Người xứ Nghệ

Hai gương mặt văn hóa xứ Nghệ đầu thế kỷ XX

            Phan Bội Châu                                     Trần Trọng Kim

Trong công cuộc canh tân văn hóa đầu thế kỷ XX, cùng với trí thức cả nước,có nhiều người quê xứ Nghệ đã dấn thân vào phong trào với nhiều tư cách và từ những ngả đường khác nhau.Trong số đó, có nhà đại ái quốc khoa bảng Hán/cựu học Phan Bội Châu và học giả Tây/tân học Trần Trọng Kim.

Phan Bội Châu - Nhà khoa bảng Hán học “thức tỉnh hồn nước”

Phan Bội Châu (Phan Văn San), hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam và nhiều bút danh khác, sinh ngày 26/12/1867, quê ở làng Đan Nhiệm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Thông minh chí khí hơn người, ông đã dành trọn cuộc đời vì sự nghiệp cứu nước.

Năm lên chín tuổi, ông đã có ý thức hưởng ứng phong trào chống Pháp của Trần Tấn, Đặng Như Mai. Mười bảy tuổi, ông thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc; 19 tuổi tổ chức một đội thí sinh quân gồm 60 người ứng nghĩa Cần Vương.

Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên và chính thức dấn thân vào con đường cứu nước. Năm 1904, ông lập ra Hội Duy Tân, chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền độc lập. Đầu năm 1905, ông sang Nhật rồi trở về tổ chức phong trào Đông Du (1905 - 1908), tập hợp khoảng 200 thanh niên sang Nhật học tập chính trị, khoa học, quân sự.

Khoảng tháng 3/1909, Chính phủ Nhật trục xuất ông và các học sinh Đông Du. Ông về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu rồi sang Xiêm hoạt động. Cách mạng Tân Hợi thành công (1911), ông trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước "Cộng hòa dân quốc Việt Nam".

Tháng 12/1913, ông bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam; năm 1917, ra tù, viết báo để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm đường cứu nước; giữa năm 1924, cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đem về nước, đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội. Trước phong trào phản đối rầm rộ khắp cả nước, thực dân Pháp phải tuyên bố tha bổng nhưng giam lỏng ông ở Huế.

Trước hết nói về tư tưởng, tức là văn hóa chính trị của ông. Từ yêu nước, lại nghiên cứu sâu sắc tân thư tân văn, Phan Bội Châu sớm ý thức về vận mệnh đất nước và tiên phong nhìn nhận vấn đề của đất nước ở phương diện "quốc gia - quốc dân" với ý nghĩa là một quốc gia thống nhất được hình thành dựa trên cơ sở của ý thức về sự đồng nhất của quốc dân, hay dân tộc (vốn xuất phát từ Nhật Bản và “xuất cảng” sang chữ Hán và tiếng Việt buổi đầu thế kỷ XX, theo Vĩnh Sính).

Năm 1904, khi thành lập Duy Tân hội, Phan Bội Châu và các đồng chí đã mời Kỳ ngoại hầu Cường Để là hậu duệ của vua Gia Long làm Hội chủ. Lúc đầu chỉ cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác cả. Nhưng đến năm 1906, thì đã xác định rõ là khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến.

Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Quốc, nền quân chủ bị cáo chung, nhà nước dân chủ tư sản ra đời, đã tác động sâu sắc đến tư tưởng của Phan Bội Châu, thuyết phục ông từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ tư sản. Năm 1912, ông thành lập Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Châu với tôn chỉ khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Dân quốc. Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Sính, với tôn chỉ "độc nhất" của ông là "khôi phục nền độc lập của Việt Nam" và thành lập một nước "cộng hòa dân quốc", lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chủ nghĩa quân chủ đã bị phủ nhận và chủ nghĩa dân chủ "được xác định". Về sau ông tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội và có cảm tình với những người theo chủ thuyết cộng sản. Tiếc rằng quá trình chuyển biến này đã muộn vì ông bị giam cầm và đến năm 1940 thì từ trần.

