Đất và người xứ Nghệ

Bến đò Cố Xin - Giá trị lịch sử và phương hướng phát huy giá trị di tích sau khi xếp hạng

Bến đò Cố Xin là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua bởi câu chuyện cảm động về người lái đò huyền thoại. Hiện nay, bến đò đang trong quá trình lập hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh. Bên cạnh mối quan tâm về việc tôn vinh người lái đò thì việc phát huy hiệu quả giá trị di tích sau khi xếp hạng cũng là bài toán khó cho các cấp, các ngành liên quan.


Quang cảnh bến đò Cố Xin nhìn từ trên cao

Bến đò Cố Xin và người lái đò huyền thoại

Bến đò Cố Xin nằm trên dòng sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên. Trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến đò Cố Xin được xác định là con đường giao thông huyết mạch chuyên chở người và hàng hóa qua sông phục vụ kháng chiến. Vì vậy, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Chỉ tính riêng cuối năm 1967, đầu năm 1968 đã có 3 trận đánh phá ác liệt ở bến đò này, đã có 50 người dân các xóm: Thanh Xuân, Kiều Thượng, Lạc Thiện bị chết bởi bom đạn Mỹ, trong đó có nhiều học sinh mẫu giáo đang giờ học thì bị máy bay Mỹ ào đến ném bom. Đò Cố Xin vượt sông trong làn đạn rốc - két đưa những người bị thương từ bờ Nam qua bờ Bắc để kịp đến bệnh viện Vinh (lúc bấy giờ sơ tán về xã Hưng Thông - cách bến đò 3km) để kịp thời cứu chữa.

Hằng ngày, Mỹ cho máy bay lượn đi lượn lại, trung bình một ngày đánh phá 3 đợt, thả 9-10 quả bom các loại: bom phá, bom sát thương, thủy lôi… Ban đêm, chúng lại thả pháo sáng để tìm kiếm. Để giảm thiểu thiệt hại, xã Hưng Xuân đã cho lập một tổ quan sát bom (ở gần ngã ba đê). Tổ đặt ra quy tắc: Nếu phát hiện tiếng máy bay đánh 3 tiếng kẻng, máy bay đến gần đánh 6 tiếng, máy bay có khả năng đánh phá ở địa phương thì đánh liên hồi. Người dân căn cứ vào tiếng kẻng để biết xuống hầm trú ẩn.

Cũng tại bến đò này, nhiều lần thuyền vận tải, xà lan chở vũ khí đạn dược bị trúng bom từ trường và bị bắn cháy. Tiêu biểu là sự kiện ngày 20/5/1967, một chiếc ca nô kéo 2 xà lan trúng thủy lôi tại bến đò Cố Xin, khoảng 800 tấn đạn 105 ly bị chìm xuống lòng sông. Cố Xin chèo đò đến cắm sào để giúp dân quân lặn xuống buộc dây vào xà lan. Dân quân và Nhân dân xã Hưng Xuân được lệnh trục vớt. Hàng chục người trong mấy tháng liền ngụp lặn, chuyên chở vào bờ, lau chùi khô ráo, cất dấu an toàn trong dân, chờ lệnh chuyển ra chiến trường.

