Khách mời văn hóa
Cà phê sáng bên sông Hương bàn chuyện thành phố di sản (Trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Huế luôn luôn mới. Cuộc trao đổi này với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC NĐX) cũng là dựa trên những câu chuyện cũ, tư liệu cũ, cái mới là bước đi, cái đích đến của mô hình thành phố di sản. Cụ thể là thành phố di sản Huế trực thuộc Trung ương, tách ra khỏi sự quản lý hành chính của tỉnh để bứt phá đi lên, làm động lực cho sự phát triển của cả tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH), cả vùng Huế, như sự mong muốn của những người yêu Huế.
1. Vì sao cả chục năm nay TTH cứ loay hoay xin Trung ương một cơ chế đặc thù cho Huế?
NNC NĐX: Vì Thừa Thiên Huế có Cố đô Huế với 5 Di sản vật chất và phi vật chất đã được Thế giới công nhận, và có nhiều di sản vật chất, di sản phi vật chất, di sản thiên nhiên, và cả con người nữa, chưa có điều kiện làm hồ sơ để xin công nhận, những di sản đã được công nhận nhưng chưa được phát huy tốt, những di sản đang chờ làm hồ sơ để được công nhận đang bị vi phạm, nhiều cái đang bị mai một dần dần, có cái đang đứng trước nguy cơ mất tiêu… tất cả những di sản đó đang nằm trong cơ chế quản lý của một đơn vị hành chính ngang cấp huyện, trực thuộc một tỉnh có 70% dân số làm nông nghiệp. Những bức xúc Quốc gia ấy khiến lãnh đạo và người dân Huế, người yêu Huế khắp nơi muốn cứu vãn bằng một cơ chế đặc thù để bảo vệ và phát huy giá trị của một vùng di sản không nơi nào có được trên nước Việt Nam.
2. Đã hai lần tỉnh TTH xin TW cho tỉnh được nâng cấp chuyển đổi thành thành phố Huế trực thuộc TW mà không được chấp nhận. Vào thời điểm này, tỉnh TTH có nên tiếp tục theo đuổi ý tưởng đã hai lần bị từ chối?
NNC NĐX: Chuyện lãng mạn cách mạng mông muội ấy xin đừng nhắc lại nữa. Không nên mất thì giờ cho chuyện vì sao không thực hiện được. Quá khứ đã qua rồi, tương lai chưa đến, hãy đầu tư trí tuệ nguồn lực tài chính cho công cuộc đang diễn ra.
3. Vì sao ông ủng hộ chủ trương mở rộng thành phố hiện nay lớn gấp năm lần, hình thành một thành phố di sản trực thuộc TW như một xu hướng vừa mới dóng lên?
NNC NĐX: Chuyện mở rộng thành phố Huế để trở thành một thành phố di sản trực thuộc Trung ương tôi đã nhiều lần trình bày đưa ý tưởng của mình trong 10 năm qua. Bây giờ ý tưởng đó được chính quyền dóng lên, đạt được sự đồng thuận nên tôi rất vui và rất đồng tình. Tôi không biết chính quyền TTH căn cứ trên cơ sở thực tế nào để mở rộng Thành phố rộng gấp 5 lần hiện nay nên tôi không dám duy ý chí với con số 5 này. Theo tôi phải khảo sát thực tế xem thử các di tích có giá trị như những di sản hiện tọa lạc ở những nơi nào, không những di sản của triều Nguyễn mà cả di sản thời Chăm-pa, thời các chúa Nguyễn, và thời Tây Sơn nữa. Từ trên cơ sở đó Thành phố di sản mới tính đến chuyện mở rộng đến đâu, những di sản quá xa như Ải Vân Sơn (cực Nam huyện Phú Lộc), Thành Hóa châu (huyện Quảng Điền).v.v… không thể nhập vào Thành phố Huế thì phải nghĩ ngay đến chính sách riêng để ứng xử hợp lý. Diện tích có thể tăng 5, hay chỉ cần 4, hoặc tăng lên 6 lần sẽ tính sau.
4. Nếu Huế được mở rộng thêm một phần, hay toàn phần, của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, một phần của huyện Phú Vang, và tách khỏi tình TTH để thành lập thành phố di sản trực thuộc TW, sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì, liệu có thực hiện được không?
NNC NĐX: Là thành phố di sản chắc chắn có những thuận lợi người ta mới phấn đấu thành lập. Xin nói sau. Chỉ quan tâm đến những khó khăn để hiến kế giải quyết cũng đã mệt lắm rồi.