Như vậy, về tư tưởng - văn hóa chính trị, ông kiên định chủ nghĩa dân tộc, nhưng khác với các sĩ phu yêu nước Cần vương, ông đã dần vượt qua giới hạn tầm nhìn Nho giáo, nhanh chóng tiếp thu các giá trị tư tưởng dân chủ phổ biến của thời đại và sử dụng nó để phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là biểu hiện sâu sắc nhất tinh thần duy tân văn hóa của ông.

Thứ hai, tuy không cùng chủ thuyết với các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh lãnh đạo nhưng ông nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa, giáo dục đối với quốc gia dân tộc am hiểu sâu sắc văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó, ông đã coi văn hóa, giáo dục như một công cụ để khắc phục những khiếm khuyết của văn hóa và con người Việt Nam để phục vụ cho công cuộc cứu nước.

Từ nhu cầu vận động cách mạng, ông đã trở thành tác gia tiêu biểu có nhiều tác phẩm có nội dung phong phú nhất hồi đầu thế kỷ XX. Bộ Phan Bội Châu toàn tập, với hàng vạn trang in là thành tựu sáng tác không dễ vượt qua. Ông sử dụng văn học, sử học, báo chí như một vũ khí để giác ngộ đồng bào và đấu tranh. Có thể kể một số tác phẩm quan trọng của ông viết vào những năm đầu thế kỷ XX như: Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Việt Nam Quốc sử khảo (1909); Ngục Trung Thư (1913); Lưu Cầu Huyết Lệ TânThư (19??), Truyện Chân tướng quân (1917)... Các tác phẩm của ông trong giai đoạn này không chỉ tố cáo chế độ thực dân phong kiến mà còn c vũ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí đấu tranh của người Việt Nam. Không chỉ viết sử, viết văn, Phan Bội Châu còn là một nhà báo lớn.Báo chí đối với ông là một vũ khí đấu tranh. Ngay từ khi ở trong nước ông đã bắt đầu nhìn thấy vai trò của báo chí. Trên đường sang Nhật Bản, khi dừng lại ở Hương Cảng, ông đã liên hệ trực tiếp với hai tòa báo Trung Quốc ở đây là tờ Thương báo của Đảng Bảo hoàng và tờ Trung Quốc nhật báo của Đảng Cách mạng.

Năm 1909, bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất, ông về Trung Quốc rồi tập hợp hội viên sang Xiêm mở trại cày ở Bạn Thầm “mượn việc nông mà nuôi đảng”.Tại đây, ông viết báo rất nhiều, ông viết các bài Ái quốc ca, Ái chủng ca, Ái quần ca và sách Liên Á sô ngôn (lời mộc mạc kêu gọi liên kết châu Á). Từ Bạn Thầm, ông lên Băng Cốc, đến tòa soạn Hoa Xiêm tân báo do Tiêu Phật Thành, người của Đảng Cách mạng Trung Quốc làm Chủ nhiệm. Ông này đã in miễn phí cho Phan Bội Châu 1.000 bản sách Liên Á sô ngôn.

Sau khi Việt Nam Quang phục hội bị khủng bố, trong thời kỳ bị giam ở Quảng Đông (12/1913- 2/1917), ông vẫn theo dõi báo chí và nắm được tình hình bên ngoài, nhất là ở nước nhà. Ông đã viết nhiều truyện ký, tiểu thuyết, tự truyện, thơ… Rất nhiều trong số này, khi ra tù, ông đã cho đăng báo.

Thoát ngục, từ tháng 3/1917, ông tiếp tục làm báo nhiều hơn. Các bài đăng báo của ông vẫn hừng hực tinh thần yêu nước, vẫn tiếp tục tuyên truyền, thức tỉnh và cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào. Phần lớn các tác phẩm của ông đều đăng trên Binh sự tạp chí ở Hàng Châu và một số bài trên báo Đông Á tân văn ở Bắc Kinh. Ông còn là biên tập viên cho hai tờ báo này. Binh sự tạp chí đã đăng hàng chục tác phẩm của ông trong đó có tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, truyện ký Chân tướng quân viết về Hoàng Hoa Thám và một loạt truyện và thơ viết về các chiến sĩ, đồng chí của ông đã hy sinh như Tái sinh sinh, Khóc anh em Cả Tuyển (3 bài) và Khóc chân tướng quân…

Ngày 30/6/1925, ông bị bắt cóc và đưa về nước. Trước áp lực đấu tranh của đồng bào cả nước, thực dân Pháp không thể tử hình mà giam lỏng ông ở Huế. Trong tình thế đó, ông tiếp tục sứ mệnh của mình bằng cách làm báo và viết văn.

