Cuộc sống quanh ta

Thế nào là một chính phủ kiến tạo?

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nói đến “Chính phủ kiến tạo”. Có ý kiến cho đó là một bước phát triển về tư duy lý luận, một phát kiến mới. Có ý kiến cho đó chỉ là “phát ngôn ấn tượng”. Lại có ý kiến cho rằng kiến tạo hay kiến thiết cũng cần, nhưng trước hết, cần hơn là phải kiến tạo một Chính phủ thật sự vì dân. Trên diễn đàn Quốc hội có đại biểu chất vấn rằng Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn hay hành động? Hóa ra cũng còn quá nhiều vấn đề phải bàn, phải trả lời thế nào là một Chính phủ kiến tạo?

Một chút khái niệm

Có ý kiến khẳng định “Chính phủ kiến tạo là một khái niệm khá mới, hay, sâu sắc, sáng tạo trong kho tàng tiếng Việt. Vì vậy phải có cách dịch thoát sang tiếng Anh”. Ý kiến này cho rằng dùng từ Constructive government (Chính phủ (mang tính) xây dựng) khá đúng vì sử dụng được tính từConstructivephái sinh từ động từ to construct. Tuy nhiên, dịch như vậy còn khá nhẹ, bình thường, chưa thật biểu cảm, chưa thật đẹp, chưa thể hiện được tính sáng tạo, hay, sâu sắc. Ý kiến này không đồng ý cách dịch bằng cụm từ Creative government  (Chính phủ sáng tạo - sáng tạo khác kiến tạo) và đưa ra ý kiến riêng bằng cách ghép hai từ tiếng Anh “tectonic” và“government” (tectonic là kiến tạo) thành tectonicgovernment(Chính phủ kiến tạo).

Còn nhiều câu hỏi khác được đặt ra để hiểu thấu đáo về một Chính phủ kiến tạo. Ví dụ “kiến tạo” và “kiến thiết” có mối quan hệ thế nào? Khi người đứng đầu Chính phủ bàn về Chính phủ kiến tạo, đồng thời khẳng định, đó là Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính. Câu hỏi đặt ra ở đây là Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính hay là thiết kế, xây dựng một Chính phủ có bốn nội dung: Kiến tạo - Hành động - Phục vụ - Liêm chính?

Rõ ràng là chúng ta chưa định hình được một khung lý thuyết sáng tỏ và mạch lạc về Chính phủ kiến tạo, nhưng điều đó không ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện nay. Gần đây, trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV(chiều 18-11-2017), Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên nêu định nghĩa về “Chính phủ kiến tạo”. Theo ông, Chính phủ kiến tạo phải là: 1. Một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. 2. Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp mà tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm. Nhà nước đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư. 3. Chính phủ kiến thiết một môi trường kinh doanh thuận lợi. 4. Nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương; phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử, tòa án điện tử.

Để hiểu Chính phủ kiến tạo hiện nay là gì, có gì giống và khác Chính phủ thời Hồ Chí Minh thì phải bắt đầu bằng sự hiểu biết “Chính phủ” là gì?. “Chính phủ” theo tiếng Hy Lạp là “cầm lái”. Công việc của Chính phủ là cầm lái. Điều này, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới khi Người khẳng định “nếu không có Chính phủ thì không ai dẫn đường”. Tùy theo hoàn cảnh và nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng mà cách thức “cầm lái”, “dẫn đường”, “lãnh đạo” của Chính phủ không hoàn toàn giống nhau. Nhưng cơ bản của nội dung “dẫn đường”, “cầm lái” là Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách và xây dựng bộ máy nhân lực; tạo ra một phương thức quản lý thích hợp để kiến tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng phát triển.

Tiếp cận theo góc độ Hiến pháp thì “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước”.

Như vậy, theo Hiến pháp quy định thì nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ là tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Những vấn đề thuộc đề xuất hay xây dựng chính sách thì cũng phải trình Quốc hộiquyết định.

Vậy thì, điều quan trọng nhất không phải ở tuyên ngôn mà là hành động. Nói Chính phủ kiến tạo chủ yếu và quan trọng nhất ở hành động không có nghĩa xem nhẹ “tuyên ngôn” hay “phát biểu ấn tượng” mà vì muốn xem một Chính phủ kiến tạo hay không kiến tạo, kiến tạo đến đâu, kiến tạo như thế nào thì cứ lấy kết quả, hiệu quả của các việc tổ chức thi hành, tổ chức quản lý, thực hiện nhiệm vụ… mà chấm điểm. Chỉ nêu thêm một ví dụ về  nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn đó để xem vừa qua Chính phủ làm được đến đâu, hiệu quả ra sao để “tích” vào ô các câu hỏi về chất kiến tạo của Chính phủ: tốt, khá, bình thường, chưa đạt. Chỉ có làm cách đó, trưng cầu kiểu đó để có được định lượng, định tính, thì mới ra được kết quả thật. Còn nếu chỉ dừng lại ở bốn từ “Chính phủ kiến tạo” thì chưa đúng là một Chính phủ kế tục thành quả Chính phủ kiến thiết Hồ Chí Minh, một Chính phủ mà người đứng đầu tuyên bố trước Quốc hội “tôi không phải là kẻ tham quyền cố vị,mong được thăng quan phát tài”.

