Người xứ Nghệ

Có hai người Nghệ rất Nghệ trong tôi

Chuyện đã xa ngày nay trên dưới nửa thế kỷ. Nhưng chất Nghệ thì mỗi ngày mỗi cô lại trong tôi về hai người Nghệ rất Nghệ này.

Thời chống Pháp, những ngày đang ở lính, hễ bạn nào chế tôi dân “cá gỗ” là tôi nổi khùng liền. “Cá gỗ” theo cách hiểu của tôi là lòng tự trọng. Đó là nghĩa cử để vươn lên. Người ta lại chế riễu là bần tiện. Rứa là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay lập tức. Kể ra, nghĩ lại như rứa cũng là “tiểu khí anh hùng”. Chẳng được tích sự gì. Nghệ ta là vậy.

Người Nghệ thứ nhất mà tôi kể sau đây sinh ra và lớn lên trên đất Nghi Xuân. Nghi Xuân trước năm 1831 cũng là Nghệ mà.
Đó là Hà Văn Tấn.
Nửa cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước thì ai cũng biết rồi. Nhà nào có con tấp tểnh học hành đều là tầng lớp trên. Không cường hào thì ác bá. Không địa chủ thì phú nông. Không ghép đựơc đâu vào đâu thì thuộc thành phần bóc lột. Đều là đối tượng được chăm sóc chu đáo.
Trong tình thế đó, Hà Văn Tấn thoát được ra Hà Nội là tốt phúc lắm rồi. Tần tảo giữa đô thành lạ nước lạ cái mím môi tự kiếm cơm ăn mà học. Tìm mãi Hà Văn Tấn mới len được vào đội ngũ những người bán kem rong cho hãng Cẩm Bình. Rứa là có cơm độ nhật. Mỗi ngày trước hoặc sau buổi học Hà Văn Tấn đến quầy giao dịch của hãng này nhận một phích kem đi bán dạo.
Giọng Nghệ : “Ai kem nì” nặng trình trịch dai dẳng khắp đường ngang ngõ tắt Thủ đô. Từ phố Hàng Bài sang Hàng Khay, ngoặt Lê Thái Tổ vòng qua Đinh Tiên Hoàng thường là vòng lượn thứ nhất. Sau đó lượn rộng dần ra Hàng Ngang, Hàng Đào, Chả Cá, Hàng Trống, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Phan Thanh Giản. “Ai kem nì” rền rền, vang vang cứ nới rộng dần ra. Dễ chừng vài ba chục cây số mới hết một phích kem dăm chục que là cái chắc. Mùa Hè còn nhận thêm suất chạy đêm. Có cơm, có tiền bút giấy. Yên chí mà học.
Cái nghề bán kem khoán tính đầu que hưởng hoa hồng, gọn trong ngày là may mắn lắm. Cơm cháo độ nhật nhờ đó mà có. Học hành nhờ đó mà nên. Một năm suôn sẻ qua nhanh. Mùa học sau lại đến. Đó là năm 1956. Học trò xứ Nghệ đã có lớp đàn anh khai khoa ngoài Hà Thành, đua nhau ra tiếp sức ngày một nhiều hơn. Có lần Hà Văn Tấn vừa mới nhận phich kem khệ nệ leo lên tàu điện bờ Hồ thì gặp ngay một tốp bạn đồng hương đang lấm bụi đường “Bắc tiến”.
Thường tình người ở quê cứ tưởng người có thâm niên Hà Nội khá lắm. Dư dả lắm. Cái tâm và cái lý ấy bảo lưu cho đến tận ngày nay.
    Một bạn hỏi.
   - Cấy chi đó mi?
    Hà Văn Tấn trả lời,
  -Kem.
   -Của mi à?
   -Giữ hộ.
 