Ngày 16 tháng 6 năm 1967, máy bay Mỹ đánh vào khu vực ga và cầu Yên Xuân  làm 3 người chết, đốt cháy cửa hàng mua bán xã Hưng Xuân. Tiếp đó, ngày 4 tháng 3 năm 1968, máy bay Mỹ đánh thẳng vào bến đò Cố Xin làm 4 người chết, 7 người bị thương. Ngày 16/4/1968 (nhằm ngày 19 tháng 3 năm Mậu Thân), địch đã huy động 6 máy bay, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 2 chiếc, thả hơn 20 quả bom tại khu vực bến đò Cố Xin. Đến tháng 6/1968, tiếp tục có 3 lần máy bay địch rải thủy lôi trong đêm trên dọc sông Lam và điều nhiều tốp máy bay đánh phá cả ngày lẫn đêm ở dọc sông Lam nhằm ngăn chặn tàu thuyền của ta vận chuyển lương thực, khí tài vào miền Nam. Riêng ngày 18/6/1968, máy bay đánh phá bến đò Cố Xin, đánh vào xóm Xuân Lạc làm cháy 45 nóc nhà dân, 3 người bị thiệt mạng, 4 người bị thương và hủy hoại nhiều tài sản. Mặc dù vậy, quân và dân xã Hưng Xuân vẫn kiên cường bám đất, bám làng, giữ gìn huyết mạch giao thông bến đò Cố Xin, cử người thường xuyên túc trực tại bến đò, phục vụ chiến trường miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Không phải ngẫu nhiên mà bến đò mang tên Cố Xin, phía sau tên gọi ấy là cả một một câu chuyện lịch sử bi hùng. Cố Xin tên thật là Lưu Văn Khuồi, sinh ra và lớn lên ở làng chài Nghĩa Sơn, tổng Phù Long (nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên). Đến năm 1948, cố mới quyết định dừng chân ở làng Phúc Hậu (nay thuộc xã Xuân Lam) để hành nghề chèo đò ngang. Từ một lái đò ngang bình thường, khi quê hương bị ngoại xâm đánh phá, cố đã không do dự mang tài sản có giá trị nhất của gia đình, ngày đêm phục vụ kháng chiến. Ngày cố hy sinh (ngày 16/4/1968 nhằm ngày 19 tháng 3 năm Mậu Thân), cố nhận được chỉ thị chở một đoàn sĩ quan hơn 10 người vào Nam công tác, do yêu cầu gấp rút, vợ chồng cố phải bỏ dở bữa ăn và nhờ thêm ông Trịnh Văn Nuôi ra hỗ trợ cho kịp thời gian. Khi đò vừa cập bến, người cuối cùng là ông Nguyễn Võ Hóa lên bờ thì bất ngờ có hai chiếc máy bay Mỹ đến thả bom, một quả trúng ngay chiếc đò, khiến cố Xin và ông Nuôi hy sinh tại chỗ, bà Diễn bị thương nặng và qua đời vào mấy tháng sau.

Như vậy, có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, cố cũng luôn hết lòng vì nhiệm vụ. Tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường của người lái đò ấy đã góp phần không nhỏ khiến cho mọi cố gắng, mọi sự nỗ lực nhằm phá hoại, ngăn chặn tiếp tế của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam của kẻ thù đều thất bại. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và thắng lợi trong công cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng có sự đóng góp từ những chuyến đò mò mẫm trong đêm tối, những chuyến đò vượt mưa bom bão đạn của người lái đò Cố Xin cùng sự hỗ trợ của quân và dân xã Hưng Xuân. Cố Xin không chỉ chở người và hàng qua sông mà còn chở cả tình yêu, niềm tin và hy vọng của quân và dân miền Bắc vào một thắng lợi cuối cùng ở miền Nam. Cố là tấm gương sáng ngời về ý chí chiến đấu và lòng quả cảm. Nhiều người dân đã ví cố như “mẹ Suốt của Nghệ An”.

Phương hướng phát huy bến đò sau khi được xếp hạng

Những đóng góp của Cố Xin đã và đang được chính quyền và Nhân dân các thế hệ tôn vinh. Tuy nhiên, hiện nay, bến đò Cố Xin đang tồn tại một số bất cập: ở phía Nam bến đò (thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn) đang bị phù sa bồi đắp, trước đây, chiều dài của bến đò khoảng hơn 1.000m, nay chỉ còn hơn 400m, trong khi đó, ở bờ Bắc đã xảy ra hiện tượng sạt lở. Vị trí mặt đất được UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch (diện tích quy hoạch là 1.200 m2 bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt nước) đang có nhà ở của dân. Bản thân Cố Xin (Lưu Văn Khuồi) dù có nhiều đóng góp to lớn, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được công nhận là Liệt sĩ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chưa kể, vợ và các con ông cũng nhiệt tình tham gia phục vụ kháng chiến, xứng đáng được vinh danh nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ gì.

