Diễn đàn

Cần tiếp tục làm rõ cơ sở khoa học và thực tế lịch sử của họ Hồ Việt Nam

Khi bàn về lịch sử họ Hồ Việt Nam (LSHHVN) xét cả mặt hiện thực và mặt phản ánh nó qua sách vở đều đang có vấn đề cả về mặt sử liệu,cả về mặt xây dựng khung lý thuyết và vận dụng vào lĩnh vực LSHHVN. 

Về mặt lịch sử hiện thực thì còn một số tồn nghi lớn đang làm rõ. Về mặt phản ánh vào sách vở thì khi viết sử, vẫn ý kiến còn khác nhau, tranh luận nhiều, kéo dài chưa thống nhất được. Mà sách vở, “công trình” ba chục năm nay phần nhiều mới mang tính “chép sử” và “chép sử” một chiều, nghĩa là chép lại sách sử, tư liệu đã có theo một quan niệm mà ít có phân tích, phản biện, phê phán, so sánh, chọn lọc… 

Nhiều tồn nghi, nghịch lý, mâu thuẫn, vênh nhau, ít được phân tích so sánh xem xét thực hư thế nào. Dù chúng ta không phủ nhận và rất trân trọng những cố gắng những bước tiến nhất định khi các nhà chép sử, nghiên cứu sử họ đã làm cho lịch sử họ Hồ VN trong thời gian qua. 

1- Tình hình “chép sử” một chiều chứ không phải nghiên cứu sử và viết sử một cách khoa học

Xin dẫn chứng một ví dụ “chép sử” trên vi.wikipedia.org/wiki (mà người cập nhận trang này chắc là người có vẻ “hiểu sử” HHVN và có một số người viết, chép LSHHVN thành sách cũng có quan điểm tương tự như vậy, hay từ quan niệm như vậy là viết lên trang vi.wikipedia.org/wiki này (xem thêm Tạp chí Xưa và nay, số 81, tháng 11/2000)? Bài viết có nội dung như sau:

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Hưng Dật vốn quê gốc ở Chiết Giang (Trung Quốc), sinh năm 907(Đinh Mão). Ông sống vào thời đại tương đương với Dương Tam Kha của Việt Nam.

Ông sang làm thái thú Diễn Châu, sau sống ở hương Đào Bột (nay là xã Quỳnh Lâm, tỉnh Nghệ An) rồi làm trại chủ tại đây (cần dẫn nguồn?)

Hồ Hưng Dật, nguyên tổ họ Hồ Việt Nam, theo Đại Việt sử ký toàn thư, cũng như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim: người Chiết Giang, đỗ Trạng nguyên thời Hậu Hán (947 - 951) nằm trong thời Ngũ đại (906 - 960), là giai đoạn tan rã lần thứ hai của chế độ quân chủ Trung Quốc. Hậu Hán chỉ kéo dài 4 năm với hai đời vua là Hậu Hán đế Lưu Trí Viễn và Hán Ẩn đế Lưu Thừa Hữu (theo gia phả do tiến sĩ Hồ Sĩ Dương biên soạn). Chính sách của Hậu Hán rất tàn bạo: triều đình ban lệnh kẻ nào lén giữ một tấc da bò, không np hết cho triều đình thì bị xử tử. Vì vậy dân chúng trốn thuế và lánh đi. Hồ Hưng Dật đã Nam tiến ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, sang Giao Châu, chính sau cuộc cướp quyền của Dương Tam Kha (945 - 950) và đối đầu với cuộc nổi loạn Thập nhị sứ quân (945 - 967). Ông tìm nơi lánh nạn và kiếm kế sinh sống tại hương Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Đến Hoan Châu, ông quen với Đinh Công Trứ, thân sinh Đinh Bộ Lĩnh. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân dẹp loạn 12 sứ quân, có đến gặp ông, thăm dò xem ông có tham gia dấy quân không. Ông có góp ý với Đinh Bộ Lĩnh về kế hoạch dẹp loạn sứ quân. Còn việc tham gia dấy binh thì ông thổ lộ với Đinh Bộ Lĩnh là mới lưu lạc đến đây, chỉ xin “vạn đại vi dân” (theo Hồ tộc phả ký của Hồ Sĩ Phôi). Thế là sau một cuộc Nam tiến từ đất Chiết Giang xưa là Ngô Việt nằm trong địa bàn Bách Việt, để tránh Hán hóa, ông đã đến xứ sở Lạc Việt, hòanhập với cộng đồng. Sách cũ còn ghi triết lý “phúc bất năng hưởng tận” của ông để con cháu đời đời chia sẻ với cộng đồng niềm vui, hạnh phúc. Hơn một nghìn năm từ khi nguyên tổ Hồ Hưng Dật định vị ở Giao Châu, con cháu họ Hồ (đến nay hơn 40 đời) đã tiếp thu giáo huấn của nguyên tổ, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ công dân nước Việt trên tất cả các mặt văn trị, võ công, kinh bang tế thế.

Đền thờ nguyên tổ họ Hồ được các vua Hồ (Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương) xây cất ở nơi ông lập nghiệp (hương Bào Đột) vào năm Quý Mùi (1403),niên hiệu Khai Đại thứ nhất. Đây là một ngôi đền lớn với kiến trúc Trần Hồ, chẳng những là di sản văn hoá có giá trị của Nghệ An, mà của cả nước. Do không thấy hết giá trị của đền nên đền không được bảo vệ. Ngày nay, con cháu họ Hồ - cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương - đang có kế hoạch tái tạo lại một phần để tưởng niệm nguyên tổ Hồ Hưng Dật - vị tổ đã sản sinh nhiều nhân vật kiệt xuất cho đất nước suốt trường kì lịch sử từ thế kỷ thứ X cho đến nay.

Sự hiểu biết về nguyên tổ họ Hồ Việt Nam chưa nhiều, nhưng những nét cơ bản đã được Quốc sử khẳng định. Đó là điều sở đắc và niềm vui của con cháu họ Hồ.