Cái tính sĩ diện kiểu cá gỗ làm Hà Văn Tấn phá sản bắt nguồn từ câu trả lời đó.
Mỗi bạn “vô phép” một que. Phút chốc phích kem hết sạch. Tàu điện chuyển bánh. Hà Văn Tấn từ biệt đồng hương nhảy mau xuống để mang phích trống rổng về trả hãng kem không có tiền bảo lãnh lần sau. Rứa là mất việc. Rứa là đói dài rọt.
Đôn đáo ngược xuôi mấy tháng sau mới xin được chân phụ thợ sơn dưới chợ Hôm Đức Viên.
Làm nghề phụ thợ sơn không phải dạo phố. Nghĩa là không mỏi cẳng. Nhưng anh chủ này hơi bị keo. Cơm trưa tại xưởng như một loại bố thí. Tiền công thì chậm rì chậm rịt. Có khi cả tháng chỉ “qua đường” bằng suất cơm trưa lót dạ đại khái.
Kéo dài không đầy một năm, đói quá nên phải bỏ việc. May là tìm được một nơi gõ đầu trẻ. Nói cho chính xác là giữ em. Ăn uống tử tế hơn. Và, những ngày no ấm ấy như điềm lành mở ra cho anh sinh viên họ Hà cuộc đời làm thầy giáo trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Và, không lâu sau đó được bạn bè đồng nghiệp với các thế hệ học trò liệt vào nhóm “tứ trụ” thuộc ngành Sử của ngôi trường danh tiếng này. Đó là nhóm Lâm, Lê, Tấn, Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Nhóm “tứ trụ” là những vị được phong hàm Giáo sư đầu tiên của ngành Sử học nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong nhóm “tứ trụ” này thì “tam trụ” thuộc về người Nghệ. Trong nhóm “tam trụ” đó thì có một vị xuất thân từ nghề bán kem que và thợ sơn mir trắc đạc.
Người Nghệ thứ hai cũng na ná người Nghệ thứ nhất tôi vừa kể trên. Chỉ khác làng, khác huyện và khác một vài nghề trong thời gian “giồi mài kinh sử”.
Người Nghệ này là Nguyễn Đình Bảng, cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu. Khác Hà Văn Tấn là không bán kem, không phụ thợ sơn để ăn cơm bố thí mà khi thì tìm được chỗ làm thầy dạy bổ túc hoặc canh gác, xé vé vào cửa tại rạp phim Khương Thượng, khi thì mướn xe ba gác chở hàng thuê… Người gầy nhỏ, sức yếu kéo xe ngược dốc đôi khi bị bật lên với hai cái càng xe như người đánh đu. Bởi vì, cho dù là thí sinh đậu đầu tỉnh về ngành Y nhưng các vị cầm quyền ở Ủy Ban xã ngày đó (1962) không ưa con một thầy giáo biết tiếng Pháp, cho dù thầy giáo đã tạ thế khi Nguyễn Đình Bảng mới bước sang tuổi thứ 5 và người em trai duy nhất chưa qua sinh nhật lần đầu. Xã không ưa đương nhiên là không chứng nhận đơn xin cấp học bổng. Ngày đó học bổng toàn phần là 21đồng. Hầu như cấp đại trà cho sinh viên nông thôn có chữ ký của xã. Nguyễn Đình Bảng âm thầm trốn ra Hà Nội nhập học khi trong tay không có một hào, không có bùa hộ mệnh do xã cấp. Anh biết rất rõ hoàn cảnh gia đình mình. Cha mất sớm. Mẹ bán trầu cau chay vỏ tần tảo nuôi hai anh em có cơm ăn, có áo mặc, có giấy bút học hành là quá vĩ đại rồi. Mẹ anh còn lo ăn cho mẹ và cho em trong những ngày toàn dân đói cơm, rách áo triền miên nên anh tự nhủ mình hãy noi gương bầy gà con lỉa mẹ. Bươi cào lấy mà tồn tại, mà học hành. 6 năm làm đủ nghề như sơ qua bên trên, Nguyễn Đình Bảng đã kiếm cho mình 6 tấm bằng khen về thành tích học tập. Nhờ đó tuy muộn màng, nhưng năm học cuối, nhà trường không dửng dưng với một sinh viên xuất sắc như Nguyễn Đình Bảng, nên đã bỏ qua thủ tục xác nhận của chính quyền địa phương, quyết định cấp cho Nguyễn Đình Bảng một phần ba học bổng. Thuở đó 7 đồng là tiền ăn 10 ngày của bếp tập thể nhà trường. Dù sao cũng đỡ hơn kiếm tiền ăn cho trọn tháng. Năm 1968, tốt nghiệp loại ưu, Nguyễn Đình Bảng được gĩư lại làm giảng viên của trường Đại Học Y . Không lâu sau đó do yêu cầu của chiến trường “giải phóng miền Nam”, Nguyễn Đình Bảng cùng nhiều bác sĩ khác được sung vào Quân đội. Với cương vị trưởng đoàn, thầy giáo Bảng cùng 32 bác sĩ đi vào B2. Do những thành tích tại bệnh xá F75 miền Đông Nam Bộ, những ngày đạn bom ác liệt, cuối năm 1978 Nguyễn Đình Bảng được gọi về làm giảng viên tại Học viện Quân Y. Năm 1984 được cử sang Paris bảo vệ Luận án Tiến sĩ.
Từ những ngày hàn vi lại bị ngược đãi, Nguyễn Đình Bảng không để bụng hận thù mà để bụng chí tiến thủ để vươn lên phía trước. Ông thực sự đã vươn lên đúng với sức phấn đấu và hoài bảo của mình. Là Giáo sư nguyên Viện trưởng Viện Quốc gia Kiểm định Vac xin và Sinh phẩm Y Tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam, Trưởng khoa Đào tạo Sau Đại học Viện Quân Y, Chuyên gia Bệnh Nhiễm trùng Dự án ADB - Bộ Y tế, Sáng lập Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Hà Thành, Ủy viên Hội Khoa học Y – Sinh học Mỹ.
Và, sau những tháng năm đói cơm rách áo lại bị phân biệt đối xử rồi cũng qua đi, nhưng điều để lại cho anh con trai xứ Nghệ này là tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ hạng ưu, trở thành một giảng viên mẫu mực. Không tự mãn, không hận thù, bất kỳ ở hoàn cảnh nào trên bục Giảng đường Đại học cũng như giữa chiến trường B2 ác liệt hay trong phòng Nghiên cứu Khoa học của Paris hoa lệ, Nguyễn Đình Bảng đều cứng như “con cá gỗ”. Với anh, mục tiêu phụng sự luôn luôn ở phía trước.
Thời gian cống hiến của mỗi con người đều có điểm dừng trên danh nghĩa pháp lý. Nguyễn Đình Bảng được nghĩ hưu, ngoái nhìn lại chặng đường đời đã đi, hài lòng với chính mình. Bổng nhiên trở thành nhà thơ nghiệp dư. Thơ xuất hiện ở buổi xế chiều của đời anh đã đưa anh trở lại với mùa xuân tâm hồn mà một thời mãi mê phấn đấu vì khoa học, vì danh dự gia đình và vì nhân phẩm của chính mình nên đã thờ ơ với nó. Thơ anh không điêu luyện, không đánh bóng, không có tính trang sức hào hoa. Thơ anh là lòng của một “Thi nhân nhà quê” mộc mạc mà chân thành. Cái đẹp nội tâm đã tràn vào từng câu chữ tình yêu thương người thân, người quê, người đã từng cưu mang chia sẽ với mẹ con anh thuở hàn vi, với anh thuở cần lao mưa nắng. Cái đẹp đó anh còn san sẻ qua tầm nhìn đồng loại.
“Tôi mang theo tình nghĩa bên vai
Miền Đông chiến trường, rồi Paris hoa lệ,
Luôn nhớ về nơi mẹ tôi yên nghỉ
Nam Yên quê cha, Nam lộc cưu mang.
Gió tháng ba từ Thiên Nhẫn đưa sang,
Sông Lam chở mây qua hai làng, đôi bến.
 
