Cuộc sống quanh ta

Vì sự nghiệp Đổi mới, vì nền dân chủ (IV)

Trong hoàn cảnh ấy, lãnh đạo ở nước ta đề ra chủ trương trước hết phải đảm bảo sự ổn định, không để xảy ra những vụ rối ren trong xã hội. Vì thế dân chủ hoá phải có lãnh đạo và từ từ, có thể hiểu là dân chủ hoá từ trên ban xuống, cho đến đâu thì được đến đấy. Kết quả đẻ ra một tình trạng mâu thuẫn. Một bên là kinh tế thì cứ mở cửa rộng đến mức buông thả, không còn kỷ luật kỷ cương gì nữa; một bên là chính trị  thì hạn chế dân chủ, không lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân, không đổi mới thể chế phù hợp với tình hình.

[…]

Trong hoàn cảnh như vậy, tôi thấy cần phải có ý kiến. Ý kiến tôi cũng như nhiều anh em khác mong mỏi có sự dân chủ hoá. Ai cũng muốn có ổn định, chứ không phải những người muốn dân chủ là muốn cho xáo trộn loạn lạc lên. Nói như vậy chỉ là sự vu khống. Chính vì muốn tránh bùng nổ, mà tôi muốn nhịp độ dân chủ hoá phải nhanh hơn, nếu không, bề ngoài cứ tưởng là ổn định, nhưng tình trạng mất dân chủ gây nên phản ứng như những đợt sóng ngầm, đến lúc nào đó không tránh khỏi bùng nổ. Kinh nghiệm ở Liên Xô và Đông Âu rất đáng cho ta suy ngẫm.

Trong vấn đề đa nguyên, đa đảng, năm 1989, tôi có viết một bài đăng ở báo Đại đoàn kết. Đại ý bài này là nhiều Đảng hay ít Đảng là do hoàn cảnh lịch sử của từng nước trong từng giai đoạn, không nhất thiết là chỉ có một Đảng. Có người hỏi tôi Việt Nam hiện nay nên nhiều Đảng hay một Đảng? Tôi nói hiện nay chỉ nên một Đảng thôi. Ở Việt Nam hiện nay, tầng lớp trung lưu, trí thức lương thiện chưa đủ sức lập ra một đảng độc lập. Đến ngày nào đó, như ở các nước phương Tây, những giai cấp trung lưu hay tầng lớp trí thức có đủ điều kiện, nếu họ muốn thì họ có thể có một đảng độc lập. Hiện nay, trong một giai đoạn nhất định, Đảng cộng sản được giao phó nhiệm vụ lịch sử, nhưng không phải là vĩnh cửu, cha truyền con nối. Cũng không thể độc quyền, độc tôn, chỉ có mình mới nói đúng, còn người khác nói là không đúng. Nhiều khi công bố là ý kiến của Đảng, nhưng thực chất chỉ là ý kiến của một người.

Sau đó, tình hình ngày càng gay gắt, viết báo viết sách khó quá, không thể nào được in, nên tôi không viết nữa.

Chúng tôi (tức là anh Kiến Giang và tôi) trao đổi với nhau thấy rằng hiện giờ trên thế giới và trong nước ta có những xu thế lịch sử tất yếu, không thể cưỡng lại được. Nhưng hoàn cảnh mỗi nước khác nhau, xã hội khác nhau nên bước đi, cách đi cũng không giống nhau. Ở Liên Xô và Đông Âu đã xẩy ra tai hoạ ta phải đề phòng.

Xu thế lịch sử chung là gì? Có 3 điểm:

Thứ nhất là kinh tế thị trường. Trước kia ta có sai lầm, cho kinh tế thị trường là tư bản, nên dẹp nó đi. Thực ra kinh tế thị trường phát triển mạnh khi chủ nghĩa tư bản ra đời, nhưng bản chất của nó không nhất thiết là tư bản. Muốn xoá bỏ kinh tế thị trường bằng kinh tế kế hoạch hoá hoàn toàn là sự không tưởng.

Thứ hai là quốc tế hoá, thế giới hoá cuộc sống.

Thứ ba là dân chủ hoá, phát triển một xã hội cộng đồng, khẳng định quyền cá nhân. Đây không phải là xu thế riêng của cách mạng tư sản hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà là thu hoạch chung của loài người. Nước này đi trước, nước kia đi sau. Nhưng không thể nôn nóng, lập đảng này đảng khác, giải phóng cướp chính quyền. Nôn nóng như vậy là vô ích. Phải có thời cơ.

Nhưng thể chế dân chủ phải dựa trên cơ sở con người. Trước kia là tôn giáo. Sau này là khoa học nhân văn của con người. Phải đề xuất chính trị trên cơ sở có nền nhân văn vững. Người làm chính trị, nếu không có một nền nhân văn thì không thể có ý kiến sâu sắc được.