Trong bài “Nhớ Nguyễn Xuân Phầu” ông Ngô Đức Tiến (Báo Nghệ An số 2493 ngày 5/3/2000) đã viết: “Khi Trạng nguyên Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú ở Châu Diễn năm 627, đã chọn Khe Sừng Quỳ Lăng làm châu trị của châu Diễn là có làng Quì Lăng…”. Chúng tôi không rõ ông Tiến đã dựa vào sử liệu nào mà viết như thế. Năm 627 là thuộc đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân (626 - 649). Trong khi đó, quốc sử ghi Hồ Hưng Dật sang Giao Châu thời Hậu Hán - Ngũ Đại (947 - 951). Chả nhẽ ông sang Việt Nam trước khi ông ra đời khoảng 300 năm! Theo Vân Đài loại ngữ thì thế kỷ thứ 7, thứ 8, Quỳ Lăng là trị sở châu Diễn, qua nhiều triều, trị sở châu Diễn lúc ở Quì Lăng, lúc ở Đường Khê, lúc ở Thành Trài, lúc ở Diễn Thành. Giữa thế kỷ thứ X, Hồ Hưng Dật mới sang Giao Châu khi mà Ngô Quyền đã dành độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc. Chả nhẽ bấy giờ ông lại làm Thái thú đô hộ châu Diễn ư?

Có người còn bảo Đình Sừng là nơi ở, nơi làm việc của Hồ Hưng Dật và đề nghị xem đó là đền thờ nguyên tổ họ Hồ. Thật ra, tại đây còn có dòng chữ ghi rõ: “Tân Phúc đình, Quì Lăng xã, lý tác Hoàng triều Duy Tân” (đình Tân Phúc, xã Quì Lăng làm vào đời vua Duy Tân). Chúng tôi nghĩ rằng nếu có cứ liệu ghi rõ trên bước đường tìm nơi cư trú lập nghiệp, có thời gian Hồ Hưng Dật cư trú tại Quì Lăng thì con cháu đặt hương án tưởng niệm cụ tại đó là việc làm bình thường (cũng như sau này đối với tổ Hồ Hồng, ngoài nhà thờ ở Quỳnh Đôi, còn có nhà thờ ông ở Huế, ở Đà Nẵng - Quảng Nam). Còn nhà thờ chính của nguyên tổ họ Hồ Việt Nam - Hồ Hưng Dật là ở hương Bào Đột xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An[1].

Phải chăng với quan niệm như vậy trên trang wikipedia.org hoặc cũng tương tự như thể hiện trong sách “Họ Hồ VN cội nguồn và phát triển” thì mới coi làbám sát nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử họ Hồ nói riêng; là dựa vào tư liệu đáng tin cậy từ quốc sử, quốc gia, các bản phả cổ do các bậc tiền nhân anh minh họ Hồ lưu truyền lại; là có cơ sở khoa học và thực tế lịch sử, có sức thuyết phục; là bỏ chtối ra chỗ sáng; là khách quan, là không suy diễn chủ quan, là có trước có sau?!

Chúng tôi chưa bàn luận về cuốn sách  “Họ Hồ VN cội nguồn và phát triển”, nhưng trong “Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN”, chúng tôi đã trình bày gợi mở chính diện về một số vấn đề cốt lõi và còn tồn nghi, tranh luận nhiều.  

Sau đây chúng tôi chỉ có một sốnhận xét liên quan đến bài viết trên trang vi.wikipedia.org. Tất nhiên nó lại liên quan đến nhận thức không ít người kể cả một số thành viên trong Ban Thường trực HHVN khóa 4 hoặc thể hiện phần nào trong sách xuất bản hay phát biểu có in trên trang mạng HHVN.

Mà ở đây có 2 nội dung quan trọng nhất và cũng đang gây tranh cãi nhiều là Hồ Hưng Dật sang VN khi nào và gốc tổ họ Hồ VN ở đâu?

Cụ thể là:

i) Về hương Bào Đột. Bản viết trên mạng này mới cập nhậtnên ghi Bào Đột là Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn vì xã Ngọc Sơn mới tách ra từ Quỳnh Lâm. Trong khi đó Hương Bào Đột (cũng gọi là Hương Bào Trạch, hay Bào Giang) xưa là liên xã liền kề cỡ400 - 500 hộ dân, chứ không bó hẹp ở Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn nay[2], vì thời xưa Bào Đột chắc chắn là rất rộng gồm cả một số xã ở Yên Thành giáp cận với Quỳnh Lâm mà người viết cho trang wikipedia.org không biết và cũng không nghiên cứu (rất ít người hiểu về điều này). 

ii) Về chuyện trạng nguyên. Cho rằng ông Hồ Hưng Dật sang VN sống vào thời đại tương đương với Dương Tam Kha(trị vì 944-950) của Việt Nam, và “đời Hậu Hán chỉ kéo dài 4 năm với hai đời vua là Hậu Hán đế Lưu Trí Viễn và Hán Ẩn đế Lưu Thừa Hữu” thì sao mà kịp tổ chức khoa thi trạng nguyên (không ít người đã đặt lại nghi vấn này) và Hồ Hưng Dật trúng khoa này, sau đó liền Nam tiến sang VN luôn? Và chả lẽ Hồ Hưng Dật chỉ đi để “tránh Hán hóa” một mình? Trong khi đó lại có sách chép ông Hồ Hưng Dật “phụng mệnh” đi sứ sang, hay được cử sang Giao Chỉ (tức Việt Nam)?.

iii) Về thời điểm Hồ Hưng Dật sang VN. Cho rằng: Hồ Hưng Dật đã Nam tiến ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, sang Giao Châu, chính sau cuộc cướp quyền của Dương Tam Kha (945 - 950) và đối đầu với cuộc nổi loạn Thập nhị sứ quân (945 - 967) là không chính xác. Tại sao đỗ Trạng nguyên học vị to thế, sẽ có chức vị to đi kèm mà phải “Nam tiến” ngay, thật vô lý! Và lại nói ông tìm nơi lánh nạn và kiếm kế sinh sống tại hương Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) càng không đúng với chức Thái thú Châu Diễn. Ông đến Hoan Châu, ông quen với Đinh Công Trứ,thân sinh Đinh Bộ Lĩnh[3].

