Đất và người xứ Nghệ

Đền Cửa Gan - Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa

Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Cửa Gan

 Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Lưu) vốn được coi là vùng đất cổ xưa với địa danh “Làng Phú Mỹ”. Nơi đây cũng là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiện còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy các công trình văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Trong đó, đền Cửa Gan (đền Phú Mỹ)một trong những di tích được UBND tỉnh Nghệ An công nhận, xếp hạng bởi mang đậm yếu tố lịch sử và giá trị văn hóa.

   Đền Cửa Gan được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIV, XV mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê rất tinh xảo, đẹp về mỹ thuật thiết kế, không gian thoáng đãng, quy mô đồ sộ, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng làng Phú Mỹ. Đền tọa lạc trên khuôn viên rộng có diện tích 3.500m2, gồm 3 tòa chính (Thượng điện, Trung điện, Hạ điện). Đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc. Các bộ phận bằng gỗ trong đền là những tác phẩm chạm khắc tinh tế với nhiều đề tài phong phú, phản ánh hiện thực cuộc sống cư dân thời bấy giờ. Trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn chầu ngọc, hình chim phượng cùng đàn con quấn quýt bên nhau. Hiện đền làng Phú Mỹ còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn.  

Đền Cửa Gan là nơi tôn thờ các vị thần: Tứ vị thánh nương; Phan Hoàng Nghĩa; Trinh Mỹ Hầu Vũ Tiến; Cao Sơn, Cao Các; Can Sơn Hùng trấn; Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn… Đây là những người có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo quê hương, đất nước.

Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn, dưới Triều Vua Hy Ninh (đời nhà Tống), ông được nước Tống cử sang làm sứ thần ở An Nam. Ông có công xin nhà Tống giảm bớt các khoản tiền cống, giúp Nhân dân diệt trừ sâu keo hại lúa, diệt thú dữ, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Thần Cao Các: năm 968 ông theo Đinh Bộ Lĩnh xây dựng kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình; Trinh Mỹ Hầu Vũ Tiến (người Quỳnh Hoa) dưới Triều Lê - Mạc theo Tướng quân Thái Bảo Đinh Quận Công Đặng Trị đi dẹp giặc Mạc, lập được nhiều chiến công và được phong tước Trinh Mỹ Hầu, ngoài ra, ông còn có công xây dựng cầu để Nhân dân đi lại. Đối với vị thần Phan Hoàng Nghĩa (quê Quỳnh Đôi) được Vua Lê Lợi ban tặng tước Đại tư nông vì có công cải tạo đất đai, đắp bờ, phát cỏ trồng lúa, khoai cung cấp lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn.

Đền làng Phú Mỹ không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng về tâm linh của người dân mà còn là địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội của cộng đồng làng xã.

Trong công cuộc đấu tranh, chống giặc ngoại xâm, đền Cửa Gan được sử dụng làm địa điểm hội nghị bàn kế hoạch tổ chức giành chính quyền. Đúng ngày 16/8/1945, tại địa chỉ này, Nhân dân được nghe Việt Minh nói rõ âm mưu của bọn đế quốc, thực dân và phổ biến kế hoạch giành chính quyền. Đồng thời, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời do ông Vũ Ngọc Kỳ làm Chủ tịch.

  Sau hòa bình lập lại năm 1954, đền Cửa Gan dùng làm địa điểm dạy và học cho các lớp học phổ thông cấp I. Ngoài ra, đền còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị lớn, như: Các kỳ Đại hội Đảng bộ, các kỳ họp Hội đồng nhân dân; tổ chức các cuộc mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước; các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1972), đền được dùng để làm kho hậu cần chiến lược của Nhà nước.

Từ những giá trị lịch sử - văn hóa nên suốt nhiều thập kỷ qua, đền Cửa Gan đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã về chiêm bái, thưởng ngoạn. Đồng thời, thăm các giếng cổ, thị cổ trong truyền thuyết 100 con chim Phượng hoàng hạ cánh xuống 99 cây thị cổ sum suê và 100 giếng đào soi bóng trong làng, nhưng còn một con không tìm thấy chỗ đậu nên đã vỗ cánh bay đi, khiến cả đàn cùng cất cánh bay theo.

