Khách mời văn hóa
Không đọc sách, không thể có tầm cao văn hóa
Ảnh: Hải Vương - CLB ảnh Nghệ An
Lời Tòa soạn:Như đã hẹn từ lần trước, lần này, nhân Ngày sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và bản quyền Thế giới (23/4), nhà báo Phan Văn Thắng và nhà thơ Thạch Quỳ đã tiếp tục câu chuyện với chủ đề về sách và người đọc sách. Nhiều kết quả quan sát, nhiều nhận xét về vấn đề này, nhất là việc đọc sách của giới quan chức, đã được trao đổi khá sinh động và thẳng thắn.
****
Phan Thắng: Hôm nay, nhân Ngày sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và bản quyền Thế giới (23/4), từ quan sát cá nhân, ông có suy nghĩ và nhận xét thế nào về việc đọc sách hiện nay?
Thạch Quỳ:Người ta đã nói rất nhiều về lợi ích, về tác dụng của sách và việc đoc sách. Nhưng trên thực tế ở nước ta thì người đọc sách có nhiều không? Không rõ là căn cứ vào đâu, vào cuộc điều tra xã hội học nào mà tôi thấy có người đưa ra con số là người Việt Nam hiện nay trung bình có đọc 2 quyển sách/năm. Tôi nghĩ là số liệu đó không có căn cứ xác thực. Sách có nhiều loại, sách chuyên môn khoa học ngành nghề, sách giải trí, sách phong thủy tướng số, sách dạy nấu ăn, sách dạy kỹ năng buôn bán giao thiệp với khách hàng, sách dạy đạo đức, luật pháp, sách tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, sách chính trị thời sự,….Vô vàn các loại sách. Nếu chúng ta nói chung chung về hai tiếng “đọc sách” rồi đưa ra một con số thống kê nào đó, thì tôi nghĩ ắt là con số đó khó mà có độ chính xác.
Chúng ta nên thu hẹp phạm vi sách và việc đọc một vài loại sách cụ thể nào đó thì dễ có ý kiến hơn.
Tuy nhiên, tôi muốn nói điều này: Đọc sách là việc tự giác, việc của sở thích cá nhân, trừ việc các thầy giáo và học sinh, sinh viên phải đọc sách giáo khoa ra thì không không ai bắt ai phải phải đọc sách cả. Có người suốt đời không đọc cuốn sách nào, chẳng sao cả, vẫn sống, có người thì đọc thiên chương vạn quyển cổ kim đông tây gì cũng đều có sự cố gắng đọc để tìm hiểu. Trên thực tế, người đọc nhiều sách cùng không giàu hơn người đọc ít hay không đọc sách. Càng không có chuyện người hiểu biết, người đọc nhiều sách thì có cương vị xã hội cao hơn người không đọc hay ít đọc. Vậy người ta đọc sách để làm gì?
Ai tự giải quyết cho mình được câu hỏi đó thì người ấy sẽ chăm chỉ đọc sách, coi việc đọc sách là quan trọng.
Vấn đề là: Ai rồi cũng phải đi qua cuộc đời “trăm năm trong cõi”, anh muốn làm một người hiểu biết hay một một người không hiểu biết? Anh muốn làm một người có văn hóa hay muốn làm một người thiếu văn hóa?
Cha ông ta xưa có câu này:
Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao
(Mọi chuyện đều ở tầng thấp, chỉ có việc đọc sách là ở tầm cao)
Đúng thế, duy nhất chỉ có việc đọc sách (hiểu theo nghĩa rộng) là việc có thể nâng cao tầm vóc của mỗi con người.
Bởi vậy, nếu nói đọc sách là để làm người thì hẳn rằng, ý đó cũng không sai.
Phan Văn Thắng:Theo ông, ngoài những sách phải đọc vì công việc, vì nhiệm vụ, vì ngành nghề…loại sách nào chung nhất mà tất cả mọi người đều nên đọc?
Thạch Quỳ:Tôi nghĩ là sách triết học và sách văn học.
Phan Văn Thắng:Vì sao, thưa ông?
