Đất và người xứ Nghệ

Đình Võ Liệt

                                                        

Đình Võ Liệt

Đình Võ Liệt ( 烈亭) tọa lạc trên cánh đồng Rè thuộc thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, phía trước có hồ sen giống như bao đình làng xứ Nghệ khác. Đây là một trong những ngôi đình làng lớn còn lại đến nay của huyện Thanh Chương nói riêng & của tỉnh Nghệ An nói chung, hơn nữa lại còn là một trong 100 ngôi đình tiêu biểu của cả nước được giới thiệu trong tác phẩm nổi tiếng Đình Việt Nam của 2 tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự. Đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia (quyết định số 1288/QĐ-VH, ngày 16 tháng 11 năm 1988).

Qua đình ngả nón trông đình… Đêm qua tát nước đầu đình… Toét mắt là tại hướng đình... Từ bao đời nay, ngôi đình gắn bó mật thiết với làng quê Việt Nam. Tuy vậy, đình xuất hiện tự bao giờ vẫn là “một câu hỏi chưa có lời giải đáp chắc chắn. Hiện nay, những ngôi đình xưa nhất còn biết niên đại, đều thuộc thời Mạc hay thế kỷ XVI”(1). Thật ra, ngoài ngôi đình là ngôi nhà công cộng của làng, dùng làm nơi thờ thành hoàng và họp việc làng, ở nước ta và Trung Hoa xưa còn có ngôi đình làm trạm nghỉ chân cho khách bộ hành. Đình trong câu thơ: Bề ngoài mười dặm trường đình/Vương Ông mở tiệc tiễn hành đưa theo (Truyện Kiều) là chỉ loại đình này. Danh từ đình 亭 đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh của Khang Tăng Hội vào giữa thế kỷ III. “Mặc dù còn thiếu chứng cứ, ta tin rằng đình - ngôi nhà chung của làng xã đã xuất hiện từ lâu đời, nếu không phải là thời tiền sử thì cũng là thời sơ sử của dân tộc. Tất nhiên là thời đó chưa gọi là đình 亭, một từ vay mượn của Trung Hoa.”(2)

Còn đình Võ Liệt? Võ Liệt vốn là tên làng - một làng cổ trù mật bên hữu ngạn sông Lam, tên chữ là Lam Thủy () hay còn gọi là Lam Giang (江), Thanh Long Giang (青 龍 江) và trải dài ven hữu ngạn sông Rộ, tên chữ là Võ Giang (江). Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, địa danh Võ Liệt  烈 (từ Hán Việt nghĩa là công nghiệp nhà võ) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Bấy giờ làng Võ Liệt đã là hậu cứ cung ứng lương thảo cho Bình Định vương Lê Lợi. Thanh Chương huyện chí của Tri huyện Nguyễn Điển cho biết xã Võ Liệt thuộc tổng Võ Liệt - một trong 5 tổng của huyện Thanh Chương xưa. Trước năm 1945, xã Võ Liệt là 1 trong 22 xã, thôn của tổng Võ Liệt. Sau Cách mạng Tháng Tám, bỏ cấp tổng, huyện Thanh Chương được chia thành 12 xã lớn. Xã Võ Liệt sáp nhập với xã Quảng Xá (Thanh Long và Thanh Hà ngày nay) thành xã Kim Bảng. Đầu năm 1954, Kim Bảng lại được chia nhỏ thành 4 xã: Thanh Tân, Thanh Minh, Thanh Long, Thanh Hà. Ngày 24.3.1969, xã Thanh Tân và xã Thanh Minh hợp nhất lấy lại tên cũ là xã Võ Liệt.(3)

 Đình Võ Liệt đã có từ rất lâu. Tác giả luận án Tiến sĩ Đình Võ Liệt trong bối cảnh đình Nghệ An cho biết ít nhất đình này đã xuất hiện vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thời Lê Trung Hưng. Trước khi trở thành Văn Miếu của tổng, giống như mọi ngôi đình khác, đình Võ Liệt là nơi thờ Thành Hoàng và là nơi họp làng. Thành Hoàng và các vị thần làng thờ ở đình Võ Liệt: Có 10 vị chính thần được thờ, trong đó có 3 vị đã được các triều vua phong tặng. Thần chủ của đình là Đô Thiên đại đế long vương thượng đẳng tối linh tôn thần và vị nhân thần Phan Đà tướng giỏi của Lê Lợi (Lê Thái Tổ), vốn đã có nơi thờ chính là đền Bạch Mã, thần chủ là Đô Thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh phúc thần”.(4)

