Người xứ Nghệ

Dịch giả Đoàn Tử Huyến - người con xứ Nghệ gắn bó với Thăng Long

 
“Ông chủ” Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, dịch giả Đoàn Tử Huyến từ lâu đã là một cái tên sang trọng trong làng văn với những đầu sách dịch “Nghệ nhân và Margarita”, “Trái tim chó”, “Nguyệt thực”, “Đêm trắng”… Nhưng hình như người ta lại biết đến một “ông trùm làm sách” Đoàn Tử Huyến nhiều hơn.

Chỉ có điều thật lạ rằng trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, có một câu ông hay nhắc đi nhắc lại là “sách phải chất lượng nhưng làm sao có giá cả hợp lí để người dân mình còn mua được”. Vậy ra, tiêu chí hàng đầu của kinh doanh, ông cũng chẳng mấy để ý tới. Ông bảo: Tinh hoa văn hóa dân tộc mình rơi vãi nhiều quá. Chính vì thế, chúng tôi phải kì công sưu tập và in lại những Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, tuyển tập cụ Phan Bội Châu…cốt để lại làm tư liệu cho đời sau. Mà sách Đông Tây làm nhất định phải kĩ. Và đẹp nữa. Nếu không, lại như thể những món ăn đáng ra ngon lại đựng trong bao bì không ra gì. Nó phí đi mất.

Bằng tình yêu của một người gắn bó gần như cả cuộc đời với Hà Nội, trong không khí cả nước hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dịch giả Đoàn Tử Huyến chậm rãi chia sẻ ý tường làm những công trình về Hà Nội mà Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đang gấp rút hoàn thiện. Một cuốn Từ điển đường và phố Hà Nội “hoàn chỉnh, ngắn gọn, súc tích đến mức có thể và giá phát hành hợp lí với người sử dụng nhất” đang được hoàn thành. Một tuyển thơ về Hà Nội cũng đang được triển khai. Được biết, hiện nay đã và sắp xuất bản những tuyển thơ về Thăng Long – Hà Nội rất đồ sộ nhưng giá trị sử dụng chưa biết đến đâu, thì tập sách của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, với vài ba trăm trang sách đẹp, lại đặt ra tiêu chí gọn nhẹ, tinh túy và tiện dụng cho đông đảo bạn đọc và du khách yêu mến đất Hà Thành – đó là cách đóng góp tình yêu của “ông trùm sách Đông Tây” với Hà Nội. Nhưng có lẽ cái độc đáo, đặc sắc đáng nói trong seri sách về Hà Nội của dịch giả Đoàn Tử Huyến phải kể đến cuốn “Sách lịch Văn hóa Đông Tây 2010”. Đây là một cuốn lịch với những trang dành cho việc ghi chép hàng ngày, nhiều thông tin lễ hội, địa chỉ, điện thoại…để tra cứu; nhưng đồng thời đây cũng là sách cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về văn chương, học thuật…theo từng tháng trong cuốn lịch. Quan trọng nhất, trong tháng 10 của “Sách lịch Văn hóa Đông Tây 2010”, chủ đề 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được tái hiện qua lịch sử và phong cảnh mảnh đất đế đô với 117 mốc thời gian kể từ thời vua Hùng dựng nước, qua những áng thơ bất hủ từ Nguyễn Du đến Bà huyện Thanh Quan tới các nhà thơ trẻ cuối thể kỉ XX, qua nhận định của các chuyên gia kiến trúc, phong thủy về thế đất rồng phục hổ chầu. Đặc biệt, sách lịch cung cấp một văn bản Thiên Đô Chiếu chính xác (nhiều sách báo, trang web từ trước đến nay in sai bản chữ Hán của bản chiếu lịch sử này, kể cả tập thơ về Thăng Long “Nghìn năm thương nhớ” trên 2000 trang nói trên)(1), và một bản dịch kĩ lưỡng, có số chữ đúng bằng 214 chữ như trong nguyên tác chữ Hán. Dịch giả Đoàn Tử Huyến làm sách về Hà Nội, gắn bó với Hà Nội dường như là một lẽ tự nhiên, như rất nhiều người con xứ Nghệ quê ông (ông sinh ra ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) và của nhiều vùng đất khác, rời quê hương về Thăng Long – kinh đô ngàn năm văn hiến để sinh sống và lập nghiệp. Từ năm 1975, ngay sau khi học tập ở Liên Xô trở về, Thủ đô Hà Nội đã trở thành mảnh đất gắn bó suốt đời với dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ở đây, ông tìm được công việc mà ông say mê, môi trường để ông thu nhận kiến thức và phát triển, và đặc biệt là bạn bè mà ông gắn bó. Suốt gần bốn chục năm ở Hà Nội, ông bảo tôi đi đâu lâu lâu cũng chỉ vài ba tuần, ít khi xa Hà Nội quá một vài tháng. Những ngày gian khó nhất trong cuộc đời của ông là những ngày sống lang thang khắp Hà Nội, có thời ngày ngồi thư viện Quốc gia, đêm nằm bàn cơ quan phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, có khi ở nhờ khu tập thể cơ quan vợ… Đó cũng chính là thời gian ông khám phá và gắn bó thân thiết với từng ngóc ngách Hà Nội. Mãi sau này, khi có điều kiện, ông tìm mua một mảnh đất giữa làng cốm Vòng. Chỉ bởi lẽ, nơi ngôi làng ngoại ô này vẫn còn phảng phất đâu đó một chút mùi quê rơm rạ, cả mùi phân trâu bò ngai ngái, và những tiếng ếch kêu sau trận mưa rào… Làng Vòng ngày ấy cứ vào vụ là đêm ngày vang lên tiếng giã cốm khoan nhặt đầy quyến rũ... Thế rồi, nhà cửa mọc lên san sát. Người ta không giã cốm bằng tay mà dùng máy. Tiếng máy giã như khoan như nén vào tai. Đến bây giờ thì tiếng máy cũng không còn nũa, và cốm trở thành chuyện quá vãng của làng Vòng. Đoàn Tử Huyến buồn. Nỗi buồn lặng lẽ, man mác nhưng sâu kín đọng lại trong sự hoài cổ của ông. Ông mê bia. Nhưng cứ phải là bia Hà Nội, bia hơi xịn là khoái nhất. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp ông ở những quán bia vỉa hè dưới một tán cây xanh hay những quán vườn thoáng đãng, không ồn ào xô bồ, nơi còn lưu giữ mong manh một chút gì về Hà Nội, một Hà Nội hơi xưa cũ và yên bình trong kí ức của riêng ông.
Nếu được phép vẽ phác chân dung của ông, chỉ xin được dùng mấy chữ: Dịch giả Đoàn Tử Huyến – uống bia Hà Nội, làm sách Hà Nội để hoài cổ về một Hà Nội...
 
(1)Ông nói thêm: thật buồn khi được nghe những người am hiểu nói rằng tên của cuốn sách “hoành tráng” đó cũng không chuẩn xác. Bìa cuốn sách ghi bằng chữ Hán cùng phiên âm Quốc ngữ là “Thiên tuế tình hoài” rồi dịch là “Ngàn năm thương nhớ”. “Tuế” là tuổi, “tải” mới là năm; muốn nói “Ngàn năm...” thì ít ra phải là “Thiên tải...”.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521446

Hôm nay

2220

Hôm qua

2303

Tuần này

2220

Tháng này

219385

Tháng qua

121009

Tất cả

114521446