Thạch Quỳ:Sách triết học là ánh sáng dõi vào trong đầu. Sách văn học là tiếng nói thức tỉnh tâm hồn, thức tỉnh con tim. Con người có cái đầu sáng suốt, thông tuệ, có trái tim bao la nhân ái chẳng phải là con người mà chúng ta đang mơ ước đó sao?
Phan Văn Thắng:Theo nhận xét của ông thì hiện nay, nói chung, tình hình bạn đọc đối với sách văn học như thế nào?
Thạch Quỳ:Tôi thấy bạn đọc đang đọc sách văn học dịch nhiều hơn là việc đọc sách của các nhà văn trong nước. Điều này cũng dễ hiểu. Bạn đọc ngày nay nhiều người biết ngoại ngữ, lại có xu hưởng muốn được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, phong cách phương Tây, lối sống phương Tây, cho nên bạn đọc thường tìm đến những cuốn sách đó, nhất là các bạn trẻ. Mặt khác, cũng có thể là do sách văn học của các nhà văn trong nước chưa có nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Chưa có nhiều tác phẩm để có thể làm thỏa mãn nhu cầu và đáp ứng được sở thích của bạn đọc ngày nay. Theo tôi nghĩ thì điều đó không phải là do tâm lý chuộng hàng ngoại của bạn đọc mà đơn giản hơn, sách không hay, không ngang tầm với sách hay của văn học thế giới thì người ta không thích đọc, có vậy thôi!
Phan Văn Thắng:Ông có thể nói sâu hơn một chút, cụ thể hơn một vài nét về chất lượng văn học trong các cuốn sách của ta hiện nay?
Thạch Quỳ:Trong một vài câu hỏi đáp mà nói bao quát về tình hình chất lượng chung của tất cả các tác phẩm văn học hiện nay thì hơi khó. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận xét những nét chính theo suy nghĩ riêng của tôi về vấn đề này thôi.
Trước hết, tôi nói một vài nhận xét về thơ.
Quãng từ sau thập kỷ 80 lại nay, thơ Việt Nam ta có sự đổi mới. Rõ nhất là sự đổi mới về hình thức. Thơ ít đơn điệu hơn. Các thể thơ cổ điển tuy vẫn được kế thừa nhưng đã có sự cắt ghép, vắt dòng, bứt phá, làm cho nó khác đi, mới lạ hơn. Chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại của thơ phương Tây cũng được nhiều nhà thơ nghiên cứu, tiếp thu. Mặt bằng thơ rất xôi đỗ. Thơ giản đơn, cũ kỹ, đơn điệu vẫn còn chiếm rất nhiều diện tích trên các mặt báo. Loại thơ này dễ đọc, dễ hiểu nhưng rất ít khả năng nâng cao năng khiếu thẫm mĩ của công chúng, nếu không nói là nó đang dẫm chân tại chỗ ở nhận thức thẩm mĩ. Sự nhàm chán do loại thơ này gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chán thơ ở trong lòng bạn đọc.
Phan Văn Thắng: Còn những bài thơ được gọi là có đổi mới thì sao?
Thạch Quỳ:Cái mới vốn dĩ là cái khó tiếp nhận, bất kể đó là sự đổi mới thành công hay chưa thành công. Hiện nay thơ ta đa phần là đang đổi mới hình thức. Câu thơ có thể kéo dài ra hay rút ngắn lại một cách khá đột ngột, nhiều khi không tránh khỏi sự tùy tiện. Vì thế, nó không rõ ý, nó rất rối rắm. Lắm bài thơ cực kỳ khó hiểu. Khó hiểu đến mức không chỉ bạn đọc không biết tác giả viết gì, nói gì mà nhiều khi chính tác giả đó cũng không rõ là mình đang viết gì! Không thiếu gì tác giả nhân danh đổi mới nhưng lại lấy sự rối rắm khó hiểu, lấy sự đánh đố bạn đọc để làm nổi bật tên tuổi của mình. Loại thơ này cũng gây hại, cũng góp phần làm cho sự cho thêm tối tăm, thêm phần chán thơ ở trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, không phải là không có những bài thơ, những tác giả thơ đổi mới thơ ca thành công. Như trên đã nói, việc tiếp thu cái mới trong mọi lĩnh vực đều khó khăn, trong thơ, trong văn học nói chung, lại càng khó khăn hơn. Thơ lúc này rất cần những bạn đọc, những nhà phê bình thơ có “con mắt xanh” để nhìn nhận nó và lan tỏa ánh nhìn đó ra công chúng để bạn đọc cùng nhận thức. Tuy nhiên, lực lượng các cây bút phê bình thơ, tiếp thu vẻ đẹp của thơ mới lại rất ít ỏi và chưa thành xu thế nhận thức ngay cả trong giới phê bình văn học, chưa nói đến việc ngay cả giới phê bình văn học đa phần vẫn đang rất tụt hậu trong việc nhận thức cái mới của thơ. Người ta ca ngợi nhau, lăng xê nhau, cấp giải thưởng văn học cho nhau góp thêm phần rối loạn về việc nhận thức giá trị đích thực của văn học nói chung và giá trị đích thực của thơ đổi mới hiện nay.