Một tấm văn bia đình Võ Liệt. Ảnh Hồ Xuân Hoàng

Thế kỷ XIX, xứ Nghệ vươn lên đứng đầu cả nước về thành tựu khoa bảng. Nho học được đề cao hơn bao giờ hết!(5) Đây cũng là thế kỷ bùng nổ đình ở xứ Nghệ với xu hướng biến đình làng thành Văn Miếu thờ Khổng Tử. Trong khi đó ở Bắc Bộ, trào lưu xây dựng đình to đẹp từ giữa thế kỷ XVIII đã lắng xuống(6). Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng (thật ra là làm lại - HH chú) vào năm 1859, hoàn thành vào năm 1860. Người chủ trì thiết kế là nhà Nho Hoàng Chính Trực. Gia phả họ Hoàng ghi: “Ông Hoàng Chính Trực, hiệu là Cổ Duy, sinh năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830), đậu Cử nhân khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 (1861). Cha ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ và lúc đi học ông được cha dẫn ra Thăng Long tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám… Từ đó, ông có ý tưởng xây một công trình theo kiểu như Văn Miếu tại quê hương để đề cao Nho học. Hội Văn tổng Võ Liệt chấp thuận ý định của ông và giao ông thiết kế, đốc công… Văn Miếu trùng diêm ở Võ Liệt theo quy thức kiến trúc thời Lý Thánh Tông ở Thăng Long”(7). Từ đây, ông tổ đạo Nho được đưa vào thờ cùng với các vị thần khác của làng.

Đình nằm cách huyện đường cũ 500 m về phía Đông Nam, cách khu dân cư gần nhất khoảng 150m. Đây là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ Liệt vào tháng 8 âm lịch. Xuất phát từ đó, đình còn có tên gọi Văn quán, quán Hàng Tổng. Cùng với việc thay đổi về địa giới, huyện lỵ Thanh Chương cũng đã trải qua nhiều lần di dời. Lúc đầu ở sách Thổ Du thuộc tổng Thổ Hào, đời Lê chuyển sang xã Lương Trường tổng Bích Triều. Cuối đời vua Thành Thái (ở ngôi 1889-1907), sau khi có thêm hai tổng phía tả ngạn của huyện Nam Đàn là Đại Đồng và Xuân Lâm - vùng đất từ xã Thanh Khai đến xã Thanh Hưng hiện nay, và cắt tổng Nam Kim ở phía cuối hữu ngạn của Thanh Chương sáp nhập vào huyện Nam Đàn thì huyện lỵ Thanh Chương dời lên ở vùng chợ Rộ thuộc xã Võ Liệt, tổng Võ Liệt và đóng ở đó cho tới Cách mạng Tháng Tám. Từ đó, đình Võ Liệt trở thành Văn Miếu của huyện(8). Mặc dù hiện nay di vật thờ cúng của đình không còn gì nữa, nhưng theo các bậc cao niên kể lại,  xưa kia đây là Văn Miếu của tổng, từ năm 1907 trở thành Văn Miếu của huyện nên có nhiều hiện vật quý: 2 cờ đại, 6 cờ vuông, mâm cỗ bồng, bàn thờ Khổng Tử, trống, khánh đá, còn có cả chiêng đồng do Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822-1891) năm 1872 đi sứ sang nhà Thanh về cung tiến(9).

 Đình Võ Liệt là một di tích văn hóa độc đáo trong hệ thống đình làng Việt Nam. Từ ngoài vào, cổng đình có hai trụ cao, tả hữu là hai cổng phụ. Phía trước 2 bên sân đình xây dựng hai dãy nhà bia gồm 6 tấm đá lớn ghi danh của 441 vị đậu từ trung khoa đến đại khoa của tổng Võ Liệt từ triều Lê đến triều Nguyễn. Bia dựng ở 2 đầu sân đình. Từ bên ngoài trông vào, hàng bia bên trái tính theo thứ tự 1,2,3 hàng dọc từ trong ra. Nghệ thuật chạm khắc đẹp giản dị, chỉ có rồng mây và hoa sen cách điệu. Bia số 1 ghi họ tên, học vị, năm thi đậu, quê quán, chức vụ  của 5 vị đại khoa (2 tiến sĩ, 3 phó bảng); bia số 2 ghi họ tên, học vị, năm thi đậu của 27 vị hương cống (hoặc tương đương như giám sinh, nho sinh trúng thức) triều Lê; bia số 3 ghi họ tên, năm thi đậu của 35 vị cử nhân triều Nguyễn. Ba tấm bia ở hàng bên phải là danh sách 374 vị sinh đồ thời Lê và tú tài thời Nguyễn. (Nội dung đầy đủ của văn bia xin xem: Bùi Văn Chất Sáu tấm bia ở đình Võ Liệt Tạp chí Văn hóa Nghệ An  số 54, 55 tháng 11. 2004).