Dấu ấn quan trọng nhất của Phan Bội Châu trong quãng thời gian này là đã đồng hành cùng báo Tiếng Dân (1927 - 1943) do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, chủ nhiệm kiêm chủ bút. Chính ông là người đã góp ý đặt tên báo Tiếng dân khi ý định ban đầu của Phan Chu Trinh định đặt là Dân Thanh. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 15 năm cuối đời, ông đã viết cho 33 báo, tạp chí; tổng cộng là 326 bài thuộc nhiều thể loại, trong đó có nhiều bài đăng nhiều kỳ. Riêng Tiếng Dân, ông dành cho nhiều nhất: 251 bài.

Thứ ba, Phan Bội Châu là người đã cùng Phan Chu Trinh gặp gỡ, bàn bạc với Lương Văn Can và các đồng sự về việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục - một mô hình trường học tiến bộ mà các ông đã tham khảo từ Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản. Việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục là có vai trò tiên phong của Phan Bội Châu. Mặt khác, Đông Kinh nghĩa thục cũng hết sức c vũ, hỗ trợ Đông Du. Trước đó, với phong trào Đông Du, Phan Bội Châu đã nhận ra vấn đề là cần phải chuẩn bị vềCon người, xây dựng lực lượng bằng con đường giáo dục. Khi điều kiện trong nước không cho phép, ông đã tổ chức du học sang Nhật Bản khi đó đã hoàn thành công cuộc duy tân, trở thành nước có thể chế dân chủ tư sản với một nền giáo dục tiến bộ theo hướng Tây học. Mặc dù mục tiêu là đào tạo nguồn lực cho công cuộc đấu tranh vũ trang nhưng qua đó cho thấy Phan Bội Châu cũng đã nhận thức ra nền giáo dục Hán học đã lỗi thời, cần phải thay đổi, phải xây dựng nền Quốc học theo hướng tiến bộ, văn minh.

Thứ tư, Phan Bội Châu là sỹ phu Hán học, trí thức “cựu học”, có chủ thuyết riêng nhưng chấp nhận kiến thức và trí thức Tây/Tân học. Không chỉ tiếp thu tân thư, tân văn, ủng hộ Đông Kinh nghĩa thục mà ông có nhiều mối liên hệ với các trí thức Tây học, đặc biệt là giai đoạn ở Huế. Ông tham gia hoạt động báo chí Quốc ngữ, là cộng sự tích cực của báo Tiếng Dân và nhiều báo chí Quốc ngữ khác ở trong Nam ngoài Bắc. Việc tiếp cận học thuyết chủ nghĩa xã hội cũng là một biểu hiện của quá trình tự duy tân về tư tưởng và văn hóa của ông.

Trần Trọng Kim - Học giả Tây học giữ gìn vốn cổ

Trần Trọng Kim là một trí thức tân học tham gia cuộc vận động duy tân văn hóa giáo dục những năm đầu thế kỷ XX và từ tháng 4 năm 1945, ông tham gia chính trường với vai trò Thủ tướng Chính phủ Đế quốc Việt Nam. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu ông với tư cách một nhà giáo dục, một học giả, không đề cập đến tư cách chính khách của ông.

Trần Trọng Kim, theo gia phả sinh năm 1886 [hiện nay có nhiều thông tin khác khau về năm sinh của ông: 1882, 1883, 1886, 1887?] tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phố (nay là xã Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội là Trần Văn Bính, đỗ 3 khoa tú tài. Cha là Trần Bá Huân (1838-1894) từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê.