Hiện nay, bến đò Cố Xin đang được cơ quan chuyên môn lập hồ sơ trình xếp hạng cấp tỉnh. Việc phát huy giá trị di tích hiệu quả, góp phần tôn vinh nhân vật và cả bến đò là một bài toán khó cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Trước hết, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với gia đình, thân nhân Cố Xin - Lưu Văn Khuồi làm việc với các cơ quan liên quan quyết liệt hơn nữa để Cố Xin sớm được công nhận là Liệt sĩ. Đây là mong muốn không chỉ riêng gia đình, người thân mà còn là mong muốn tha thiết của Nhân dân xã Xuân Lam, là sự ghi nhận xứng đáng cho sự hy sinh to lớn của cố đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, các cấp chính quyền nên nghiên cứu, đề xuất chế độ dành cho người có công đối với vợ cố Xin - bà Phạm Thị Diễn và các con - những người đã tiếp tục sự nghiệp lái đò phục vụ kháng chiến sau khi cố hy sinh.

Việc giải tỏa các công trình trong phạm vi diện tích đất đã được UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch chi tiết là rất cần thiết và cần đẩy nhanh tiến độ để tiến tới hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy hoạch được phê duyệt. Chính quyền địa phương huy động các nguồn lực, chú trọng đến nguồn xã hội hóa để hoàn thiện các hạng mục công trình di tích, tạo cơ sở vật chất hướng tới phát triển du lịch trên sông trong tương lai. Sau khi hoàn thiện các công trình, việc tiếp nhận các đồ tế khí phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn.

Chính quyền địa phương tiếp tục sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Cố Xin, phong trào đấu tranh của quân và dân xã Xuân Lam gắn với bến đò Cố Xin (vỏ các loại bom, đầu đạn, hình ảnh chiến đấu...), góp phần giúp hậu thế hiểu hơn về chân dung của “Mẹ Suốt Nghệ An” và tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân xã Xuân Lam trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phối hợp với các trường học trên địa bàn, phân công các em học sinh lao động, dọn dẹp vệ sinh vào các dịp lễ trọng như một sự tri ân công lao của tiền nhân, qua đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Khuyến khích các trường học trên địa bàn chọn bến đò là địa điểm học ngoại khóa khi tìm hiểu về lịch sử địa phương hoặc các bài giảng lịch sử liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Chính quyền huyện phối hợp và chỉ đạo chính quyền xã Xuân Lam và xã Trung Phúc Cường có phương án giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng bến đò, chống sạt lở ở bờ Bắc, không thực hiện các hoạt động làm đổi dòng, nắn dòng, làm tăng nhanh quá trình bồi đắp phù sa ở bờ Nam (thuộc địa phận xã Trung Phúc Cường). Căn cứ vào giá trị di tích, địa hình, địa thế của di tích, chính quyền huyện, xã nên tìm hiểu, phối hợp với các tổ chức, đơn vị lữ hành khai thác các tua, tuyến du lịch đường thủy, góp phần làm phong phú thêm các loại hình du lịch trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.

Bến đò hiện nay không còn hoạt động như xưa nhưng trong tâm trí mỗi người dân Xuân Lam, Cố Xin và bến đò Cố Xin mãi là niềm tự hào, là biểu tượng cao đẹp về tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Hy vọng rằng, trong tương lai, bến đò Cố Xin sẽ lại hiện hữu trong cuộc sống bằng một diện mạo mới, đẹp đẽ hơn, sinh động hơn, để Cố Xin nơi chín suối cũng mỉm cười bởi những hy sinh của mình đã không bị hậu thế lãng quên./. 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 14 - Tháng 9/20124) 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528533

Hôm nay

2189

Hôm qua

2291

Tuần này

2806

Tháng này

215229

Tháng qua

0

Tất cả

114528533