Một tấm văn bia đình Võ Liệt Ảnh: Hồ Xuân Hoàng

Qua sân đình là 4 dãy nhà liên thông và 54 cột nối nhau thẳng hàng ngang, dọc và khép kín bằng ván lim trong khung đố. Dãy nhà phía trước năm gian chính hai gian phụ cao 5 mét nối liền với hai dãy nhà tả hữu, mỗi nhà ba gian, bốn cột cao 4,3m, giữa là sân trời, nối tiếp tòa nhà chồng diêm phía sau gồm năm gian chính, hai gian phụ, cao 7m.

 Hậu cung có 2 tầng chồng diêm, 8 mái - 2 tầng mái. Nơi đây thờ Thành Hoàng, Khổng Tử và các vị tiên hiền địa phương. Trong khi đình làng Bắc Bộ chỉ có 1 gian thờ nhỏ thì hậu cung ở đây có 5 gian, 2 chái nhỏ, 6 vì kèo nối nhau theo hệ thống đà ngang và nóc mái, bộ khung kê trên chân đá tảng.

Ở nước ta, các kiểu đình có kiến trúc phong phú. Xét theo mặt bằng của các đơn nguyên kiến trúc, ta thường thấy có các đình kiến trúc kiểu chữ nhất (), chữ tam (三), chữ công (工), chữ đinh (丁). Riêng đình Võ Liệt có kiến trúc rất độc đáo. Đình chính có kết cấu kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu chữ khẩu (口) với 54 cột lim và 4 cột xây bằng gạch vững chắc tạo thành những nếp nhà khép kín không có đốc (trừ tầng lầu dãy sau), bên trong thông nhau, ở giữa là một sân trời nhỏ. Trong đình không có tượng Phật, cũng vắng bóng hình ảnh con người và những họa tiết hoa văn cầu kỳ. Mái đình lợp toàn ngói vảy âm - dương. Phía sau đình có dãy nhà 5 gian dùng làm nơi tổ chức ăn uống cho Hội Văn…

 Đình vừa là Văn Miếu, vừa là nơi thờ Thành Hoàng làng và là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đã tạo thêm cho di tích này một điểm riêng biệt so với những ngôi đình khác. Đặc biệt, đình Võ Liệt còn là di tích lịch sử cách mạng có vị trí quan trọng trong hệ thống di tích trên mảnh đất xứ Nghệ. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)… Sáng ngày 1.6.1930, trên 3000 người có cả đông đảo phụ nữ, học sinh đã tay gậy, tay thước tập trung tại đình Võ Liệt, rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, Tri huyện Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ trình lên quan trên xem xét, giải quyết.(10)

Ngày 01.9.1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, 2 vạn nhân dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả (vị trí đồn xưa nay thuộc thôn Thanh Quả, xã Thanh Khê). Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động, công khai giải quyết mọi việc như một chính quyền cách mạng thực thụ. Đình Võ Liệt trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô Viết… Cũng trong thời kỳ này, các hoạt động như diễn thuyết, tổ chức học chữ quốc ngữ, đọc bài quốc tế ca, treo cờ đỏ búa liềm và nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác được tổ chức thường xuyên tại đình.

Năm 1940, đình Võ Liệt là nơi diễn ra cuộc họp khôi phục lại chi bộ Đảng Võ Liệt. Năm 1947, ở đây lại tiến hành Đại hội Đại biểu khu ủy Liên khu IV dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, thiếu tướng Nguyễn Sơn(11).

 Năm 1986, Đại tướng Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), người con rể ưu tú của Thanh Chương (phu nhân của ông là bà Đặng Bích Hà con gái đầu của học giả lớn kiêm chính khách Đặng Thai Mai (1902-1984) người làng Lương Điền - nay là xã Thanh Xuân) cùng cán bộ tỉnh và huyện về thăm đình Võ Liệt. Khi tham quan, đọc văn bia của di tích, Đại tướng rất vui nói: “Đây là Văn Miếu của huyện”. Ngày 26.1.2007, trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân xã Võ Liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Tôi đã nói: Đây là Văn Miếu huyện rất đáng tự hào ở quê ta, các thế hệ con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học đó của ông cha ta”.(12)

Trước cách mạng, hàng năm vào dịp đầu Xuân, tại đình Võ Liệt diễn ra nhiều lễ hội dân gian để nhớ ơn danh tướng Phan Đà. Trong ngày hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: vật cù, kéo co, đua thuyền, chọi gà, thả diều, trồng cây chuối, v.v....Vào tháng 2 âm lịch có lễ Tế Hiệp. Khi còn chế độ thi cử Nho học (thi Hương kết thúc vào năm 1918, thi Hội kết thúc vào năm 1919) vào tháng 8 âm lịch hàng năm có lễ cúng Đức Khổng Tử và cứ 3 năm một lần, nhân dân lại tổ chức lễ Kỳ Khoa  (lễ sĩ tử cầu thi đậu) vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Thí sinh các nơi tập trung tại đình nghe bình giảng thơ, phú, kinh nghĩa. Trước khi lên đường ứng thí mấy tháng, các sĩ tử thường tập trung về đình ôn luyện văn bài… Các sĩ phu khoa bảng yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Sĩ Tạo… từng đến đình đàm đạo.