 Và chúngta cũng biết cụ Đinh Công Trứ và Hồ Hưng Dật là bạn đồng liêu. Nhưng Đinh Công Trứ đã mất năm 940 mà Hồ Hưng Dật sang VN gần 10 năm sau đó, thật vô lý quá. Đúng là tác giả này không hề nghiên cứu và không biết, nên chỉ “chép sử” đưa lên trang wikipedia.org một cách mù quáng. Đó là chưa kể, nói rằng cụ Hồ Hưng Dật chạy loạn sang VN lánh nạn mà lại đi vào thời VN “loạn 12 sứ quân” thì thật là luẩn quẩn, không hiểu vấn đề “loạn 12 sứ quân”(thực chất chỉlà “loạn Lã Xử Bình - Đinh Bộ Lĩnh” 967- 968) là thế nào. Và nói cụ làm quan đầu tỉnh thì chế độ phải thời bình trị chứ thời loạn, tranh nhau giữa các sứ quân, triều đình bất lực thì sao lạiđứng ra cử cụ Hồ Hưng Dật làm quan mà nói cụ sang thời Dương Tam Kha[4]?

Trong khi đó Sử phổ (trang 8 dòng 10-18 )lại ghi “ông Hồ Hưng Dật sang làm Tri châu Châu Diễn sang thời Hán Lưu Ẩn 923- 938?”?!Rồi khi Ngô Quyền lên ngôi sau đó đã khen Hồ Hưng Dật giữ yên được bờ cõi trong lãnh địa Châu Diễn của mình, sao lại bảo Hồ Hưng Dật sang Giao Châu thời 947- 951, Dương Tam Kha?!

iv) Về chuyện lánh nạn. Có thật là: “Ông Hồ Hưng Dật tìm nơi lánh nạn và kiếm kế sinh sống tại hương Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)”?.

Hồ Hưng Dật chỉ sang lánh nạn và kiếm kế sinh sống thôi ư, thật thế ư? 

Sao trong danh sách 257 tướng nổi tiếng có công lớn thời nhà Đinh tức có công dẹp loạn 12 sứ quân (và loạn này chỉ từ Thanh Hóa, từ Ái Châu  trở ra) lại có tên ông Hồ Hưng Dật (và ông Hồ Thông nữa)?

Và ngay khi tác giả này viết:“Giữa thế kỷ thứ X, Hồ Hưng Dật mới sang Giao Châu khi mà Ngô Quyền đã dành độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc. Chả nhẽ bấy giờ ông lại làm Thái thú đô hộ Châu Diễn ư?”cũng tự phủ định mình là không có chuyện Hồ Hưng Dật sang khi Ngô Quyền khi ở ngôi vương hay sau thời Ngô Quyền. Và bản thân tác giả bài viết nói trên đã phủ nhận thời kỳ cụ Hồ Hưng Dật làm quan Thái thú khá lâu ở Châu Diễn, dù trước đó có nói đến, tất nhiên, không phải vài năm mà ít nhất là hơn chục năm với nhiều công trạng mà nhân dân và chính quyền (nhà vua) thời đó phong và tôn thờ là Thành hoàng thờ cả ở đền Trung Đẳng, đền Cận và đền Thượng trong đình Sừng ở Lăng Thành nay, từ nghìn năm trước (còn đền Vua Hồ hay đền thờ Hồ Hưng Dật ở Ngọc Sơn mới có từ thế kỷ 15). Đó là điều tác giả bài viết không hiểu cả về mặt văn hóa và lịch sử vùng đất Quỳ Lăng.

v) Về cái gọi là “quốc sử”. Họ dẫn sách sử xưa và còn khẳng định “Sự hiểu biết về Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam chưa nhiều, nhưng những nét cơ bản đã được Quốc sử khẳng định. Đó là điều sở đắc và niềm vui của con cháu họ Hồ”. 

Họ nhân danh “quốc sử” để nói rằng  cụ Hồ Hưng Dật sang VN khoảng năm 945-967, lại nói quen với cụ Đinh Bộ Lĩnh (mất năm 940) và Đinh Bộ Lĩnh thay cha làm thứ sử Châu Hoan. Mà ta đã biết trước năm 939 thì Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan), Ngô Quyền (Thứ sử Ái Châu) và Hồ Hưng Dật (Thái thú Châu Diễn) đã cùng thời và đồng tuế, quen biết nhau (Đinh Bộ Lĩnh cũng biết cụ Hồ Hưng Dật khi cùng cha ở Châu Hoan trong thời này. Và sau này khi lên ngôi Hoàng đế đã phong cho Hồ Hưng Dật làm Trấn thủ Châu Hoan Diễn).  

 (Xin nói thêm là ngay cả Hồ Tông thế phả (viết năm 1660) lưu ở Quỳnh Đôi cũng viết Hồ Hưng Dật sang VN được vài năm thì loạn 12 sứ quân, nghĩa khoảng thời Tam Dương Kha, vì cụ Ngô Quyền đã mất năm 944 rồi. Và còn nói vài năm sau ông Hồ Hưng Dật lui về Bào Đột tức ở Quỳnh Lâm -Quỳnh Lưu. Bản viết 1660 mà sao lúc đó đã có xã Quỳnh Lâm? Ngay TS. Đặng Như Thường, ĐH. Vinh, trích ý lại nhưng cũng không có phản biện gì, coi như chấp nhận là đúng). Rồi ta còn thấy Sử phổ lại ghi Hồ Hưng Dật sang Châu Diễn khoảng năm 923-938 (thời Hán Lưu Ẩn), để thấy rằng cứ chăm chăm vào một sử liệu khó mà chính xác và khoa học được. 

vi) Về việc lập nghiệp (nghề nghiệp và nơi lập nghiệp) của cụ Hồ Hưng Dật nên hiểu thế nào? Có người cho rằng, cụ làm việc ở đình Sừng Quỳ Lăng xưa nhưng khi về Bào Đột ở, sinh sống, làm trại chủ mới là lập nghiệp? Không thật đúng!  Sự nghiệp của cụ Hồ Hưng Dật có hai phương diện: làm quan (Thái thú Châu Diễn và Trấn Thủ Hoan Diễn kéo dài khoảng 20 năm) và làm dân (trại chủ cũng khoảng hơn 20 năm). 

