Diễn đàn

Xin đừng lãng quên bến đò Cố Xin

Bến đò Cố Xin hiện nay (xóm 3, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên)

Bến đò Cố Xin hiện tại thuộc xóm 3, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên (xưa thuộc làng Phúc Hậu, xã Hưng Xuân) là một địa danh nổi tiếng thời chống Mỹ, đã được ghi vào sách “Địa chí văn hóa Hưng Nguyên”(1) và “Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Xuân (1930-2018)(2). Nhưng những thế hệ sinh sau 1975 trên mảnh đất này thì chỉ biết Bến đò Cố Xin qua sách báo hoặc chuyện kể của người già. Tác giả sách “Địa chí văn hóa Hưng Nguyên” lấy nguồn tư liệu từ nhân chứng sống, trí nhớ người già có đôi chút nhầm lẫn. Tôi về lại Bến đò Cố Xin ngày xưa, kiểm chứng các tư liệu, đính chính những nhầm lẫn, để bạn đọc hiểu vì sao có người ví Cố Xin là “Mẹ Suốt” của Nghệ An.

Cố Xin

 Bến đò được đặt theo tên của người chèo đò mang tên là Cố Xin. Cố Xin tên thật là Lưu Văn Khuồi, sinh năm 1910, quê xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Vợ là Phạm Thị Diện, sinh năm 1915. Trong ngôi nhà nhỏ cạnh bến đò, ông bà sinh 5 người con: Lưu Thị Hồng, Lưu  Văn Tín, Lưu  Văn Tâm, Lưu  Văn Thành, Lưu  Thị Vinh. Con cháu vẫn sinh sống tại quê hương. Cố Xin làm nghề chèo đò ngang tại bến đò này từ những năm kháng chiến chống Pháp. Trong chiến tranh chống Mỹ, để qua sông Lam vào Nam, thì Bến Thủy là lựa chọn số 1, Bến đò Cố Xin là lựa chọn số 2. Từ đây đi vào đường 15A , qua phà Linh Cảm, đến Ngã Ba Đồng Lộc. Do đó, Bến đò Cố Xin không chỉ có 1 con đò ngang mà có nhiều phương tiện vận tải quân sự chở bộ đội và quân dụng qua sông. Cố Xin không chỉ làm nghề chèo đò để mưu sinh mà còn được lãnh đạo xã giao nhiệm vụ chở bộ đội và quân dụng vượt sông Lam.

Không quân Mỹ đã nhiều lần ném bom hai đầu bến đò, giết hại nhiều dân thường, tàn phá nhiều nhà cửa. Ngày 20/5/1967, một chiếc ca nô kéo  2 xà lan trúng thủy lôi tại Bến đò Cố Xin, khoảng 800 tấn đạn pháo cao xạ 100 ly bị chìm xuống lòng sông. Dân quân và nhân dân xã Hưng Xuân được lệnh tổ chức trục vớt. Hàng chục người, mấy tháng liền, ngụp lặn, chuyên chở vào bờ, lau chùi khô ráo, từ đầu hôm đến sáng sớm, cất dấu an toàn trong nhà dân, chờ lệnh chuyển ra chiến trường. Đò Cố Xin tham gia không sót một đêm nào. Dù địch ném bom hủy diệt, Gia đình Cố Xin vẫn bám trụ kiên cường, chở hàng ngàn lượt người qua sông, không kể ngày đêm, không lấy tiền bộ đội. Dân gian truyền tụng câu ca dao:

 “Mỹ bắn đò Cố Xin Khuồi/Cố đứng đầu mũi trật b..., qua sông”.

Lúc đầu chỉ có Cố Xin và vợ con chèo đò. Khi nhu cầu vận chuyển lớn, lãnh đạo xã Hưng Xuân điều thêm 2 đến 3 chiếc thuyền, giao nhiệm vụ cho ông Lưu Văn Khuồi (Cố Xin) chỉ huy. Xã còn cử thêm ông Trịnh Xuân Nuôi trẻ khỏe, cùng chèo thuyền với Cố. Bà Hoàng Thị Dung, sinh 1944, nguyên Xã đội trưởng, kể rằng: Thời đánh Mỹ, Bến đò Cố Xin là nơi nhiều đoàn quân vượt sông Lam để vào Nam chiến đấu. Có đoàn hàng trăm người, mỗi chiếc thuyền ngồi chật 25-30 người. Phải khéo xếp mới hết quân, kịp qua sông trước trời sáng. Có lúc thuyền ngụy trang phải dừng giữa sông, chờ hết pháo sáng mới đi tiếp.

