Diễn đàn

Làm thế nào để không chọn nhầm cán bộ?

Nhân sự đại hội đảng các cấp, nhất là nhân sự Đại hội 13 của Đảng đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân hiện nay.

Lựa chọn được những người tiêu biểu, có đức có tài bầu vào các cấp ủy đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của công tác tổ chức nhân sự không chỉ trong Đảng mà còn cả ở lĩnh vực nhà nước, bởi phần lớn những người được bầu vào cấp ủy sẽ là cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban ngành trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Thời gian gần đây, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất nhân sự bầu vào cấp ủy các cấp khóa mới.

Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017, Chỉ thị số 35-CT/TW 5 ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị đã quy định rõ 5 nhóm tiêu chuẩn chức danh cấp ủy cũng như cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các kỳ đại hội trước, Đảng cũng hết sức coi trọng công tác nhân sự cấp ủy đảng các cấp.

Có thể nói, thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của Đảng về tiêu chuẩn cấp ủy tức là đã chọn được cán bộ có đức, có tài thực sự.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những kỳ đại hội gần đây dù công tác nhân sự có chuẩn bị kỹ đến đâu thì sau đại hội một thời gian vẫn lộ ra sai lầm, thậm chí là rất nghiêm trọng bởi chọn nhầm cán bộ.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý, mức cao nhất là truy tố hình sự, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh/Thành ủy và nhiều tướng lĩnh quân đội, công an. Sai phạm của họ trải dài trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, bằng ba nhiệm kỳ đại hội đảng. Đó thực sự là “cái giá phải trả không ít” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Tại sao tiêu chuẩn chức danh cấp ủy, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được Đảng quy định đầy đủ, chặt chẽ cùng với hàng loạt chỉ thị hướng dẫn, quán triệt đến tận từng cấp ủy nhưng công tác tổ chức nhân sự các kỳ đại hội vừa qua vẫn để lọt những kẻ thoái hóa biến chất vào bộ máy Đảng và chính quyền các cấp? Đây là câu hỏi lớn mà nhân dân mong muốn Đảng làm rõ để kỳ đại hội này, hạn chế tối đa những sai lầm trong công tác nhân sự, chọn được người xứng đáng, có tài có đức đứng ra gánh vác việc nước.

Nhân đây, xin điểm lại một số vụ việc có thể xem là hệ quả không mong muốn của công tác tổ chức cán bộ được báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Người đứng đầu thành ủy của ba địa phương lớn là Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội lần lượt bị kỷ luật, hoặc mất chức, hoặc bị truy tố.

Hàng loạt cán bộ là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật cảnh cáo, xóa chức danh hoặc cách chức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Các ông Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; ông Huỳnh Tiến Mạnh - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Đồng Nai bị cách hết các chức vụ trong và ngoài đảng.

Trước đó, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bị kỷ luật, cách hết các chức vụ và khai trừ khỏi Đảng. Đáng chú ý là trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo ở địa phương, bà Thanh còn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng - công ty sân sau - do chồng sáng lập.

Ba Ủy viên Thường vụ tỉnh Gia Lai là Đặng Phan Chung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Quân, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy hiện đang bị các cơ quan chức năng xem xét xử lý vì những sai phạm trong quá trình công tác.

Mới đây nhất, việc ông Võ Văn Hưng, Bí thư Thành ủy Đông Hà được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khiến dư luận xôn xao.

Tại kết luận số 235/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của ông Võ Văn Hưng, liên quan đến vụ bán trái phép trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khi ông Hưng làm Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị.(*)  

Những dẫn chứng trên cho thấy, công tác tổ chức cán bộ vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Phần lớn các vụ sai phạm liên quan đến cán bộ lãnh đạo đều có tính chất quá trình chứ không nhất thời bộc phát do hoàn cảnh khách quan. Sai phạm của họ, ngoài những trường hợp bị truy tố trước pháp luật, còn lại, chỉ cần chiếu theo quy định của Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm thì nhẹ nhất cũng phải là cách chức, khai trừ khỏi đảng. Tuy nhiên, không ít vụ việc chỉ xử lý nội bộ, theo tinh thần “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Cá nhân dính sai phạm được luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.

Phải thấy rằng, Đảng không thiếu người tài đức để đến nỗi phải sử dụng cả những cán bộ, đảng viên năng lực yếu kém, đạo đức tư cách có vấn đề, thậm chí là vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước mà chưa hết thời gian thử thách như luật định.

Thế nhưng tại sao những cán bộ đảng viên như vậy vẫn được “trọng dụng”?

Vấn đề ở đây không phải là thiếu văn bản hướng dẫn pháp quy hay quy trình tuyển dụng. Văn bản pháp quy đầy đủ, kỹ càng, chi tiết; quy trình làm nhân sự rất chặt chẽ, đầy đủ các bước.

Vậy thì lỗ hổng của công tác nhân sự ở đâu? Ở chính người được giao trọng trách này. Con người thực thi pháp luật vẫn là yếu tố tiên quyết sự thành bại không chỉ riêng lĩnh vực tổ chức nhân sự. Họ vẫn chấp hành đúng quy định của Đảng và Nhà nước, họ vẫn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, họ vẫn bám rất chặt vào tiêu chuẩn cán bộ,… Nhưng đấy là ngôn từ trong báo cáo hay trả lời báo chí một khi dư luận lên tiếng về nhân sự được bổ nhiệm có vấn đề.

Lỗ hổng ở đây còn là sự phớt lờ vai trò của nhân dân đối với công tác tổ chức nhân sự, nhân dân ở đây bao gồm cả cán bộ, viên chức dưới quyền người được đề bạt, bổ nhiệm. Với nhân dân, tiêu chí cán bộ hết sức đơn giản: Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, không lợi ích nhóm đục khoét tài lực đất nước, móc túi doanh nghiệp. Tại sao trong 5 điều dạy thiếu nhi, Bác Hồ lại đặt lên hàng đầu phẩm chất “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”? Bởi có lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào thì “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Làm được như thế sẽ không còn chỗ cho tiêu cực tham nhũng len vào trong tâm tưởng và hành động.

Nhưng như thế vẫn dài dòng. Cô đúc lại, yêu cầu của người dân đối với cán bộ là “làm được việc”. Đó cũng chính là thước đo lòng dân. Cứ điều này mà soi thì từ cấp ủy chi bộ cho đến Trung ương, ai làm được việc, ai sống và hành động như thế nào dân biết ngay. Nguyên tắc “có vào có ra” nhờ đó cũng mặc nhiên được thực hiện, quy luật sàng lọc, quy luật cạnh tranh được tôn trọng, bộ máy công quyền sẽ hạn chế được loại cán bộ lãnh đạo "Tôi không có chuyên môn, tôi không được đào tạo, tôi tin vào tham mưu của cấp dưới, trên giao nhiệm vụ nên tôi phải chấp hành" như một số vị từng biện minh cho sai phạm của mình.

Nguyễn Duy Xuân 

Nguồn tham khảo:

(*). https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/bi-thu-thanh-uy-dong-ha-co-tinh-lam-trai-chi-dao-cua-thu-tuong-d125685.html

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522542

Hôm nay

274

Hôm qua

2325

Tuần này

21316

Tháng này

220481

Tháng qua

121009

Tất cả

114522542