Người xứ Nghệ

Phan Bội Châu với khoa thi Canh Tý

Danh sĩ, nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940)

Phan Văn San hồi nhỏ được gọi là bé Som, sinh ở quê mẹ, thôn Sa Nam, xã Đông Liệt. Khi Phan ba tuổi thì cha mẹ dời nhà về quê nội, ở phía Nam núi Cơ Sơn của làng Đan Nhiệm (cũng thuộc xã Đông Liệt), tổng Xuân Liễu, nay là xã Vân Diên, huyện  Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Về sức học của Phan, đã có rất nhiều sách viết về cậu bé thần đồng này. Nhưng cậu Som cũng thường có những sơ suất. Nhớ là kỳ thi ở phủ, vào cái buổi phúc hạch, Phan cũng đến muộn. Quan chủ khảo bấy giờ là Tri phủ, Hoàng Giáp Phạm Khắc Xương thấy qua sơ hạch bài cậu làm rất tốt nên đã chiếu cố, cho vào thi nhưng phải làm một đề riêng mà câu ra là “Hoa khai bất cập xuân”, tức: “Hoa không nở kịp vào mùa Xuân”, nhằm phê bình là đi thi mà cậu cũng đến muộn. Phan cầm bút viết ngay:

                        “Đông hoàng tằng trước nhãn

                        Dĩ hứa bách hoa khôi

                        Chỉ vị khiêm khiêm ý

                        Phiên giao tiệm tiệm khai...”

                         冬皇曾著 眼

                        已許百 花 魁

                        只 爲謙谦 意

                         翻 教 漸 漸 開

                        Nghĩa là:

                        “Chúa Đông vừa mở mắt

                        Đã hứa đầu trăm hoa

                        Chỉ vì ý khiêm tốn

                        Nên để nở dần dà”.

Vị Chủ khảo là bậc Hoàng giáp nhìn theo từng nét chữ rồi đến đó, ngài liền bảo Phan không phải viết thêm nữa và lấy đỗ với học vị Đầu phủ. Tiếp đó, năm sau là thi ở tỉnh, Phan đỗ Đầu xứ, tiếng thăm thêm lừng lẫy. Tuy nhiên, đỗ ở các kỳ thi ấy chưa phải là đã “đăng khoa”. Chức danh này chỉ dành cho người đỗ Hương, đỗ Hội do Triều đình tổ chức, mà từ đời Gia Long (triều Nguyễn), Nghệ An đã là một địa điểm Hương thí.

Còn về Phan, đáng ra, sau khi đỗ Đầu xứ là sẽ dự kỳ thi Hương nhưng năm ấy, mẹ qua đời, mà theo lệ của triều đình, những người đang chịu đại tang là không được ứng thí. Cụ thân sinh, Phan Văn Phổ, cũng là một vị Đồ Nho, tuổi đã già nên Phan phải vừa đi dạy học giúp gia đình, vừa liên kết bạn bè, mong góp sức vào việc đuổi thực dân Pháp, cứu nước.

Rồi đến các khoa Tân Mão (1891), Giáp Ngọ (1894), thời gian cứ thắm thoắt qua đi mà khi thì lý do này, khi thì lý do khác, hoặc lo làm bài giúp bạn, lại có lúc bởi sự sơ suất của bản thân để bị kết tội là “phạm trường quy” như khoa Đinh Dậu (1897)(1) nên Phan vẫn chưa đỗ. Bấy giờ, tâm sự của Phan thật giống như người cùng thời, cùng cảnh ngộ là Tú tài Trần Tế Xương “Đau quá đòn ghen/Rát hơn lửa bỏng”. Bởi cụ Tú đất Vị Xuyên ấy cũng đã “Bốn khoa chưa khỏi phạm trường quy!”. Nhưng rồi với cụTrần, “Ông Nghè, ông Thám vô mây khói/Đứng lại văn chương một Tú tài(2). Còn về phần Phan, phải đăng khoa, ấy là ý nguyện của song thân (nhất là với người mẹ đã khuất), cùng với nợ nước luôn thôi thúc bản thân. Nên thời gian chờ giữa hai kỳ thi, cùng với việc dạy học giúp gia đình là Phan đi liên kết bạn bè cả ở ngoài Bắc, trong Nam  để cùng lo công việc phục quốc. Những tháng ngày lưu lại ở Huế sau khoa thi Hương 1897 kia cũng là thời gian giúp ích nhiều cho Phan. Với bài phú “Bái thạch vi huynh” (Lạy, tôn hòn đá làm anh) của Phan đã làm nức lòng các bậc thức giả và giới quan trường có tâm huyết ở Kinh đô. Một câu hỏi đặt ra trong họ là sao chàng trai người Nghệ này học hành lỗi lạc như vậy mà đi thi cứ hỏng hoài? Thắm thoắt, đến kỳ thi Hương Canh Tý (1900), Phan về Nghệ, lấy tên là Bội Châu, ứng thí và đỗ đầu. Sau khi xem xét lại các bài thi của những người trúng truyển thấy mấy bài làm của Phan đều đạt điểm “Ưu”, quan Chủ khảo kỳ thi ấy là Khiếu Năng Tịnh đặt ra biệt lệ là dành riêng một bảng để đề tên Giải nguyên Phan Bội Châu. Vì thế có bạn làm câu đối mừng Phan:

                   “Song tải Tam nguyên, thiên hạ hữu;

                   Độc danh nhất bảng thế gian vô

                                      双 載 三 元 天下有

                                      独 名一  傍 世 間無

Nghĩa là:

“Hai năm, ba lần đỗ đầu(3), đã nhiều người như thế/Còn người đỗ đầu (ở khoa thiHương) mà bản thân mình được đứng riêng một bảng thì trong thế gian chưa hề có ai”.

Phan Bội Châu về chào bố, cụ thân sinh nói: “Con đã thi đỗ, thế là được rồi”.

 Không lâu sau, cụ Phan Văn Phổ qua đời.

Bấy giờ, Phan quyết đền ơn cha mẹ và giang sơn bằng cách tập trung mọi thời gian vào công việc hoạt động cứu nước.

 

 

 

 

Chú thích:


(1)Xem Tôn Quang Phiệt: “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1958, Trang 13-17.

(2)Thơ Xuân Diệu.

(3)Tức có người  năm trước thi Hương đỗ Giải nguyên, năm sau thi Hội trúng Hội nguyên rồi thi Đình trúng Đình nguyên, tức Tam nguyên, như cụ Yên Đỗ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443498

Hôm nay

256

Hôm qua

2333

Tuần này

21311

Tháng này

218672

Tháng qua

112676

Tất cả

114443498