Ở nước ta, trong những năm gần đây, trong xã hội học và chính trị học, đang có xu thế hình thành khái niệm xã hội công dân, nói đúng hơn là một xã hội chủ động, tự mình. Những công dân chủ động không chờ Nhà nước quyết định rồi mới làm, mà tập hợp với nhau, thành lập những hội, đoàn, nhằm thực hiện những mục tiêu về từ thiện, thể thao, văn hoá, tôn giáo v.v… Điều cơ bản là tính chủ động của người công dân tự mình gặp nhau, rồi tự lập, tự quản. Nó khác với những hội, đoàn từ trước đến nay, như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…, tuy lúc đầu do quần chúng tự nguyện, nhưng dần dần về sau, nhất là khi Đảng đã nắm chính quyền, những đoàn thể này trở thành những tổ chức do trên quyết định thành lập, chỉ định một số người đứng ra phụ trách, thực chất cũng là những chi nhánh của bộ máy Nhà nước, chứ không phải do chính người công dân lập ra.

Những năm gần đây, về kinh tế có những tư nhân đứng ra kinh doanh. Về xã hội, xuất hiện Hội từ thiện. Ở nông thôn, bà con tập hợp nhau sửa chữa đình chùa, đền thờ, tổ chức những hội làng sinh động. Trong nhân dân, xu thế không đợi Nhà nước nữa, tự mình đứng lên làm, đã hình thành và đang phát triển. Qua những hoạt động tự lập, tự quản như vậy, người công dân trước đây chỉ thụ động chờ lệnh trên, dần dần có ý thức hơn về trách nhiệm. Từ đó dân trí mở mang lên, thành nền tảng vững chắc cho một chế độ dân chủ, người công dân có ý thức, có ý kiến về các vấn đề, không nhắm mắt để bị lôi cuốn đi đâu cũng được.

Đó là nội dung khái niệm xã hội công dân. Những người thức thời thấy phải thúc đẩy hình thành xã hội công dân. Nhưng khó nhất là trong vấn đề khoa học. Cho đến những năm gần đây, vẫn còn quan niệm là Nhà nước nắm độc quyền khoa học, cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.

Tháng 1 năm 1991, anh Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo tôi chuẩn bị phát biểu ý kiến trong cuộc họp nhân sĩ trí thức do Mặt trận triệu tập để đóng góp cho Đại hội Đảng sắp tới (lần thứ 7). Tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó, nhưng tôi không đến dự họp, vì tôi biết kiểu phát biểu ý kiến ở một hội nghị đông người, Ban thư ký ghi chép có thể chữ được chữ mất, thường là hình thức, không có tác dụng. Khi cần có kiến nghị lên trên, bao giờ tôi cũng viết ra giấy trắng mực đen rõ ràng. Vì vậy, tôi viết một bức thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, đưa đến Văn phòng Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thư đề ngày 6/1/1991.

Nội dung bức thư đại ý nói tôi hoàn toàn đồng ý đường lối chung do Đại hội Đảng lần thứ 6 đề ra. Nhưng Đại hội 6 không giải quyết được vấn đề tổ chức, đây là mâu thuẫn lớn, là vấn đề mấu chốt cần giải quyết.

Hiện nay, Đảng nắm hết quyền hành, đứng trên cả Nhà nước. Bức thư có câu “Mỗi Bí thư Tỉnh uỷ là lãnh chúa”. Có anh em đọc bản kiến nghị này nói lần sau anh nên viết nhẹ nhàng hơn, nếu không dùng từ “lãnh chúa” thì chắc không đến nỗi. Tôi bảo nếu không dùng từ “lãnh chúa” thì không khuấy lên được vấn đề. Nếu tôi chỉ nói là nên bớt quyền hành của cấp uỷ Đảng để cho bộ máy Nhà nước nổi vai trò hơn, thì chắc cũng êm ru, không thành vấn đề gì. Nếu đưa một kiến nghị để nó rơi tõm vào yên lặng thì chả viết làm gì vô ích. Đây không phải tôi sơ hở lỡ ngòi bút, tôi viết từ “lãnh chúa” là cố ý. Tôi đã thấy rõ ràng một đồng chí Bí thư tỉnh uỷ đi cùng với tôi, đi đến chỗ này bảo: “Tôi sẽ đào con kênh”, đến chỗ khác bảo: “Tôi sẽ cho trồng mía”... “Tôi sẽ dời dân đi”... Ông làm như tỉnh đó là của ông ấy, muốn làm gì thì làm, đặt ai ở đâu thì ngồi đấy. Trong thời chiến, phải bí mật thì có thể tập trung, thời bình này các vấn đề kinh tế, văn hoá rất phức tạp, không thể nào một người quyết định tất cả vấn đề như vậy được.