Trong hai năm 1897-1899, ông ra Nam Định theo học trường Pháp - Việt ở Nam Định, tiếp đó học trường Thông Ngôn đến năm 1903 rồi về Ninh Bình làm thông ngôn. Được Nguyễn Văn Vĩnh giúp đỡ, năm 1905, ông sang Pháp và theo học tại trường tư thục ở Bourg-Saint-Andéol, tỉnh Ardèche sau đó lên Lyon học tiếp. Đến năm 1908, ông xin được học bổng vào học trường Thuộc địa (Paris) rồi sau đó là trường Sư phạm Tiểu học (Ecole nor male des Instituteurs) ở Melun.Năm 1911, ông về nước bắt đầu con đường sư phạm của mình ở trường Bảo hộ rồi vào làm việc tại trường Hậu bổ. Đến năm 1919, trường Hậu bổ bị giải thế, ông được chuyển sang trường Sư phạm. Đến năm 1921, Trần Trọng Kim làm Thanh tra các trường tiểu học; Năm 1924, là Trưởng ban Soạn thảo sách giáo khoa Tiểu học (1924); Năm 1931, dạy Trường Sư phạm thực hành; Năm 1939, là Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội. Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo. Ông về hưu năm 1942.

Năm 1943, Nhật Bản kéo vào Đông Dương và ông bắt đầu bị người Nhật cuốn vào chính trường đầy cạm bẫy, trở thành chính khách bất đắc dĩ, là Thủ tướng Chính phủ Đế quốc Việt Nam (4 - 8/1945).

Về Trần Trọng Kim, trước hết, ông là nhà giáo dục tiêu biểu có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển nền tân/quốc học nước nhà. Bắt đầu từ truyền thống Nho học nhưng Trần Trọng Kim từ rất sớm đã hướng đến tân học, chủ động đi vào ngành sư phạm và gắn bó với công cuộc xây dựng nền tân học hơn 30 năm cho đến lúc về hưu.

Không chỉ là thầy giáo, là nhà sư phạm, ông soạn nhiều sách giáo khoa để định hình cho cả hệ thống giáo dục tiểu học.

Từ năm 1914, từ khi chưa bỏ giáo dục Hán học, phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương tạp chí, ông đã viết rất nhiều bài có tính chất giáo khoa về khoa học sư phạm và luân lý. Cũng từ sớm ông đã cho xuất bản nhiều sách về giáo dục nhưSơ học luân lý (1914), Sư phạm khoa yếu lược (1916),Sư phạm khoa yếu lược (1916); Sơ học An Nam sử lược (1917); Sư phạm yếu lược (1918); Quốc văn giáo khoa thư (3 tập: lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, và lớp Sơ đẳng), Luân lý giáo khoa thư, Sử ký giáo khoa thư (soạn chung với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, do Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ minh họa, 1926).

Trần Trọng Kim tích cực tham gia hoạt động báo chí với mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ, phổ biến kiến thức và xây dựng nền quốc học. Từ chỗ tham gia viết cho Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim đã hợp tác với Shneider cho ra tờ Học báo do ông làm chủ bút đã phục vụ rất tốt cho hoạt động giáo dục, không chỉ phổ biến kiến thức mà còn góp phần xây dựng nề nếp văn hóa mới, nhất là văn hóa học đường.

Với tư cách học giả, ông là một nhà nghiên cứu uyên thâm trên nhiều lĩnh vực và đều có tính tiên phong trong bối cảnh chuyển giao từ nền cựu học sang tân học. Các công trình của ông không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sư phạm, giáo khoa mà còn trải rộng ở các lĩnh vực khác như văn học, sử học, văn hóa học, tôn giáo… Có thể kể đến một số công trình quan trọng của ông như: Vương Dương Minh (1914); Việt Nam văn phạm (Soạn chung, 1941); Việt Nam sử lược (1920); Truyện Thúy Kiều chú giải (1925); 47 điều giáo hóa triều Lê (có bản dịch ra tiếng Pháp - 1928); Nho giáo (3 tập từ 1930-32); Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938); Phật Lục (1940); Quan niệm về nhân sinh, Vũ trụ đại quan (1943), Đường thi; Lăng ca kinh; Hạnh thục ca…

Việt Nam sử lược là cuốn sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, phản ánh tương đối toàn diện về nhiều lĩnh vực trải khắp chiều dài lịch sử dân tộc từ thời kì dựng nước đến khi thực dân Pháp xâm lược một cách khách quan, ngắn gọn, súc tích, dễ tiếp nhận các vấn đề theo trình tự thời gian. Quan điểm sử học tiến bộ của ông là: “Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.