Cần làm rõ nội hàm “Chính phủ kiến tạo”

Có những điều đáng lẽ không nên/không cần viết ra vì nó là a,b,c như cách nói của Bác, nhưng vì nói đến Chính phủ kiến tạo còn quá nhiều vấn đề phải bàn nên buộc lòng phải viết/nói ra, không viết/nói không được. Có những điều tưởng là a,b,c nhưng nhiều người phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được, mà cũngchưa chắc đã hiểu được, thuộc được, làm được.

Nói hiểu hay trả lời được không phải ở sách vở, thuộc lòng mà là hành động, như có câu hỏi nêu trên “Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn hay hành động?”. Trong định nghĩa trên, có một khía cạnh rất quan trọng nhưng xem ra chưa được hiểu/ hành động một cách tường tận: Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vừa rồi Quốc hội khóa XIV quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vậy thì việc chấp hành của Chính phủ đối với các nghị quyết của Quốc hội đến đâu? Chịu trách nhiệm trước Quốc hội thế nào? Báo cáo trước Quốc hội ra sao?. Những điều đó hình như nhiều chỗ còn tù mù. Mà có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một cách thẳng thắn rằng ở đâu tù mù thì ở đó có tiêu cực, tham  nhũng.

Lại phải hiểu tiền thân của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhân dân thường gọi là Chính phủ Hồ Chí Minh. Cách gọi này rất độc đáo, hoàn toàn không  gắn gì với quyền lực Hồ Chí Minh cả, mà muốn nhấn mạnh đạo đức, nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ luôn luôn vì nước vì dân và tạo dựng một nội các cũng vì dân vì nước. Nói đến chính phủ tiền thân Hồ Chí Minh là rất quan trọng, rất cần thiết, để Chính phủ hiện nay phải biết kế thừa và phát triển những cái hay, cái tốt của chính phủ tiền thân. Điều đó là hoàn toàn phủ hợp với quan điểm và chỉ thị của Đảng khi Đảng nói di sản Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn  và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Đảng khẳng định việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nói đến Chính phủ Hồ Chí Minh là Chính phủ tiền thân của Chính phủ hiện nay, vì có những điều rất quan trọng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muốn thật sự là một Chính phủ kiến tạo thì phải học. Đó là một Chính phủ có được lòng tin của dân là có tất cả. Riêng chữ “Dân chủ Cộng hòa” đã cho thấy Chính phủ toàn dân đoàn kết, Chính phủ toàn quốc, tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp, tập hợp nhân tài không đảng phái.

Ta nói đến chính phủ tiền thân còn vì Hồ Chí Minh rất quan tâm đến chính phủ địa phương, tức là chính quyền địa phương. Nói Chính phủ kiến tạo mà không bàn/quan tâm đến chính quyền địa phương, để mỗi địa phương trở thành một ốc đảo, một số người đứng đầu địa phương là “ông vua” con, “quan” cách mạng, thì sao có thể gọi là Chính phủ kiến tạo? Thực tế vừa qua cho thấy tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia từ trung ương đến địa phương có vấn đề như người đứng đầu Chính phủ hay nói “trên nóng dưới lạnh”; nhiều điều chưa thể hiện được nội hàm của một Chính phủ kiến tạo.

Nhiều bộ trưởng, nhiều người đứng đầu chính quyền địa phương hư hỏng, làm bậy quá. Những điều đó có liên quan đến Chính phủ kiến tạo? Câu trả lời là có.

Những vụ việc vừa qua như nhiều tướng lĩnh bị tước sao, chịu các hình thức kỷ luật, có liên quan đến Chính phủ kiến tạo? Câu trả lời là có.

Một nền giáo dục có nhiều trường, nhiều hội đồng thi gian dối có liên quan gì đến Chính trị kiến tạo? Câu trả lời là có.

Lại phải hiểu Chinh phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thủ tướng là người đứng đầu Chính, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội. Chuyện báo cáo, chịu trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội rất đáng bàn khi nói đến nội hàm Chính phủ kiến tạo. Báo cáo cái gì? Báo cáo như thế nào? Tất cả đều thuộc nội hàm của một Chính phủ kiến tạo. Ngoài báo cáo con số GDP và các chỉ tiêu cụ thể là cần nhưng chưa đủ. Bởi vì GDP mới chỉ là tăng trưởng kinh tế, còn một đất nước phát triển và phát triển bền vững thì còn phải tăng trưởng lòng tin của người dân. Điều này thuộc nội hàm Chính phủ kiến tạo. Câu hỏi đặt ra là Chính phủ đã có cách gì để “cân, đo, đòng, đếm” lòng tin của dân? Chính phủ đã báo cáo đến đâu?Hay chúng ta mới chỉ dựa vào đại cử tri trong các cuộc gặp mặt sau các kỳ họp Quốc hội? Rồi Chính phủ đã báo cáovấn đề biển Đông trước Quốc hội và toàn thể đồng bào thế nào? Vấn đề toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ ra sao? Đây là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào đang rất cần được Chính phủ báo cáo chính xác. Thế giới bây giờ ít bàn đến GDP mà nói nhiều đến HDI. Chính phủ kiến tạo suy nghĩ gì về vấn đề này?