Thứ nhất: Tỉnh TTH là một vùng đất hẹp, phía Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía Đông biển cả bao la. Bây giờ thành phố di sản ra đời cắt hai thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang nhập vô Huế, tỉnh TTH sẽ không còn tên TTH nữa mà trở lại tên cũ Thừa Thiên mà thôi. Tỉnh Thừa Thiên mới ra đời hai huyện A Lưới, Nam Đông giống như một cái đòn gánh gánh đầu, phía Bắc là hai huyện Phong Quảng, đầu phía Nam hai huyện Phú Lộc, Phú Vang. Từ đó các huyện Bắc Thừa Thiên vào các huyện Nam Thừa Thiên phải đi qua địa bàn Thành phố di sản hơi bất tiện. Bất tiện cho cả khách và chủ.
Thứ hai: Nhà đất ruộng vườn các thị xã và một bộ phận của huyện Phú Vang lâu nay được tự do mua bán chuyển đồi xây dựng cao thấp rộng hẹp tùy lãnh đạo địa phương, nay nhập vào thành phố di sản phải bảo vệ cảnh quan môi trường theo quy hoạch, lợi chưa thấy mà hại thì đã thấy ngay trước mắt. Được vào thành phố thì vui nhưng vào thành phố di sản chưa chắc sẽ được dân chúng đồng tình.
Thứ ba: Bộ máy lãnh đạo, quản lý các thị xã từ nông thôn lên. Nay bộ máy đó khó được sử dụng cho thành phố di sản. Dàn cán bộ công chức các thị xã chưa chắc đã đồng tình lên thành phố di sản.
Thứ tư: Khó khăn nhất là ngân sách và dàn cán bộ am tường văn hóa di sản đô thị thực hiện công trình. Với ngân sách rất hạn chế và dàn cán bộ văn hóa di sản hiện nay thì khó có một thành phố di sản như mong muốn.
5. Chuyện mở rộng Huế đáp ứng yêu cầu của một địa phương có nhiều di sản bậc nhất ở VN hiện nay là một chủ trương đang được quan tâm nhưng chắc chắn sẽ có những tiếng nói không đồng tình như anh vừa nói. Vấn đề này cần được xử lý như thế nào?
NNC NĐX: Đây là vấn đề phải được đặt ra đầu tiên. Cũng như dân Quảng Nam và dân thành phố Đà Nẵng tuy ở hai bộ máy hành chính khác nhau nhưng hồn vía, truyền thống hai nơi ấy là một. Dân Thừa Thiên và dân Thành phố Huế là một. Trên địa bàn thành phố Huế gốc chỉ có nhà thờ họ Nguyễn Phước chứ không có bất cứ một nhà thờ họ nào của bá tánh trên đất Huế cả. Dân Huế và dân Thừa Thiên là một. Dân Phong Điền hay dân Phú Lộc ra ngoại tỉnh luôn nói mình là dân Huế, tự hào về Huế. Sở dĩ có tiếng nói không đồng tình việc thành lập thành phố di sản (nếu có) vì người dân chưa hiểu được cái vinh dự quê mình có thành phố di sản, chưa hiểu được những gì người dân được hưởng lợi từ thành phố di sản, những thiệt thòi nào đó của dân được xem như là những đóng góp của dân cho thành phố di sản, và được vinh danh. Lãnh đạo phải trình bày cho dân TTH biết. Tôi đã từng trải qua nhiều năm trong chiến tranh, gặp biết bao chuyện khó khăn. Nhưng mỗi lần vượt qua được khó khăn tôi lại thấm thía với chân lý “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nếu lãnh đạo không lấy được lòng dân thì dù cưỡng chế mua chuộc ai đó để được việc sẽ không bền vững.
6. Theo ông, giữa một kho báu di sản văn hóa vô tận của Huế thì những giá trị nào chúng ta phải ưu tiên tập trung gìn giữ và phát huy?
NNC NĐX: Trước tiên phải điều tra xem thử những di sản đang ở đâu, chúng đang tồn tại như thế nào, không chỉ di sản vật chất mà còn di sản phi vật thể, không chỉ của triều Nguyễn mà còn của Chăm-pa, Tây Sơn, không những ở trong nước và ở ngoài nước, không những di sản vật chất, phi vật chất mà còn di sản thiên nhiên… nữa. Khi đã có bộ hồ sơ di sản đầy đủ đó rồi mới tính đến chuyện những gì cần ưu tiên.