 Một lần Mỹ ném bom vào các làng phía Nam bến đò, hàng trăm quả bom bi rơi xuống lớp mẫu giáo trong giờ học. Cố Xin chèo đò dưới làn đạn rocket đưa người bị thương đến bệnh viện Vinh (sơ tán về xã Hưng Thông) để cấp cứu… Trong tiếng gầm rú của “thần sấm”, “con ma” giặc Mỹ, con đò Cố Xin vẫn len lỏi trong rặng tre, bờ lau sẵn sàng cứu giúp bộ đội và nhân dân, khi vắng máy bay lại bình thản vượt sông.

Ngày 19/3/1968(3), trong một chuyến đò chở 4 quân nhân qua sông, khi quay về gần bờ thì máy bay Mỹ ập đến ném bom. Một quả nổ cạnh thuyền, Cố Xin ông hy sinh, thuyền vỡ nát. Một quả rơi trúng hầm triều tiên cạnh bến đò, 7 người trú trong đó thiệt mạng. Một quả rơi cạnh nhà, nhà sập, Cố Xin bà bị thương nặng, cuối năm đó qua đời. Nhiều người còn sống chứng kiến sự hi sinh của Cố Xin, trong đó có bà Đào Thị Anh, sinh năm 1935, nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân; Bà Hoàng Thị Dung, sinh 1944, làm Xã đội phó - Xã đội trưởng 12 năm (1962-1975); Đại tá Võ Văn Hóa, sinh năm 1946, ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, một trong 4 người được qua đò Cố Xin chuyến cuối cùng đó. Những cán bộ xã Hưng Xuân thời đánh Mỹ mà tôi gặp đều nhận xét: Cố Xin xứng đáng được phong Anh hùng.

Sau khi Cố Xin hi sinh, Bí thư Đảng ủy xã Trần Đại Nghĩa giao nhiệm vụ cho con trai cả là Tín, và các em tiếp tục chèo đò đưa bộ đội qua sông và phục vụ Nhân dân cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Từ trái qua phải: Tác giả, bà Đào Thị Anh- nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân và con trai cả Cố Xin - ông Lưu Văn Tín

Sinh thời Cố Xin sống lương thiện, can trường. Cố đặt tên con trai là Tín, Tâm, Thành; tên con gái là Hồng, Vinh. Với niềm tin là tâm thành sẽ được thấu tỏ và cuộc sống con cháu tương lai sẽ tươi sáng và vinh hiển. Vậy mà không hiểu có điểm nghẽn nào về thực hiện chính sách đối với người có công, đến đầu năm 2020 này, gia đình Cố Xin - Lưu Văn Khuồi vẫn chưa được hưởng quyền lợi gì. Người viết bài này cung cấp thông tin rộng rãi với hy vọng “không ai có công mà bị lãng quên”.  

Chị Vinh, con gái út Cố Xin kể rằng: Năm 2009, ông Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về tiếp xúc cử tri xã Hưng Xuân, đã trực tiếp đọc kỹ tập hồ sơ, yêu cầu cán bộ xã, huyện khẩn trương hoàn thiện thủ tục gửi cấp trên để công nhận Liệt sĩ cho ông Lưu Văn Khuồi. Vậy mà không hiểu vì sao gia đình vẫn chưa được hưởng chính sách Người có công với nước.

Bến đò Cố Xin nổi tiếng oanh liệt thuở nào nay cũng đang dần bị lãng quên. Thiết nghĩ nên bảo tồn và tôn tạo Bến đò Cố Xin, đặt bia dẫn tích để mai sau hậu thế biết được sự hi sinh oanh liệt của Nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lịch sử hào hùng không bị lãng quên.

 

 

Chú thích:

1. Ninh Viết Giao - Chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, 2009, tr 560.

2. Nxb Nghệ An, 2019.

3. Địa chí VHHN chép nhầm 1972.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Địa chí văn hóa Hưng Nguyên (NinhViết Giao - Chủ biên), Nxb Khoa học Xã hội, 2009.

2. Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Xuân (1930-2018).

3. Vùng quê Chín Nam, Địa chí văn hóa (Lê Đình Cúc - Chủ biên), Nxb Khoa học Xã hội, 2019.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522908

Hôm nay

2158

Hôm qua

2282

Tuần này

21682

Tháng này

220847

Tháng qua

121009

Tất cả

114522908