Trần Trọng Kim là người đi đầu trong việc nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Ông đã thực hành phương pháp nghiên cứu mới của tân học để nghiên cứu Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Bộ sách Nho giáo là công trình nghiên cứu về Nho giáo có quy mô, hệ thống đầu tiên ở Việt Nam. Phan Khôi nhận định: “Bộ sách Nho giáo của Trần Trọng Kim là một công trình lớn, nhiều công phu và lắm giá trị. […] Nho giáo là sách của Trần tiên sanh đã dùng thực lực và lắm công phu nghiên cứu mà soạn ra, mọi người Việt Nam đều nên đọc”.

Với tư cách đứng đầu Ban Khảo cứu của Hội Phật giáo Bắc kỳ, Trần Trọng Kim đã quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu cả Tây học và Nho học có tiếng như Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Nguyễn Thiện Chính, Lê Toại, Nguyễn Trọng Thuật,… để nghiên cứu, chuyển ngữ kinh Phật sang quốc ngữ. Riêng ông đã có nhiều nghiên cứu công phu như Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938); Phật Lục (1940).Ông còn viết cho báo Đuốc Tuệ và nhiều lần diễn thuyết về Phật giáo rất được hưởng ứng.

Ông còn có loạt bài trên Nam Phong tạp chí nghiên cứu Đạo Giáo, tiếc là chưa in thành sách. Ngoài ra ông còn có bản thảo Vũ Trụ quan Thiên văn học chưa hoàn thiện và xuất bản.

Về dịch thuật, chuyển ngữ không thể không nhắc đến công trình Việt thi và nhất là Truyện Kiều (cùng Bùi Kỷ) chuyển từ chữ Nôm sang quốc ngữ. Cho đến hiện nay, theo giới Kiều học thì đây vẫn là bản Quốc ngữ được đánh giá là tốt nhất, được tái bản nhiều nhất.

Trần Trọng Kim còn cho biết có kế hoạch biên soạn Việt Nam từ điển, Hán Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển… Tiếc là ông không kịp thực hiện các công trình này.

Về vai trò học giả của ông, Giáo sư Dương Quảng Hàm nhận định: “Trần Trọng Kim (hiệu Lệ Thần) là một nhà sư phạm đã soạn nhiều sách giáo khoa có giá trị và một học giả đã có công khảo cứu về Nam sử và các học thuyết cổ của Á Đông”.

Còn nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan thì nhận xét: “Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo; chỉ đọc qua các đề sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay: hết lịch sử, đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên thường những sách của ông toàn là sách học cả”.

Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ, khái quát: “Ở Trần Trọng Kim ta thấy một đặc điểm là mặc dù sớm theo Tây học, lại sang cả Pháp du học, song ông đã có với văn hóa Đông phương một mối kính cẩn sâu xa. […]. Sự phối hợp giữa một phương pháp biên khảo mới mẻ và một kho kiến thức phong phú cộng thêm vào một thiện chí theo đuổi “cúc cung tận tụy” đã khiến cho những công trình của ông có một giá trị vững bền và đặt ông vào hàng đầu các nhà biên khảo giai đoạn này”.

Công cuộc duy tân văn hóa giáo dục đầu thế kỷ XX đã cách nay hơn trăm năm nhưng vai trò bản lề để Việt Nam chuyển sang hiện đại thì vẫn còn nguyên vẹn. Vai trò khai mở tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn nguyên giá trị và tiếp tục nâng đỡ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay. Các đóng góp học thuật của học giả Trần Trọng Kim vẫn còn ý nghĩa lâu dài với đời sống văn hóa và giáo dục nước nhà./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114435004

Hôm nay

2275

Hôm qua

2349

Tuần này

21654

Tháng này

212052

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114435004