7. Cơ chế nào để gìn giữ và phát huy kho báu di sản?
NNC NĐX: Có một quyết định của Trung ương thực hiện việc “Những gì của Xê-da trả về cho Xê-da”. Quyết định những gì của Huế trả về cho Huế. Ví dụ như Ấn, Triện bằng vàng, ngọc của triều Nguyễn đã chuyển ra Hà Nội sau ngày vua Bảo Đại thoái vị (30-8-1945), thời chiến tranh chính quyền VNCH chuyển Mộc bản lên Đà Lạt (Di sản thế giới, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt), chuyển bản gỗ Địa bạ vào Sài Gòn (hiện nay đang xếp trong tầng hầm dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ), sau năm 1975 chuyển kho báu Châu Bản triều Nguyễn (Di sản Thế giới) ra Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Hà Nội. Và nếu làm ngoại giao tốt có thể yêu cầu nước Cộng hòa Pháp trả về cho Huế một phần các kho báu mà quân lính Pháp đã cướp trong Thành nội suốt 3 tháng sau ngày Thất thủ Kinh đô 1885. Tôi cũng được biết nhiều người Pháp, nhiều vị Hoàng tộc, nhiều người Huế đang giữ nhiều báu vật của Huế, phần nhiều đã lớn tuổi, vì quan điểm chính trị họ không muốn cho chính quyền VN, nhưng nếu cho Huế thành phố di sản thì họ sẽ sẵn sàng. Nếu thành phố di sản Huế được Trung ương cho phép đòi và tiếp nhận di sản vốn của Huế thì Huế mới trở thành “không nơi nào có được”.
8. Làm bộ hồ sơ nầy đòi hỏi thời gian, phương tiện, con người có chuyên môn và kinh phí. Theo anh liệu có thực hiện được không?
NNC NĐX: Với dàn cán bộ văn hóa hiện nay và tiền thu ngân sách địa phương thì không thể làm gì khác ngoài đời sống hiện nay. Nhưng nếu lãnh đạo được lòng dân, thực hiện một số biện pháp mang tính cách mạng thì cũng với “dân liệu” cũng xong. Ví dụ nếu tôi dưới 60 tuổi mà được Trung ương giao cho toàn quyền thực hiện việc nầy tôi sẽ thực hiện các bước sau đây:
8.1. Phát động toàn dân TTH tham gia công việc đổi đời, sự tự hào chưa từng có, nhà văn, nhà báo, giáo sư, tiến sĩ, trí thức khoa học nhân văn tham gia, ai có tài liệu cung cấp tài liệu, ai có phương tiện quay phim chụp ảnh, cho mượn quay phim chụp ảnh, ai biết đo đạc khảo sát di tích, giúp đo dạc mô tả, thống kê di tích (chưa thuộc sự quản lý của TTBTDT Cố đô Huế), ai biết tiếng Tây, tiếng Anh chữ Hán tham gia dịch thuật biên soạn… Họ sẽ bổ sung người làm việc cho bộ máy sẵn có của chính quyền. Giải quyết việc thiếu người.
8.2. Giải quyết vấn đề kinh phí: Thực hiện một việc lớn như việc thành lập Thành phố di sản quốc gia, chắc chắn quốc gia phải rót kinh phí, rồi kinh phí của tỉnh và thành phố Huế hiện nay. Nhưng cũng chưa đủ. Tôi đề nghị hai việc nữa:
8.2.1. Rà soát tất cả những tài sản, đất ruộng công trước đây bán cho tư nhân hay các tổ chức kinh doanh không qua đấu thầu theo giá thị trường lúc bán, thu số tiền chênh lệch này bỏ vào quỹ thành lập thành phố di sản.
8.2.2. Sau khi quy hoạch, thành phố di sản có những diện tích đất dành cho kinh doanh. Lúc đó hiệu quả khai thác quỹ đất sẽ tăng cao hơn rất nhiều lần. Đó cũng là một nguồn kinh phí quan trọng để xây dựng thành phố di sản.
Trên đây là cách nghĩ của một người cầm bút yêu Huế. Tôi tin lãnh đạo Trung ương và địa phương cũng đã chuẩn bị những biện pháp cần thiết để hoàn thành việc thành lập Thành phố di sản.