Tôi tìm lại lối đi mẹ tôi bấm ngón,
Tìm lại ông, bà cho gạo, cho khoai
Chỉ còn tiếng thì thào của đất bên tai,
Thương mẹ - tần ngần - biển dâu - cát bụi.
 
Xe chạy trở về phía Sa Nam sẩm tối,
Tiếng chuông nhà thờ vọng theo.”
                         (“Tri ân” trong “Miền thương nhớ”)
Ngôn ngữ quả nghiệp dư nhưng đích thực là thơ. Mỗi từ anh dùng có sức nặng của ký ức, của tâm can, của nhân nghĩa. “Miền thương nhớ” tên của tập thơ đầu lòng chan chứa những bài thơ như thế.
Từ thương mình. Thương mẹ và em mình. Thương vợ, con và cháu mình. Thơ Nguyễn Đình Bảng cũng bật ra khỏi con chữ mộc mạc tình cảm sẻ chia với người mình.
 
            “Dọc phố xá gặp nhiều người Việt
            Họ mưu sinh vất vả nhiều nghề
            Cười mà đau số phận xa quê
            Hỏi ai vì sao tha phương cầu thực?
 
            Praha những đêm dài thao thức
            Trách nhiệm nào với đồng bào tôi
            Tổ quốc mạnh giàu khỏi đến quê người.
                            (“Praha” trong “Sẻ chia”)
 
Châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc, châu Phi. Anh đi đến đâu là thơ anh theo anh đến đó. Một nhà Khoa học đích thực, trong anh còn tiềm tàng một nhà thơ chân thực. Đọc thơ anh, tôi mãi mãi nghĩ về người Nghệ để bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào hưng phấn là tự nhiên tràn ra câu ví “Nghệ Tĩnh mình ơi” tức khắc.
Học như hai người Nghệ rất Nghệ đã và đang mở ra cho tất cả con em xứ Nghệ chúng ta chí phấn đấu vượt qua mọi trở ngại ngang trái thách thức để hãnh diện mình là người Nghệ.
Bản lĩnh Nghệ, tình yêu quê hương Nghệ với lòng tự trọng Nghệ chúng ta sẽ như ai đó bên trời Tây từng đã hô to trong 18 tháng sương mù từ cuối thế kỷ XIX: “Bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ thắng”.
 
                                      Xóm An Lạc, một đêm nghĩ về quê Nghệ
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521457

Hôm nay

2231

Hôm qua

2303

Tuần này

2231

Tháng này

219396

Tháng qua

121009

Tất cả

114521457