc đã xuống cấp, xã hội lành mạnh như hồi ấy không còn nữa. Bây giờ có những vấn đề mới, rất đáng lo ngại. Bao nhiêu chủ trương đụng chạm rất nhiều đến đời sống nhân dân, cứ trên đưa xuống là coi như đúng đắn, sáng suốt cả, không ai phải góp ý kiến. Khi thực hiện, vấp váp đổ vỡ, cũng không ai nói là đúng hay sai. Ngoài một số chính sách kinh tế như cải tạo tư sản, hợp tác hoá, thu mua nông sản, bao cấp… đã nêu trên đây, có thể kể thêm một vài chủ trương khác như xây dựng mỗi huyện thành một trung tâm công nghiệp, xây dựng thủ đô mới ở Xuân Hoà v.v…

Trong tình hình đó, tôi gửi cho báo Nhân Dân một bài về thông tin hai chiều, nêu luận điểm rằng việc đưa đường lối chủ trương từ trên xuống mà không có chiều ngược lại nói cho lãnh đạo nghe ý kiến của nhân dân là thiếu sót lớn. Phải thông tin hai chiều thì báo chí mới có vai trò thật sự.

Tôi cũng thấy bộ máy Nhà nước ta nhiều cấp, nhiều ngành ngày càng xa dân, có nơi đã thực sự biến chất. Không phải kể nhiều, ai cũng có thể thấy vô vàn hiện tượng cán bộ, nhân viên Nhà nước móc ngoặc, tiếp tay cho con buôn, lạm dụng công quỹ, lợi dụng đất đai, tài sản, phương tiện của Nhà nước, để vơ vét vào túi tham vô đáy của riêng mình. Tôi viết bài đăng lên báo Nhân Dân với đầu đề là “Chống tiêu cực”. Trong bài, có ý phân tích tình trạng cán bộ tham ô, ức hiếp nhân dân, không chỉ là trái đạo đức, mà còn là vấn đề chính trị. Hiện giờ đã có sự liên minh giữa những phần tử sau đây: Một số “con buôn” (tôi dùng từ “con buôn” chứ không phải nhà buôn, “con buôn” là có tính gian lận, làm ăn phi pháp, còn nhà buôn là kinh doanh theo đúng pháp luật); thứ hai là một số cán bộ xấu trong bộ máy Nhà nước cấu kết với con buôn, sử dụng quyền lực, phương tiện… của Nhà nước để làm ăn phi pháp; thứ ba là một bọn tay sai lưu manh; thứ tư là tay sai của đế quốc, dựa vào ba yếu tố trên để phá hoại ta. Liên minh 4 phần tử này như con nhộng hoá thành bướm, chờ thời cơ đến, hoá thành bộ máy Nhà nước mới.

Sau đó, trong một số cơ quan lý luận và khoa học xã hội, có những buổi thảo luận nêu lên vấn đề nước ta đã hình thành giai cấp tư sản mới chưa? Một số ý kiến cho là đã hình thành. Tôi nói dùng từ giai cấp tư sản thì không chính xác. “Con buôn” hiện nay chưa phải là nhà tư sản. Đây không phải là nhà kinh doanh có tính sáng tạo, làm cho kinh tế, văn hoá, khoa học phát triển như nhà kinh doanh của các nước tư bản châu Âu, giữ vai trò chủ đạo cho nền kinh tế của dân tộc, 200 năm qua đã tạo nên một nền kinh tế tư bản khá lớn. Ở ta mới có bọn “con buôn”, chưa phải là một giai cấp tư bản lớn.Sau đó, năm 1988, tôi có viết một bài đăng ở báo Công An, nhận định rằng ở Việt Nam ta cũng đã có ma-phi-a rồi.

Trước tình hình khó khăn, tiêu cực ngày càng tăng, và thấy Đảng bước đầu cũng có một vài chủ trương mới (như chủ trương về khoán sản phẩm đến người lao động), tôi cùng một số anh em trí thức trao đổi bàn bạc, trên tinh thần hăng hái thiết tha góp ý kiến với Đảng tìm đường đưa đất nước đi lên. Với tư cách cá nhân, tôi viết một bản kiến nghị gửi lên Quốc Hội. Nội dung gồm 7 điều, tóm tắt như sau:

1. Đường lối đề ra tiến lên sản xuất lớn XHCN, đề nghị ghi lại là tiến lên sản xuất lớn, nhưng cần dành cho sản xuất nhỏ một vị trí, chứ không nên xoá bỏ nó.