Kiến tạo Chính phủ để có được một Chính phủ kiến tạo

Trong đổi mới, xuất hiện những tư duy mới, có giá trị. Ví dụ, muốn cấu trúc lại nền kinh tế thì trước hết phải cấu trúc lại tư duy của những người lãnh đạo. Muốn có một đường lối đúng, trước hết phải có những con người tử tế, vì mọi việc đều do người làm ra, từ xưa đến nay, từ nhỏ đến to đều như vậy. Con người làm ra đường lối. Nhận thức có hàm lượng khoa học và cách mạng như vậy để thấy rằng muốn có một Chính phủ kiến tạo thì trước hết phải kiến tạo ra Chính phủ có tinh thần kiến tạo. Việc này không có gì quý hơn là trở lại bài học của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Hãy nhớ lại tình hình đất nước khi Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ mới. Người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì mỗi thời một khác. Nhưng không so sánh thì có khi lại ù xọe, “hòa cả làng”. Nói gì thi nói, trở lại lich sử Việt Nam, duy nhất một lần thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, xuất hiện cụm từ “ngàn cân treo sợi tóc” là để nói lên tình hình vô cùng khó khăn, không chỉ thù trong, giặc ngoài, chúng ta phải đối phó với nhiều loại giặc, mà còn là vấn đề nội trị, có cả việc lập Chính phủ mới. Điều quan trọng là nhân cách người đứng đầu Chính phủ liên hiệp chính thức. Nói đến nhân cách là cả tư tưởng và hành động. Ngày 30-5-1946, nói chuyện với đồng bào Hà Nội (và sau đó gửi thư cho đồng bào Nam Bộ) trước khi sang Pháp, Hồ Chí Minh đã khẳng định cả đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân, làm cho ích quốc lợi dân. Người hứa với đồng bào Nam Bộ rằng “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Sau khi đi Pháp về Người lại tuyên bố với quốc dân đồng bào rằng “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên.

Một tuần sau khi đi Pháp về, Hồ Chí Minh- người đứng đầu Chính phủ liên hiệp chính thức được Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ hai ngày 31-10-1946 giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới. Một điểm nhấn trong lời tuyên bố trước Quốc hội khi Quốc hội giao cho trọng trách thành lập Chính phủ mới và lời tuyên bố sau khi thành lập Chính phủ mới là Hồ Chí Minh không chỉ nói đến Quốc hội, dựa vào sự ủng hộ của Quốc hội mà nhấn mạnh đến sức ủng hộ của toàn thể quốc dân, đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho

Lời tuyên bố này của Hồ Chủ tịch nhắc ta nhớ lại đầu năm 1946 khi trả lời các nhà báo nước ngoài nhân sự kiện phải “gánh chức Chủ tịch” Chính phủ. Tại câu trả lời này, Người nói rõ mấy điểm: một, tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào; hai, đồng bào ủy thác việc gánh chức Chủ tịch, chứ không phải Quốc hội hay cử tri; ba, đồng bào đã ủy thác thì phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận; bốn, đưa ra thông điệp về “văn hóa từ chức” với nội dung đồng bào cho lui thì rất vui lòng lui; năm, chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; sáu, về phần mình chỉ muốn làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa; bảy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đồng bào trao, muốn trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn, không dính líu gì với vòng danh lợi.

Như vậy, từ lời tuyên bố đầu năm  đến cuối năm 1946, khi thành lập Chính phủ mới, không tuyên ngôn mạnh mẽ, Hồ Chí Minh một lần duy nhất nói đến hai nhiệm vụ trong và ngoài, “quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”. Nhưng suốt quá trình tồn tại Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1946 đến 1969, nước ta có được một Chính phủ thật sự kiến tạo.

Bài học quý giá rút ra ở đây là hãy tập trung vào kiến thiết một Chính phủ thật sự vì nước vì dân, hành động, chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, cố gắng làm việc, biết làm việc, có gan làm việc, liêm khiết, có gan góc, tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới, thì tự nó cho thấy đó là một Chính phủ kiến tạo, chứ không phải là điều ngược lại.

Chính phủ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho toàn thể đồng bào bằng hành động, bằng niềm tin từ sự gương mẫu của người đứng đầu Chính phủ đến nội các Chính phủ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522503

Hôm nay

235

Hôm qua

2325

Tuần này

21277

Tháng này

220442

Tháng qua

121009

Tất cả

114522503