Phan Văn Thắng:Còn tình hình văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn thì sao?
Thạch Quỳ:Tôi nghĩ, cũng tương tự như vậy. Văn học có đổi mới nhưng ít có tác giả có tầm cỡ nên sự đổi mới đó cũng rất chậm chạp, thậm chí nhiều tác phẩm văn chương cũng chỉ có mỗi một sự “chuyển biến” là từ văn học minh họa chuyển sang văn học phê phán cổ điển dưới một hình thức mới, câu chuyện mới mà thôi. Rất ít thấy có sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức đổi mới văn học một cách hiện đại cả trong nội dung và hình thức của từng tác giả, tác phẩm.
Nói chung tình hình văn học của chúng ta vẫn đang rất “xôi đỗ” như vậy. Cũng có thể do vậy mà chính các tác phẩm văn học của các nhà văn vô hình chung đã góp thêm thêm một phần không nhỏ vào sự thờ ơ lãnh đạm của bạn đọc đối với các tác phẩm văn học của chúng ta hiện nay chăng?
Phan Văn Thắng:Trong câu chuyện trước đây, ông có nói rằng, ông thấy có tình trạng quan chức hiện nay rất ít đọc sách. Ông có thể nói rõ hơn về điều đó?
Thạch Quỳ:Tôi nghĩ, nước ta, ở các thời đại trước, quan chức của Việt Nam là những người rất chăm chỉ đọc sách. Nói chung là họ đọc sách nhiều hơn những người dân bình thường. Về phương diện này, ở các thời đại đó, họ chính là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn, nói chung đều thế cả. Có thể nói không sai rằng nước ta có truyền thống đọc sách của các quan chức. Ở thời Trần, người ta ca ngợi việc đọc sách của Đức Trần Hưng Đạo là “Quyển thi thư chứa chất năm xe”. Thời Lê thì Nguyễn Trãi đã đọc nhiều sách từ khi còn nằm trong lều cỏ: “Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh”. Đến thời Nguyễn thì có Thần Siêu, Thánh Quát, có Nguyễn Du, có Nguyễn Công Trứ, có Đào Tấn…và rất nhiều quan chức trong nhà của họ chứa “thi thư vạn quyển, sách vở đầy bồ”. Riêng ở tỉnh Nghệ An ta thôi, ông Cao Xuân Dục làm quan triều Nguyễn, riêng gia đình ông đã thiết lập được một thư viện có nhiều đầu sách hơn cả thư viện quốc gia. Từ những thức tế lịch sử như vậy, nếu tôi có nhận xét quan chức của ta ngày nay ít đọc sách hơn so với quan chức ngày xưa thì chắc cũng không phải là một nhận xét thiếu căn cứ, phải không anh?
Tuy nhiên, đó chỉ là nhận xét khái quát chung, rất có thể, cá biệt quan chức của ta ngày nay cũng còn có những người ham sách, có đọc sách. Nhưng tôi nghĩ số đó rất ít. Nói thật, quan chức không đọc sách, ít đọc các sách, nhất là các sách văn học, triết học thì tôi cho rằng, cũng chỉ ở thời ta thì mới có. Còn truyền thống quan chức Việt Nam là truyền thống yêu chuộng sách vở, chứ không phải là truyền thống lười đọc. Ta có thể khẳng định điều đó.