9. Vấn đề cấp bách nhất là gì?
NNC NĐX: Như tôi vừa nói ở trên, vấn đề cấp bách hiện nây là:
9.1. Lãnh đạo phải giải thích cho toàn dân hiểu, kêu gọi sự chung tay góp sức của dân, dân phải biết giá trị những di sản để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Nói chung là một cuộc tuyên truyền vận động sâu sắc về thành phố di sản.
9.2. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách, chuẩn bị một dàn cán bộ chuyên môn làm nòng cốt. Họ vừa làm chuyên môn vừa là một hình mẫu để mọi người noi theo.
9.3. Dự thảo một bản quy hoạch tổng thế, đến khi có bản điều tra tổng kết thì sửa chữa hoàn thiện để trình Trung ương xin phép thành lập thành phố di sản; Liên hệ mời cho được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị di sản giúp ý kiến và có thể mời họ chủ trì việc quan trọng nầy.
10. Nhiều ý kiến cho rằng, ra đời thành phố di sản chủ yếu là để phát triển kinh tế du lịch?
NNC NĐX: Trùng tu di sản để khai thác du lịch, nếu không khai thác được du lịch thì chắc di sản có quý đến mấy cũng không được quan tâm. Ngược lại khi có một xu hướng du lịch nào đó đang thu hút khách người ta bịa ra các mặt hàng để đáp ứng. Ví dụ dân miền Bắc VN, trải qua những năm tháng dài vô thần, nay họ quay lại cúng bái, bói toán, mê tín dị đoan, gọi là có đời sống tâm linh, đi chùa cầu Phật, giải oan là những hoạt động không thể thiếu. Đồng thời cũng có nhiều người có chức có quyền đã mắc tội ác, những người có cơ hội buôn gian bán lận, lừa đảo, gây đau khổ cho bao người… nay thấy sợ quả báo nên phải đi chùa để nhờ Phật cứu nạn. Nắm bắt được nhu cầu xã hội cần chùa nên nhiều tổ chức mượn áo thầy tu dựng lên bao nhiêu chùa to Phật lớn để kinh doanh với nhãn hiệu du lịch tâm linh đang rầm rộ diễn ra. Việc “ra đời thành phố di sản” có liên hệ với việc “phát triển kinh tế du lịch” ở Huế và tỉnh Thừa Thiên trong tương lai nhưng nó không giống như chuyện làm chùa to Phật lớn để kinh doanh du lịch tâm linh nói trên. Việc ra đời thành phố di sản với phát triển du lịch ở Huế và Thừa Thiên là hai lãnh vực có tác động qua lại nhưng hoàn toàn độc lập. Thành phố di sản quản lý, gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị một khối di sản vô cùng to lớn. Tài sản tinh thần vô giá của một quốc gia với ngàn năm văn hiến. Tất cả di sản phái được quản lý, gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị đúng chuẩn mực theo Luật Di sản. Đó là nguồn tài nguyên vô giá, làm sai lệch là vi phạm, ngang với tội phá hoại. Với nguồn tài nguyên đó ngành Văn hóa Du lịch tuyển chọn tổng hợp rút ra cái giá trị có thể khai thác du lịch. Cái giá trị đó như một cô con gái đẹp, nhưng muốn cô thành hoa hậu để vinh danh và bán vé cho người hâm mộ đến gặp thì phải được dạy dỗ đạo đức, lời ăn tiếng nói, bây giờ phải biết tiếng Anh nữa, phải tập đi dứng như thế nào cho đẹp, trang phục màu sắc hợp thời trang, phải được bảo vệ chu đáo và được tuyên truyền giới thiệu hấp dẫn. Muốn làm được tất cả những việc đó cho người đẹp thì phải qua tay một tổ chức có chuyên môn. Không thể để cho cha thích cái giọng địa phương, không thể đi guốc theo ý mẹ, mặc váy cụt ngủn của bạn bè, không thể vui tiếp rượu với bạn của anh trai.v.v… Di sản Huế như cô con gái đẹp, muốn cho di sản đẻ ra tiền phải qua ngành du lịch. Mối tương quan như vậy.
Vì yêu Huế nên tôi mạnh dạn trao đổi về đề tài này, chứ thực tế những điều phải chưa chắc được thực hiện. Thôi kệ … cứ yên tâm với giây phút hiện tại.
Thanh Tùng thực hiện
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Giải Nobel năm 2021
Trí thức Nghệ xưa và nay
Thống kê truy cập
114528473
2129
2291
2746
215169
0
114528473