 Ngày nay, hàng năm lễ hội truyền thống cách mạng Xô Viết Thanh Chương được tổ chức vào ngày 1.9 tại đình đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự. Đình Võ Liệt đã trở thành biểu tượng cho lòng tự hào về truyền thống cách mạng của người dân Thanh Chương.(13)

 Trải qua bao biến thiên lịch sử, đình Võ Liệt được nhà nước quan tâm đầu tư gần chục tỷ đồng tôn tạo, nâng cấp, đã hoàn thành trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống huyện Thanh Chương (2010). Đình Võ Liệt cùng với đền Bạch Mã đã được nâng tầm trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch của du khách gần xa.

 Đáng tiếc là trong những năm gần đây, đình Võ Liệt cũng như đình Trung Cần (xã Nam Trung, Nam Đàn), đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, Nam Đàn)… là các ngôi đình làng đã được xếp hạng di tích quốc gia nhưng đều xuống cấp trầm trọng, quanh năm hầu như đóng cửa, thi thoảng mới mở khi có ngày kỉ niệm nào đó. Đình làng có lịch sử hàng mấy trăm năm và có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Để phát huy tốt giá trị đình làng, chính quyền sở tại cần đưa nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống (lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, lễ xuất quân, lễ tri ân và các lễ nghi lịch sử, tôn giáo khác…) tổ chức tại đình làng để người dân có nhiều dịp giao lưu, tìm hiểu sâu hơn lịch sử làng xã mình, từ đó củng cố thêm tình yêu và niềm tự hào về quê hương xứ sở, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, làm sao cho đình không còn cô quạnh, đìu hiu rồi xuống cấp nữa.

CHÚ THÍCH:

(1), (2), (7) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự: Đình Việt Nam Nxb Khoa học Xã hội, in lần thứ 3. 2014 , tr13, 20, 247.

(3), (8) Nhiều tác giả: Thanh Chương đất & người Ban liên lạc đồng hương Thanh Chương ở TP Vinh xb. Vinh. 2005; Bùi Dương Lịch (CB): Thanh Chương huyện chí (Bùi Văn Chất dịch,) Nxb Nghệ An, 2008; 

(4). TS Phan  Xuân Thành: Đình Võ Liệt trong bối cảnh đình Nghệ An (đây là bản tóm tắt luận án?) in trong sách Thanh Chương đất & người Tlđd; Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An: Câu đối xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2005. T.2, tr.40

 (5) Xin xem: Hồ Sĩ Hùy: Từ góc nhìn văn hóa xứ Nghệ, suy nghĩ thêm về đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 129, 4/2009, tr.2-4

 6), (9) TS Phan Xuân Thành: Đình Võ Liệt trong bối cảnh đình Nghệ An. Tlđd; BCH Đảng bộ xã Võ Liệt: Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ & nhân dân xã Võ Liệt, Nxb Lao Động 2015. Ông Phan Xuân Thành khảo sát 10 ngôi đình xứ Nghệ tiêu biểu thì có 1 ngôi dựng vào thế kỷ XVII, 4 ngôi vào thế kỷ XVIII, trong đó có 1 ngôi dựng lại vào thế kỷ XIX (Đình Sừng, Lăng Thành, Yên Thành dựng năm 1786, dựng lại vào năm 1809); 5 ngôi còn lại đều dựng vào thế kỷ XIX (đình Liên Trì, Liên Thành, Yên Thành 1801; đình Hậu, Bắc Thành, Yên Thành 1840, (Hậu cung 1857); đình Quỳnh Đôi, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu 1850, dựng lại 1861; đình Tám Mái, Diễn Hoàng, Diễn Châu, 1850; đình Võ Liệt 1859-1860).

(10), (11), (12), (13) Nguồn: BCH Đảng bộ xã Võ Liệt: Lịch sử  truyền thống cách mạng của đảng bộ & nhân dân xã Võ Liệt. Tlđd; BCH đảng bộ huyện Thanh Chương: Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương 1930-201 , Nxb Khoa học xã hội, 2010.

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434704

Hôm nay

2324

Hôm qua

2310

Tuần này

21354

Tháng này

211752

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434704