Cụ sang hay được cử sang nhưng khi cụ chọn Châu Diễn làm nơi công hiến lâu dài cả đời là nơi lập nghiệp. Còn hiểu theo nghĩa hẹp hơn thì có vợ con có gia đình và sinh sống ở đâu là lập nghiệp ở đó thì quê hương mới của cụ là Châu Diễn mà cụ thể hơn là Quỳ Lăng và Kẻ Cuồi - Thọ Thành nay (một phần của hương Bào Đột xưa). Việc cụ Hồ Hưng Dật có trang trại không phải khi thôi quan mới có mà có từ khi cụ làm quan và ở nhiều nơi ởYên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (theo địa danh ngày nay). Chắc chắn là gia đình cụ không sinh sống ở địa bàn Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn nay, dù cụ có thể có trang trại nào ở khu vực gần đó. 

vii) Việc viết nhầm chứ không phải hiểu nhầm rằng ông Ngô Đức Tiến nói rằng ông Hồ Hưng Dật sang VN năm 627, thực ra là sang khoảng năm 927 như chúng tôi biết ý kiến của ông Ngô Đức Tiến, nhưng tác giả lại cố bám vào con số 627 để phê phán, nên không thuyết phục. 

viii) Về lỵ sở Châu Diễn. Rồi lại còn không hiểu lịch sử lỵ sở Châu Diễn, nhất là thời thế kỷ 10 vẫn ở Quỳ Lăng (từ 627-980), chưa bao giờ ở NghĩaĐàn như tác giả bài viết nói trên và Đình Sừng cũng có trước thế kỷ 10 còn sau này thời Duy Tân là làm khang trang hơn như hiện nay ta đã thấy (Xem Phụ lục sách Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ VN). 

Tác giả bài viết cố tình không biết và có thể chưa bao giờ về hay tìm hiểu về vùng Quỳ Lăng xưa, nơi lỵ sở Châu Diễn và Hoan Châu trong suốt thời gian dài gần suốt thề kỷ thứ 10 ở đây và Hồ Hưng Dật sang (hoặc cử) làm quan Thái thú Châu Diễn sau là Trấn Thủ Hoan Diễn. Sau đó ông mới đưa gia quyến (nghĩa là đã sinh sống ở Quỳ Lăng, tức Lăng Thành) về Hương Bào Đột làm trại chủ, nhưng không phải là vùng Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn xa xôi (cách đường chim bay 3 km) không địa linh bằng vùng Quỳ Lăng xưa và gần với trị sở Quỳ Lăng (1km), đó là Kẻ Cuồi xưa, Thọ Thành nay gắn với vùng Ngũ Bàu rộng lớn và nối với Rú Quan Lăng Thành. Đó cũng là điều tác giả nói trên muốn phủ nhận hay không biết, hoăc cố tình không biết. 

ix) Về nơi đền thờ cụ Nguyên tổ Hồ Hưng Dật. Tác giả này hầu như cũng không biết gì các Đền thờ cụ Hồ Hưng Dật ở Yên Thành và cả về những ngôi mộ cổ họ Hồ, mộ Hồ Hồng và những nơi thờ cụ Hồ Hồng, một Hồ Hồng thực hư ra sao?

Nên mới viết:“Nếu có cứ liệu ghi rõ trên bước đường tìm nơi cư trú lập nghiệp, có thời gian Hồ Hưng Dật cư trú tại Quì Lăng thì con cháu đặt hương án tưởng niệm cụ tại đó là việc làm bình thường (cũng như sau này đối với tổ Hồ Hồng, ngoài nhà thờ ở Quỳnh Đôi, còn có nhà thờ ông ở Huế, ở Đà Nẵng - Quảng Nam). Còn nhà thờ chính của nguyên tổ họ Hồ Việt Nam - Hồ Hưng Dật là ở hương Bào Đột xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An”.

Thực sự tác giả này không hiểu đúng về lịch sử HHVN ở Yên Thành, về cội nguồn họ Hồ ở Quỳnh Đôi, hay Bào Đột ra đời từ đâu, nên chỉ coi Quỳ Lăng là nơi Hồ Hưng Dật cư trú (tạm bợ) khi đi qua tìm nơi lập nghiệp? Không hiểu gì về những Đền thờ cụ Thành hoàng Hồ Hưng Dật ở Quỳ Lăng và lịch sử nhà thờ Tam Công (ít nhất là có từ năm 1314). Họ chỉ biết họ Hồ Quỳnh Đôi và Đền ở Ngọc Sơn!!! Cần nhờ rằng, nơi thờ tổ tiên họ Hồ (thường gọi là Đền Vua Hồ) ởBào Đột xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưuchính là Đền mà Đền là của làng chứ không phải của họ tộc, nên nó không phải nhà thờ. Nhưng vì họ Hồ đứng ra tôn tạo và sử dụng luôn như chức năng nhà thờ, vmặt đó được hiểu (qui mô, tiện lợi)đang như “nhà thờ” chính thờ Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam - Hồ Hưng Dật là ở hương Bào Đột xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Còn danh chính ngôn thuận làĐền thờ Hồ Hưng Dật. Gọi là Đền thờ thì thờ người có công với làng nước là Thành hoàng hay như Thành hoàng, nhưng nên hiểu là Thành hoàng cả Châu Diễn hay cả cho hương Bào Đột xưa. Hồ Hưng Dật xưa có thể có trang trại ở Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn đây. Nói chung là thờ vọng (không có chỉ dấu Vua phong) vì Thành hoàng Hồ Hưng Dật đã được Vua ban và thờ chính ở đền Trung (đẳng), đền Thượng ở đình Sừng, Lăng Thành lâu đời hơn nhiều. Và nhà thờ chính thờ HồHưng Dật lâu đời nhất vẫn là nhà thờ Tam Công.

