Diễn đàn

Bàn góp thêm vài ý nhỏ về văn hóa

Văn hóa trong chính trị? Văn hóa chính trị? Văn hóa trong Đảng? Văn hóa Đảng? Có hay không và nên gọi thế nào? Mấy ý kiến nhỏ bàn thêm về vấn đề này

1. Để bàn về vấn đề trên, buộc phải trở lại những gì xưa cũ nhưng luôn mới về quan niệm văn hóa. Thử điểm qua một số quan niệm tiêu biểu trong khoảng 400 quan niệm.

“Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay nhóm người. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, lối sống, quyền cơ bản của con người, hệ thống giá trị, tập tục, tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét bản thân; làm cho chúng ta trở thành những nhân vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thiện để xem xét ưu điểm, tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ, sáng tạo những công trình vượt lên bản thân” (UNESCO, 1982 tại Meehicô). Quan niệm này trả lời câu hỏi văn hóa là những gì, phản ánh tính cách của một xã hội, nghiêng về ý nghĩa của văn hóa.

“Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn (Hồ Chí Minh). Quan niệm này nghiêng về trả lời câu hỏi văn hóa là những gì do con người phát minh, sáng tạo ra và cách sử dụng những cái đó như thế nào và vì mục đích cuộc sống.

 “Văn hóa là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước” (chủ yếu trong các loại từ điển). Quan niệm này đụng đến “giá trị”, nghiêng về tính có ích, có ý nghĩa, những hoạt động, một vật, một sản phẩm mong muốn có ý nghĩa tích cực, phẩm chất tốt (trong xã hội mới của dân, do dân, vì dân). Nhưng giá trị còn được xem xét trong mỗi hình thái kinh tế-xã hội cụ thể với một hệ thống và thang bậc riêng, được xã hội ấy công nhận và có tác dụng định hướng cho hoạt động của xã hội ấy.

“Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” (Mayo, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO). Quan niệm này nhấn mạnh ở chữ “khác”, được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên Chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơnidơ năm 1970.

“Văn hóa là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên xã hội” (E.B. Tylor, nhà xã hội học văn hóa Anh). Quan niệm này nghiêng về trả lời câu hỏi văn hóa gồm những gì.

“Văn hóa hiểu theo nghĩa căn bản nhất là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình” (J. Nêru). Quan niệm này nghiêng về cái riêng, bản sắc dân tộc và phương thức tiếp nhận).

 “Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt” (Đào Duy Anh). Quan niệm này nghiêng về tìm hiểu cách sống về các mặt kinh tế, chính trị, trí thức của các dân tộc như thế nào.

“Văn hóa là một quan hệ, biểu hiện thành kiểu lựa chọn riêng của tộc người hay cá nhân. Văn hóa trước hết không phải biểu hiện ở sản phẩm mà nhân cách làm thành bản sắc (identité); là sự trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo nghĩa gốc của culture, như Bác Hồ hay nói đến “trồng người” (Phan Ngọc). Quan niệm này nghiêng về bản sắc, cái riêng, cái tốt đẹp.

“Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm). Quan niệm này nghiêng về cấu trúc của hệ thống, bao gồm các yếu tố và quan hệ.

2. Đúng là rất khó để có câu trả lời “duy nhất đúng” cho câu hỏi “văn hóa là gì”? Nếu không có được câu trả lời như vậy, thiết nghĩ cũng phải có câu trả lời cơ bản thống nhất, được đại đa số chấp nhận. Theo tôi, trong câu trả lời cho câu hỏi “Văn hóa là gì?” phải chứa đựng được mấy ý cơ bản: i).Văn hóa là tất cả những biểu hiện (vật chất và tinh thần) do con người tạo ra giúp cho nhu cầu, mục đích và sự tồn tại của cuộc sống con người; ii). Phương pháp và cách thức sinh hoạt, ứng xử riêng của một dân tộc, một tộc người; iii). Tác động, ý nghĩa tích cực, phẩm chất tốt của những hoạt động đó (trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì đó là giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc)

3. Cần khẳng định văn hóa chính trị, văn hóa Đảng

Đã có những loại hình văn hóa được nói tới và khẳng định từ lâu: văn hóa chính trị (political culture), văn hóa dân tộc, văn hóa văn nghệ, văn hóa giáo dục, văn hóa đạo đức, văn hóa du lịch, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, v.v... Riêng văn hóa chính trị là một chương trong Giáo trình Chính trị học, vì nó là một phương diện của văn hóa trong xã hội có giai cấp.

Trong hầu hết các văn kiện của Đảng đã đề cập: xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong Đảng, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công sở (trong Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI; Văn kiện Đại hội XII của Đảng, tháng 1-2016; Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 2-2020)

Như vậy, chỉ có trong các văn kiện của Đảng dùng cụm từ “Văn hóa trong chính trị” và “văn hóa trong Đảng”. Cách dùng này với cách dùng không có chữ “trong” có đồng đẳng? Theo tôi là không, cũng không đồng đẳng với tất cả cách dùng phổ biến nêu trên. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu được cách dùng “văn hóa trong chính trị”, “văn hóa trong Đảng” nghiêng về trả lời cho câu hỏi “Văn hóa ở đâu?”. Như vậy thì chưa bao quát được cách hiểu, quan niệm văn hóa nêu trên.

Vì vậy, cần khẳng định văn hóa chính trị, văn hóa Đảng để làm rõ: 1. Tất cả những biểu hiện về chính trị và đảng, giúp cho nhu cầu, mục đích và sự tồn tại của chính trị và đảng; 2). Phương pháp và cách thức sinh hoạt, ứng xử của chính trị và đảng (tổ chức, con người, đường lối, cương lĩnh…); 3). Tác động, ý nghĩa tích cực, phẩm chất tốt của những hoạt động đó (chủ yếu trong điều kiện Đảng ta là mộtđảng cầm quyền).

Nhận thức này rất quan trọng và rất cần thiết, vì liên quan đến công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt là cái gốc cán bộ, chính khách.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446175

Hôm nay

2106

Hôm qua

2284

Tuần này

21784

Tháng này

212434

Tháng qua

120141

Tất cả

114446175