2. Về đường lối quốc tế, hồi đó vẫn còn dư âm của chủ trương chống chủ nghĩa xét lại, tức là nghi kỵ với các nước anh em, đồng thời xuất hiện khuynh hướng muốn đi về phương Tây, không muốn làm ăn với Liên Xô nữa.

Tôi đề nghị Việt Nam phải quan hệ rộng rãi trên trường quốc tế, trước hết là với các nước anh em đã có quan hệ lâu năm. Việc làm ăn với Liên Xô nên đàng hoàng, thân mật, cởi mở hơn. Đóng cửa lại thì không thể sống được.

3. Ở các cấp có 2 bộ máy, bộ máy Đảng đứng trên bộ máy Nhà nước thì bộ máy Nhà nước không thể có hiệu lực, không thể nào phát triển kinh tế văn hoá được.

4. Thưởng phạt phải nghiêm minh.

5. Báo chí chỉ thông tin một chiều, không phản ánh dư luận của nhân dân. Kiểm duyệt sát sao, không cho đăng ý kiến của quần chúng dễ dẫn đến sai lầm.

6. Khoa học xã hội đáng lẽ phải đi trước, lại đợi có đường lối chủ trương mới minh hoạ, nên chẳng có vai trò gì cả.

7. Đại hội lần thứ 2 của Đảng (1951) có nêu lên chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Cần nghiên cứu tư tưởng Mao đã ảnh hưởng đến Đảng ta như thế nào để xoá bỏ tàn tích tư tưởng đó.

Sau này anh em gọi bản kiến nghị này là “Sớ thất điều - thất trảm” như của Chu Văn An ngày xưa.(*)

Một số đại biểu Quốc hội nhận kiến nghị, mang về địa phương, rồi từ đó phổ biến ra, nên báo chí nước ngoài đăng lên. Có báo không đăng đủ 7 điểm, có báo lại bình luận thêm, nói rằng điều 3 ám chỉ ông Lê Đức Thọ nắm hết quyền. Do đó, câu chuyện mới rùm beng lên. Rất nhiều người lo ngại cho tôi, không biết rồi cấp trên đối xử với tôi như thế nào. Nhiều bà con bạn bè đến nhà thăm. Có lần có người hỏi: “Ông Viện đâu rồi?” Bà nhà tôi quen tiếng Sài Gòn trả lời: “Ông ấy chạy đâu rồi đấy”. (Tiếng “chạy” với người Sài Gòn là “đi đâu đó thôi”, nhưng tiếng “chạy” ở miền Bắc là “chạy trốn”). Người ta đồn ầm lên là ông Viện trốn ra nước ngoài rồi. Tôi về Nghệ An, có người bà con làm giáo viên gặp tôi, hết sức ngạc nhiên: “Em tưởng là anh đã đi rồi? Cả tỉnh Nghệ An người ta đồn là ông Viện trốn ra nước ngoài rồi”. Anh giáo viên này có ý là để cho mọi người biết là mình không đi đâu cả, sẽ tổ chức để tôi nói chuyện với trường về một vấn đề gì đó. Thế là hôm đó, tôi nói chuyện với giáo viên và học sinh trường cấp III về vấn đề giáo dục và thể dục.

Cũng lạ, câu chuyện rùm beng ở nước ngoài, trong nước cũng xôn xao. Nhưng mà, mãi cho đến bây giờ, cấp trên cũng không có ai đến gặp tôi hoặc triệu tập tôi lên để chất vấn, phân tích đúng sai, khiển trách tôi điều gì. Không có chuyện gì cả, tôi vẫn công tác bình thường, vẫn tiếp nhiều khách quốc tế. Nhưng dù sao, cũng không tránh khỏi căng thẳng, tôi trở thành “nhân vật được chú ý”.

Bản kiến nghị 7 điều là cái mốc đánh dấu bước ngoặt trong công tác và suy nghĩ của tôi. Từ đó, xem như thôi công tác đối ngoại để tập trung suy nghĩ vào việc cải tiến những vấn đề trong nước.

Ngoài vấn đề dân chủ hoá, khoa học xã hội là lĩnh vực tôi hết sức quan tâm. Hồi còn ở Pháp, tôi đã được trao đổi nhiều với các học giả phương Tây, các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh về những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá phong tục tập quán, tôn giáo… của thế giới thứ ba. Về trong nước, cũng may mắn tiếp tục nhận được sách báo phương Tây về những vấn đề này. Những chuyến đi công tác nước ngoài cũng giúp tôi có thêm thực tế để đối chiếu, suy ngẫm.