x) Tóm lại, hầu như tác giả nói trên, hiểu LSHHVN, nhất là vùng Lăng Thành, Thọ Thành nay hay hương Bào Đột... một cách hời hợt, chỉ nói leo, viết theo một cách hậu đậu về khá nhiều chi tiết LSHHVN thời Hồ Hưng Dật như đã nói trên nhằm bác bỏ cội nguồn HHVN ở Quỳ Lăng, Thọ Thành huyện Yên Thành ngày nay mà thôi. Tác giả đã viết về Hồ Hưng Dật và liên quan đến LSHHVN, tuyên truyền nó như bài viết nói trên mà ta đang bàn với nhiều (10) sai sót.

Tóm lại: Trạng nguyên Hồ Hưng Dật sang VN trước Ngô Quyền xưng vương mới hợp lôgích (tài liệu cũ ghi 3 thời điểm trước nhà Ngô, sau nhà Ngô, chính lúc nhà Ngô đương quyền, thì trước nhà Ngô là hợp lý nhất); và gốc tổ, nơi phát tích HHVN là ở Yên Thành (vì có dấu tích, đền thờ, nhà thờ nhà Hồ lâu đời nhất, đúng thời lỵ sở Châu Diễn, hương Bào Đột gồm cả vùng Thọ Thành… nay).

2- Cần rà soát, đánh giá lại và xác định một số vấn đề liên quan đến các căn cứ khoa học và thực tế lịch sử của HHVN.

Từ những phân tích ở trênvà qua nghiên cứu cũng như khi chúng tôi soạn cuốn Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam (2019), cũng như cuốn Họ Hồ Việt Nam cội nguồn và phát triển (2018) của Ban Thường trực HHVN, đặt ra vấn đề “cơ sở khoa học và thực tế lịch sử” của HHVN cần được tiếp tục làm rõ. Chúng tôi xin bàn luậnthêm về vấn đềnày như sau.

Thế nào là cơ sở khoa học và thực tế lịch sử? Theo chúng tôi hiểu:

Cơ sở khoa học phải là những tiền đề, những sự kiện khách quan đã được phân tích, phản biện, chứng minh là xác thực cũng như những nguyên tắc những phương pháp xem xét, nghiên cứu thể hiện mang tính toàn diện, hệ thống, phù hợp, giải thích được, hóa giải được những nghịch lý, những phi lý…

Cơ sở thực tế lịch sử là dựa vào những diển biến sự kiện lịch sử và thực tế có thật không bị sai lạc, không bị khúc xạ, giả tạo, bị suy luận, đã được phân tích làm rõ, được kiểm chứng, không mâu thuẫn lôgích với các chuỗi sự kiện khác cùng tuyến lịch sử, thực tế… Có khi phát hiện một chi tiết, một sự kiện có thể làm thay đổi cả một quan niệm.

Từ đó ta thấy bài viết trên trang wikipedia.org như nêu trên, hay nhưng sách thể hiện tư tưởng, nhận thức tương tự đó, mới là thiếu hay chưa đúng với cơ sở khoa học và thực tế lịch sử khi tiếp cận về LSHHVN.   

Điều này có nguyên nhân không chỉ về mặt chủ quan thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu khoa học thật sự hay do định kiến và dễ dãi kiểu “chép sử” mà còn do những cơ sở khoa học và thực tế lịch sử chưa được làm sáng tỏ và nhất trí cao khi nghiên cứu, xử lý và biên soạn LSHHVN.

Bắt đầu một công trình khoa học mới bao giờ cũng phái đánh giá lại các công trình trước đó có liên quan, kể cả sử liệu, tư liệu.

Theo chúng tôi cần xem xét, đánh giá lại và làm rõ mấy cơ sở sau đây, góp phần vào việc xây dựng khung lý thuyết vận dụng vào lĩnh vực LSHHVN.

1. Về hiện thực lịch sử đất nước, quê hương liên quan đến lịch sử dòng họ Hồ VN, nhất là từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14

Chúng ta cũng phải nghiên cứu rõ hơn lịch sử đất nước, nhất là thời trung đại gắn với lịch sử Trung Hoa thời mà cụ Hồ Hưng Dật sang VN và lịch sử liên quan đến 10 đời thất phả tiếp theo sau đó, hoặc một số vùng miền mà từ đó có thể khám phá ra hiểu thêm về bối cảnh và lịch sử dòng họ liên quan đến một số tồn nghi của dòng HHVN.

Trong vấn đề này có thể thấy ví dụ như lịch sử trước và sau thời Ngô Quyền  dành độc lập và xưng vương (939); thời trước Đinh Tiên Hoàng; hay khảo sát và tìm tư liệu địa chính xưa (có thể trong tư liệu của Thư viện Hán Nôm) xem Hương Bào Đột xưa gồm những nơi nào hiện nay. Các chức vị thời kỳ tự chủ và độc lập là như thế nào liên quan chức của cụ Hồ Hưng Dật?

2. Về tư liệu sách liên quan đến LSHHVN và gia phả HHVN

Tình trạng là sách lịch sử viết về LSHHVN còn rất ít và cũng có mâu thuẫn, không nhất quán như chúng tôi đã nêu trong cuốn Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Viêt Nam (2019)[5].

Về gia phả về HHVN cũng chỉ có một số, ít có cái gọi là cổ, gốc mà sao chép lại sau này. Theo khảo sát của ông Hồ Xuân Anh thì ngay một dòng họ cũng chỉ có gia phả cỡ3, 4 đời còn 5, 6 đời là hiếm, chưa kể tình trạng một thời gian dài hàng trăm năm, hàng chục đời trống gia phả, hoặc gia phả mất, hư hỏng,chiến tranh, lụt lội, chưa kể các giả phả ghi chép về một số nhân vật cũng khác biệt lớn, mâu thuẫn nhau (cần đối chiếu lại như thế nào). Cần phân biệt giá trị tư liệu gốc và tư liệu thứ sinh, tư liệu tin cậy và tư liệu mang tính tham khảo, tư liệu ở sách, tạp chí mang tính nghiên cứu khoa học và tư liệu trên mạng xã hội.