Rất đông người dân tham gia Lễ hội đền Cửa Gan

Để lưu giữ và phát huy những giá trị của đền Cửa Gan cũng như truyền thống phong tục tập quán của quê hương, hàng năm, vào dịp đầu xuân và những ngày sóc, vọng trong tháng, Nhân dân vào đền làm lễ cầu đảo, cầu yên, cầu phúc, mong các vị thành hoàng phù hộ, độ trì che chở trong đời sống tâm linh và sinh hoạt hàng ngày của các gia đình.

Theo lời người xưa thì trước đây vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, Nhân dân tổ chức lễ hội tế thần, rước 7 kiệu thần (trong đó có 4 kiệu của "tứ vị" và 3 kiệu dành cho các "nữ tú" đủ 16 tuổi), mặc y phục đẹp lộng lẫy của ngày hội, trang trọng ngồi trên kiệu rước đi một vòng quanh làng.

Ngoài ra, vào ngày 15 tháng 8, Nhân dân còn tổ chức lễ tế thần nông, rước bông lúa, cầu mong được mùa, một hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể mang nét đặc trưng của địa phương, nhằm giáo dục ý thức con người quý trọng nghề nông, nâng niu hạt lúa.

Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã xuống cấp. Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân; năm 1990, Nhân dân 12 xã trong huyện đã đóng góp gần 7 triệu đồng tiền mặt, 5 tấn vôi và 511 ngày công lao động tiến hành tu tạo tòa ngoài, thay một số nội thất bị hư hại trong vụ đốt đền của kẻ phá hoại năm 1885, xây tường bao xung quanh để bảo vệ đền.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn di tích cổ, bản sắc văn hóa của địa phương, hàng năm, xã Quỳnh Hoa cũng trích một phần ngân sách và tiền công đức để thực hiện một số tu sửa nhỏ như đảo ngói, gia cố những mảng tường bị bong tróc, trồng cây, cải tạo đất vườn…

Với sự n lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quỳnh Hoa, ngày 24 tháng 7 năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3158, công nhận đền Cửa Gan (đền Phú Mỹ) xã Quỳnh Hoa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của địa phương. Qua đó, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương đến thăm quan, cầu nguyện, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong những năm qua, với nhận thức di sản văn hóa là tài sản vô giá đối với địa phương, bởi vậy công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo để phát huy các giá trị của di tích được UBND xã Quỳnh Hoa xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý di tích và chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương. Hàng năm, để đảm bảo công tác đầu tư chống xuống cấp cho các hạng mục của di tích, UBND xã Quỳnh Hoa đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo công chức chuyên môn tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng và tình trạng kỹ thuật tại di tích. Từ đó xây dựng phương án, đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp. Bên cạnh đó, được sự đồng ý của cấp trên, xã Quỳnh Hoa đã triển khai nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, góp phần tôn tạo lại Di tích ngày càng khang trang. Nhờ đó, con em địa phương, các mạnh thường quân và bà con nhân dân đã ủng hộ gần 600 triệu đồng, để tổ chức lát gạch, đảo ngói thay những phần gỗ bị hư hỏng nặng của nhà Thượng điện, Hạ điện, Trung điện; lát gạch sân, phục dựng lại nhà tả vu; khôi phục lại kiệu và trống; xây cổng và ghép đá khuôn viên đền...

Đền Cửa Gan hôm nay là di sản văn hóa quý giá, nó không những góp phần tô đẹp thêm cho quê hương Quỳnh Hoa, mà còn là bằng chứng hùng hồn, chân thực thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, ý thức xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước của các thế hệ cha ông. Là nơi để đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 14 - Tháng 9/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520472

Hôm nay

2179

Hôm qua

2406

Tuần này

21513

Tháng này

218411

Tháng qua

121009

Tất cả

114520472