Chúng ta đã ở giai đoạn không thể chỉ nói nguyên lý chung mà phải cụ thể. Nếu muốn cấp uỷ không nắm nhiều quyền, thì phải giảm biên chế bộ máy, bớt nhà cửa, bớt ô tô... đi. Nếu chỉ nói nguyên lý chung, hết Đại hội này đến Đại hội khác, không ai kiểm tra được.

Vấn đề dân chủ hoá cũng không thể là dân chủ hoá chung chung nữa. Khẳng định chung chung là không cần thiết nữa. […]. Những người chưa phải là địch, mà cứ đẩy người ta về bên địch, là trái với chính sách về chính trị. Đáng lẽ ta phải tăng bạn bớt thù, đằng này lại đẩy người ta sang phía thù.

Kết luận kiến nghị này, tôi nói Đại hội 7 là cơ may cuối cùng của thời cuộc để đi nhanh, nếu không cẩn thận thì lại có nguy cơ lớn.

Lúc đầu Văn phòng Uỷ ban Mặt trận nghĩ rằng có lẽ cho đăng bức thư lên tờ Đại đoàn kết để trưng cầu ý kiến thêm. Nhưng sau Trung ương không cho đăng.

Đến tháng 3, đài BBC phát bức thư này. Từ đó rùm beng lên, cả một chiến dịch báo chí dồn dập lên án, chỉ trích tôi. Đầu tiên là báo Nhân Dân có một số bài, không nêu tên tôi, nhưng trích một vài đoạn trong bức thư, gợi ý là những loại người như thế này có ý thâm hiểm mượn cớ dân chủ tự do để chống cách mạng, chống Đảng. Đến tháng 5/1991, báo Công an Tp.HCM nêu lên trong màng lưới tay sai cho gián điệp, có một tên gián điệp ở Pháp về. Có bài báo đề tên rõ ràng, có bài đề N.K.V. Ở Hà Nội, các cán bộ tuyên huấn phổ biến khắp nơi là một số người chống Đảng, chống cách mạng, trong đó có tên tôi. […]. Ngày 1/6/1991, ngày quốc tế thiếu nhi, câu lạc bộ trước đây của Đảng Xã hội, lúc bấy giờ là của Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật, có mời tôi đến nói chuyện về tâm lý trẻ con. Nhưng sau câu lạc bộ ấy không được phép tổ chức buổi nói chuyện. Việc thứ hai là cũng năm đấy, chúng tôi khai mạc Phòng khám tâm lý trẻ em ở Bệnh viện Đống đa. Đây là phòng khám tâm lý trẻ em đầu tiên. Vô tuyến truyền hình đến quay cảnh khai mạc. Tôi là người đề xướng ra việc này, xin tiền quốc tế, tổ chức cho anh em làm, nên dĩ nhiên tôi chủ trì buổi khai mạc đó, đọc bài giới thiệu ý nghĩa. Nhưng lúc Đài truyền hình đưa hình ảnh cảnh khai mạc, lại cắt hết đoạn tôi đứng lên nói. Người xem biết phòng này do ai đứng ra tổ chức làm hay từ trên trời rơi xuống ? Nhắc lại mấy việc này để thấy chiến dịch bao vây, lên án, vu khống tôi được chỉ đạo thực hiện ráo riết cả một thời gian dài.

Sau khi từ Sài Gòn về đến Hà Nội, tôi nộp cho chi bộ một bản và gửi lên phường một bản sao bức thư đã gửi lên đồng chí Nguyễn Hữu Thọ. Đảng uỷ phường có trao đổi với tôi và cũng không có gì gay gắt cả. Nhưng Quận uỷ Hoàn Kiếm đặt vấn đề tôi phải kiểm điểm. Trong buổi sinh hoạt chi bộ, có mặt đại diện Quận uỷ, tôi nói: Quận uỷ muốn sinh hoạt chi bộ trao đổi quan điểm về bài tôi gửi ông Nguyễn Hữu Thọ đúng chỗ nào, sai chỗ nào, thì tôi sẵn sàng. Còn chuyện kiểm điểm tôi có lỗi gì thì tôi không chấp nhận. Nếu kiểm điểm tôi sẽ bỏ cuộc họp này, tôi không tham dự. Tôi có quyền đóng góp kiến nghị lên Trung ương, không có gì đáng kiểm điểm. Đa số anh em trong chi bộ đồng ý với tôi cách đặt vấn đề như vậy. Sau vấn đề này cũng xếp lại.