Thu thập gia phả hiện nay cũng khó khăn (cả về khâu dịch thuật) nhưng không thể không làm, nhất là gia phả HHVN những nơi lâu đời có thể cho ta biết thêm về bí ẩn hay tồn nghi cần lý giải, chẳng hạn về 10 đời thất phả,

Công khai gia phả và đánh giá lại các gia phả cả ở họ Hồ Thọ Thành, Quỳnh Đôi, Quỳnh Yên, họ Hồ nhân Ấp ở Thái Bình cũng như một số nơi khác khi chưa rõ hay có nghi ngờ sai lệch thế thứ. Từ đó tránh tình trạng do tam sao thất bản, thậm chí có động cơ không trong sáng làm sai gia phả làm lợi cho chi phái, nhánh tộc nào đó? kiểu có tiền có quyền có danh thì làm chị,không có (kém) tiền có quyền,không (kém) có danh thì làm em, hoặc có uẩnkhúc thì giấu gia phả đi, để cái sai lệch một đời ảnh hưởng đến nhiều đời về sau. 

Tại sao có tộc họ có nhiều bản gia phả khác nhau, thậm chí có chi tiết thứ thế trái ngược nhau trên cùng một sự kiện lịch sử gia tộc và không dám công khai gia phả xưa nay của mình ra cho các nhà sử học nghiên cứu, thẩm định? Phải chăng có gia phả bất minh? Nếu cứ sợ mất đoàn kết mà che giấu, chấp nhận hiện trạng còn mù mờ, thậm chí có lệch lạc sai sót thì cho đến bao giờ mới sửa sai được, nếu có, đã có?!

Không làm được sáng tỏ như thếthì mất tính khách quan, tính khoa học khi làm sử họ, nhầt là về thế thứ.

Nói chung, khi có hoài nghi về một vài nội dung trong sách sử hay phả  hệ xưa cần kiểm tra lại bản dịch, cần đánh giá các tài liệu này về độ tin cậy ra sao, chứ quá tin vào nó và chỉ sao chép mà thiếu tinh thần phản biện thì rất khó làm cơ sở khoa học cho LSHHVN? 

3. Về các dấu tích hiện vật và truyền miệng, lưu truyền trong dân gian, dòng tộc. Sử học dựa vào khảo cổ học 

Việc khảo sát và phát hiện các dấu tích lịch sử để lại ra rất quan trọng và có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao như vừa qua, đối với vùng Lăng Thành đã làm rõ cội nguồn HHVN từ xưa và nhất là thời cụ Tổ Hồ Hưng Dật.

Tuy nhiên cần phải tiếp tục và nhất là việc khảo cổ các khu một cổ còn nhiều bí ẩn như khu mộ cổ ở Nghĩa Đàn, ở Yên Thành (đó là chưa kể về mộ Hồ Hồng, mộ Quang Trung - Hồ Thơm), việc này tuy khó nhưng không thể không làm,cần làm rõ thêm những tồn nghi và có khi làm thay đổi một số nhận định hiểu biết từ trước đến nay. Do vậy lịch sử, luôn gắn với và dựa vào khảo cổ học. Ban LLHHVN các khóa trước sợ tốn kém hay không quan tâm đến khảo cổ học khu mộ cổ?

Phải đi tìm hiểu kỹ các nhân vật của 10 đời thất phả, như với cụ  Hồ Minh, Hồ Thông… và nhiều người khác để minh xác tính đúng đắn của nó.

Với các thông tin tuyền miệng, dân gian, ta cũng cần chú ý sưu tầm phân tích gạn lọc để có thông tin tham khảo tin cậy, không nên bỏ qua chỉ chăm chăm vàosách vở xưa.

4. Về các công trình nghiên cứu sự phả họ gần đây

Như chúng tôi đã có trình bày sơ lược các chuyên đề và bài viết in trong sách Một hướng tiếp cận LSHHVN, khi nhận xét về những sách viết về HHVN đã xuất bản hay tái bản trong ba, bốn thập kỷ gần đây.

Chúng tôi đánh gía cao sự cố gắng của các tác giả làm rõ trên những nét sơ bộ LSHHVN, có sách cũng khá chi tiết cho HHVN từng vùng hay từng địa phương cụ thể, hay cung cấp, bổ sung sử liệu về phả hệ, nhân vật. 

Tuy nhiên có thể chia làm hai loại sách chính (so sánh), một là, chỉ mô tả lịch sử, chép sử, quá tin vào sử liệu nhưng còn một số sai lệch, chưa đúng, trên một số vấn đề cốt lõi (thời điểm cụ Hồ Hưng Dật sang VN, nơi phát tích HHVN, thế thứ, nhiều chi tiết không chính xác) của lịch trình tiến hoá HHVN; loại thứ hai có 2 cuốn mang tính phản biện, thông tin đa chiều hướng tới hóa giải các tồn nghi, (nhưng cũng cần phải đi sâu hơn, kiểm tra thêm các dữ liệu)… đặc biệt khắc phục nhược điểm chính của loại sách LSHHVN nói trên và nhất là cần bổ sung gợi mở được 10 đờì thất phả, mở ra hướng tiếp cận, nghiên cứu mới đúng đắn, khả thi hơn).

Qua thực tế nghiên cứu cho thấy rằng, có khi chính di tích, dấu ấn thực tế còn thực hơn văn bản nào đó, và cũng phải tìm ra văn bản gia phả gốc chứ không phải cái có thể đã bị chỉnh sửa, hoặc có khi các văn bản đầy mâu thuẫn, cho nên cần phải phản biện, so sánh, đối chiếu, không tin đơn thuần vào tuyên truyền, vì không ít trường hợp trong sách lịch sử họ Hồ Việt Nam đã có sự nhầm lẫn, ngộ nhận, sự thật bị bóp méo hay bị khúc xạ,...đi nhiều!