Phan Văn Thắng:Hình như như những năm gần đây, theo các phát giác trên truyền thông, tình trạng đạo văn có vẻ đang gia tăng?Lại có nhiều trường hợp quan chức “ngộ sách”, họ đang cố tình biến mình thành những tác giả bất đắc dĩ?
Thạch Quỳ:Tôi cũng có thấy tình trạng đạo văn, nhất là “văn” trong các loại Luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư các nghề, các ngành. Trên báo chí cũng không hiếm những bài thơ, những bản nhạc, những truyện ngắn, thậm chí là có cả những cuốn sách mà bản quyền tác giả đang ở thế tranh chấp, đang nằm trong các vụ án dân sự. Điều này, với tôi là một điều rất khó hiểu. Tại sao lại có thể xẩy ra sự tranh chấp đó? Chẳng lẽ nhà văn, nhà thơ lại có thể viết ra một tác phẩm văn học trùng khớp, y xì câu chữ với tác phẩm của người khác sao? Nói cho rõ ra thì đây là vấn đề nhân cách, vấn đề tự trọng của người cầm bút. Khi tác giả đã quá sa sút về lòng tự trọng thì tác phẩm của họ viết ra hẳn là cũng chẳng có giá trị gì và chắc chắn bạn đọc cũng không hào hứng gì mà đi tìm mua, tìm đọc các tác phẩm loại ấy. Tôi nghĩ, đạo văn là vấn đề của nhân cách, của đạo đức, của pháp lý chứ không phải là vấn đề của văn chương nghệ thuật.
Còn vấn đề “ngộ sách”, vấn đề các tác giả, như anh nói là “bất đắc dĩ” mà tên tuổi của họ đang được đề ở ngoài bìa các cuốn sách?
Điều này quả thật tôi cũng không rõ lắm. Những sách này thường là những sách chính trị. Tôi không biết là ông Tổng thống, ông Chủ tịch, ông Thủ tướng, ông Tổng Bí thư của các Đảng phải có thực sự cầm bút để viết ra những cuốn sách đó hay không? Hay là bộ phận thư ký, bộ phận giúp việc của các ông ấy viết ra? Điều này thì tôi chịu. Chỉ biết rằng, nếu sòng phẳng và nghiêm chính thực hiện luật bản quyền tác giả thì sách của người nào viết ra, phải đề đúng tên người ấy, để tránh những sự tranh chấp phức tạp về sau, trong các vụ án dân sự. Nói cho cùng, nếu những cuốn sách loại đó thuộc về sách của các nhà làm chính trị thì hiển nhiên là nó không nằm trong phạm vi bàn luận về sách văn học của chúng ta hôm nay. Tôi cũng không muốn đề cập đến chuyện đó ở trong câu chuyện hôm nay.
Phan Văn Thắng:Người không đọc sách hoặc ít đọc sách thì hẳn là trình độ văn hóa, trình độ và kiến thức nhiều mặt khác nữa, ắt cũng phải thua kém những người đọc nhiều, nghiên cứu nhiều. Nếu điều đó xẩy ra với các quan chức thì sẽ có những sự bất lợi gì cho công việc, thưa ông?
Và ngược lại?
Thạch Quỳ:Các quan chức có thể có trình độ chính trị tư tưởng vững vàng, có tri thức và có kỹ năng tay nghề trong những công việc mà mình phụ trách. Nếu cố gắng phấn đấu thì họ cũng có thể hoàn thành tốt trách nhiệm mà mình được giao phó.
Tuy vậy, nếu không đọc sách, hoặc ít đọc sách, nhất là sách triết học, sách văn học và các loại sách văn hóa chuyên ngành khác thì tôi nghĩ là họ cũng khó tránh khỏi những điều bất lợi cho công việc.