Sau Đại hội 7, đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư. Chúng tôi bàn bạc trong gia đình. Bà Nhất nhà tôi thảo ra một bài gửi lên Tổng Bí thư, tiêu đề là “Nguyễn Khắc Viện là người như thế nào?” Bài này kể lại tất cả công việc tôi đã làm trong quá trình ở bên Pháp, ở trong nước cho đến lúc tôi về hưu. 40 năm hoạt động như thế mà bây giờ nhiều cơ quan trong Đảng lại vu khống là phản cách mạng, phản động. Vậy xin Trung ương mới của Đảng cho biết rõ như thế nào.

Sau đó, đồng chí Đỗ Mười mời chúng tôi đến 2 lần khác nhau, gặp tôi riêng, gặp bà Nhất riêng. Chúng tôi cũng trình bày rõ việc tôi gửi kiến nghị lên và hỏi chiến dịch chống tôi đúng hay sai. Chuyện cá nhân tôi chẳng thành vấn đề gì. Bây giờ tôi về hưu rồi, chẳng ai cách chức tôi nữa, tù tội thì chắc cũng không đến nỗi mà tôi cũng không sợ, sinh sống thì tôi không lo. Nhưng cần chú ý đến dư luận. Anh em trí thức trong nước cũng biết tên tuổi chúng tôi. Anh em Việt kiều đều biết tôi, mà anh em quốc tế cũng biết cả quá trình tôi đã tham gia cách mạng mấy chục năm chứ không phải mới đây. Người ta sẽ nghĩ như thế nào đây? Tôi là một người trí thức như thế, Đảng này là Đảng gì mà lại đối xử với tôi như thế?

Đồng chí Đỗ Mười nói: “Đúng rồi, cái này ta phải nói cho sòng phẳng với nhau, phải thanh toán với nhau, không để chuyện này nhập nhằng trong Đảng nữa”.

Tôi nói: “Nếu đồng chí đã có ý kiến như vậy, đối với dư luận mà chỉ hai người gặp nhau trong một phòng kín như thế này thì chưa giải quyết được. Mà chiến dịch kia đưa ra trước dư luận rất lớn, bây giờ phải làm thế nào cho người ta hiểu chiến dịch đó là sai. Tôi cũng không mong đồng chí Tổng Bí thư đứng lên tuyên bố một cách chính thức cái đó đúng hay sai. Tôi chỉ mong đồng chí làm một động tác công khai đưa lên báo chí, đài truyền hình, để cho người ta thấy Trung ương mới, và đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư mới không xem Nguyễn Khắc Viện là người phản động. Thế thôi. Tôi đã tổ chức một Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em hoạt động đã hơn 2 năm rồi và đã có tiếng vang trong dư luận. Bây giờ mời đồng chí hôm nào rảnh đến thăm Trung tâm N-T của chúng tôi rồi cho vô tuyến truyền hình và báo chí đưa tin. Rõ ràng đồng chí Tổng Bí thư không thể đến thăm một cơ sở, biểu dương hoạt động của một con người phản động. Như vậy thì mọi việc sẽ rõ ràng thôi”.

Tháng 1/1992, nhân dịp lấy cớ đi thăm một số cơ sở trong dịp Tết, đồng chí Đỗ Mười đi thăm bệnh viện Đống Đa và dừng lâu ở Phòng tâm lý trẻ em do N-T đặt ở bệnh viện. Cũng như mọi mùa đông khác, tôi ở Sài Gòn, anh em khác trong N-T tiếp đồng chí Tổng Bí thư. Đồng chí biểu dương công việc của N-T, đặc biệt là N-T đã làm bao nhiêu việc, Chính phủ không mất một đồng xu nào. Đồng chí nhờ anh em gửi lời cám ơn tới đồng chí Nguyễn Khắc Viện và bà Nhất đã có lòng mở ra Trung tâm này và căn dặn sau này các trường đại học nên nghiên cứu và phát triển môn khoa học này.

Cùng đi với đồng chí Đỗ Mười có đồng chí Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và đồng chí Chủ tịch quận Đống Đa. Hôm sau, vô tuyến truyền hình và báo Nhân Dân đưa tin. Chiến dịch kia buộc phải chấm dứt.

Việc đồng chí Đỗ Mười đến thăm làm cho thế đứng của N-T được vững vàng. Vài hôm sau, N-T xin được phép ngay và mở được tài khoản ở Cục Kho bạc Nhà nước, xác định được tư cách pháp nhân của tổ chức mình, chấm dứt giai đoạn chật vật trong bước đầu thành lập.

Riêng tôi, năm ấy đã 79 tuổi. Nghĩ rằng thời gian còn lại của mình cũng không được bao nhiêu nữa, vả chăng những điều cần nói thì đã nói và viết rồi, nên tự nhủ rằng từ nay sẽ tập trung sức cho hoạt động của Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, để góp phần vào việc chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, tương lai của đất nước./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487778

Hôm nay

2192

Hôm qua

2337

Tuần này

22132

Tháng này

215090

Tháng qua

120271

Tất cả

114487778