Nhiều anh em khác ở trong nước rất thiệt thòi. Đi nước ngoài là việc hết sức khó khăn. Sách báo phương Tây hầu như không được đọc. Lúc mà tất cả sinh viên, nghiên cứu sinh về khoa học xã hội, kinh tế, chính trị, triết học, tâm lý ở Liên Xô bị rút về hết (*)thì những sách vở, thông tin của Liên Xô về những vấn đề đó không còn nữa, thành ra từ chuyên viên cho đến lãnh đạo, hầu như hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, không nắm được gì về những vấn đề của các nước thuộc thế giới thứ ba.

Hồi đó chúng ta tự cho Việt Nam là một ngoại lệ đặc biệt, ta đã đánh được Mỹ và đã tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên những khó khăn vấp váp của các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh như là chuyện ở đâu đâu, chứ không phải chuyện của ta. Bao nhiêu tài liệu trên thế giới về vấn đề này, ta không đọc, không rút được kinh nghiệm. Vì chính sách bưng bít, không cho trí thức tiếp xúc với bên ngoài, nên có những sai lầm chậm được phát hiện. Lẽ ra không sai, hoặc chủ trương đúng được đề ra sớm 3, 5 năm hoặc 10 năm, thì sẽ tránh được rất nhiều hậu quả của những bước đi lạc đường.

Tôi thấy cần phải tổng hợp những thu hoạch mình đã tiếp nhận được, nghiên cứu vận dụng trong hoàn cảnh nước ta, gợi lên các vấn đề, giới thiệu với mọi người để cùng suy nghĩ, trao đổi. Trong việc này, tôi may mắn được sự hỗ trợ và sau này thành sự hợp tác chặt chẽ giữa anh Kiến Giang và tôi.

Anh Kiến Giang tham gia kháng chiến chống Pháp từ lúc còn ít tuổi, được kết nạp Đảng rất sớm, sau được cử đi học trường Đảng ở Liên Xô, vào hàng trẻ nhất, với tư cách là chuyên viên của Nhà xuất bản Sự Thật. Đến lúc Trung ương Đảng đưa ra chủ trương chống xét lại, mà thực chất là chống Liên Xô, đi theo Mao Trạch Đông, rồi rút tất cả nghiên cứu sinh học chính trị về nước, anh Kiến Giang không đồng tình với Nghị quyết ấy. Vì vậy, anh bị đưa đi cải tạo ở một vùng rừng núi, sau giải phóng miền Nam mới được về Hà Nội. Cũng may mà anh vẫn giữ được sức khoẻ và trí tuệ minh mẫn. Anh giỏi tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh cũng nắm được. Lúc đó, tôi gần 70 tuổi rồi, việc đi thư viện và ghi chép cũng khó khăn. Hai anh em cộng sức với nhau, tập hợp được một lượng thông tin khá phong phú từ nhiều nguồn, bàn bạc với nhau, rồi anh chấp bút, viết thành 2 quyển: 1 quyển về thế giới thứ ba, 1 quyển về Thái Lan. Đến năm 1982 viết xong, lại cùng đọc, cùng góp ý kiến, tìm tư liệu thêm, rồi anh Kiến Giang viết lại. Nhưng hồi đó, tên tuổi anh Kiến Giang không được phép nêu lên, nên phải để tên tôi. Bản thảo hơn 300 trang phải duyệt qua không biết bao nhiêu cấp, nên mãi đến 1985 mới được Nhà xuất bản Thông tin Lý luận in. Một quyển sách chính trị bao giờ cũng mang màu sắc thời sự mà đến sau 2 năm mới được xuất bản thì đã lỗi thời, nhưng dù sao nó cũng đã được ra đời.

Tất cả những cuốn sách về kinh tế từ năm 1982 mãi đến sau này đều do sự hợp tác chặt chẽ giữa anh Kiến Giang và tôi mà viết ra. Tôi chỉ góp ý kiến chính và xem lại bản thảo, thêm bớt một vài điểm, còn người viết từ đầu đến cuối là anh Kiến Giang, nhưng hoàn toàn để tên tôi. Những quyển sách anh Kiến Giang không được để tên, sau này cũng phải đính chính cho rõ.

(Còn nữa, kỳ sau in tiếp)

 


(*) (*: Đời vua Trần Dụ Tông (thế kỷ 14), chính sự thối nát, quyền thần lộng hành, ông Chu Văn An can ngăn nhiều lần vua không nghe. Ông bèn dâng Thất trảm sớ đề nghị chém 7 nịnh thần. Vua không nghe. Ông từ quan, về ẩn cư ở Chí Linh.)

 

(*)  Năm 1964, sau khi có Nghị quyết 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522464

Hôm nay

2321

Hôm qua

2290

Tuần này

21238

Tháng này

220403

Tháng qua

121009

Tất cả

114522464