Nếu quan chức không có trình độ kiến thức ở một cấp độ nào đó thì mọi việc lớn nhỏ đều phải dựa hẳn vào đội ngũ thư ký, đội ngũ những người giúp việc. Trong trường hợp đó, những người giúp việc viết gì ra giấy thì các quan chức phải đọc lại y xì những điều đã ghi trên trên tờ giấy đó. Có những cuộc hội đàm tay đối giữa quan chức của hai quốc gia mà một bên thì nói chuyện thông thường, một bên thì cầm giấy đọc. Lại có những khi quan chức khi gặp mặt thân mật, nói chuyện với kiều bào, với người dân mà cũng cầm giấy để đọc. Những trường hợp ấy thì ít nhiều cũng có gây ra sự phản cảm, không lợi lợi cho công việc. Tôi nghĩ là nếu các vị quan chức ấy tự mình trình bày lấy vấn đề, nói năng một cách thoải mái thì hẳn là cuộc nói chuyện của các vị sẽ sinh động hơn, hấp dẫn hơn và do đó cũng có tác dụng tốt hơn, hiệu quả hơn…
Sách vở cung cấp và củng cố kiến thức, giúp cho người đọc có trạng thái tâm lý ổn định và tự tin hơn. Và cuối cùng là nó sẽ hình thành ra một phong thái văn hóa, biểu hiện ra ở trong từng cử chỉ, trong từng lời nói của mỗi người, khiến cho người được trò chuyện, được tiếp xúc phải nể phục, do đó mà sách vở có thể góp phần nâng cao uy tín của cá nhân cho mỗi người trong mắt nhìn của người khác. Mà quan chức có uy tín, được người dân tâm phục khẩu phục thì rất quan trọng, rất có lợi cho công việc. Do đó mà tôi nghĩ rằng, các đồng chí quan chức cũng rất nên cố gắng đọc sách. Điều đó chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại gì cả!
Nói cho cùng thì trên đời có 3 thứ thường được mọi người rất kinh nể: Người giàu về kinh tế, người có cương vị cao trong xã hội và người có học vấn, có trình độ kiến thức cao.
Người giàu, người có cương vị cao mà còn chăm chỉ cố gắng đọc sách để nâng cao trình độ của mình lên thì chắc chắn là người đó sẽ càng được mọi người kính nể hơn. Nói đọc sách là việc rất quan trọng đối với các quan chức cũng là vì thế.
Phan Văn Thắng:Ông nhận xét thế nào trên thực tế, việc đọc sách của các quan chức hiện nay?
Thạch Quỳ:Tôi không thể quen biết hết các quan chức, nhất là các quan chức cấp cao. Chỉ nghe những lời nói của họ ở trên đài, đọc một số lời phát biểu của họ trên báo chí. Còn việc đêm về họ có đọc sách hay không và họ đọc những loại sách gì thì tôi không rõ.
Đọc trên mạng xã hội thì thấy, người ta có thể thống kê được hàng loạt lời nói của nhiều vị quan chức, rất thiếu khoa học, thậm chí là rất ngô nghê, rất phản cảm. Nhưng điều đó có đúng vậy không, có tin được không?
Nếu những lời phát biểu đó là có thật thì chúng ta có thể nghĩ rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ quan chức của ta hiện nay đang rất ít đọc sách. Do ít đọc sách, không đọc sách, không nâng cao được trình độ của mình nên mới có những câu nói, những lời phát biểu đang ở tầm thấp văn hóa như vậy.
Tôi hy vọng những thông tin đó là không chính xác, chẳng lẽ các quan chức của ta hiện nay lại còn có một số người nói năng thiếu trình độ, thiếu nhận thức, thiếu khoa học đến mức ngô nghê như vậy?
Phan Văn Thắng:Quan chức là người thay mặt Đảng và Chính quyền trực tiếp lãnh đạo nhân dân. Văn hóa quan chức rất quan trọng. Theo ông, nó gồm những vấn đề gì và nó ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?