5. Về thái độ khoa học khi nghiên cứu đánh giá và viết sử

Nhìn chung phải có thái độ khách quan, tôn trọng sự thật, vô tư, dân chủ, tránh cực đoan, độc tôn và ích kỷ, cục bộ ngành họ…

Phải có tinh thần cầu thị, học hỏi, ủng hộ tìm kiếm thông tin mới, tin cậy, có tính khoa học trong mỗi công trình, tác phẩm tư liệu đã có…, nhưng phải mang ý thức phê phán, phản biện, so sánh, chọn lọc chứ không phải một chiều phiến diện, sao chép kiểu chép sử chứ không phải nghiên cứu sử!

Cần tránh tư duy định kiến, cố thủ, không đổi mới, thiếu cái nhìn bao dung, đa chiều, khư khư “chính thống”, cứng nhắc, cũng như tư duy suy luận chủ quan, thần thánh hóa sự kiện hay nhân vật lịch sử,…

 Không thể để tình trạng người viết sử thích tư liệu nào thì dùng tư liệu đó bằng một ý định “tiên thiên”, còn các tư liệu khác ngược với ý định “tiên thiên” của mình thì thành kiến, gạt ra ngoài, cất vào kho, không hề thông tin công khai cho bạn đọc hay người làm sử trong họ hàng biết… Thậm chí những thông tin tư liệu đa chiều khi nhà nghiên cứu thông tin trên trang Zalo của nhóm do Phó Chủ tịch Ban LLHHVN khóa IV lập ra cũng cho rằng không nên hay không được phép. Thời 4.0 mà tư duy như vậy liệu có khoa học và dân chủ không, hay vẫn còn mắc kẹt vào kiểu tư duy lạc hậu những năm 70 thế kỷ 20 về trước? Cho nên nếu kêu gọi ai có tư liệu thì gửi về cho ban Sử của Họ nhưng rồi bỏ xó, ỉm đi vì nó trái với suy nghĩ, quan niệm, hay chỉ đạo “chính thống” của Ban Sử hay Ban Thường trực BLLHHVN trước đây và có thể với cả HĐHHVN hiện nay thì sao gọi là khoa học được!

Hoặc khi có có nghiên cứu mới, có phản biện thì xốc và trù úm, phủ nhận sạch trơn và dùng lời lẽ nặng nề thô bạo để bác bỏ mà không bình tĩnh xem trong đó sự thật như thế nào, nhận thức ấy có gì mới mà chỉ khư khư ôm lấy “kinh thư”, “quốc sử”, “phả cổ”, thiêu tư duy cầu thị, không chịu đổi mới và thực sự khoa học. Họ quên rằng khi có ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau thì mới cho ta khả năng biết đâu là sự thật và chân lý thực sự. Do đó không thể biến tập trung dân chủ thành tập trung quan liêu, nhất là trong khoa học, nếu thế sẽ giết chết khoa học mà ở đây là khoa học về LSHHVN.

6. Muốn có tính khoa học cao về LSHHVN thì cần có những nghiên cứu kiểu đề tài khoa học. 

Những vấn đề khó, còn tồn nghi, chưa đủ rõ, ý kiến khác nhau nhiều, hay còn trống vắng, ít tư liệu thì nêu ra như đề tài khoa học, lập nhóm nghiên cứu hệ thống, có điều tra, xử lý tư liệu trên tinh thần phản biện, có nghiệm thu đánh giá của HĐKH chuyên ngành mới đủ độ tin cậy, thuyết phục hơn, tránh tranh luận kéo dài.

Việc nghiên cứu này làm sao thu hút được giới sử học quan tâm và tham gia; phải có đầu tư kinh phí, hoặc đăng ký với nhà nước, Bộ KHCN hoặc kêu gọi đầu tư từ mạnh thường quân.

Phải chăng HĐHHVN nên lập một Trung tâm nghiên cứu sử, phả HHVN chứ Ban Sử chỉ làm nơi tập hợp tìm hiểu và phổ cập, tuyên truyền sử phả HHVN chứ không đủ sức nghiên cứu đề tài chuyên sâu. Hoặc phải nâng cấp Ban Sử đủ sức nghiên cứu khoa học về LSHHVN một cách khoa học, ít nhiều mang tính chuyên nghiệp, có tính chất và năng lực chuyên môn cao, quan trọng nhất là tập hợp được những người tâm huyết, nghiên cúu lâu năm của dòng tộc, các chuyên gia, các nhà sử học ở các đơn vị uy tín.

Hiện nay phần nhiều là do các “nhà sử học” không chuyên làm sử (hay tìm hiểu sử) HHVN, còn các nhà sử chuyên nghiệp, vì nhiều lý do, phần đông còn đứng ngoài hay chưa vào cuộc nghiên cứu thật sự (hoặc chỉ viết bài tham luận tham gia chút chút, mang tính thời vụ) thì làm sao có tính khoa học cao được!

Công việc hội thảo khoa học cũng cần chuẩn bị bài bản hơn tránh làm như kiểu họp xóm, hoặc phụ thuộc vào lợi ích cục bộ của chi họ, ngành họ, nên kém khách quan, ít kết quả, hay hiệu quả không cao.

7.Về tính khả thi khi đặt ra vấn đề và khả năng xử lý, giải quyết

Có những tồn nghi, những lệch pha, những nhận thức khác nhau, những mâu thuẫn, nghịch lý trong sử liệu, trong các tài liệu sách sử thì chúng ta xử lý ra sao? 

Có 3 loại vấn đề sự kiện: i) Có khả năng, có dữ liệu, tìm hiểu, nghiên cúu thì khẳng định được (Hương Bào Đột là gồm những nơi nào ngày xưa); ii) Đã đủ chứng cứ chắc chắn khẳng định được (nơi phát tích HHVN là ở Quỳ Lăng, Lăng Thành, Kẻ Cuồi - Thọ Thành nay); iii) Khó tìm được chứng cứ khẳng định vì thiếu dữ liệu, hoặc hầu như không khẳng định được, nên nêu ra nhưng treo đó (như một số đời, một số nhân vật trong 10 đời thất phả…vĩnh viễn không tìm thấy!).

