Văn hóa và đời sống

Bỏ chế độ “viên chức suốt đời”: Cần nhưng chưa đủ!

 

Bỏ chế độ "viên chức suốt đời" đã đủ để loại bỏ kiểu viên chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về"

Kể từ 01/7/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực. Điều đó có nghĩa là sẽ chấm dứt “chế độ biên chế suốt đời” đối với các viên chức. Thay vào đó, viên chức tuyển dụng từ 01/7/2020 trở đi sẽ được ký hợp đồng xác định thời hạn với khoảng thời gian từ 12 - 60 tháng. Các viên chức tuyển dụng trước thời điểm này, viên chức được tuyển dụng tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức là ba trường hợp được tiếp tục giữ hình thức hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Thay đổi này được nhiều người ủng hộ và cho rằng đáng lẽ nên tiến hành từ lâu. Người ta kỳ vọng nó sẽ giúp chấm dứt tình trạng chây lười, thiếu chủ động trong công việc, ngại đổi mới, ngại sáng tạo,... của một bộ phận không nhỏ viên chức hiện nay. Thực tế cho thấy, tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là khá phổ biến không chỉ ở các viên chức mà còn cả cán bộ, công chức. Chính vì thế thay đổi này là cần thiết để chấn chỉnh lại tình trạng làm việc “à ơi” hiện nay của không ít người làm việc trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để chấm dứt thói quen này, để môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước trở nên năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn thì sẽ cần nhiều thay đổi khác. Nghĩa là chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào sự thay đổi mà việc bỏ biên chế suốt đời với viên chức có thể mang lại trong tương lai. Không kỳ vọng quá nhiều bởi lẽ nó cần sự thay đổi đồng bộ về cơ chế chính sách; chế độ đãi ngộ; cách thức làm việc và đánh giá năng lực; sự minh bạch, công khai, dân chủ; v.v…. Nếu chỉ thay đổi một khía cạnh mà các mặt khác giữ nguyên thì không chỉ không mang lại nhiều ý nghĩa mà có thể còn tạo ra những bất cập, khập khiễng,… khi vận hành. Đó là lý do mà nhiều người vẫn băn khoăn về khả năng không công tâm trong đánh giá xếp loại viên chức, sự lộng quyền của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức,… khi quy định mới có hiệu lực.

Quy định mới chắc chắn sẽ khiến các viên chức lo lắng làm việc hơn, không có nhiều thời gian rảnh để buôn chuyện hay làm thêm,… song kỳ vọng họ sẽ năng động, sáng tạo hơn là điều khó bởi nó phụ thuộc vào trình độ, tư duy, môi trường làm việc và cơ chế, chính sách dành cho họ. Liệu họ có được trả lương tương xứng với lượng chất xám, thời gian, công sức bỏ ra hay không? Liệu họ có được đãi ngộ công bằng, phù hợp hay không? Đó là những câu hỏi không thể bỏ qua khi mà tiền lương của các viên chức, công chức hiện nay còn rất thấp. Áp lực công việc lớn mà không có chế độ đãi ngộ phù hợp thì khó có thể thu hút được người lao động và với người tài thì lại càng xa vời. Khi môi trường làm việc trong nhà nước có áp lực, cách thức đánh giá tương tự môi trường tư nhân song chế độ lương, thưởng, cơ hội thăng tiến,… thấp hơn nhiều thì họ sẽ lựa chọn nơi nào? Thực tế, bất cứ người lao động nào khi làm việc thì điều đầu tiên họ cần là tiền lương đủ để đảm bảo nhu cầu cơ bản cho cuộc sống, sau nữa mới là cống hiến và đam mê. Bất cứ môi trường nào cho họ được phát huy khả năng, trân trọng giá trị của họ, đánh giá công tâm những đóng góp của họ và trả lương tương xứng thì họ sẽ luôn sẵn sàng gắn bó và làm việc hết sức mình.

Mặt khác, muốn thay đổi môi trường làm việc ở các cơ quan nhà nước, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại về “sự nhàn rỗi”. Nhàn rỗi nhiều lúc không chỉ được đánh giá ở việc có làm đủ 8 tiếng mỗi ngày hay không, có làm hết tất cả các việc được giao hay không mà phải ở tư duy và việc sáng tạo, đóng góp các giá trị. Nghĩa là cần đánh giá một cách công tâm qua hiệu quả công việc, khối lượng và giá trị của công việc họ tạo ra. Đây là việc rất khó, đòi hỏi những người lãnh đạo, sử dụng lao động phải thực sự có tâm, có tầm, linh hoạt trong xử lý.

Những thay đổi hiện nay là nên và cần thiết nhưng khi thay đổi bất cứ yếu tố nào cũng cần đặt nó trong tổng thể và xem xét một cách thấu đáo. Đặc biệt, dù là nhà nước hay tư nhân, ngoài đòi hỏi chất lượng, đóng góp từ lao động của mình thì cũng cần tôn trọng những đóng góp của họ; đánh giá đúng, công tâm năng lực của họ và đặc biệt là phải tạo được một môi trường đủ tốt để họ an tâm làm việc, cống hiến chứ không phải luôn tìm cách đưa ra những quy định khiến môi trường làm việc trở nên áp lực và bất an hơn. Điều đó có nghĩa bỏ chế độ “viên chức suốt đời” là cần nhưng chưa đủ. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để môi trường nhà nước hoạt động hiệu quả, tốt đẹp hơn trong tương lai.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443678

Hôm nay

2236

Hôm qua

2333

Tuần này

21491

Tháng này

218852

Tháng qua

112676

Tất cả

114443678