Thạch Quỳ:Ông nói quan chức là người thay mặt Đảng và nhà nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân thì đúng rồi. Nhưng nên nói thêm quan chức là người thay mặt Đảng và nhà nước để quản lý xã hội nữa. Nhiệm vụ quản lý xã hội rất quan trọng. Xã hội hay, dở, tốt, xấu, nền nếp, kỷ cương hay rối rắm, lộn xộn …trách nhiệm đó phải thuộc về quan chức. Thời xưa quan chức từ tri huyện, tri phủ trở lên đã được gọi là quan phụ mẫu. Người ta cọi quan chức như là cha mẹ của dân. Và vì thế quan chức cũng phải sống, làm việc, nói năng, cư xử với mọi người cho đúng đắn để xứng đáng với cương vị là bậc bề trên của dân. Muốn làm một “bậc bề trên” thì trước hết phải học hành, thi cử. Nghĩa là quan chức phải có kiến thức văn hóa, không chỉ cao hơn người dân thường mà còn phải cao hơn cả tầng lớp trí thức trong xã hội đương thời nữa! Bởi vì họ là những người thi đỗ còn những người kia thì thi không đỗ. Như vậy, để thu hút được lòng dân, để có sự kính trọng, nể phục của người dân thì trước đây, yếu tố đầu tiên của người làm quan là phải có trình độ, có tri thức văn hóa, ít nhất là phải hơn dân. Bởi quan có trình độ cao hơn dân nên tầng lớp quan lại cũng được người dân coi là tầng lớp trên của xã hội. Người ta thường gọi tầng lớp trên ấy là tầng lớp thượng lưu. Từ đó mà có khái niệm “văn hóa thượng lưu” và “văn hóa bình dân”. Văn hóa thượng lưu là văn hóa của tầng lớp quan lại, văn hóa bình dân là văn hóa của của nhân dân. Ngoài ra còn có khái niệm “Văn hóa quý tộc” để chỉ về nền nếp sinh hoạt và thái độ ứng xử của tầng lớp đại quan và vua chúa ở trong triều đình. Nhìn vào lịch sử, khách quan mà nói thì xã hội bao giờ cũng có nhiều tầng lớp. Tầng lớp bình dân thì có văn hóa bình dân. Tầng lớp quan chức có văn hóa quan chức và rõ ràng là văn hóa quan chức cũng đã có truyện thống ở trong lịch sử nước ta.
Nếu muốn đi sâu vào nội dung của khái niêm “Văn hóa quan chức” thì ắt là phải nói đến cái truyền thống đó. Điều này thì chúng ta không thể nói với nhau qua một cuộc trao đổi ngắn gọn.
Tôi cho rằng, hiện nay chúng ta chưa xây dựng được khái niệm về Văn hóa quan chức. Ai hiểu thế nào thì hành động thế ấy. Văn hóa quan chức hiện nay đang phụ thuộc vào thuộc vào văn hóa cá nhân. Người có tri thức, có trình độ cao thì có thái độ và cách thức ứng xử văn hóa cao. Người trình độ thấp thì ứng xử văn hóa thấp. Như trên đã nói, chỉ có sự học, sự đọc, kiên trì học, kiên trì đọc thì mới có thể nâng cao được tầm văn hóa của mỗi người mà thôi. Quan chức thì cũng vậy. Không học, không đọc thì chẳng ai có thể tạo ra được cái phong thái văn hóa cho chính bản thân mình cả.
Phan Văn Thắng:Có văn hóa và có vô văn hóa, phản văn hóa. Những cái xấu, cái tham, cái ác, cái vô luân, cái giả dối, cái đểu giả…trong xã hội là những cái vô văn hóa. Đáng tiếc là trong xã hội hiện nay hiện tượng phản văn hóa, vô văn hóa còn quá nhiều?!
Thạch Quỳ:Đúng vậy. Còn quá nhiều. Người có văn hóa không làm những chuyện xấu xa. Không thể nói những kẻ tham ô, tham nhũng, người dùng nhục hình, người cố tình xử án oan sai cho người khác, kẻ ấu dâm hay những kẻ gian lận thi cử, người chạy quyền, chạy chức, người mua bằng cấp giáo sư giả, tiến sĩ giả…là những người có văn hóa được! Cho nên, theo tôi nghĩ mọi vấn nạn trong xã hội đều có thể coi là cái vấn nạn của sự vô văn hóa. Những quan chức với trách nhiệm quản lý xã hội của mình, không những đã không giúp được cho Đảng, cho Chính quyền quản lý xã hội cho có kỷ cương, có nền nếp mà lại còn tự mình làm đầu têu, cố kết với nhau để làm ra các việc xấu, các việc tiêu cực, làm cho cả xã hội thêm phần bấn loạn và rối rắm thì sao có thể gọi là những quan chức đó là có văn hóa được? Quan chức có văn hóa thì ở thời nào cũng được nhân dân kính trọng. Nếu quan chức làm nhiều việc xấu, những việc vô văn hóa quá, thì Đảng và Nhà nước cũng nên gạt bỏ họ ra khỏi hệ thống quan chức để bảo vệ lấy uy tín của mình. Có lẽ, chúng ta nên nghĩ thế…
Phan Văn Thắng:Thưa ông. Trở lại vấn đề đọc sách. Truyền thông mấy hôm nay có nói đến “Sách tinh hoa” và “Bạn đọc tinh hoa”. Như thế nào là sách tinh hoa và như thế nào là bạn đọc tinh hoa?