Do đó, trong quá trình nghiên cứu, xử lý sử liệu LSHHVN chúng ta cần lượng sức mình và coi việc nghiên cứu này là lâu dài, biết cái gì khả thi cái gì chưa cần chờ đợi nhau, chờquá trình nghiên cứu, phát lộ về sau. Từ đó cần nêu giả thuyết và thận trọng, mạnh dạn đột phá, nhưng không nóng vội khi kết luận.

8. Phải chăng hiện nay chưa viết được cuốn lịch sử họ Hồ VN (thông sử chính thống), chỉ nên viết các công trình nghiên cứu riêng lẻ từng chuyên dề đã, tại sao? 

Vì: i) Trong lịch sử họ Hồ VN còn một số nội dung cốt lõi còn chưa đủ rõ, còn tranh luận chưa thuyết phục cao hay gần như hoàn toàn hay về cơ bản; ii) Chưa thống nhất cao về các căn cứ và phương pháp nghiên cứu và viết sử; iii) Chưa có nghiên cứu thật sự khoa học, còn những tư liệu từ sách sử, từ gia phả có nội dung chưa biết thật hư đúng sai thế nào; iv)  khoa học Lịch sử họ Hồ VN đang hình thành chưa dủ độ chín; v) Các nhà sử học về Lịch sử họ Hồ VN hay Họ Hồ học còn mỏng và chưa thật sự chú tâm nghiên cứu, chưa thu hút được các nhà sử học mà mới là những người “tay ngang”, không chuyên nhưng tâm huyết với sự học nhiều chục năm, đã hình thành, khá tốt nhưng còn ít… vi) Chưa thành một phân ngành LSHHVN trong chuyên ngành Lịch sử dòng họ (dù hiện nay ở TPHCM đã có Viện lịch sử dòng họ, phân ban lịch sử dòng họ trong một số ít đại học, có một số tổ chức xã hội tự nguyện bước đầu nghiên cứu sử phả họ tộc). 

Do vậy, phải chờ một thời gian nữa chăng?. Hoặc chúng ta có thể viết để thúc đầy sự chín muồi đó, nhưng sẽ nhiều tranh cãi. Cần nhất là nghiên cứu các vấn đề tồn nghi theo chuyên đề, đề tài và viết các công trình này làm cơ sở.

Trên thực tế chúng ta chưa xây dựng đuợc khung ý thuyết vận dụng cho việc nghiên cứu và viết LSHHVN, nên còn nhiều lúng túng, tự phát và sai sót khi làm sử. Chúng ta phải tự đánh giá nhờ giới sử học đánh giá để biết cái gì đã đạt được cái gì chưa làm được, không được bảo thủ, đẻ khắc phục và tiến lên thực hiện tốt hơn.

Nói như vậy để chúng ta biết lường sức mình khi viết LSHHVN.

Việc làm rõ phương pháp tiếp cận (chúng tôi đã thực hiện, vận dụng và có bài viết khái quát, bàn riêng), và đang bàn cho rõ thêm những cơ sở khoa học và thực tế lịch sử. Đó là việc làm góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng khung lý thuyết vận dụng cho việc nghiên cứu và viết LSHHVN. 

Vấn đề khoa học có tính học thuật, phải được đối xử một cách khoa học! Vấn đề LSHHVN, phả hệ HHVN cũng vậy! 

Cần có cơ chế, động lực để các nhà sử học chuyên nghiệp tham gia tích cực, thật sự vào việc này chứ không chỉ là các “nhà sử học chân đất” dù rất tâm huyết, có kinh nghiệm nhất định tìm hiểu lâu năm về LSHHVN, có những nghiên cứu đáng khích lệ, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. 

Từ đó, có thể động viên, khuyên khích, giúp đỡ các “nhà sử học chân đất”trong sự phối hợp với các nhà sự học chuyên nghiệp cùng với việc nghiên cứu chuyên đề, cần nghiên cứu tổng quan lịch sử họ Hồ ở các địa phương, các chi ngành họ lâu đời từ đó chuẩn bị và sẽ bổ sung tốt cho LSHHVN.

Tóm lạilà việc xem xét đánh giá các căn cứ khoa học và thực tế lịch sử là rất quan trọng cần tiếp tục làm trong quá trình nghiên cứu và viết sử HHVN. Qua đó bác bỏ sự kiện bị sai lệch và quan niệm, phương pháp không đúng khi nghiên cứu và viết sử HHVN. Có như thế mới làm cho LSHHVN chính xác hơn, khoa học hơn, trong sáng hơn…  


 


[2] Từ đó mới hiều lầm rằng: Bào Đột là vùng đất Nguyên tổ nên con cháu ở đấy trước đây thường là thuộc 10 đời thất truyền). Nguyên quán của ngài ở làng Bào Đột, Xã Ngọc Sơn, Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An, đất trại xưa của Nguyên Tổ trạng nguyên Hồ Hưng Dật(Theo Phả hệ Họ Hồ Việt Nam tập IV-2001- Hồ Bá Hiền Trưởng Ban sử họ Hồ Việt Nam)./http://hohovietnam.vn/tu-lieu-cua-ho/lich-su-nguon-goc-ho-ho-lang-bo-ban-xa-hoa-phong-huyen-hoa-vang-thanh-pho-da-nang.html

[3] Xem thêm http://www.vietnamgiapha.com/XemChiTietTungNguoi/1079/1/giapha.html

[4] Xem thêm Một hướng tiếp cận lịch họ Hồ VN, NXB. đại học quốc gai TPHCM,   tr 145

[5] NXB. Đại học quốc gia TPHCM

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450194

Hôm nay

2226

Hôm qua

2274

Tuần này

21739

Tháng này

216453

Tháng qua

120141

Tất cả

114450194