Thạch Quỳ:Tôi không rõ là các thuật ngữ đó từ đâu ra, nó có nội dung thế nào. Đôi khi các từ ngữ trong truyền thông cũng có thể xuất hiện một cách tùy hứng. Nó có phải là một thuật ngữ mang tính khoa học nghiêm chỉnh không là việc cần bàn.
Theo tôi nghĩ, một cách đơn giản dễ hiểu thì, sách tinh hoa phải là sách quý. Bạn đọc tinh hoa phải là bạn đọc ham mê đọc sách và biết lựa chọn sách quý để đọc. Như trên tôi đã nói, ngoài sách chuyên môn ngành nghề, sách dạy kỹ năng sống…, thì những cuốn sách thuộc về Văn học, triết học tiêu biểu, chắt lọc tinh hoa của các dân tộc, các thời đại đều là những cuốn sách quý, mọi người đều rất nên tìm đọc. Nhiều người, trong đó có cả các đồng chí quan chức cấp này cấp khác thường kêu là quá bận bịu với công việc không có thời gian để đọc sách. Có thể thông cảm được với những lời phân bua như vậy không? Hay cần nói thẳng ra là anh không đọc sách chỉ đơn giản là do bản thân anh không ham mê, không yêu quý sách vở mà thôi?
Chẳng lẽ có thể nói ông Trần Hưng Đạo, ông Nguyễn Trãi, ông Nguyễn Du hay vua Trần Nhân Tông…là do không bận việc quan, không bận việc nước nên mới có nhiều thì giờ để đọc nhiều sách như thế? Còn mình bây giờ thì do bận việc quá, không thể có thì giờ để đọc sách? Nói như thế thì nghe hơi buồn cười. Tôi đã viết về chuyện đọc sách của Đại tướng Chu Huy Mân. Quan chức nào có thể nói là mình bận việc hơn ông Chu Huy Mân? Ông Chu Huy Mân là người suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đều nằm ở giữa chiến trường đối mặt với bom rơi, đạn nổ, xe tăng, máy bay của giặc thét gào suốt từng ngày…Sao ông Mân có thể đọc sách với một khối lượng khổng lồ như thế? Tôi đã ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ để chỉ nói mỗi chuyện về sách vở với ông Mân ở phi trường Đà Nẵng. Ông thừa sức để nói cho tôi nghe những nhận xét rất riêng biệt của ông về hàng loạt các tác phẩm văn học lớn. Thú thật, tôi có viết bài ca ngợi ai về việc đọc sách đâu. Tấm gương đọc sách của ông Mân không chỉ làm cho một mình tôi khâm phục mà tôi thấy nhà văn Nguyên Ngọc cũng ca ngợi ông Mân hết lời về chuyện này. Vậy cho nên, nếu có ai đó nói rằng do quá bận việc mà không có thời gian để đọc sách thì tôi nghĩ rằng, cách nói đó, lý do đó hẳn là cũng còn có chỗ chưa hoàn toàn thuyết phục!
Phan Văn Thắng: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay!
Thạch Quỳ:Tôi muốn nói thêm một ý là không phải sách nào cũng đáng đọc. Có sách tốt, sách quý nhưng cũng có sách dở, sách xấu, sách nhảm nhí, bậy bạ. Sở dĩ có khái niệm “Bạn đọc tinh hoa” hay “Người đọc tinh hoa” chính là vì như vậy….
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528481
2137
2291
2754
215177
0
114528481